Hiện nay, việc dạy Tiếng Anh cho trẻ đã trở nên vô cùng cần thiết trong thời đại mà Tiếng Anh đã trở thành một thứ ngôn ngữ toàn cầu. Nhận thức được tầm quan trọng đó, bố mẹ nào cũng đã cố gắng trang bị cho con em mình những vốn Tiếng anh cơ bản và tốt nhất.
Một số bí kíp vàng không thể bỏ lỡ khi dạy Tiếng Anh cho trẻ
Học càng sớm càng tốt
Một số phụ huynh ý kiến rằng: “Trẻ con nhỏ biết gì mà học đòi học Tiếng Anh, Tiếng Việt còn chưa sõi…”, nhưng ít ai nhận thức được rằng, đối với trẻ thì Tiếng Việt cũng là ngoại ngữ khi chúng còn nhỏ. Đơn giản bố mẹ cứ đặt con mình vào địa vị một đứa con lai, con sẽ phát triển 2 ngôn ngữ cùng một lúc và đồng đều như nhau, vì bé đã được tiếp xúc với cả hai ngôn ngữ từ khi mới sinh ra.
Học ngoại ngữ càng sớm thì khả năng phát triển ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ lại càng cao. Bên cạnh đó, việc học ngoại ngữ không chỉ giới hạn ở việc giỏi ngoại ngữ đó, mà còn làm trẻ thông minh, phát triển hơn vì đối với trẻ nhỏ, phát triển ngôn ngữ là quan trọng, và ngôn ngữ phát triển làm trẻ nhỏ sẽ khá hơn trong tất cả mọi lĩnh vực khác.
Phân biệt rạch ròi hai ngôn ngữ
Nói về con lai, có những bé nói hai thứ tiếng rạch ròi, không lẫn lộn và tốt như nhau nhưng lại có những bé bị loạn ngôn ngữ, lẫn lộn giữa hai thứ tiếng. Tất cả cũng vì một lý do đơn giản: bố mẹ nói lẫn lộn. Đây là một sai lầm phổ biến của hầu hết các bố mẹ khi dạy Tiếng Anh cho bé.
Nếu bố là người Anh, chỉ nói tiếng Anh với con và nếu mẹ là người Việt, chỉ nói tiếng Việt không thì đứa bé sẽ phát triển được cả hai ngôn ngữ song song, ngược lại nếu cả bố và mẹ dùng cả hai thứ tiếng lẫn lộn ngay từ khi con còn bé thì hậu quả loạn ngôn ngữ là vô cùng cao, vì khi đó não bộ đứa trẻ không phân biệt được hai ngôn ngữ khác nhau, và nó sẽ mất đi khả năng phản xạ cần thiết nhất khi con người cần giao tiếp với nhau: nếu đứa trẻ biết mẹ chỉ hiểu Tiếng Việt, bé sẽ phải tập nói Tiếng Việt để mẹ hiểu được, cũng tương tự như với bố.
Vì vậy, thực sự nếu không đủ điều kiện để phát triển ngôn ngữ từ khi còn rất nhỏ thì hãy đợi con đến 3-4 tuổi và bắt đầu, các con sẽ biết được đấy là ngôn ngữ thứ hai vì Tiếng Việt lúc đó đã khá là phát triển với chúng.
Không nên dịch nghĩa từ cho con
Dịch nghĩa từng từ từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt là một lỗi cơ bản mà hầu như cha mẹ nào cũng mắc phải khi dạy trẻ mầm non học Tiếng Anh. Kiểu dạy này sẽ làm hạn chế khả năng nhận thức bằng Tiếng Anh và khả năng tư duy của trẻ. Việc cha mẹ dịch nghĩa từng từ một cho con sẽ khiến con ghi nhớ một cách máy móc, biết trẻ thành một con vẹt. Hãy để trẻ tự hiểu nghĩa của các từ ngữ bằng khái niệm thay vì dịch từng từ một.
