Những tình huống ‘khó đỡ’ của F0 ở trạm y tế phường
Mắc Covid-19 nhưng không khai báo chỉ đến khi trở nặng mới “cầu cứu”, một F0 khác lại phàn nàn vì “treo biển cách ly ở tầng 1 ảnh hưởng đến việc làm ăn”… là những tình huống khiến nhân viên y tế phường đau đầu.
Trạm y tế phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gồm 8 nhân viên y tế quản lý, chăm sóc hơn 23 nghìn dân. Vì vậy công việc của các nhân viên y tế luôn trong tình trạng quá tải.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, phụ trách y tế phường Chương Dương, cho biết, chỉ một buổi sáng, mấy chục cuộc điện thoại đã đổ về trạm y tế phường, các cuộc gọi bất kể giờ giấc, ngày đêm, có những cuộc gọi vào giờ ăn, có F0 gọi vào lúc 3h sáng…
Với hàng trăm F0 cách ly tại nhà, 8 nhân viên y tế phường phải chia nhau để quản lý. Họ lập nhóm zalo để hàng ngày, các F0 báo các chỉ số thông tin về sức khỏe. Ngoài quản lý chăm sóc F0 tại nhà, y tế phường còn kiêm luôn nhiệm vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin, báo cáo số liệu…
Nhưng không ít trường hợp, người dân có ý thức kém khiến công việc của các nhân viên y tế thêm mệt mỏi. Theo các nhân viên y tế, có trường hợp mắc Covid-19, khi y tế phường hỏi thông tin, người này đã khẳng định như “đinh đóng cột”: “Nhà chỉ có mình em và… con mèo”. Vì vậy F0 này đã được y tế phường hướng dẫn cách ly tại nhà, tuyệt đối không tiếp xúc với người khác. Nhưng sau đó, người này lại gọi điện đến trạm để thông báo là nhà có một F0 khác đang trở nặng.
Lúc này, lực lượng phường xuống kiểm tra, mới phát hiện trong quá trình cách ly tại nhà, người này có cho một người chị khác đến nhà ở cùng. Hiện tại, người chị này có dấu hiệu trở nặng và gọi điện đến y tế phường. Nhận điện thoại, chị Hà lại phải bỏ dở công việc, đến nhà F0 trên để kiểm tra tình hình.
Chị Đỗ Thị Thanh Nhàn, nhân viên Trạm Y tế phường Chương Dương, cũng chia sẻ về một trường hợp là F0 nhưng không khai báo y tế, tự điều trị tại nhà. Khi người bệnh có triệu chứng chuyển nặng (khó thở, SpO2 giảm), người thân mới hoảng hốt gọi đến trạm y tế phường.
Chị Vũ Bích Ngọc, một nhân viên khác của trạm, cũng đồng tình: “Công việc thực sự rất mệt mỏi, căng thẳng lơ là một chút bị ý kiến phản hồi ngay”. Các nhân viên y tế kể, họ không ít lần bị F0 hoặc người nhà lớn tiếng vì không vừa ý.
Vì vậy khi nhận cuộc điện thoại tiếp theo, 1 F0 than phiền: “Nhà có 2 người vừa tets nhanh dương tính, tôi gọi điện thoại cho trạm y tế phường không được”, nữ nhân viên y tế phường vội giải thích: “Ở đây điện thoại liên tục, cứ dập lại có cuộc khác nên gia đình phải gọi liên tục”.
Các nhân viên y tế ở đây còn ấn tượng với trường hợp F0 gọi điện đến trạm y tế để phàn nàn. Theo đó, khi gia đình này xuất hiện F0, lực lượng phường đã tiến hành chăng dây và treo biển để cách ly y tế. Nhưng người này gọi điện phàn nàn rằng lực lượng chức năng phải treo biển cách ly ở tầng 3 của ngôi nhà, chứ không được treo ở tầng 1. Treo biển ở tầng 1 sẽ cản trở việc làm ăn buôn bán của gia đình.
Chị Thanh Hà, nhân viên y tế phường này, cũng chia sẻ thêm về lần đến tiêm vắc xin tại nhà cho người cao tuổi, những người không thể đến các điểm tiêm tập trung.
