Tại sao trẻ cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt vào mùa hè?
Trẻ em có nhu cầu trao đổi chất cao hơn người lớn vì trẻ cần nhiều năng lượng hơn để duy trì các hoạt động hàng ngày. Nhu cầu này lại càng cao hơn trong mùa hè, khi trẻ có rất nhiều thời gian để tham gia những hoạt động ngoài trời, tập luyện thể thao, vui chơi thoải mái.
Tuy nhiên, thời tiết nóng bức lại khiến trẻ dễ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi. Bên cạnh đó, thời tiết nóng ẩm đặc trưng của mùa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật đường tiêu hóa, ngộ độc thức ăn ảnh hưởng đến trẻ. Bên cạnh đó, trẻ em thường xuyên vui chơi, hoạt động ngoài trời vào mùa hè, dẫn đến tình trạng mất nước và điện giải qua đường mồ hôi.
Vậy cha mẹ cần làm thế nào để có một chế độ dinh dưỡng tối ưu cho trẻ trong mùa hè, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển tốt nhất, vừa giải nhiệt cơ thể trong những ngày hè oi ả? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Những nguyên tắc vàng trong chế độ dinh dưỡng mùa hè cho trẻ
Đảm bảo đủ nước
Nước là yếu tố thiết yếu giúp điều hòa thân nhiệt và vận chuyển dưỡng chất đi khắp cơ thể. Trẻ em nên uống nhiều nước, chia làm nhiều lần trong ngày ngay cả khi không cảm thấy khát. Các loại nước trẻ em nên uống bao gồm: nước lọc, nước hoa quả loãng, sữa không đường hoặc các loại chè, canh, … phù hợp với trẻ. Cha mẹ cần tạo thói quen và khuyến khích trẻ uống nước bằng cách cùng uống với trẻ, cho trẻ uống bằng bình đựng/ cốc uống nước có hình dáng ngộ nghĩnh hoặc thêm vài lát trái cây tươi vào nước lọc để tạo hương vị…
Thực đơn cân bằng dưỡng chất
Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất từ đa dạng các nhóm thực phẩm.
- Chất đạm: là thành phần chính để xây dựng và phát triển các tế bào trong cơ thể. Trứng, sữa, thịt cá nạc, các loại đậu là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào có thể sử dụng đa dạng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
- Chất béo: cung cấp năng lượng cho trẻ đồng thời giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu. Ưu tiên các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu mè thay vì mỡ động vật.
- Tinh bột: cung cấp năng lượng chính cho cơ thể trẻ, đặc biệt là trong mùa hè. Nên lựa chọn gạo lứt, bánh mì nguyên cám thay vì cơm trắng để giúp trẻ no lâu hơn và bổ sung hấp thu chất xơ tốt hơn.
- Vitamin và khoáng chất: có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ chống lại các bệnh tật. Trái cây, rau xanh theo mùa là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tuyệt vời.
Ưu tiên chế biến món ăn dễ tiêu hóa
thời tiết nóng bức khiến hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động kém hơn. Khi nấu nướng các món ăn ngày hè, hãy ưu tiên các món ăn chế biến đơn giản, ít dầu mỡ, dễ tiêu hóa như canh rau xanh, cháo, soup, thịt cá hấp, luộc. Tránh đồ chiên rán, thức ăn nhiều gia vị cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.
Chia nhỏ bữa ăn
Thay vì 3 bữa ăn chính thịnh soạn, hãy chia thành 5-6 bữa ăn nhỏ trong ngày, bổ sung them các bữa phụ, bữa ăn nhẹ hoặc ăn giữa bữa. Điều này giúp trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn, đồng thời tránh tình trạng quá no gây gánh nặng cho hệ thống tiêu hóa còn non nớt của trẻ.
Lưu ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Thời tiết nóng ẩm mùa hè là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vì vậy cha mẹ cần đặc biệt chú ý tuân thủ các nguyên tắc vàng về an toàn thực phẩm khi chuẩn bị các bữa ăn cho trẻ. Cha mẹ cần chú ý rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến thức ăn cho trẻ. Khuyến khích và cùng với trẻ tạo lập thói quen rửa tay sạch. Thức ăn thừa cần được bảo quản đúng cách ngay sau khi sử dụng, không nên để trẻ ăn đồ ăn đã nấu quá lâu.
Thực phẩm ưu tiên cho trẻ trong mùa hè
Trái cây: các loại trái cây giàu vitamin C và chất xơ như cam, chanh, bưởi, dưa hấu, xoài, đu đủ… giúp giải nhiệt, cung cấp năng lượng và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Rau xanh: rau xanh chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, hỗ trợ hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Ưu tiên các loại rau có tính mát như rau mồng tơi, rau đay, bí xanh, mướp đắng…
Sữa chua: sữa chua là nguồn cung cấp lợi khuẩn đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Chọn sữa chua ít đường, không chứa các thành phần phụ gia để
Thực phẩm giàu đạm: chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển cơ bắp ở trẻ. Các thực phẩm giàu đạm nên bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ như thịt nạc, thịt gà, cá, trứng, sữa, pho – mai, và các chế phẩm từ đậu nành.
Chất béo lành mạnh: chất béo đóng vai trò cung cấp năng lượng và hỗ trợ hấp thu vitamin tan trong dầu. Các loại thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như dầu olive, dầu cá, bơ, các loại hạt.