Theo các chuyên gia tâm lý, những bé đang là trung tâm của cả gia đình, “tự nhiên” bị đẩy ra rìa khi có em bé xuất hiện thì các em sẽ có cảm giác như bị bỏ rơi. Đây cũng là tâm lý bình thường của các bé, vì còn quá nhỏ để nhận ra mối quan hệ ruột thịt với em. Lúc này, cha mẹ cần có ứng xử thích hợp để bé không rơi vào tình trạng mất cân bằng tâm lý. Đồng thời dạy con biết yêu thương và dành tình cảm cho em.
Đầu tiên, cha mẹ cần chuẩn bị về mặt tâm lý cho bé khi sắp được “lên chức”:
- Trước khi sinh, bạn hãy nói với con, thật chân thành và thẳng thắn, về sự xuất hiện sắp tới của một em bé nữa trong nhà.
- Bên cạnh đó, bạn nên giúp con hình dung những thay đổi có thể xảy đến khi em bé chào đời, ảnh hưởng của sự thay đổi đó đến con (kể cả tích cực và không tích cực).
- Động viên con đặt nhiều câu hỏi liên quan đến em và nói cho bố mẹ biết con cảm thấy thế nào. Thường xuyên trấn an con rằng không gì có thể ảnh hưởng đến tình yêu của bố mẹ dành cho con.
Nói chuyện với bé về chuyện bé sắp được lên chức sẽ là bước đầu dạy cho bé biết thương em
Để hạn chế tính ghen tị của bé, cha mẹ phải gần gũi, chia sẻ với con, và thực hiện các biện pháp sau:
- Nói chuyện nhẹ nhàng, chia sẻ với bé rằng cha mẹ rất hiểu cảm giác ghen tị với người khác. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy gần gũi và được thông cảm. Tuy nhiên, phải nhớ nói thêm với bé rằng chưa bao giờ bạn để cảm giác đó tồn tại lâu, vì điều đó sẽ làm mình luôn thấy buồn phiền, lo lắng. Cảm giác ghen tị của bé sẽ dần nguôi ngoai.
- Khuyến khích bé nói ra sự ghen tị của mình. Bày tỏ cảm xúc tiêu cực giúp trẻ thấy nhẹ nhõm hơn. Nếu phớt lờ tính ghen tị của con, cha mẹ không thể giúp bé từ bỏ được tính xấu này. Hãy giúp bé thổ lộ, thông qua các hoạt động, sự ghen tị dần dần sẽ mất đi.
- Hãy tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến bé ghen tị. Cha mẹ hãy giúp con giải toả những nỗi bức xúc trong lòng, giải thích cho bé hiểu vì sao không nên hành động như thế. Khi rơi vào tâm trạng này, bé rất cần sự giúp đỡ của cha mẹ để có thể kiểm soát cảm xúc của mình.
- Ngay từ những năm đầu đời hãy dạy con cách chia sẻ với mọi người xung quanh, hãy từ những bài học trong gia đình và nhà trường để giúp trẻ biết cách thể hiện thể hiện lòng vị tha với các thành viên trong gia đình cũng như với người xung quanh.
Bạn cũng cần lưu ý, không nên quát mắng khi bé có những hành động thể hiện sự ganh tị. Vì khi đó chúng sẽ che giấu cảm xúc thật của mình, không dám bộc lộ ra, và sống khép mình hơn với mọi người.