Ho gà là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính rất dễ lây lan do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Trong giai đoạn phổ biến trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em <10 tuổi và thường biểu hiện như một bệnh ho kéo dài với một hoặc nhiều triệu chứng cổ điển: thở rít, ho kịch phát và nôn sau ho.
Kể từ khi vắc xin bệnh ho gà ra đời vào cuối những năm 1940, dịch tễ học của bệnh đã thay đổi. Ở Hoa Kỳ trong những năm 1990, hơn một nửa số trường hợp bệnh xảy ra là ở thanh thiếu niên và người lớn. Thanh thiếu niên và người lớn bị nhiễm bệnh đóng vai trò là ổ chứa nhiễm trùng, có thể lây mầm bệnh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và gây nên bệnh cảnh nghiêm trọng. Ở thanh thiếu niên và người lớn, các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh ho gà thường không đặc hiệu. Tuy nhiên, người lớn > 65 tuổi mắc bệnh ho gà có nhiều khả năng phải nhập viện hơn những người lớn khác (14,8% số người mắc bệnh) hoặc tử vong do ho gà (chiếm 4,8% tổng số ca tử vong liên quan đến ho gà).
Ở Việt Nam, khi chưa thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, nhất là những nơi có trình độ phát triển kinh tế – xã hội thấp. Các trường hợp mắc bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do tỷ lệ cao bị các biến chứng của bệnh.
Từ năm 1986, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên cả nước, sau nhiều năm thực hiện tiêm vắc xin, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh ho gà đã giảm một cách rõ rệt.
Bệnh ho gà do vi khuẩn Bordetella. pertussis gây nên, đây là cầu trực khuẩn gram âm, chỉ được tìm thấy và gây bệnh ở người, không gây bệnh trên những loài động vật khác. Vi khuẩn có sức đề kháng yếu khi ở ngoài môi trường, chỉ sống được vài giờ trong dịch tiết đường hô hấp và cần môi trường nuôi cấy đặc biệt. Có tới 8 loài Bordetella đã được các nhà khoa học định danh, trong đó có 3 loài (B. parapertussis , B. bronchiseptica , và B. holmesii ) có thể gây bệnh đường hô hấp ở người. B. parapertussis có thể gây ra các bệnh khác nhau, bao gồm các bệnh đường hô hấp trên không đặc hiệu cho tới đến bệnh ho gà cổ điển. B. bronchiseptica gây nhiễm trùng đường hô hấp ở nhiều loài động vật có vú, nhiễm trùng ở người thường xảy ra ở vật chủ bị suy giảm miễn dịch và có tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Đối với B. holmesii, đây cũng có thể là tác nhân gây nhiễm trùng huyết.
Vi khuẩn gây ra bệnh ho gà
Thời gian ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh sau khi phơi nhiễm thường từ 7 đến 10 ngày nhưng có thể là ba tuần hoặc lâu hơn. Nhiều trường hợp nhiễm B. pertussis dường như không có triệu chứng. Ở thanh thiếu niên bị nhiễm bệnh hoặc người lớn có tiền sử nhiễm trùng trước đó hoặc đã từng tiêm vắc-xin ho gà, các triệu chứng có thể không điển hình.
Giai đoạn khởi phát
Kéo dài từ một đến hai tuần, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng không đặc hiệu bao gồm đau mỏi toàn thân, đau bụng âm ỉ và ho nhẹ. Có thể có tăng nhiệt độ nhẹ, hiếm khi sốt cao. Triệu chứng sớm gợi ý bệnh ho gà là chảy nước mắt nhiều và sung huyết kết mạc. Ở giai đoạn này các xét nghiệm thường chính xác để chẩn đoán ho gà, tuy nhiên triệu chứng chưa điển hình làm bệnh dễ bị bỏ qua.
Giai đoạn toàn phát
Thường bắt đầu trong tuần thứ hai của bệnh. Các cơn ho kịch phát thường xảy ra liên tiếp và nhanh chóng, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng thường vào ban đêm và gần sáng: Khởi đầu là một cơn ho kéo dài không cầm được, sau cơ ho người bệnh thở rít như tiếng gà kêu, khạc nhiều đờm quánh dính. Ngất hoặc nôn sau cơn ho cũng có thể xảy ra. Nếu không được điều trị, giai đoạn kịch phát thường kéo dài từ hai đến ba tháng sau đó dần dần chuyển sang giai đoạn lui bệnh.
