Ai dễ mắc ung thư? Các triệu chứng phát hiện sớm căn bệnh này
Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào. Có rất nhiều loại bệnh ung thư. Ung thư có thể phát triển ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể như phổi, tuyến vú, dạ dày, đại trực tràng, ở trong máu...
Các loại bệnh ung thư có nhiều điểm chung, nhưng cũng có nhiều khác biệt trong quá trình bệnh phát triển và di căn. Vậy các yếu tố có nguy cơ ung thư là gì, đối tượng nào dễ mắc?
1. Điểm chung của các bệnh ung thư
Mỗi loại tế bào trong cơ thể có những nhiệm vụ riêng biệt. Các tế bào bình thường sẽ phân chia theo trật tự nhất định. Chúng sẽ chết đi sau khi đã bị hỏng và được thay tế bằng tế bào mới. Ung thư là một loại bệnh mà trong đó các tế bào phát triển không có điểm dừng. Tế bào ung thư tiếp tục phát triển và tạo thêm tế bào mới. Chúng sẽ lấn át các tế bào bình thường, việc này sẽ gây hủy hoại các bộ phận của cơ thể, nơi mà ung thư xuất hiện.
Các tế bào ung thư cũng sẽ di chuyển sang bộ phận khác của cơ thể. Ví dụ, các tế bào ung thư tại xương có thể di chuyển đến phổi và phát triển ở đó. Khi các tế bào ung thư di chuyển sang bộ phận khác sẽ gọi là di căn. Khi ung thư xương di căn đến phổi, bệnh vẫn được gọi là ung thư xương vì đó là nguồn gốc bệnh bắt đầu.
Ung thư gan phổ biến ở nam giới
2. Các bệnh ung thư khác nhau thế nào?
Một số loại bệnh ung thư có xu hướng phát triển và di căn rất nhanh chóng. Với một số loại khác, quá trình này sẽ diễn ra chậm hơn. Mỗi loại bệnh cũng sẽ đáp ứng với điều trị theo các cách khác nhau. Một số loại bệnh ung thư được chữa trị tốt nhất bằng biện pháp phẫu thuật. Một số loại điều trị bằng xạ trị. Một số khác sẽ tốt hơn khi điều trị bằng hoá chất (hóa chất), miễn dịch, đích. Thông thường bác sĩ sẽ phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị để đạt kết quả tốt (điều trị đa mô thức).
Khi một người mắc bệnh ung thư, bác sĩ sẽ tìm ra đó là loại ung thư gì, ở giai đoạn bệnh nào để từ đó đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp với loại ung thư và giai đoạn bệnh của người bệnh.
Hình ảnh ung thư dạ dày các giai đoạn
3. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư
Yếu tố nguy cơ ung thư là bất cứ cái gì có thể làm ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh ung thư.
Một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và một số khác thì không thể. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm:
- Tuổi của bạn
- Giới tính (liên quan tới nội tiết)
- Lịch sử bệnh của gia đình.
Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như:
- Thói quen sinh hoạt
- Hút thuốc
- Nhai trầu
- Uống rượu
- Thói quen ăn uống
- Lối sống
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Lây nhiễm virus viêm gan B, C,E,
- Tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng (đặc biệt ánh nắng có nhiều tia cực tím).
Các yếu tố ô nhiễm khác trong môi trường cũng có liên quan tới ung thư.
Những yếu tố nguy cơ không nói lên tất cả. Có một hay nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh, nhưng có nhiều yếu tố tác động thường xuyên, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn. Cũng có nhiều người mắc bệnh ung thư có thể không thấy yếu tố nguy cơ nào được biết đến. Ngay cả khi một người bị mắc bệnh ung thư có nhiều yếu tố nguy cơ, thông thường cũng rất khó biết yếu tố nguy cơ nào là chủ yếu gây ra bệnh ung thư.
Ung thư là bệnh nguy hiểm, nhưng với khoa học ngày nay, 1/3 có thể phòng được, 1/3 có thể chữa khỏi (ở giai đoạn sớm), 1/3 có thể kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn). Cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng phương pháp để dự phòng và điều trị hiệu quả bệnh ung thư.
