Mùa hè nắng nóng là lúc tụi trẻ con thường xuyên được ba mẹ cho đi bể bơi vầy nước, học bơi… Nhưng bể bơi đang tiềm ẩn những mầm bệnh gì, trẻ con mấy tuổi thì được cho đi bơi,… ? Liệu mẹ đã biết ?
Đi bơi được xem là cách giúp giải nhiệt hiệu quả trong những ngày nắng nóng, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nhiều cơ gây hại cho sức khỏe của bạn.
Đắm mình trong làn nước mát của hồ bơi chắc hẳn bạn không thể biết mình đang phải đối mặt với những mầm bệnh và hóa chất độc hại như thế nào. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Bệnh ngoài da
Những bể bơi công cộng ngoài trời được xem là một cái ổ giúp vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Vì thế nếu bể bơi có quá nhiều người và không thực hiện nghiêm ngặt các quy trình xử lý nước sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nươc. Khi nồng độ vi khuẩn vượt quá mức cho phép sẽ gây ra các phản ứng viêm trên da của người bơi điển hình như mẩn đỏ, ngứa, viêm nang lông, xuất hiện mụn nước. Chưa kể đến việc trong số những người đi bơi có thể có người mắc các bệnh ngoài da. Và trong môi trường nước sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, các bệnh như nấm da rất dễ lây truyền tại các bể bơi bởi nấm có thể bám vào quần áo hay kính bơi của tất cả mọi người.
Bệnh về mắt
Khi bơi các bộ phận trên cơ thể đều phải tiếp xúc với nước, nhưng mắt là bộ phận cực kỳ nhạy cảm luôn cần phải bảo vệ. Nếu bạn không đeo kính bơi để bảo vệ thì mắt có nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh là rất cao. Đặc biệt căn bệnh dễ lây nhất là đau mắt đỏ do tiếp xúc với vi khuẩn qua nước hồ bơi.
Bệnh đường tiêu hóa
Vào mùa hè các hồ bơi công cộng đều hoạt động hết công suất, mở cửa từ sáng đến tối. Do đó, nếu việc quản lý chất lượng nguồn nước không nghiêm ngặt và tuân thủ theo các quy định xử lý nước thì hậu quả sẽ khiến cho các loại vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại gây bệnh cho người đi bơi. Trong đó có vi khuẩn E.coli, ký sinh trùng Cryptosporidum sp, ký sinh trùng Gaiardia lamblia là tác nhân gây ra bệnh rối loạn tiêu hóa có thể tồn tại rất lâu trong môi trường nước. Như vậy, khi bơi nếu không may bạn nuốt phải vài ngụm nước hồ bơi vào miệng thì nguy cơ mắc các đường tiêu hóa rất cao.
Bệnh tai mũi họng
Khi đi bơi bạn rất dễ mắc các bệnh tai, mũi, họng nếu nước hồ bơi không được xử lý sạch sẽ. Môi trường trong tai, mũi, họng là vô trùng, chỉ có rất ít các vi khuẩn trú ngụ nhưng không gây bệnh. Và nếu trong quá trình bơi bạn không may để nước bể bơi lọt vào trong tai, mũi, họng thì nguy cơ vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào bộ phận này là rất cao. Khiến cho các bạn đối mặt với nguy cơ bị viêm họng cấp, viêm mũi, hay viêm tai giữa gây giảm thính lực.
Nguy cơ nhiễm độc từ hóa chất khử trùng ở bể bơi
Hiện nay để tiết kiệm chi phí xử lý nguồn nước nhiều bể bơi lạm dụng hóa chất khử trùng để làm sạch nước. Các hóa chất khử trùng như clo được khuyến cáo sử dụng trong bể bơi nhưng chỉ được dùng với liều lượng vừa phải. Nếu lạm dụng clo sẽ khiến cho người bơi đứng trước nguy cơ nhiễm độc hóa chất với biểu hiện ban đầu là gây kích ứng da, gây ngứa mắt, đỏ mắt… Nếu bị nhiễm nặng sẽ gây kích ứng hô hấp: ho, hắt hơi, thở khò khè, có thể kích thích cơn hen phế quản…gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, khi đi bơi nếu bạn thấy nước xanh lạ thường và có mùi hắc thì không nên bơi vì rất có thể hồ bơi đang chứa lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép.
Bơi là sở thích của nhiều người trong mùa hè, tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Các bạn nên chọn những hồ bơi có nguồn nước sạch và không quá đông người, không bơi khi bạn đang mắc bệnh ngoài da, truyền nhiễm, trang bị đầy đủ kính, mũ bơi. Và đặc biệt sau khi bơi phải tắm sạch sẽ, dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt, tai, mũi, họng.