Các bé mới đi học đều có những biểu hiện tương tự như nhau, tùy thuộc từng trường hợp sẽ biểu hiện ở những mức độ khác nhau, ví dụ như quấy khóc, chán ăn, thay đổi thói quen, e dè hơn, bám mẹ hơn, vv... Những biểu hiện đó không đáng lo ngại và có thể được giảm đến mức tối đa nếu như cha mẹ áp dụng một số kinh nghiệm hữu ích, giúp trẻ vượt qua giai đoạn căng thẳng này.
1. Chuẩn bị tâm lý Có những bé vì điều kiện gia đình không có người ở nhà trông nom, có những bé thì đã đến tuổi phải đi học, có những bé được người nhà trông nhưng cha mẹ vẫn cho đi học vì nghĩ đến trường sẽ tốt hơn cho bé. Dù ở trường hợp nào thì cha mẹ cũng nên chuẩn bị tâm lý vững vàng. Trước hết cha mẹ hãy chuẩn bị tâm lý cho chính mình và cả ông bà của bé. Mẹ là người hiểu rõ trẻ hơn ai hết, nếu mẹ thấy thời điểm đi học đã đến thì hãy thuyết phục những người trong gia đình, và hãy quyết tâm làm điều đó. Không chỉ trong việc cho trẻ đi học mà bất cứ việc dạy dỗ nào cũng cần sự đồng lòng, nhất quán và cương quyết của mọi thành viên trong gia đình. Tiếp sau là chuẩn bị tâm lý cho trẻ. Hãy bắt đầu bằng việc trò chuyện với bé về việc đến trường có cô giáo, có bạn thông qua phim hoạt hình, sách truyện, tranh ảnh và thông qua ví dụ thực tế của anh chị, những người xung quanh bé. Mẹ đừng nghĩ bé còn nhỏ quá để hiểu, như vậy là mẹ đã đánh giá thấp bé rồi. Trò chuyện với bé mỗi ngày để chuẩn bị tâm lý có lẽ là cách hiệu quả và dễ dàng nhất. Mẹ hãy nói với bé những điều tốt đẹp về trường lớp, cô giáo, bạn bè, những đồ chơi hấp dẫn, giúp bé biết rằng những thứ tốt đẹp và những thứ bé yêu thích ở nhà thì ở trường lớp cũng có.
2. Rèn luyện thói quen Bé đi học sẽ phải tuân thủ theo thời khóa biểu ở trường do đó cha mẹ nên tham khảo lịch sinh hoạt ở trường trước và cố gắng rèn cho bé theo giờ giấc đã đề ra. Ví dụ có những bé dưới 2 tuổi thường có giấc ngủ buổi sáng lúc 10g, mẹ có thể giúp bé tỉnh bằng cách cho bé đi dạo chơi bên ngoài, hoặc cho bé ăn trưa sớm hơn để bé có thể ngủ trưa sớm thay vì ngủ 2 giấc ban ngày. Việc ngủ sớm buổi tối và dậy sớm buổi sáng sẽ rất quan trọng, giúp bé theo được lịch sinh hoạt mới. Điều chỉnh được lịch sinh hoạt của bé sẽ mất nhiều thời gian nên cha mẹ không nên nóng vội với hi vọng đạt kết quả ngay. Các bé cũng nên được rèn để chủ động khi đi vệ sinh và đi đúng nơi quy định. Bé bỏ được thói quen dùng bỉm trước khi bắt đầu đi học là tốt nhất. Với các bé đã biết nói, cha mẹ nên rèn cho bé thói quen bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình, trò chuyện cởi mở với những người xung quanh, như vậy bé sẽ dễ dàng tâm sự với người lớn những điều xảy ra ở lớp. Bé có thể tự xúc ăn được là một điểm cộng cho hành trang chuẩn bị đi học.
3. Thăm và làm quen trường mới Để bé hình dung tốt nhất về môi trường mới, cha mẹ nên cho bé đến thăm một trường mà cha mẹ đã xem xét và dự định chọn cho con. Hãy dành cho bé một khoảng thời gian hàng ngày đến trường và chơi cùng các bạn, để bé quen mặt cô, quen mặt các bạn. Hãy giới thiệu với bé về trường mới, tên các cô, tên các bạn, và những điều thú vị về ngôi trường mới. “Mưa dầm thấm lâu”, bé được đến thăm trường nhiều lần sẽ cảm thấy gần gũi với môi trường mới và tạo dựng thói quen hàng ngày đến trường cho bé.