4. Ai dễ mắc bệnh ung thư?
Theo thống kê tại Việt Nam, ước tính có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư hằng năm. Khoảng 57% trong số đó là nam giới và 43% là nữ giới. Ung thư có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ em, nhưng đa phần ung thư sẽ xuất hiện ở người ngoài 50 tuổi. Mọi nhóm dân tộc đều có thể mắc ung thư.
Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng năm 2010 ở Việt Nam có tối thiểu (những ca ghi nhận được) là 126.307 trường hợp ung thư mới mắc ở cả hai giới. Trong đó nữ giới có 54.367 trường hợp ung thư, nam giới có 71.940 trường hợp ung thư.
Các giai đoạn ung thư di căn sang các cơ quan khác
10 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới tại Việt Nam năm 2010 xếp theo thứ tự gồm:
Ung thư phổi
Ung thư dạ dày
Ung thư gan
Ung thư đại – trực tràng
Ung thư thực quản
Ung thư vòm họng
Ung thư hạch
Ung thư máu
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư khoang miệng
10 loại ung thư có tỷ lệ mới mắc cao ở nữ giới tại Việt Nam (năm 2010) sắp xếp theo thứ tự phổ biến nhất là:
Ung thư vú
Ung thư đại – trực tràng
Ung thư phế quản- phổi
Ung thư cổ tử cung
Ung thư dạ dày
Ung thư giáp trạng
Ung thư gan
Ung thư buồng trứng
Ung thư hạch
Ung thư máu.
Vì vậy, ung thư có thể gặp ở bất cử tuổi nào, bất cứ ai. Tuy nhiên, tầm soát ung thư thường nhằm vào các đối tượng dễ bị, đối tượng nguy cơ cao và nhằm vào các bệnh ung thư thường gặp.
Đối tượng nguy cơ cao là những người trong gia đình có người bị ung thư. Thuộc nhóm tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao, những người có tiếp xúc yếu tố nguy cơ cao gây ung thư. Chẳng hạn, ung thứ vú thường gặp ở nữ trên 40 tuổi, phụ nữ béo phì, phụ nữ mãn kinh dùng nội tiết tố nữ thay thế. Ung thư đại tràng thường gặp ở người trên 50 tuổi, tiền căn gia đình có người bị ung thư đại tràng.
Như vậy có thể nói, ung thư ai cũng có thể mắc, việc dự phòng là vô cùng quan trọng. Cách dự phòng tốt nhất là:
- Tích cực đi khám sức khỏe định kỳ
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế bia, rượu và đồ uống có cồn
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Thường xuyên rèn thể dục, thể thao.
- Cần xây dựng chế độ ăn giàu rau quả, chất xơ, protein, hạn chế thịt đỏ, hạn chế ăn đồ chiên nướng, uống nhiều nước...
- Ngoài ra cần tiêm vaccine HPV phòng ung thư cổ tử cung, vaccine viêm gan B phòng ung thư gan cũng đang là các biện pháp hữu hiệu hiện nay.
Triệu chứng phát hiện sớm ung thư, cần đi khám để chẩn đoán sớm:
1. Tiết dịch, máu bất thường (ung thư vú, ung thư cổ tử cung)
2. Đau đầu, ù tai,ngạt mũi một bên, chảy nước mũi có máu (ung thư vòm)
3. Nói khó, nuốt vướng (ung thư thanh quản thực quản)
4. Đau bụng, đầy bụng sau khi ăn, nôn ra máu hoặc có máu trong phân (ung thư dạ dày)
5. Nổi hạch bất thường (ung thư hạch)
6. Thay đổi tính chất nốt ruồi hoặc có vùng da bất thường (ung thư hắc tố hoặc ung thư da)
7. Rối loạn tiêu hóa kéo dài, thay đổi trong việc đi đại tiểu hàng ngày, nhất là đại tiện hoặc tiểu tiện ra máu (ung thư đường tiêu hóa và ung thư tiết niệu)
8. Sờ thấy cộm trong vú, tiết dịch ở núm vú không phải sữa (ung thư vú)
9. Ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, khó thở (ung thư phổi)
10. Sụt cân không rõ lý do.