Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ nhiều dịch bệnh, như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Bộ Y tế khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn với 28 địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu trong quá trình ứng phó với cơn bão, cần lưu ý xử lý các tình huống tai nạn ban đầu, đảm bảo nguồn thực phẩm, nước sạch và xử lý môi trường, phòng chống dịch.
Sau khi cơn bão đi qua, cần tiếp tục điều trị cho các trường hợp chưa ra viện, xử lý vệ sinh môi trường và đảm bảo nguồn nước sạch.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa bão.
Theo đó, ngành y tế các tỉnh, thành tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước; thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn.
Bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường. Xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường; phương án bảo đảm an toàn các công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế và thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.
Sau khi có bão, lũ xảy ra, ngành y tế các địa phương cần hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Trong sáng nay (8/9), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ 5 mục tiêu sắp tới gồm: Thứ nhất, tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số.
Thứ hai, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.
Thứ ba, khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Thứ tư, thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Thứ năm, ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…