Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn và có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp. Trước tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cũng khuyến cáo một trong những biện pháp đơn giản, kinh tế, dễ thực hiện, nhưng lại rất quan trọng và hiệu quả để phòng tránh virus lây lan là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, dung dịch cồn y tế chứa ít nhất 60% cồn hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.
1. Vì sao cần rửa tay để phòng bệnh?
Virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan khi dịch nhầy hay dịch tiết đường hô hấp chứa virus xâm nhập vào cơ thể con người qua mắt, mũi, họng, qua giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc thông qua bàn tay chạm vào những vật dụng trung gian chứa virus rồi đưa lên mặt như: tay nắm cửa, nút điều khiển thang máy, công tắc đèn hoặc bắt tay người khác… Ngoài ra, bàn tay thường cũng là nơi trực tiếp tiếp xúc nhiều với dịch tiết cơ thể. Virus gây bệnh có thể theo dịch tiết lan rộng ngoài cộng đồng khi chúng ta vô tình đưa tay lên mắt, mũi, miệng hay chạm vào người hoặc vật khác.
Vì vậy, nếu không rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với những đồ vật có nguy cơ chứa tác nhân gây bệnh thì đây cũng chính là “công cụ” phổ biến nhất khiến virus lây lan từ người này sang người khác. Do đó để ngăn chặn virus xâm nhập vào cơ thể bằng việc rửa tay thường xuyên và sạch sẽ là hết sức quan trọng.
2. Khi nào cần rửa tay?
Sau khi trở về từ nơi công cộng vì những nơi công cộng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tiếp xúc với nhiều người, cầm nắm vào nhiều vật dụng chung.
Trước và sau khi ăn uống: Vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp hay miệng, vì vậy, cần rửa tay đúng cách trước khi ăn để tránh virus đi trực tiếp vào cơ thể và sau khi ăn để giữ đôi tay luôn sạch sẽ nếu có cầm, chạm vào thức ăn.
Sau khi đi vệ sinh: Nhà vệ sinh là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh và một số nghiên cứu mới đây cảnh báo SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua đường phân. Vì vậy, rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh là rất cần thiết.
Ngoài ra, trước khi chuẩn bị thức ăn, điều trị vết thương, chạm vào người bệnh và sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, chạm vào động vật và vật nuôi, thay tã lót cho em bé hoặc giúp trẻ đi vệ sinh, xử lý rác thải… cũng cần rửa tay đúng cách để kịp thời loại bỏ virus, vi khuẩn.
3. Nên sử dụng nước rửa tay nào?
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là cách tốt nhất để loại bỏ vi khuẩn trong hầu hết các tình huống, nhưng trong trường hợp xà phòng và nước không có sẵn, có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.
Dung dịch sát khuẩn có thể nhanh chóng làm giảm số lượng vi khuẩn lưu trú trên bàn tay trong nhiều tình huống. Tuy nhiên, dung dịch sát khuẩn không thể loại bỏ tất cả các loại vi khuẩn. Dung dịch sát khuẩn có thể không hiệu quả khi tay bị lấm bẩn hoặc dính dầu mỡ. Dung dịch sát khuẩn có thể không loại bỏ các hóa chất độc hại khỏi tay như thuốc trừ sâu và kim loại nặng.
Vì vậy, để loại bỏ được hoàn toàn virus, vi khuẩn bám trên tay, mọi người dân cần rửa tay đúng cách theo 6 bước đơn giản:
1. Làm ướt hai lòng bàn tay dưới vòi nước. Cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều.
2. Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
3. Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay và các kẽ ngón, móng tay trong vòng ít nhất 20 giây.
4. Chà mạnh các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
5. Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
6. Tráng sạch dưới vòi nước. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc khăn sử dụng một lần.