Giai đoạn lui bệnh
Giai đoạn này có sự giảm dần về tần suất và mức độ nghiêm trọng của ho, thường kéo dài 1-2 tuần hoặc hơn.
Tổng thời gian các giai đoạn của bệnh ho gà thường khoảng ba tháng nhưng có thể kéo dài bốn tháng hoặc lâu hơn.
Trẻ nhiễm ho gà, có biểu hiện ho nhiều, kéo dài
Biểu hiện lâm sàng của bệnh ho gà ở thanh thiếu niên và người lớn thường ít nghiêm trọng hơn so với trẻ sơ sinh và trẻ em. Nhiễm trùng trong quá khứ hoặc đã từng tiêm phòng bệnh có thể làm giảm triệu chứng bệnh, nhưng không tạo được miễn dịch suốt đời. Vì vậy, ho kéo dài có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn.
- Các biến chứng của ho gà có thể liên quan đến bản thân nhiễm trùng:
+ Viêm phổi, viêm tai giữa.
+ Di chứng cơ học của ho nặng (xuất huyết dưới kết mạc, thoát vị thành bụng, gãy xương sườn, tiểu không tự chủ,…)
+ Biến chứng hiếm gặp: Xuất huyết não, đột quỵ do bóc tách động mạch cảnh hoặc động mạch đốt sống, co giật,…
- Thời gian ủ bệnh của ho gà khá dài (1-3 tuần) so với các tác nhân gây viêm đường hô hấp trên khác. Nhiễm trùng ho gà lây lan qua các giọt đường hô hấp, nhất là những giọt bắn ra khi ho kịch phát.
- Phần lớn các trường hợp nhiễm mầm bệnh ho gà đều là nhiễm trùng không triệu chứng và những người này là tác nhân truyền bệnh quan trọng với những người tiếp xúc hoặc sống chung.
- Những người mắc bệnh ho gà được coi là nguồn bệnh cho tới khi họ được điều trị bằng kháng sinh thích hợp trong vòng 5 ngày.
Các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao liên quan đến ho gà là:
- Trẻ sơ sinh (đặc biệt là những trẻ dưới sáu tháng).
Trẻ sơ sinh (đặc biệt là những trẻ dưới sáu tháng) là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao liên quan đến ho gà
- Trẻ nhỏ chưa được chủng ngừa vắc xin đầy đủ.
- Người lớn tuổi (nghĩa là> 65 tuổi).
- Người béo phì.
- Người mắc bệnh hen, COPD.
- Giới tính (Nữ > Nam).
- Tiêm phòng: Vắc xin ho gà được nghiên cứu ra từ rất sớm, cho đến nay đã có nhiều loại vắc xin ho gà được cải tiến và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở các quốc gia. Ở những nước có chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đã quan sát thấy tỷ lệ mắc bệnh ho gà giảm đáng kể. Vắc xin ho gà thường được tiêm chung với vắc xin phòng bạch hầu và uốn ván trong một mũi để tăng hiệu quả sinh kháng thể chống lại nhiều bệnh tật cùng lúc.
Tiêm phòng là biện pháp dự phòng an toàn cho sức khỏe
- Dự phòng phơi nhiễm: Những người tiếp xúc gần với người bị ho gà, nhất là những người sống chung nhà và thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao nên được dùng kháng sinh dự phòng, bất kể tiền sử tiêm chủng bởi lẽ kháng thể sinh ra do tiêm phòng vắc xin có thể không đủ để chống lại nguy cơ mắc bệnh do phơi nhiễm.
- Những người bị phơi nhiễm vơi bệnh, đặc biệt là những người có tiền sử tiêm chủng không đầy đủ, cần được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh ho gà trong ba tuần sau khi tiếp xúc.
- Các bệnh nhân mắc bệnh ho gà nên được áp dụng các biện pháp phòng ngừa giọt bắn (ngoài các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn), tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ chưa được chủng ngừa hoặc được chủng ngừa chưa đầy đủ, cho đến khi bệnh nhân được dùng kháng sinh tối thiểu 5 ngày.