Mỗi tổ tiêm lưu động gồm 4 người, bác sĩ test nhanh Covid-19, khám sàng lọc, tiêm và trực cấp cứu. Ngoài ra, lực lượng dân quân tự vệ tham gia hỗ trợ mang bình oxy theo.
"Một ngày nhóm tiêm có thể tiêm được khoảng 8-10 người. Chúng tôi khoanh vùng những khu vực, các tổ trưởng hỗ trợ lên danh sách người cao tuổi chưa được tiêm để sắp xếp lịch trình các địa chỉ tiêm gần nhau.
Mỗi lọ vắc xin khi mở ra chỉ có thời gian giữ thuốc từ 6-8 giờ. Vậy nên các y bác sĩ phải cố gắng tiêm tối đa trong thời gian nhanh nhất. Có nhà các cụ nằm trên tầng 5, tầng 6, đi lên rất vất vả. Vì đường nhỏ, ngõ nhỏ nên thông thường phải đi bộ chứ không thể đi xe máy", chị Nguyễn Thanh Hà nói.
Nhưng khi nhóm nhân viên y tế đến một gia đình để tiêm tại nhà, thấy người này có khả năng đi lại, nhân viên y tế thắc mắc: “Sao bác có thể đi lại bình thường mà không tự ra điểm tiêm?”. Người này không trả lời, giận giữ đóng sầm cửa trước mặt các nhân viên. Lúc này, các nhân viên y tế bất lực, đành di chuyển sang nhà khác.
Tuy nhiên họ cũng nhận được những tình cảm đáng quý từ người dân. Gia đình hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (phường Chương Dương) được bác sĩ đến tận nhà tiêm vắc xin. Thấy trời đã quá trưa, bà Hoa nói: "Các cô tiêm xong ở lại đây ăn cơm nhé!". Thế nhưng xong việc, chưa kịp uống cốc nước, đội tiêm đã vội rời đi.
Thấy nhân viên y tế vất vả, nữ tổ trưởng tổ dân phố ở đây chỉ kịp dúi vội túi hoa quả, hộp sữa vào tay một cán bộ y tế: "Này, cầm lấy về chị em ăn!".
Chị Đỗ Thanh Nhàn - cán bộ y tế phường, kể lúc thì được tặng hoa quả, lúc cái bánh. Nhiều khi thấy quá trưa mà vẫn làm việc, các bà lại mua cho cái bánh mì, bánh ngọt ăn để cầm hơi. Vì vậy trở về trạm y tế, đôi khi ngoài dụng cụ y tế là túi hoa quả, gói xôi… do người dân gửi tặng.
“Công việc vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy an ủi phần nào khi người dân thông cảm và yêu quý như vậy", chị Nhàn chia sẻ thêm.
(Báo điện tử Vietnamnet)
Sáng 2/2: Hơn 2,06 triệu ca COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; bệnh nhân nặng giảm mạnh
Bộ Y tế cho biết đến nay trên cả nước đã có hơn 2,06 triệu ca COVID-19 khỏi bệnh; số bệnh nhân nặng cũng đang giảm mạnh, hiện còn hơn 3.300 ca; Cán bộ y tế và lực lượng chức năng 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người' thực hiện thần tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.286.750 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.169 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.279.719 ca, trong đó có 2.059.241 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (514.047), Bình Dương (292.908), Hà Nội (134.223), Đồng Nai (99.910), Tây Ninh (88.284).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.062.058 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.315 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.349 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 451 ca; Thở máy không xâm lấn: 111 ca; Thở máy xâm lấn: 390 ca; ECMO: 14 ca
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.222.864 mẫu tương đương 77.232.838 lượt người, tăng 18.230 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 181.431.371 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.073.848 liều, tiêm mũi 2 là 74.168.251 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.189.272 liều.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người' thực hiện thần tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân
Ngành y tế TP HCM tổ chức 24 điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cố định ở 22 địa phương phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
TP HCM đang nỗ lực bao phủ vaccine trong cộng đồng đến hết tháng 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Việc tiêm liều bổ sung và nhắc lại (còn gọi là mũi 3) giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước biến chủng Omicron và các chủng khác, vì hiệu quả vaccine có thể giảm dần theo thời gian.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) ngày 1/2 cho hay, lực lượng y tế quận 8 đã triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022.
