Bộ Y tế đánh giá tình hình phòng chống Covid-19: Trạm y tế lưu động là giải pháp đột phá
Trong Quyết định ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2022 mà Bộ Y tế vừa ban hành, phần đánh giá về dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021 có nhiều thông tin đáng chú ý.
Vì sao số F0 tử vong còn cao?
So với thời kỳ tháng 8 - 9/2021, số tử vong đã giảm song vẫn ở mức cao (khoảng 200 ca/ngày). Trung bình số tử vong khoảng 7 ngày qua là 159 ca/ngày. Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vaccine (tại TP HCM, An Giang... có 85% trường hợp tử vong chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi).
Số ca nhiễm trong giai đoạn vừa qua tăng rất nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng và tử vong, gây quá tải hệ thống y tế một số địa phương.
Bộ Y tế đánh giá, nguyên nhân do một số hạn chế, bất cập trong thu dung điều trị tại cơ sở. Năng lực thu dung, điều trị tại một số nơi còn bất cập nhất là khi số ca bệnh nặng tăng cao. Một số địa phương chưa chủ động trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, còn hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, thuốc. Tại một số địa phương phía Nam gặp khó khăn về nhân lực điều trị bệnh nhân chuyển nặng, bệnh nhân nặng do còn dựa vào lực lượng hỗ trợ của Trung ương.
Qua hai năm chống dịch, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực tiếp đối diện nguy cơ lây nhiễm cao bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc... Ngành Y tế đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế.
Cơ sở vật chất của nhiều cơ sở khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu thu dung điều trị F0 nặng, nguy kịch.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa triển khai sát với hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2, dẫn đến người có nguy cơ cao, rất cao điều trị tại nhà; quản lý F0 tại nhà chưa tốt. Một số trường hợp F0 tự phát hiện không báo cơ sở y tế, một số trường hợp F0 báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời.
Bộ Y tế cũng chỉ ra tình trạng: “Người bệnh nặng đến các cơ sở tầng 3 ở giai đoạn muộn do tự điều trị tại nhà hoặc chuyển tuyến dưới chậm. Điều phối chuyển viện, chuyển tầng chưa hợp lý, một số tỉnh chưa triển khai quản lý tại nhà các trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, gây quá tải hệ thống BV”.
Lý do nữa là do việc sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. F0 dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm và nhiều địa phương chưa đầu tư tăng cường năng lực hồi sức tích cực.
Nhiều giải pháp cần duy trì phát triển
Tại Việt Nam, từ đầu 2020 đến nay, đã trải qua 4 đợt bùng phát. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn. Trong giai đoạn 2 (đợt dịch thứ 4 đến nay), chúng ta đã chuyển hướng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch”.
Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, ngành Y đã triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng với các tình huống về dịch bệnh; như thiết lập các Trung tâm hồi sức tích cực, BV dã chiến; tổ chức việc phân tầng điều trị (mô hình tháp 3 tầng) với sự hỗ trợ chuyên môn giữa các tầng thông qua hình thức hội chẩn trực tuyến, trực tiếp; trang bị hệ thống oxy y tế, nhất là hệ thống oxy lỏng cho các BV, oxy bình cho các Trạm Y tế để thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ hô hấp.
Ngành Y đã huy động sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ sở y tế công lập và tư nhân, tuyến trên, tuyến dưới để tăng cường tối đa khả năng thu dung, điều trị. Huy động nguồn nhân lực y tế từ các chuyên ngành, từ các BV trung ương, tuyến tỉnh để tăng cường cho các địa bàn trọng điểm...
Đặc biệt, việc thành lập các trạm y tế lưu động tại cấp xã là giải pháp đột phá, giúp người dân tiếp cận y tế ngay, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà, huy động sự tham gia của cộng đồng ở địa phương có nhiều F0.
Những giải pháp này giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, góp phần giảm bệnh nặng và tử vong. Số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn khoảng 200 ca/ngày. Số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8-9/2021).