4. Chuẩn bị hành trang cho bé Mẹ nên chuẩn bị cho bé nhiều quần áo trong vài tuần đầu đi học. Bé có thể chưa quen với việc đi vệ sinh ở nơi mới và có thể làm bẩn quần áo. Bé cũng có thể nôn chớ khi ăn, hoặc ra mồ hôi nhiều khi chạy chơi. Quần áo đi học nên rộng rãi thoải mái để cô dễ dàng thay và bé dễ dàng hoạt động như chạy nhảy, ăn uống, đứng lên ngồi, đi vệ sinh. Bé sẽ ở trường 8 - 9 tiếng đồng hồ nên quần áo chật và dày sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt. Ở trong lớp thường ấm nên bé không cần mặc quá nhiều quần áo vào mùa đông. Mẹ cũng nên chuẩn bị thêm cho bé cả khăn để cô giáo thấm mồ hôi lưng. Mẹ hãy mang theo chăn và gối quen thuộc của bé để dùng ở lớp, như vậy bé sẽ cảm thấy thân quen như ở nhà. Một món đồ chơi bé yêu thích cũng sẽ giúp ích.
5. Xây dựng tình cảm tốt đẹp giữa bé và trường mới Cha mẹ hãy giúp bé xây dựng tình cảm tốt đẹp với cô giáo, thường xuyên nhắc đến cô như một người thân. Lúc ở nhà không nên dọa dẫm con về trường lớp, cô giáo, ví dụ như: “Nếu con hư mẹ sẽ cho con đến lớp”, hoặc “Nếu con không chịu ăn mẹ sẽ gọi mách cô”. Lấy trường lớp như là một hình phạt sẽ khiển bé thấy sợ đi học. Mẹ nên thường xuyên hỏi han, tâm sự với con về trường lớp, bạn bè, cô giáo, và các hoạt động con làm ở lớp. Mẹ cố gắng nhớ tên một vài người bạn ở lớp con để trò chuyện một cách dễ dàng và gần gũi với con hơn.
6. Trao đổi thường xuyên với cô giáo Bé là một thành viên mới trong lớp nên cô giáo rất cần càng nhiều thông tin về bé càng tốt. Cha mẹ nên cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe, sở thích, thói quen, tính cách, đồ ăn dị ứng của bé cho cô giáo. Nắm được đầy đủ thông tin đó cũng sẽ giúp cô làm quen, trò chuyện, chăm sóc và gần gũi với bé một cách dễ dàng hơn. Nhất là vào những hôm sức khỏe bé có thay đổi, việc dặn dò cô giáo để ý, theo dõi bé là rất cần thiết. Cuối ngày, cha mẹ cũng nên hỏi han về tình hình của bé ở lớp, xem bé ăn uống, vệ sinh, học tập và vui chơi ở lớp có tốt không. Hiện nay, ở một số trường tư thục chất lượng cao đã lắp đặt hệ thống camera để tiện quan sát hoạt động của trẻ ở lớp nên cha mẹ đã có thể yên tâm hơn. Gia đình xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp và gần gũi với giáo viên cũng là động lực để bé thêm yêu mến trường lớp.
7. Chăm sóc sức khỏe Bé đi học là đến một môi trường hoàn toàn mới, tiếp xúc mới những người mới. Bé sẽ có một số biểu hiện thay đổi tâm sinh lý như quấy khóc, dễ bị cảm sốt, hay mè nheo, quấn cha mẹ nhiều hơn, đêm ngủ giật mình. Cha mẹ không nên thấy vậy mà lo lắng thái quá. Hãy tiếp tục theo dõi biểu hiện của bé. Có những bé phải mất cả tuần, có những bé cần 2 tuần hoặc 1 tháng để thích nghi và làm quen với môi trường mới. Nếu cha mẹ thực sự tin tưởng vào ngôi trường và giáo viên mình đã chọn lựa cho con thì hãy kiên trì và cương quyết, đừng vì thấy bé khóc nhiều mà cha mẹ cũng mủi lòng theo. Cha mẹ phải cố gắng cho bé đi học đều, để bé hiểu rằng việc đi học là một điều bắt buộc chứ không phải là lựa chọn. Viêc đi học trở lại sau một kỳ nghỉ dài sẽ vất vả cho cả cô và mẹ y như lần đầu đến trường. Nếu bé ốm mà không sốt thì cha mẹ hoàn toàn có thể gửi thuốc đến nhờ cô cho uống vì đi học sẽ giúp bé ăn uống và sinh hoạt điều độ hơn ở nhà. Cha mẹ nên chăm sóc bé bằng cách bổ sung thêm lúc ở nhà những món ăn khoái khẩu của bé vì có thể ở lớp chưa chắc bé đã được ăn món đó, uống thêm sữa hoặc ăn thêm bữa phụ, uống nhiều nước sau khi đi học về vì ở lớp bé hoạt động nhiều nên có thể nhanh đói và mất nước hơn. Mẹ cũng nên cho bé uống bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất để bé có đầy đủ dưỡng chất và tăng sức đề kháng.