Hãy dán danh sách số điện thoại khẩn cấp ở nơi bé dễ dàng nhìn thấy, dự trữ sẵn bộ đồ sơ cứu trong nhà... là những việc bạn nên làm nếu định để con ở nhà một mình.
Đa số quốc gia đều chưa có luật xác định bắt đầu từ độ tuổi nào thì cha mẹ hay người giám sát được phép để bé ở nhà một mình. Quyết định để đứa trẻ ở nhà một mình nên được thực hiện dựa trên những cơ sở cá nhân: sự trưởng thành và mức độ thoải mái của trẻ. Tuy nhiên, nhìn chung không nên để trẻ dưới 8 tuổi ở nhà một mình vào bất kỳ khoảng thời gian nào.
Những em bé ở nhà một mình phải cầm chìa khóa để có thể mở cửa vào nhà. Đây là trách nhiệm lớn đối với trẻ, và cha mẹ phải chuẩn bị đầy đủ cho bé. Trước hết, bạn cần bắt đầu bằng việc cho phép đứa trẻ ở nhà một mình trong khoảng thời gian ngắn, có thể là 15-20 phút để chúng dần quen với tình trạng này. Nếu bé tỏ ra thoải mái và có thể làm tốt việc ở nhà một mình, bạn có thể dần dần tăng thời gian lên đến 1-2 giờ cho những đứa trẻ dưới 12 tuổi.
Dưới đây là những hướng dẫn an toàn dành cho cha mẹ:
1/ Dán danh sách số điện thoại khẩn cấp, bao gồm số điện thoại của các thành viên trong gia đình, những người hàng xóm và bạn bè đáng tin cậy, cả số của những nhân viên cấp cứu.
2/ Hãy chắc chắn rằng con bạn biết rõ số điện thoại và địa chỉ của bé/của gia đình. Viết những số này vào danh sách điện thoại quan trọng. Điều này là cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt với một đứa trẻ đang hoảng loạn trong trường hợp khẩn cấp. Nhìn thấy số này trong danh sách, bé có thể dễ dàng đọc to cho người trực điện thoại 113 khi khẩn cấp.
3/ Luôn có sẵn một bộ đồ sơ cứu trong nhà. Dạy con bạn những kỹ năng sơ cứu cơ bản đầu tiên.
4/ Hãy đảm bảo rằng máy dò khói vẫn hoạt động tốt tại mỗi tầng của ngôi nhà và dạy bé những điều cần làm trong trường hợp hỏa hoạn. Cho con thực hành với tuyến đường sơ tán khi hỏa hoạn.
5/ Để đèn pin, nến, các thiết bị chạy bằng pin ở vị trí dễ lấy trong trường hợp mất điện. Hãy chỉ cho bé chỗ để những vật này.
6/ Đảm bảo rằng con luôn biết cách liên lạc với bạn khi bạn đi vắng, bé biết số điện thoại cầm tay cũng như số điện thoại văn phòng của bạn. Hãy thường xuyên kiểm tra hộp thư tin nhắn và nhanh chóng bắt máy khi thấy cuộc gọi hay tin nhắn của con.
7/ Dự trữ một số thực phẩm ăn liền được đóng gói sẵn thay vì cho phép trẻ nấu ăn khi không có sự giám sát của người lớn trong nhà.
8/ Thường xuyên gọi và kiểm tra con mình. Hãy cho bé biết nếu bạn về muộn.
9/ Ngoài ra, bạn cũng phải dặn dò trẻ không được mở cửa cho người lạ không đáng tin vào nhà để tránh bị bắt cóc hay trộm cướp.