Về thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, Bộ Y tế đánh giá, đến nay, cơ bản đã đảm bảo kịp thời nhu cầu. Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, ban hành các cơ chế, chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu, cấp phép và nghiên cứu, sản xuất thuốc trong nước
Với mặt hàng oxy y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng điều chuyển mục đích sử dụng oxy dùng cho công nghiệp sang cho y tế, giảm thiểu tình trạng thiếu oxy cho điều trị, đồng thời triển khai một số giải pháp nhằm xử lý tình trạng thiếu hụt oxy cục bộ tại một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, oxy cho y tế còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu oxy dùng trong sản xuất thép và một số ngành công nghiệp đang tăng cao do sản xuất phục hồi.
baophapluat.vn
Hà Nội phát hiện thêm gần 3.000 ca COVID-19
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 22/1 đến 18h ngày 23/1, Hà Nội ghi nhận thêm 2.971 ca COVID-19.
Bệnh nhân phân bố tại 412 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (105), Chương Mỹ (101), Gia Lâm (91); Bắc Từ Liêm (87), Đống Đa (82).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 111.777 ca.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội ngày 22/1 cho biết, trên địa bàn thành phố có 67.833 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly.
Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (138), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3445), cơ sở thu dung điều trị thành phố (955), cơ sở thu dung quận, huyện (5341), theo dõi cách ly tại nhà (57.731). Tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4 đến ngày 22/1 là 452 người.
Toàn thành phố tiêm được 115.768 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là 14.305.252 mũi tiêm; 237.779 mũi bổ sung và 1.976.487 mũi vaccine nhắc lại.
Vtc.vn
TPHCM: Thêm 2 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng
Ngoài 3 trường hợp mắc bệnh đã được công bố, Sở Y tế TPHCM cho biết kết quả giải mã trình tự gen xác định thêm 2 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron. Tất cả bệnh nhân đều có liên quan về dịch tễ với trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.
Sáng 24/1, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, sau khi phát hiện chùm ca nhiễm biến chủng mới trong cộng đồng, ngành y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện khoanh vùng, điều tra dịch tễ, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài 3 trường hợp nhiễm biến chủng mới đã được công bố, cuối tuần qua, quá trình điều tra dịch tễ ghi nhận 11 trường hợp là F1 có tiếp xúc với các bệnh nhân mắc Omicron, trong đó 2 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức, mẫu bệnh phẩm của 2 trường hợp trên được thực hiện giải mã trình tự gen, đến nay xác định cả hai đều nhiễm biến chủng Omicron.
Hai trường hợp mới có kết quả giải mã trình tự gene nhiễm Omicron đều là nam. Trường hợp thứ nhất (SN: 1997, ngụ phường 17 quận Bình Thạnh) là em họ của một bệnh nhân trong số 3 người mắc trước đó, sống tại khu chung cư thương mại dịch vụ ở quận 11. Bệnh nhân này đã tiêm 2 mũi vắc xin làm bảo vệ tại nhà của bệnh nhân nhập cảnh tại Bình Thạnh.
Trường hợp thứ hai (SN: 1993) là bác sĩ khoa cấp cứu của 1 bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM. Bệnh nhân này sống cùng nhà với bệnh nhân ở khu chung cư thương mại dịch vụ quận 11, đã tiêm đủ 3 liều vắc xin.
Trước đó, bà N.T.N.P., (SN: 1981, ngụ tại phường 17, quận Bình Thạnh) từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam ngày (7/1). Bệnh nhân đã chích ngừa 3 mũi vắc xin tại Mỹ. Sau nhập cảnh được cách ly tại Nha Trang và phát hiện dương tính vào ngày 16/1 sau khi về TPHCM.
