Cảnh báo dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, lây lan cộng đồng
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong, chủ yếu là tại tỉnh, thành phố khu vực phía Nam: Bình Phước (6), TP. Hồ Chí Minh (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Phú Yên (2), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1) và Bình Thuận (1). So cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm 36,7%, tăng 5 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, 2 tuần gần đây số mắc có xu hướng gia tăng, số mắc trong tuần tăng 15,4% so với tuần trước.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hiện đang tiếp nhận và điều trị hàng chục trường hợp sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện. Bé Khánh An (14 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) sốt cao liên tục ba ngày kém đáp ứng với thuốc hạ sốt. Song gia đình lo ngại Covid-19 nên không cho bé đi khám mà chỉ uống thuốc theo đơn thuốc cũ của bác sĩ. Sang ngày thứ tư, bé vẫn sốt liên tục 39 độ C, uống thuốc không hạ, nhợn ói nhiều, đau bụng và có biểu hiện ra kinh nguyệt bất thường. Bé được đưa tới BVĐK Tâm Anh TP.HCM thăm khám vào ngày 28/8 và được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết. Sau 3 ngày điều trị, các triệu chứng của bệnh nhi giảm dần, khỏe hơn, ăn uống khá. Tuy nhiên, bé vẫn còn tình trạng chảy máu kinh rỉ rả nên vẫn cần phải theo dõi sát. Những ngày tiếp theo, tình trạng của bé được cải thiện và hồi phục. Bé được xuất viện sau 6 ngày điều trị.
Theo thống kê, số ca nhập viện do sốt xuất huyết rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu… Điểm đáng ngại của mùa sốt xuất huyết năm nay có nhiều ca bệnh diễn tiến nặng, suy hô hấp, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào nhập viện truyền khối tiểu cầu. Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, người dân lo ngại đi bệnh viện nên tự chữa bệnh tại nhà. Với sốt xuất huyết, nếu không được theo dõi sát, người bệnh nhập viện điều trị muộn có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
“Ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay, trẻ hoàn toàn có thể mắc đồng thời sốt xuất huyết và Covid-19. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện mắc sốt xuất huyết, mọi người cần thực hiện test nhanh Covid-19 ở nhà trước, nếu kết quả âm tính thì đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cần phải làm cùng lúc 2 xét nghiệm mới xác định được 2 loại bệnh này vì biểu hiện tương đồng nhau. Nếu trẻ nhiễm đồng thời Covid-19 và sốt xuất huyết thì quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều. Phải vừa điều trị Covid-19, vừa theo dõi tình trạng bệnh của sốt xuất huyết để kịp thời truyền dịch chống sốc nếu diễn biến nặng.” Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đưa ra lời khuyến nhận biết sớm, điều trị nhanh.
Người dân không nên chủ quan với sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra, bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó Aedes aegypti là tác nhân chính.
Nguy cơ “dịch chồng dịch” vẫn luôn hiện hữu, BS.Trương Hữu Khanh khuyến cáo: Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, dễ gây nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất khứu giác, vị giác… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.
Đa số người bị sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có diễn tiến nặng như: cô đặc máu, suy đa tạng, nhiễm trùng máu gây sốc do giảm thể tích,… nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối mặt nguy cơ tử vong. Thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với tốc độ lây lan nhanh chóng. Ai cũng có thể bị mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, nhất là người có sức đề kháng kém.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, triệu chứng đặc trưng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như cảnh đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu… Khi có một trong những triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc đặc trị. Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” khi Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
-
Hàng tuần chủ động thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy; giữ vệ sinh môi trường nơi sinh sống.
-
Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
- Chủ động, tích cực phối hợp với cán bộ Y tế và Ban, Ngành, Đoàn thể trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.
- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, có thể thả cá để diệt lăng quăng.
- Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà;
- Dọn dẹp sạch sẽ nơi mình làm việc, sinh sống từ trong nhà ra xung quanh nhà, tránh ao tù nước đọng làm nơi muỗi đẻ trứng dẫn đến phát sinh lăng quăng, muỗi.
Theo các chuyên gia, tất cả mọi người cần bảo vệ hệ hô hấp, tăng cường đề kháng cho lá phổi khỏe mạnh, nhất là trong mùa mưa các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết dễ làm tổn thương hệ hô hấp, đồng thời những “bệnh cũ” như cúm, viêm phổi, viêm mũi họng, hen phế quản… vẫn luôn rình rập tấn công hệ hô hấp, nguy cơ đồng nhiễm các bệnh hô hấp và Covid-19 tăng cao.
Không chỉ Covid-19, hãy đề phòng sốt xuất huyết vì đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Mùa mưa, sốt xuất huyết gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm ở nhiều nơi. Nắm vững kiến thức nhận biết, phòng tránh là cách để bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh, tránh nguy cơ đồng nhiễm nhiều bệnh cùng lúc, giảm nguy cơ tử vong.
Nguồn: https://vnvc.vn/can-trong-dich-kep-covid-19-va-sot-xuat-huyet/