Ví dụ khi bạn nói với con “Apple nghĩa là quả táo” thì có nghĩa là bạn đang cho con học ngoại ngữ như là học ngoại ngữ thực sự, nhưng khi bạn cầm quả táo và nói “Apple”, tường đơn giản nhưng lại khác hoàn toàn. Khi đó, nhìn quả táo, con sẽ bật ra ngay được là “Apple”, tạo điều kiện sau này khi cần dùng ngôn ngữ nào thì bé sẽ phải nghĩ luôn bằng ngôn ngữ đó. Cụ thể như khi bé cần nói “Bé muốn quả táo”, bé sẽ phản xạ và bật ra luôn “I want that apple” chứ không phải bé sẽ phải nghĩ là : “Mình muốn quả táo đó”, phải nói là “Tôi muốn quả táo đó”, tức là “I want that apple” và sau đó thì mới nói ra. Và cũng đừng bao giờ hỏi con: “Quả táo bằng Tiếng Anh là gì con nhỉ?” , thay vào đó, bố mẹ hãy cầm quả táo lên và hỏi: “What is this?”.
Học chuẩn ngay từ đầu
Nếu vốn kiến thức Tiếng Anh của bố mẹ chưa chuẩn, cách phát âm của bố mẹ chưa chuẩn – phát âm theo cách của người Việt mà bố mẹ nghĩ là đúng sẽ khiến trẻ học sai, phát âm sai và rất khó sửa khi trưởng thành. Đây cũng là sai lầm cơ bản mà cha mẹ thường mắc phải khi dạy Tiếng Anh cho trẻ.
Để dạy con phát âm chuẩn, cha mẹ cần có một bộ tài liệu luyện nghe từ chính người bản xứ. Đôi tai trẻ có khả năng nắm bắt ngôn ngữ rất nhạy, vì vậy hãy hướng dẫn con tự nghe và lặp lại những điều con nghe được. Dần dần sẽ tạo thành phản xạ ngôn ngữ, giúp con nghe chuẩn, nói chuẩn và tăng hiệu quả giao tiếp.
Học ngoại ngữ phải kiên trì
Một số bố mẹ cho con đi học nhưng lại sốt ruột muốn biết kêt quả ngay, phải bắt con biết từ này và nói được câu nọ, nhồi nhét vào đầu óc con quá nhiều khiến bé bị quá tải, vô hình chung đã tạo ra sức ép, áp lực khiến trẻ mất đi hứng thú.
Các bố các mẹ nên nhớ nguyên tắc hàng đầu khi dạy trẻ học Tiếng Anh là phải tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, yêu thích một cách chủ động chứ không nên tạo sự căng thẳng hay ép buộc trẻ. Để bé học Tiếng Anh hiệu quả nhất thì cha mẹ phải thật kiên nhẫn giúp đỡ bé trong cả quá trình.
Học dưới nhiều hình thức
Nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng chỉ khi ngồi vào bàn với cả đống sách vở trước mặt mới là học bài. Thay vì ép con ghi chép, học thuộc lòng một mớ từ vựng, ngữ pháp, hãy cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ mới thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Cứ tưởng tượng con bạn ở nước ngoài, bé sẽ giao tiếp với người nước ngoài, xem TV nước ngoài, nghe nhạc nước ngoài,… Vậy nên, hãy dạy Tiếng Anh cho bé bằng cách tạo cho con một môi trường thường xuyên như thế: xem TV, xem phim,đọc truyện Tiếng Anh, nghe nhạc Tiếng Anh; học các bài thơ, bài hát Tiếng Anh, các mẩu truyện ngắn Tiếng Anh; nếu có điều kiện thì hãy cho con tiếp xúc với người bản xứ càng nhiều càng tốt.
Hãy tạo nên một môi trường cả nhà cùng nói Tiếng Anh, cùng học và chơi bằng Tiếng Anh để trẻ có hứng thú, đam mê với ngoại ngữ ngay từ khi còn nhỏ. Đó sẽ là hành trang giúp con thành công khi trưởng thành.