Bước vào năm học mới cũng là mùa lạnh, trẻ phải học tập nhiều hơn, nhiều thói quen phải thay đổi chuẩn bị về dinh dưỡng, thể chất và tăng cường sức khỏe trước những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ.
Việc có đầy đủ những hành trang sách vở, đồ dùng học tập cho con khởi đầu 1 năm học mới thôi là chưa đủ. Cuộc sống hiện đại và kiến thức ngày càng nhiều yêu cầu cao từ con những kỹ năng sống, chuẩn bị sức khỏe và dinh dưỡng rất quan trọng.
Để trẻ khỏe mạnh bước vào năm học mới, cha mẹ cần chú ý rằng:
- Cùng con học kiến thức mới: Nhiều chuyên gia y tế cho rằng những căng thẳng khi phải tiếp thu kiến thức mới, môi trường lạ làm tuyến thượng thận của trẻ tăng tiết chất cortisol là chất gây căng thẳng (stress) và làm giảm sức đề kháng còn non yếu của trẻ.
Trẻ em ở độ tuổi đi học dành 70% thời gian ở lớp học. Một giáo viên bình thường có khoảng 180 ngày để tương tác với một đứa trẻ mà thời gian đó lại được chia đều cho 20 đến 30 đứa trẻ khác. Vì vậy cha mẹ vẫn là người giáo viên chính dạy cho con cả về học tập và nhiều điều trong cuộc sống. Phụ huynh vừa đồng hành cùng con trong học tập và chuẩn bị kiến thức, kết hợp những cách học bài lý thú chắc chắn sẽ giúp con tự tin đến trường, ham học hỏi và giao lưu bạn bè nhiều hơn.
- Chuẩn bị dinh dưỡng giai đoạn mới cho con: Sắp chuẩn bị bước vào năm học mới, tâm lý các mẹ luôn muốn con có đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, trong đó cân đối các bữa ăn với đủ chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất, trái cây tươi, sạch… góp phần vào việc tăng cường sức đề kháng. Quá trình học tập đòi hỏi trẻ phải vận dụng nhiều đến trí óc và giai đoạn này cũng là giai đoạn vàng để trẻ phát triển chiều cao, thể chất. Do đó, phụ huynh cần bổ sung dinh dưỡng giúp bổ não, tăng cường trí nhớ bằng thực phẩm hữu ích, tăng cường trí não cho trẻ là cá, trứng, thịt, tôm, uống 2 ly sữa không đường, ăn rau xanh, quả chín, uống đủ nước, không nên ăn quả quá ngọt, không uống nước ngọt có ga, không ăn bim bim...
- Những bệnh lý nào trẻ thường gặp: Con trẻ dễ dàng bị tấn công bởi virus, vi khuẩn tiềm ẩn ở môi trường xung quanh hoặc lây nhiễm bệnh từ các bạn trong lớp. Các bệnh hay gặp nhất là viêm đường hô hấp và tai - mũi -họng như cảm cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm tai giữa… Bảng, phấn, giẻ lau và thói quen quẹt mũi, cắn móng tay, bốc thức ăn mà không rửa tay, hoặc rửa tay không có xà phòng… rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Thói quen ăn quà vặt ngoài cổng trường dễ làm trẻ bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Ốm, sốt kéo dài và tái đi tái lại tạo thành vòng luẩn quẩn với biếng ăn và suy dinh dưỡng. Bé có thể bị sút cân không phục hồi được sau thời gian dài thường xuyên bị nhiễm bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc hạ sốt an toàn nhất cho trẻ nhỏ là paracetamol, phụ huynh cần chú ý kỹ cách sử dụng paracetamol cho trẻ nhỏ:
- Nên dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C
- Liều dùng phải tính chính xác theo cân nặng: Từ 10 – 15mg paracetamol cho 1 kg thể trọng của trẻ (Ví dụ bé nặng 5 kg cần dùng từ 50mg đến 75mg là tối đa). Nếu quá liều dùng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, còn ít hơn thì không hạ được sốt!
- Mỗi lần uống thuốc hạ sốt cách nhau từ 4-6 tiếng, sau khi uống thuốc chừng 30 phút nếu trẻ chưa hạ sốt thì cũng không được uống thêm thuốc mà phải chườm mát vào trán, lòng bàn tay, chân.
|
Giúp con cải thiện sức đề kháng - giúp con khỏe mạnh năm học mới
Để phòng chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, điều quan trọng các cha mẹ nên làm là tăng cường hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng của trẻ.
- Rèn thói quen rửa tay, vệ sinh của trẻ: Dạy trẻ rửa tay thường xuyên trong ít nhất 20 giây bằng nước ấm và xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh. Luôn rửa tay sau khi đi vệ sinh, tập thể dục, sau mỗi giờ ra chơi, trước khi ăn và sau mỗi giờ học có sử dụng phấn viết bảng, đất sét hay giờ học thủ công.
- Cho trẻ vận động thể lực và tập thể dục nhiều hơn: trẻ vui chơi ngoài trời, tham gia một số hoạt động thể dục thể thao vừa giúp phát triển thể lực và chiều cao tốt hơn vừa là cách tăng cường sức khỏe tổng quát và có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch của trẻ.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý: ngoài nhóm thực phẩm cải thiện vóc dáng và IQ cho trẻ, những thực phẩm giúp tiêu hóa tốt, giàu kẽm như: Thịt bò, thị lợn, hàu, tôm, hạt điều, hạt bí ngô…không chỉ giúp cơ thể tạo ra protein và ADN, giúp hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn và virus.
Cho thêm tỏi, trái cây có múi như cam, quýt, bưởi… cung cấp nhiều vitamin C vào các món ăn mỗi ngày là cách dễ nhất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống nhiễm trùng mạnh cũng như giảm viêm, ngăn ngừa nhiễm khuẩn và phòng ngừa mắc các bệnh truyền nhiễm.