Lực lượng y tế quận 8 đã duy trì tổ chức tiêm vaccine trong lễ Tết năm 2022 tại 3 cơ sở y tế là Trung tâm Y tế quận 8, Bệnh viện quận 8 và Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp.
Chiến dịch thần tốc tiêm chủng mùa Xuân 2022có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, giúp tăng tỉ lệ bao phủ vaccine càng cao, kéo giảm nguy cơ lây nhiễm, số ca mắc, tỉ lệ chuyển nặng và tử vong.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa xuân năm 2022 theo tinh thần làm xuyên Tết, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phấn đấu trong quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, bảo đảm tiêm hết cho người cao tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân lao động trong các khu công nghiệp cho những người có đủ điều kiện tiêm chủng.
Cả nước có 185 ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 185 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đi/đến các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến chủng mới; chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Chuẩn bị đủ các vật tư thiết bị y tế và đặc biệt là dự trữ oxy phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Chiều 2/2: Tiêm hơn 150 nghìn liều vaccine phòng COVID-19 trong ngày đầu Tết Nhâm Dần
Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho thấy ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần cả nước đã tiêm hơn 150 nghìn liều vaccine phòng COVID-19. Đây là nỗ lực của cả hệ thống y tế trong thực hiện chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân năm 2022- tiêm chủng xuyên Tết.
Đến 14h30 ngày 2/2, Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho thấy nâng tổng số liều đã tiêm ở Việt Nam là gần 181,6 triệu, trong đó ngày 1/2- tức mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hệ thống y tế đã tiêm hơn 150 nghìn liều.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thần tốc thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, toàn hệ thống y tế cả nước đã rất nỗ lực, 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người' để tiêm vaccine cho các đối tượng cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm.
Chia sẻ với báo chí nhân dịp năm mới Nhâm Dần, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá công tác phòng chống dịch COVID-19 đang từng bước có những kết quả hết sức khả quan.
"Quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam đã tăng được độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 ở mức độ rất cao và là một trong những nước thuộc top đầu thế giới về bao phủ vaccine. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng xác định vaccine là một trong những chìa khóa then chốt để đưa cuộc sống trở lại bình thường cộng thêm các biện pháp công cộng khác nữa"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đã báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân, tiêm xuyên Tết và tiêm cho tất cả mọi người khi đến lịch tiêm. Tất cả người dân khi về quê ăn Tết có thể đăng ký tiêm ngay tại địa bàn đó. Bộ đã có hướng dẫn, chỉ đạo với các địa phương, lực lượng y tế cũng sẵn sàng.
Tính đến hết tháng 1/2022, Bộ Y tế đã tiếp nhận đủ số vaccine phòng COVID-19 mua từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Trong tổng số 213,7 triệu liều đã tiếp nhận, đã phân bổ 196 triệu liều; còn khoảng 17,7 triệu liều chưa phân bổ do mới được tiếp nhận, cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.
Đến ngày 1/1, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 165.183.665 liều, trong đó mũi 1 là 70.627.468 liều; mũi 2 là 67.801.092 liều và mũi bổ sung là 10.200.129 liều; mũi 3 là 16.554.976 liều
Có 52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90% gồm: Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương.
Số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.247.706 liều, trong đó mũi 1 là 8.446.380 liều; mũi 2 là 7.801.326 liều
37/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90% gồm: Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang.
10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 23% - dưới 80% gồm: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương.
Ngành y tế TP HCM tổ chức 24 điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cố định ở 22 địa phương phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội trong ngày 1/2 (mùng Một Tết Nhâm Dần), thành phố vẫn tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng xuyên Tết.
Cụ thể, trong ngày mùng Một Tết, Hà Nội đã tiêm được 2.434 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân, qua đó nâng tổng số mũi tiêm thành phố thực hiện lên 14.747.595.
Hà Nội cũng đã tiêm 245.526 mũi bổ sung và 2.378.886 mũi nhắc lại.
Nhằm đảm bảo tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, tỉnh Đồng Nai phát động phong trào Tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết với phương châm "Chúng ta vừa nghỉ Tết vừa đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong 9 ngày Tết, khoa học, an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.