Ngôn ngữ là đặc trưng của xã hội loài người giúp phân biệt giữa con người với các loại động vật khác. Ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt của tư duy nhận thức. Chính vì vậy, ngay từ những tháng đầu đời cần phải chú trọng việc giao tiếp của trẻ thông qua ngôn ngữ nói, hành động phi ngôn ngữ như cử chỉ tay chân, nét mặt, cách trẻ muốn người khác hiểu được những mong muốn của bản thân như đói, đau, buồn, vui…
Để trẻ có thể tự tin giao tiếp với mọi người xung quanh, các bậc cha mẹ cần trang bị cho con những điều sau đây:
1. Phát triển ngôn ngữ nói của trẻ
♦ Ngôn ngữ nói rất quan trọng đối với trẻ trong hoạt động giao tiếp với thế giới xung quanh. Việc dạy trẻ tiếp cận sớm những từ đơn giản, tên của các đồ vật, con vật …xung quanh trẻ sẽ giúp cho trẻ hình thành cho mình nền tảng ban đầu để có thể phát âm những từ ngữ khó hơn sau này.
♦ Người ta thường nói “Câm hay đi liền với điếc” vì vậy dạy trẻ nói sớm cũng là cách phát hiện trẻ có phát triển bình thường về thính giác và khả năng nói của bản thân hay không?
♦ Ngôn ngữ là phương thức biểu đạt của tư duy, có nghĩa trẻ muốn người khác hiểu mình đang nghĩ gì, đang muốn gì thì cần phải thể hiện thông qua lời nói. Muốn ngôn ngữ của trẻ phát triển và biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách chính xác thì ngay từ khi trẻ tập nói cần phải dạy cho trẻ cách nói đủ câu, nói những câu đơn giản có nghĩa.
♦ Khi trẻ muốn nhờ người khác thì cần phải nhắc trẻ nói chứ không được lắc đầu, chỉ tay, cầm tay mà không nói nếu không sẽ hình thành cho trẻ thói quen không tốt.
2. Phát triển ngôn ngữ cơ thể của trẻ
♦ Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng đối với sự tự tin trong giao tiếp của trẻ. Chỉ phát triển ngôn ngữ nói chưa đủ mà cần phải chú trọng đến ngôn ngữ cơ thể của trẻ sẽ giúp trẻ giao tiếp tự nhiên, thoải mái hơn với người khác.
♦ Ngôn ngữ cơ thể như tay, nét mặt khi kết hợp với ngôn ngữ nói sẽ tạo ra sự uyển chuyển, mềm mại, tự nhiên của người nói đối với người đối diện. Khi trẻ nói thì cha mẹ cần hướng dẫn cho con cách nói đúng câu và sử dụng cử chỉ tay chân một cách thoải mái nhất, giống như khi chúng ta đi thì phải vung tay…Ví dụ, khi dạy con kể chuyện thì phải dạy con cách kể đúng ngữ điệu của nhân vật, biểu cảm nét mặt, củ chỉ tay chân phải phù hợp với từng nhân vật.
♦ Khi trẻ phát triển tốt về ngôn ngữ sẽ kích thích sự sáng tạo của trẻ qua việc trẻ đặt ra nhiều câu hỏi, thể hiện những cảm xúc yêu thương, buồn vui một cách rõ ràng.
3. Giúp trẻ tự tin giao tiếp bằng cách tạo ra nhiều cơ hội để trẻ giao tiếp
♦ Muốn trẻ tự tin giao tiếp thì cần phải thường xuyên tạo cho trẻ có môi trường để giao tiếp. Trẻ không thể giao tiếp tốt nếu suốt ngày chơi một mình mà cần phải giao lưu với nhiều người, nhiều môi trường khác nhau.
♦ Khi ở nhà, cha mẹ hãy giành thời gian để nói chuyện cùng với con như dạy con nói đủ câu, câu có nghĩa; đọc chuyện sau đó đặt câu hỏi cho con để con trả lời, hát cùng con, đưa ra nhiều tình huống phản xạ trong sinh hoạt hằng ngày …
♦ Thường xuyên cho trẻ đến những nơi đông người để trẻ có cơ hội được nói chuyện, tiếp xúc với người khác; cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ năng khiếu … để trẻ có nhiều cơ hội vui chơi, thể hiện bản thân trước chỗ đông người.
♦ Để trẻ tự tin đi học mà không sợ hãi, hòa nhập với các bạn hoặc tự tin khi đến môi trường lạ thì hãy tạo nhiều cơ hội để trẻ có thể tiếp xúc sớm với môi trường lớp học, nói cho con biết trước các thông tin về nơi mình sắp đến để trẻ chuẩn bị sẵn tâm lý.
♦ Ngoài ra, người lớn nên lắng nghe những ý kiến của con, sau đó phân tích cho con ý kiến đó đúng hay sai chứ không nên gặt bỏ những điều đó sẽ làm cho trẻ ngại bày tỏ những suy nghĩ, mong muốn của bản thân.