Theo Bộ Y tế từ đầu năm đến ngày 19/9, cả nước ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong tại 9 tỉnh, thành phố phía Nam. Riêng ở Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến ngày 26/9 đã ghi nhận 1.031 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã, chưa có ca tử vong.
BSCKII Phạm Thị Như Hoa, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hiện nay tại khoa đang tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhi mỗi ngày, các bệnh nhân chủ yếu có triệu chứng sốt xuất huyết. Theo BS Hoa, hàng năm vào khoảng tháng 4 thì dịch sốt xuất huyết bùng phát nhưng năm nay có phần chậm lại, từ khoảng tháng 7 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng.
Trong khi đó, tại khoa Bệnh Nghề nghiệp của Bệnh viện Thanh Nhàn cũng tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết là những người lớn tuổi rất đông, số bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại khoa này khoảng 100 bệnh nhân ở các lứa tuổi.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện bắt đầu tăng cao từ đầu tháng 9 đến nay. Cụ thể, tính từ ngày 10/9 đến sáng 28/9 đã có hơn 100 bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện. Riêng tại Khoa Vi rút - Ký sinh trùng của bệnh viện, thời điểm này, trung bình có khoảng 10 bệnh nhân/ngày. Ngay trong đêm 30/9, khoa đã tiếp nhận cùng lúc 17 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Cần diệt bọ gậy để phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch. Trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay có xu hướng gia tăng ở người cao tuổi. Người già mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh mạn tính có sẵn cần phải được chăm sóc và theo dõi sát. Bởi, chỉ 1-2 ngày, bệnh nhân có thể chuyển nặng.
Tương tự, trong tháng 8 và tháng 9, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận gần 70 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có những trẻ mới chỉ 5-6 ngày tuổi. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân số ca sốt xuất huyết nặng tăng do độc lực vi rút nặng, bệnh diễn biến nặng rất nhanh. Đặc biệt, từ cuối ngày thứ 3 cho đến hết ngày thứ 6 của bệnh sốt xuất huyết là giai đoạn cực kỳ nguy hiểm không riêng ở trẻ mà còn ở người lớn, dễ dẫn đến thoát dịch gây sốc, trụy mạch; xuất huyết (tiêu hóa, cơ, vùng niêm mạc…); suy tạng (hay gặp nhất là suy gan, tổn thương tim, phổi, não, thận…). Ở giai đoạn này bệnh nhân thường hết sốt dẫn đến chủ quan rằng bệnh đã khỏi, nhưng thực chất bệnh đang chuyển sang giai đoạn nguy hiểm, biểu hiện qua tình trạng trụy mạch (tay chân lạnh mát).
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, để chủ động công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, sàng lọc, có tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh, bảo đảm an toàn phòng lây nhiễm chéo Covid-19. Các cơ sở y tế cần tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời nếu có diễn biến nặng lên.