Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Tuyên truyền để ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao là một giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai.
Hiện nay, cuộc sống đang phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, đối lập với nó, tình trạng ô nhiễm môi trường lại có những diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ của riêng một vùng nào, mà ở khắp nơi, cả nông thôn, thành thị, miền núi, miền biển, cả các nguồn nước và không khí…. Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo vệ môi trường, ở nước ta, 70% các dòng sông, 45% vùng ngập nước, 40% các bãi biển đã bị ô nhiễm, hủy hoại về môi trường; 70% các làng nghề ở nông thôn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng nước biển xâm nhập vào đất liền; đất trống, đồi núi trọc và sự suy thoái các nguồn gien động thực vật đang có chiều hướng gia tăng là hệ quả của việc hủy hoại môi trường. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội.
Để khắc phục những hậu quả trên phải cần một thời gian dài, liên tục, ngay từ bây giờ và tốn kém nhiều công sức và tiền của. Do đó, bảo vệ môi trường nên bắt đầu bằng việc tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của nhân dân là một vấn đề cốt lỗi.
Ngày nay việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển đang trong tình trạng báo động. Môi trường biển lâu nay đang có sự “ô nhiễm” mà đối tượng gây ô nhiễm môi trường biển không ai khác chính là con người chúng ta. Thế nhưng, một số người lại dửng dưng làm ngơ, quên đi và thậm chí là không hay biết. Chính những thành phần này cũng thể hiện ý thức rất kém trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường biển và xung quang khu vực biển.
Dẫu biết rằng,việc tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp ở bất kì nơi đâu đã được trang bị và thông tin. Song, ở những khu vực nuôi thủy sản (ốc hương) người dân xả rác thải sinh hoạt xuống biển một cách tùy tiện hay khi ốc chết lại đổ ngay bờ đìa hay đào hố tại chổ để chôn hoặc ở bãi biển nhất là khi chúng ta có dịp ghé thăm thì không khó để nhận thấy những cảnh tượng du khách tự do xả rác thải ngổn ngang trên bãi biển một cách thiếu ý thức, thậm chí những hình ảnh này còn mang tính chất rất phổ biến. Nguyên nhân của những hành động thiếu ý thức đó là do thói lười biếng, lối sống ích kỷ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Đa số mọi người nghĩ rằng, những nơi công cộng không phải nhà mình, vậy thì việc gì mà phải mất công giữ gìn, đã có đội lao công dọn dẹp hay suy nghỉ một cách thiển cận rằng thải xuống biển thì biển cuốn đi không tồn đọng chổ mình ở là được. Cách suy nghĩ như vậy thật đáng chê trách. Một nguyên nhân nữa là do thói quen vứt rác bừa bãi đã có từ lâu, khó sửa đổi khi ở nhà cũng như ở các nơi công cộng. Mặc dù, địa phương đã tuyên truyền, vận động, hợp đồng với người lao động thu gom rác vào những buổi sáng hay có những buổi lao động công ích từ các ban, ngành, đoàn thể của địa phương nhưng vẫn không thể nào giữ cho môi trường biển luôn trong - sạch - đẹp. Đây chỉ là những ví dụ điển hình, bề nổi đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến môi trường biển thời gian gần đây, trên thực tế có những hoạt động của chúng ta vì nhiều lý do vô tình hay cố ý cũng đã ảnh hưởng đến môi trường biển.
Vệ sinh môi trường biển là một trong những vấn đề cần được đưa ra giải quyết hiện nay. Vì vậy khi có tham gia nuôi trồng thủy sản hay có dịp đi tham quan, đi tắm biển mà chúng ta có mang theo đồ ăn hãy có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường biển của mình. Mỗi người hãy tự thực hiện dọn dẹp, thu gom rác và vệ sinh toàn bộ những thứ do mình thải ra. Hãy có ý thức chấp hành tốt, không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định,… Nhiều người có ý thức đẹp sẽ tạo thành một nét văn hóa đẹp. Chung tay cùng nhau, chúng ta tạo nên một môi trường biển trong – xanh – sạch – đẹp.