Sau nhiễm COVID-19, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 80% bệnh nhân gặp những vấn đề về nhận thức, trong đó có Hội chứng sương mù não...
1. Sương mù não là gì?
Hội chứng 'sương mù não' là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra một số các triệu chứng khó chịu: mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng.
Do đó, nếu để kéo dài tình trạng này mà không được điều trị, người bệnh có thể gặp các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác.
Tình trạng sương mù não (brain fog) không phải là một chẩn đoán bệnh mà là triệu chứng của các tình trạng sức khỏe khác. Sương mù não là một thuật ngữ sử dụng để mô tả tình trạng tâm thần chậm chạp, như phủ một lớp sương mù và ngơ ngác.
2. Triệu chứng của Hội chứng sương mù não
Người gặp Hội chứng sương mù não thường có những biểu hiện:
- Có những biểu hiện bất thường về trí nhớ: Hay quên, có lúc cảm giác như bị lẫn.
- Mất đi sự sáng suốt, rõ ràng trong các hoạt động tâm thần.
- Mất tập trung chú ý.
- Có cảm giác là không biết điều gì xảy ra.
- Rối loạn ý thức.
Hội chứng sương mù não có thể gây mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn…
3. Tại sao hậu COVID-19 gây Hội chứng sương mù não?
Hội chứng sương mù não có thể kéo dài vài tháng sau khi bệnh nhiễm COVID-19 đã khỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rối loạn về nhận thức này, bao gồm cả vai trò của yếu tố tâm lý và yếu tố bệnh lý cơ thể.
- Virus SARS-CoV-2 đi vào cơ thể thông qua các giọt bắn từ người nhiễm virus sang người lành thông qua đường mũi, miệng và mắt. Ở cơ thể, virus đi vào các tế bào thông qua thụ thể của men angiotensin - coverting 2 (loại virus tấn công vào hệ thần kinh), do đó nó có thể tấn công vào não của người bệnh. Nhiều bệnh nhân có biểu hiện hôn mê hoặc viêm não.
- Sau khi bị nhiễm COVID-19, nhiều tổn thương xảy ra ở các cơ quan trong khắp cơ thể, đặc biệt là ở não bộ. Đáp ứng của cơ thể với tình trạng viêm ở não, giảm lượng máu nuôi dưỡng các tế bào thần kinh, tổn thương các tế bào thần kinh dẫn đến những vấn đề về nhận thức và những rối loạn tâm thần.
- Cytokine, một loại chất sinh ra từ phản ứng viêm do quá trình nhiễm COVID-19 có nhiều trong dịch não tủy, và quá trình viêm trong não làm cho khả năng kết nối giữa các tế bào thần kinh kém dẫn đến Hội chứng sương mù não. Có nghiên cứu cho thấy rằng có sự thay đổi về mặt cấu trúc vi thể ở hồi hải mã và những vùng khác của não dẫn đến rối loạn về nhận thức.
- Bên cạnh đó, có những yếu tố khác cũng dẫn đến Hội chứng sương mù não như: Chất lượng giấc ngủ kém, cảm thấy cô đơn, trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng, ít vận động tập luyện, tác dụng phụ của thuốc điều trị…
- Nhiều yếu tố về bệnh lý cơ thể gặp phải sau COVID-19 như di chứng trên hệ thống hô hấp, mệt mỏi, đau mỏi cơ… các yếu tố tâm lý như sự cô lập về xã hội, mất đi người thân, những vấn đề lo lắng về tài chính…
4. Điều trị Hội chứng sương mù não sau COVID-19 như thế nào?
4.1.Điều trị không dùng thuốc
Cách điều trị tốt nhất hiện nay là tạo cho mình một thói quen tốt. Hãy thực hiện những hướng dẫn sau:
- Đảm bảo đủ về thời gian và chất lượng giấc ngủ để giúp cơ thể hồi phục sức khỏe.
- Tập luyện thể dục đều đặn, thường xuyên: Tập luyện vận động không chỉ tốt cho hệ hô hấp và hệ tim mạch và còn là một cách rất tốt để cải thiện chức năng não bộ.
- Tránh sử dụng rượu và thuốc lá có thể giúp giảm phản ứng viêm trong não.
- Nghỉ ngơi một cách hợp lý, có những hoạt động tạo sự vui thú cho bản thân, như đi chơi với bạn bè, gia đình...
- Chế độ ăn lành mạnh nhiều rau, hoa quả, dầu oliu, lạc, đậu, giúp cải thiện trí nhớ. Lựa chọn thực phẩm giàu acid béo omega, tốt cho tế bào thần kinh. Những loại thực phẩm này có tác dụng làm tăng độ tập trung, tư duy rõ ràng hơn và tốt cho trí nhớ.
4.2. Điều trị hội chứng sương mù não bằng thuốc
- Vitamin:
Có thể sử dụng một số loại thuốc vitamin nhằm giúp giảm tình trạng sương mù não như vitamin nhóm B (folate, B6, thiamin, niacin, B12…), vitamin C, vitamin D, vitamin E sắt, magne, kẽm.
Những loại vitamin và khoáng chất này giúp tăng cường chức năng của não. Vitamin D có hiệu quả trong cải thiện chức năng nhận thức và quá trình xử lý ngôn ngữ, lời nói. Sử dụng thực phẩm hoặc thuốc có vitamin D kết hợp với ánh sáng sẽ giúp cải thiện chức năng não.
Magne là một yếu tố vi chất có hiệu quả tốt cho trí nhớ, sự tập trung và làm giảm bớt các biểu hiện của sương mù não.
Các loại vitamin có thể giúp giảm tình trạng sương mù não
- Các thuốc ức chế miễn dịch:
Khi mắc COVID-19, phản ứng viêm trong cơ thể bị rối loạn, tăng số lượng các tế bào đơn nhân, kích thích sự di chuyển hoạt hóa các tế bào này, gia tăng các tế bào đuôi gai, tăng sự phản ứng với kháng nguyên. Dùng thuốc chống viêm loại steroid ức chế miễn dịch, giúp phản ứng viêm trở lại tình trạng bình thường, cải thiện các triệu chứng của sương mù não sau nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc steroid để làm hạn chế phản ứng viêm cần phải có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua về dùng. Bởi thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, cần phải theo dõi chặt chẽ trong quá trình sử dụng.
- Thuốc tăng cường tuần hoàn não:
Việc sử dụng các thuốc tăng cường tuần hoàn não như: ginko bigoba hay piracetam… chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ hiệu quả đối với Hội chứng sương mù não. Tuy nhiên một trong những giả thuyết gây bệnh là do thiếu lượng máu cung cấp lên não nên có thể dùng thuốc này cũng sẽ giúp ích.
Những thuốc điều trị sa sút trí tuệ như donepezil hay galantamin không có chỉ định dùng cho những trường hợp có Hội chứng sương mù não nếu người bệnh không có biểu hiện của bệnh Alzheimer đi kèm.
Hội chứng sương mù não có thể kéo dài vài tháng sau khi bệnh nhiễm COVID-19 đã khỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rối loạn về nhận thức này, trong đó có cả vai trò của yếu tố tâm lý và yếu tố bệnh lý cơ thể.
5. Lưu ý khi dùng thuốc
- Việc sử dụng thuốc điều trị ở bệnh nhân mắc Hội chứng sương mù não cần được chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh nhân tuyệt đối không được tùy ý dùng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
- Trong khi dùng thuốc, nếu có bất kỳ triệu chứng khác lạ nào, bệnh nhân nên trao đổi ngay với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.