"Tay - chân - miệng" là một dịch bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng nó lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng nhất là đối với trẻ em. Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em do vi rút gây ra . Bệnh lây chủ yếu bằng đường tiêu hóa và dễ phát triển thành dịch. Tay chân miệng là bệnh thông thường ở trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
* Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng:
Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da…
- Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước.
Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.
Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.
- Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường.Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.
* Cách chăm sóc và điều trị bệnh tay- chân- miệng
- Vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước. Giảm đau, hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ, tuyệt đối không sử dụng Aspirine để hạ sốt, giảm đau cho trẻ. Không cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng
- Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.
- Theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu: dễ giật mình, hoảng hốt, run chi, thở mệt, gồng người tự hết, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên đây cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được xử trí và điều trị kịp thời.
* Phòng ngừa tay - chân - miệng cho trẻ
* Một số biện pháp phòng ngừa bệnh Tay- Chân- Miệng:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu cần chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tả, làm vệ sinh cho trẻ.
- Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi thường dùng của trẻ, sàn nhà bằng nước sạch, rồi khử trùng bằng CloraminB 5%. Nên thực hiện mỗi tuần 1 lần.
- Đeo khẩu trang y tế khi hắt hơi hoặc ho.
- Không dùng chung các đồ dùng ăn uống của người bệnh.
- Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, thường ít nhất là 7 ngày.