Mưa bão là thời điểm tiềm ẩn của dịch bệnh bởi nguy cơ nhiễm khuẩn từ vô số vi khuẩn gây bệnh từ rác, chất thải… có thể hòa vào dòng nước, tạo điều kiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không chỉ đe dọa sức khỏe của trẻ em, mà còn cả người lớn. Bài viết này sẽ giới thiệu các bệnh thường gặp vào mùa mưa cùng với cách phòng bệnh hiệu quả.
Các bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa mưa
1. Cảm lạnh và cảm cúm
Cảm lạnh thông thường (còn được gọi là viêm mũi họng, sổ mũi cấp hoặc cảm lạnh). Nguyên nhân gây nên cảm lạnh thông thường phần lớn là do virus. Người ta cũng hay bị cảm lạnh hơn trong những ngày lạnh và mưa do một số virus gây cảm lạnh xuất hiện theo mùa. Và xảy ra thường xuyên hơn trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt. Chính vì vậy, việc phòng bệnh là rất quan trọng.
Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, rửa tay thường xuyên, ăn uống lành mạnh, và duy trì vận động thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch.
2. Tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng bệnh lý khi có số lần đi tiêu trên 3 lần, phân lỏng toàn nước, có màu vàng, nâu hoặc trắng đục. Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn. Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân chính dẫn tới tiêu chảy cấp trong mùa mưa lũ là do: Vệ sinh kém, thực phẩm bị ô nhiễm, hoặc tại những nơi xảy ra mưa lũ nguồn nước dễ bị nhiễm vi khuẩn tả, vi khuẩn Salmonella, Shigella, lỵ Amip, vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác.
3. Bệnh viêm họng
Là bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng. Nguyên nhân gây bệnh là loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A. Bệnh có thể gây đau khớp, biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim ở trẻ em.
Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, giữ vệ sinh miệng và rửa tay thường xuyên.
4. Bệnh thương hàn
Thương hàn là bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Sốt thương hàn thường xuất phát từ nguyên nhân là ăn phải thức ăn và nước uống bị ô nhiễm. Khi mắc thương hàn, người bệnh thường sốt cao, nhức đầu, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
Ngày nay, cách phòng ngừa bệnh thương hàn hiệu quả là nên chủ động tiêm phòng. Bên cạnh đó nên đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sinh hoạt như sử dụng nguồn nước sạch, ăn chín, uống nước đun sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài…
Giải pháp phòng bệnh vào mùa mưa
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau lũ lụt:
+ Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
+ Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như cloramin B hoặc viên aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử khuẩn nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
+ Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật.
+ Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
+ Trong môi trường úng lụt nên đi ủng để phòng nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh.
+ Cần tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn để phòng nguy cơ sốt rét, sốt xuất huyết.
+ Vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng bệnh.
+ Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa các loại virus gây bệnh truyền nhiễm xâm nhập, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình.