- Trong một cuộc khảo sát mới đây của Đại học Sydney (Australia) ở 1.492 học sinh tiểu học, các nhà khoa học phát hiện khi các em xem tivi hay ngồi trên máy vi tính hàng giờ, nhiều em sẽ bị hẹp mạch máu võng mạc, một dấu hiệu cảnh báo sớm về nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở trẻ em và huyết áp cao.
Tuy nhiên, nếu các em chỉ xem tivi hay chơi máy tính mỗi ngày dưới một giờ thì không xuất hiện các nguy cơ nói trên. Khi tiến hành nghiên cứu, các bậc phụ huynh đã trả lời phiếu điều tra cho biết rõ lượng thời gian con cái xem tivi, chơi game, đọc sách và tham gia các hoạt động thể chất trong nhà và ngoài trời.
Sau đó, các em được chụp ảnh kỹ thuật số các mạch máu võng mạc và tính toán kích thước của mạch máu. Các em cũng được đo chiều cao, cân nặng, chỉ số trọng lượng cơ thể và đo huyết áp, các nhà khoa học phát hiện bình quân mỗi ngày trẻ xem tivi hay chơi máy vi tính 1,9 giờ, song chỉ có 36 phút hoạt động thể chất, với động mạch võng mạc hẹp đến 2,3 micron.
Tuy nhiên, ở những trẻ thường tham gia hoạt động thể chất ngoài trời thì không gặp hiện tượng trên, nên cũng không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhiều kết quả nghiên cứu đã khẳng định về nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khi xem ti vi quá nhiều, lên tới 18% cho mỗi tiếng mà trẻ ngồi trước màn hình nhỏ.
Giảm khả năng tập trung, chú ý
Khi trẻ sử dụng nhiều các thiết bị điện tử như: máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy vi tính, ti vi... sẽ dẫn đến rối loạn khả năng chú ý và nhận thức, không tập trung, các rối loạn này nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thời điểm phụ huynh cho trẻ sử dụng.
Bên cạnh đó, tâm tính của trẻ cũng có nhiều thay đổi, dễ cáu gắt, gây hấn với cha mẹ, trẻ chỉ chú ý vào các thiết bị này và thờ ơ với xung quanh.
Tăng nguy cơ béo phì
Xem ti vi, máy vi tính... nhiều sẽ làm tăng nguy cơ béo phì do trẻ lười vận động. Ngồi hàng giờ liền trước màn hình ti vi sẽ làm chậm khả năng trao đổi chất của cơ thể, khiến chất béo được dự trữ nhiều hơn thay vì bị đốt cháy.
Dấu hiệu cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ
Khi trẻ sử dụng nhiều thiết bị thông minh và xuất hiện các biểu hiện sau thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
Trẻ thường xem với khoảng cách gần, thường xuyên dụi mắt, chảy nước mắt, rất nhạy cảm với ánh sáng, nheo mắt, lé mắt. Khi đọc phải lấy viết dò từng hàng, hay nghiêng đầu sang một bên, ngủ ít, hay giật mình, não bộ căng thẳng dẫn đến mạch đập nhanh, tim phải co bóp nhiều hơn...
Đối với trường hợp trẻ bị nặng cần có các xét nghiệm cận lâm sàng cũng như đo điện não đồ để phát hiện các sóng thần kinh cục bộ, từ đó có những phương pháp điều trị tích cực và hiệu quả.
Nên quy định giờ xem cho trẻ
Để hạn chế nguy cơ các bệnh lý do sử dụng các thiết bị thông minh, các bậc phụ huynh cần quy định giờ xem cho trẻ. Đối với trẻ từ 0-3 tuổi chỉ cho trẻ xem 1 giờ/ngày và không quá 2 giờ mỗi ngày đối với trẻ từ 3-5 tuổi. Phụ huynh cũng nên xem ti vi cùng con để chọn chương trình phù hợp cũng như đặt những câu hỏi nhằm kích thích tư duy giúp trẻ phân biệt đúng sai và thu nhận những lợi ích mà ti vi mang lại.
*****Bên cạnh đó cần cho trẻ tham gia các trò chơi vận động như: võ thuật, bơi lội, múa, hội họa... sẽ giúp trẻ không còn nhiều thời gian dành cho các thiết bị thông minh và mang lại sức khỏe, thể trạng tốt cho trẻ.