Ca bệnh lâm sàng
Chẩn đoán ho gà ở thanh thiếu niên và người lớn thường khó vì bệnh không điển hình. Chẩn đoán ca bệnh lâm sàng của bệnh ho gà khi người bệnh có các yếu tố sau đây:
- Ho kéo dài ít nhất hai tuần mà không rõ nguyên nhân, với một trong các triệu chứng sau:
+ Cơn ho kịch phát kéo dài không cầm được.
Ho kéo dài ít nhất hai tuần mà không rõ nguyên nhân
+ Tiếng thở rít.
+ Nôn sau cơn ho.
- Trong thời gian và địa điểm dịch tễ bùng phát bệnh ho gà.
- Có tiếp xúc gần với ca bệnh đã được xác định.
Ca bệnh xác định
Bệnh nhân có ít nhất một xét nghiệm dương tính với vi khuẩn ho gà, bao gồm cả những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm trái ngược nhau (ví dụ: nuôi cấy dương tính với PCR âm tính, nuôi cấy âm tính với PCR dương tính, hoặc huyết thanh dương tính với PCR âm tính) đều được coi là mắc bệnh ho gà.
- Nuôi cấy: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh ho gà, độ nhạy trong thực tế chỉ từ 20%- 80%, nhưng độ đặc hiệu tuyệt đối (100%). Các yếu tố làm giảm độ nhạy của nuôi cấy bao gồm thời gian bị bệnh kéo dài tính đến thời điểm lấy mẫu bệnh phẩm, đã sử dụng kháng sinh trước đó và đã từng tiêm chủng.
- Xét nghiệm PCR: Được sử dụng để chẩn đoán bệnh ho gà trong hầu hết các trường hợp. Xét nghiệm PCR vi khuẩn ho gà nhạy hơn nuôi cấy vì nó có thể phát hiện số lượng nhỏ các vi khuẩn dù còn sống hay đã chết, với độ đặc hiệu cao. Xét nghiệm PCR không bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng kháng sinh trước đó và kết quả thường có trong vòng một đến hai ngày. Nhược điểm chi phí tương đối cao và khả năng cho kết quả dương tính giả.
- Huyết thanh học: Xét nghiệm kháng thể IgA, IgG và IgM với B. pertussis được sử dụng chủ yếu cho mục đích nghiên cứu dịch tễ học hoặc nghiên cứu.
- Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp giá thành rẻ và cho kết quả nhanh chóng nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu kém nên không được khuyến khích sử dụng để chẩn đoán.
Liệu pháp kháng sinh
- Chỉ định: Cần điều trị bằng kháng sinh cho tất cả bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng hoặc vi sinh bệnh ho gà và có biểu hiện lâm sàng trong vòng ba tuần sau khi bắt đầu ho. Mặc dù điều trị bằng kháng sinh ở giai đoạn sau của bệnh (đặc biệt là sau giai đoạn toàn phát) có thể không làm giảm triệu chứng, nhưng nó cũng có tác dụng trong việc đào thải vi khuẩn. Ở những đối tượng nguy cơ mắc bệnh nặng như người già và người suy giảm miễn dịch, việc điều trị bằng kháng sinh vấn rất cần thiết tới tuần thứ 6 của triệu chứng bệnh. Ngoài ra nên dùng kháng sinh ngay khi nghi ngờ bệnh mà chưa cần kết quả của xét nghiệm khẳng định.
- Phác đồ:
+ Azithromycin uống trong năm ngày (500 mg ngày 1, tiếp theo là 250 mg ngày 2 đến ngày 5), hoặc
+ Clarithromycin, 500 mg, uống hai lần mỗi ngày trong bảy ngày, hoặc
+ Trimethoprim- sulfamethoxazole 960mg (TMP-SMX) uống hai lần mỗi ngày trong 14 ngày (lựa chọn thay thế)
Biện pháp hỗ trợ
- Xử trí cơn ho: Cơn ho kịch phát của bệnh ho gà có thể nghiêm trọng và kéo dài, là nguyên nhân chính gây ra biến chứng. Có thể sử dụng Dextromethorphan để giảm những triệu chứng khó chịu vì cơn ho, tránh dùng opioid, vì nguy cơ tác dụng phụ.
- Một số biện pháp tại nhà có thể áp dụng để làm giảm cơn ho như: Uống nhiều nước, sử dụng máy xông hơi sương, tránh các tác nhân gây ho (ví dụ: khói thuốc, hóa chất mạnh, chất gây dị ứng) và ăn nhiều bữa nhỏ để tránh nôn.