Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là thời điểm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu gia tăng. Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về đảm bảo ATTP phục vụ Tết và lễ hội Xuân 2022, trong đó tăng cường các biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý rượu giả, rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, về phía người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng rượu để phòng tránh ngộ độc rượu.
Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 tuần đầu tháng 12, Trung tâm đã tiếp nhận ít nhất 8 bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong. Khai thác bệnh sử cho thấy các bệnh nhân này đều uống các loại rượu không rõ nguồn gốc với lượng nhiều.
Theo Trung tâm chống độc, tình trạng không ít người kinh doanh rượu phi pháp mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính vẫn diễn biến phức tạp. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, ngộ độc methanol nếu được điều trị kịp thời thì sẽ không nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, ở nước ta do hầu hết bệnh nhân không biết bản thân bị ngộ độc methanol nên đến viện khi đã muộn. Chính vì không được điều trị kịp thời, nên tỷ lệ tử vong của các ca bệnh này là rất cao. Ngoài ra, việc lạm dụng rượu lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể.
Vì thế, để phòng tránh ngộ độc rượu, người dân cần lựa chọn những sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, không uống rượu khi đang đói, mệt, đang uống thuốc điều trị hoặc đang tham gia giao thông để hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc xảy ra.