Như vậy, liên quan đến ca nhập cảnh, hiện có đến 5 trường hợp khác nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng tại TPHCM. Với các dữ liệu này, bước đầu có cơ sở để đánh giá các ca nhiễm biến chủng Omicron tại cộng đồng vừa được phát hiện ở TP.HCM có nguồn lây từ ca nhập cảnh.
Tienphong.vn
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nhâm Dần 2022: Mạnh tay xử lý, công khai cơ sở vi phạm
Dịp lễ Tết cuối năm là thời điểm gia tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân tăng cao. Điều này đòi hỏi các sở ngành, địa phương cần quản lý, giám sát chặt chẽ, đặc biệt là mạnh tay hơn xử lý vi phạm.
Còn nương tay với cơ sở vi phạm
Thực hiện Kế hoạch số 284/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, huyện Ba Vì đã thành lập 35 đoàn kiểm tra về việc đảm bảo ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong gần hai tuần qua, các đoàn công tác của huyện đã tiến hành giám sát 136 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đang hoạt động trên địa bàn.
Bên cạnh tỷ lệ kiểm tra còn khá thấp, trong số 136 cơ sở được giám sát, huyện Ba Vì ghi nhận 9 cơ sở có vi phạm, với các lỗi chủ yếu là thiếu điều kiện vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ… Tuy nhiên trong số 9 trường hợp có vi phạm, chỉ 1 cơ sở bị xử phạt 2 triệu đồng; còn lại 8 cơ sở có vi phạm đều dừng ở biện pháp nhắc nhở.
Trong khi đó tại quận Nam Từ Liêm, thời gian qua, các đoàn kiểm tra đã tiến hành giám sát 167 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó, ghi nhận 25 đơn vị có vi phạm. Dù vậy, chỉ 12/25 cơ sở có vi phạm bị cơ quan chức năng địa phương xử lý. Trong số này, 10 cơ sở bị phạt tổng số tiền 24 triệu đồng, còn lại 2 cơ sở chỉ bị nhắc nhở.
Thị xã Sơn Tây được xem là một trong những địa phương khá mạnh tay trong xử lý vi phạm ATTP. Cụ thể trong tổng số 112 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được cơ quan chức năng giám sát, có 93/112 cơ sở đạt. Cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở với số tiền 33 triệu đồng; trị giá hàng hoá vi phạm gần 25 triệu đồng. Dù vậy, vẫn có đến 11 cơ sở chỉ bị nhắc nhở, cho phép tự khắc phục tồn tại.
Quyết liệt xử lý cơ sở có vi phạm
Thực tế công tác kiểm tra của đoàn liên ngành TP thời gian qua cho thấy, việc thực hiện Kế hoạch số 284/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về bảo đảm ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã được các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai nghiêm túc. Dù vậy, việc ban hành kế hoạch của các địa phương nhìn chung còn tương đối chậm. Do việc ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo khá muộn nên kết quả kiểm tra còn chưa phong phú.
Điều 2 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy chừng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hoặc đình chỉ hoạt động…
Liên quan đến xử lý vi phạm, tại nhiều địa phương, công tác này được đánh giá còn khá nương tay. Đại diện một số địa phương lý giải, đối với các vi phạm nhỏ về điều kiện sản xuất, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở để tạo điều kiện cho các đơn vị… tự khắc phục. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tất cả các vi phạm đều cần được xử phạt hành chính bằng tiền.
Ông Ngô Đình Loát – Phó Trưởng đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội về ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cho rằng việc chỉ nhắc nhở mà không xử phạt vi phạm là tồn tại mà các địa phương cần lưu tâm.
“Những năm gần đây chúng ta đã thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhiều rồi, nay phải mạnh tay hơn trong xử lý vi phạm…” – ông Ngô Đình Loát nhấn mạnh.
Theo đó, ông Ngô Đình Loát đề nghị các địa phương cần tiếp tục đa dạng loại hình tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP trên địa bàn. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, cần công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện đại chúng để người dân biết, không lựa chọn sử dụng trong dịp lễ Tết 2022.