Với những trẻ phá !important;t triển bình thường cả thể chất và tinh thần, việc ăn uống, học tập hay hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, những trẻ không may mắc phải chứng tự kỷ thường co mình trong không gian riêng, vui chơi giải trí hay vận động thể thao và cả tình cảm yêu ghét đầu là rào cản lớn các bé khó có thể tự mình vượt qua.
Tự kỷ thường được phát hiện trong 3 năm đầu đời, đây là loại khuyết tật do rối loạn hệ thần kinh, gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, bệnh không chừa bất kỳ ai. Người mắc phải loại bệnh này sẽ bị các chứng bất thường đeo đẳng suốt cuộc đời nếu không được hỗ trợ, can thiệp sớm.
Tại Việt Nam, đến nay chưa có thống kê cụ thể về số người mắc bệnh tự kỷ, nhưng ngày càng nhiều bệnh nhi phải tìm đến các bác sĩ tâm lý, chuyên gia tư vấn hỗ trợ. Thực tế cho thấy, hệ thống các trường chuyên biệt dành cho nhóm trẻ tự kỷ đang mọc lên ngày càng nhiều trước nhu cầu cần hỗ trợ của phụ huynh có con em không may bị bệnh. Từ năm 2013, mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam (Vietnam Autism Network) cũng đã được thành lập.
Với mục tiêu giúp trẻ phát triển các kỹ năng, ngày 3/6 lần đầu tiên tại TPHCM mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam đã tổ chức Hội thao dành riêng cho trẻ tự kỷ đến từ các trường chuyên biệt trên địa bàn thành phố. Tại đây, trẻ được thi đấu các môn bơi, chạy, nhảy bao bố, kéo co và trò chơi khác như bò qua dây, đập bóng, nhảy cặp, tô, vẽ, tranh cát, xâu vòng, nặn sáp, xem biểu diễn ảo thuật, giao lưu với người nổi tiếng…
Bà Phạm Thị Kim Tâm, Phó Chủ tịch Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam chia sẻ, với những trẻ bình thường, các cháu có thể đạt được những kỹ năng sống rất dễ dàng, nhưng với trẻ tự kỷ, các cháu cần nhiều thời gian và nỗ lực mới đạt được những thành tích nho nhỏ. Bên cạnh việc học tập, vui chơi thể thao là hoạt động rất cần thiết để trẻ tự kỷ có điều kiện rèn luyện kỹ năng vận động, kỹ năng sống, vượt qua những rào cản của chính mình, nâng cao giá trị bản thân. Đây cũng là hoạt động giúp cộng đồng có cái nhìn thân thiện với trẻ, tạo điều kiện cho các bé tự tin hòa nhập cộng đồng, tránh sự kỳ thị xa lánh.