Đức tính tự lập là một đức tính quan trọng của con người. Ở các nước tiên tiến họ giáo dục trẻ em tự lập từ khi còn rất nhỏ. Để khi lớn lên trẻ có thể đối diện được những khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời trẻ biết tự xây dựng cuộc sống cho bản thân mình. Không ỷ lại, không đổ thừa, không có sự trách móc lên người khác. Để trẻ ý thức được rằng mỗi hành động của mình, trách nhiệm luôn thuộc về bản thân mình.
Trong giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi trẻ đã bắt đầu nhận thức được những sự việc và những lời nói cử chỉ của người lớn nhưng nhận thức này mang tính vô thức, tức là trẻ sẽ bắt chước theo một cách vô thức mọi sự việc diễn ra xung quanh. Vì vậy để trẻ có ý thức tự lập thì cần phải có phương pháp. Sau đây là 5 phương pháp giúp trẻ mầm non tự lập trong môi trường gia đình và môi trường giáo dục sư phạm mầm non
Chuẩn bị trước không gian
Cha mẹ nên tạo “môi trường an toàn để trẻ có thể tự do sáng tạo, mắc lỗi và bày bừa”. Đây là một cách để khích lệ trẻ tự lập, trong khi cha mẹ vẫn giữ sự ôn hòa.
Để con có thể luyện một vài kỹ năng, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con dễ dàng thực hiện. Chẳng hạn để quần áo, giày dép, đồ chơi, dụng cụ ở nơi bé dễ dàng lấy và cất đi được. Hoặc tạo cho bé một không gian để thoải mái vui chơi, đọc sách hay làm mọi điều bé muốn. Mua những chiếc giỏ, thùng để đồ… để bé dễ dàng lấy và cất dọn khi chơi xong.
Cần tạo cho bé những yếu tố để nuôi dưỡng tính tự lập gồm “sở hữu riêng, dễ sử dụng, trong tầm với”. Chẳng hạn, trong lớp học, chúng ta để những cái chổi và đồ hót rác nhỏ để quét dọn, nên đánh dấu bằng mã màu sắc để trẻ hiểu cái nào dành cho sàn nhà, cái nào để làm sạch giá, bàn. Bình nước nên đặt trong tầm với để trẻ tự rót nước…
Khen ngợi nỗ lực của trẻ
Cha mẹ nên ngợi khen khi trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bé sẽ muốn giúp nhiều hơn, làm nhiều hơn. Rồi thậm chí cha mẹ có thể giao cho bé nhiệm vụ có độ khó tăng dần lên.
Phân công việc nhà
Muốn dạy tính tự lập cho trẻ, hãy để bé làm việc nhà. Cần thực hiện điều này ngay cả khi bạn có người giúp việc. Nên phân công cho trẻ mầm non vài việc đơn giản mà bạn biết trẻ có thể làm, như mang chén đĩa dơ ra bồn rửa sau khi ăn xong, đem quần áo thay ra đến khu vực giặt. Việc nhà cho trẻ nên là việc trẻ đã thấy người lớn làm, như thế bé sẽ cảm thấy mình thực sự đã giúp ích.
Để trẻ tự hoàn thành phần việc của mình
Một trong những cách khích lệ tính tự lập là để trẻ tự hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chẳng hạn, khi có thể an tâm về việc đóng mở nguồn nước (4 – 5 tuổi trở đi/hoặc nếu bé có anh chị lớn hơn có thể giúp đỡ), cha mẹ có thể để trẻ tự tắm và mặc quần áo. Thực tế các bé cũng rất hứng thú khi được tự mình làm một số việc, cho dù ban đầu việc thực hiện với bé không dễ dàng. Nhưng sau đấy, cha mẹ có thể thấy bé tự hào về thành quả mình đạt được như thế nào.
Làm mẫu
Cha mẹ đừng quên vai trò quan trọng của việc làm mẫu và hướng dẫn trẻ, đặc biệt với những nhiệm vụ chúng ta muốn con tự mình làm. Hãy làm mẫu cho trẻ thấy, đồng thời diễn giải cách thực hiện như thế nào, từng bước một. Các cô giáo có chuyên môn sư phạm mầm non hãy áp dụng những kiến thức mà mình được học để dạy dỗ trẻ bằng những bài tập, những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.