Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: An toàn đặt lên hàng đầu
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. Cho đến nay WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine phòng Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện nay, có hơn 37 quốc gia đã có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao. Đồng thời, Bộ cũng theo sát thông tin vaccine nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra...
Bộ Y tế cũng đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để mua vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đang đàm phán với các hãng để có thể cung ứng vaccine này. Khi có vaccine này, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết.
Cũng theo Bộ trưởng, việc tiêm vaccine vẫn thực hiện theo chương trình cũ. Việc tiêm vaccine không phải là bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích với tất cả người dân. Đa phần các trường hợp tử vong thời gian qua- khoảng 80% là do không tiêm vaccine, không tiêm đủ mũi. Đây là điều rất đáng tiếc, phần lớn tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.
Vì thế, hiện nay, để bảo vệ nhóm đối tượng này, các địa phương đang thực hiện chiến lược "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm vaccine cho người dân, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.
Trước đó, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cho phép mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioTech để có thể triển khai tiêm và chấp nhận có thể dư thừa vaccine.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, trong ngày 2/2 (mùng 2 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), TP vẫn tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng xuyên Tết. Cụ thể, trong ngày mùng 2 Tết, Hà Nội đã tiêm được 2.434 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân, qua đó nâng tổng số mũi tiêm TP thực hiện lên 14.747.595. Hà Nội cũng đã tiêm 245.526 mũi bổ sung và 2.378.886 mũi nhắc lại.
Đồng thời, TP đang điều trị cho 59.832 người mắc Covid-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (151 bệnh nhân), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (168 bệnh nhân), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.507 bệnh nhân), cơ sở thu dung của TP (142), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (1.168). Ngoài ra, 55.696 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, TP Hà Nội vẫn tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng xuyên Tết, trong ngày 1/2, toàn TP tiêm được 2.434 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn TP đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là 14.747.595 mũi tiêm; 245.526 mũi bổ sung và 2.378.886 mũi vaccine nhắc lại.
Theo Sở Y tế Hà Nội, các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 như giám sát người nhập cảnh, xét nghiệm, chiến dịch tiêm chủng xuyên Tết. Tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ người bệnh theo dõi tại nhà đang được ngành y tế cùng chính quyền địa phương thực hiện, đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 2,2 triệu ca mắc Covid-19. Tính đến ngày 2/2, tổng số ca Covid-19 được điều trị khỏi bệnh trên cả nước là hơn 2,06 ca. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là hơn 181,4 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 79 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 74 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là gần 28,2 triệu liều.
Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi từ tháng 11/2021, vaccine tiêm là Pfizer. Công tác tiêm chủng cho trẻ chủ yếu được triển khai tại các nhà trường. Thông kê đến ngày 1/2/2022, số liều vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.247.706 liều, trong đó mũi 1 là 8.446.380 liều; mũi 2 là 7.801.326 liều.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Chiều 3/2: Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân; cả nước đã tiêm trên 181,6 triệu liều
Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cán bộ y tế tại nhiều địa phương vẫn đang nỗ lực triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân - tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết. Đến chiều 3/2, cả nước đã tiêm trên 181,6 triệu liều.
Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 13h ngày 3/2, tức mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho thấy tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm ở Việt Nam là 181,659,091 liều, trong đó ngày 2/2- tức mùng 2 Tết, hệ thống y tế đã tiêm 77.258 liều.
Đến ngày 2/3, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 165.329.474 liều, trong đó mũi 1 là 70.632.285 liều; mũi 2 là 67.810.693 liều; mũi bổ sung là 10.282.763 liều; mũi 3: 16.603.733 liều.
Hiện 52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90%
Về số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.252.359 liều, trong đó mũi 1 là 8.446.574 liều; mũi 2 là 7.805.785 liều.
37/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90%; 10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 23% - dưới 80% .
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022; thực hiện hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại trong Quý I/2022; rà soát, tổ chức tiêm vét ngay không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Thu hồi toàn quốc lô nước muối súc miệng Pharphap Natriclorid
Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô mỹ phẩm: Nước muối súc miệng Pharphap Natriclorid 0,9% - 1000 ml.
Nước muối súc miệng Pharphap Natriclorid 0,9% - 1000 ml, số lô: PP010921, hạn dùng: 240924 do Công ty cổ phần tập đoàn Shabigroup sản xuất và Công ty cổ phần Giải Pháp Kinh Doanh & Xuất Nhập Khẩu JPNATURAL chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường.
Lý do thu hồi: Sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu Giới hạn nhiễm khuẩn.
(Báo điện tử quochoitv.vn)
Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất
Với sự lãnh đạo của những người đứng đầu đất nước, năng lực của Chính phủ, sự hy sinh của đội ngũ nhân viên y tế và sự đồng lòng cố gắng của người dân, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất trong hai năm qua.
Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, ông Cho Han Deog và Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, đã trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hai năm qua.
Ông Cho Han Deog cho rằng, năm 2021 là một năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới do sự xuất hiện của các chủng virus mới với lây nhiễm nhanh đột biến.
Mặc dù vậy, với sự lãnh đạo của những người đứng đầu đất nước, năng lực của Chính phủ, sự hy sinh của đội ngũ nhân viên y tế và sự đồng lòng cố gắng của người dân, dịch bệnh đã được ngăn chặn hiệu quả.
Chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị đều quan trọng trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm như COVID-19. Việt Nam chưa trực tiếp sản xuất được vaccine, nên trong năm 2020, Chính phủ đã tập trung vào công tác phòng dịch và đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Đến năm 2021, để nâng cao tỉ lệ tiêm chủng trên toàn quốc, Chính phủ đã thông qua con đường ngoại giao để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo đủ số lượng vaccine cần thiết cho toàn dân. Chiến dịch này đã thành công khi tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam đạt mức cao.
Đề cập tới nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua, bà Rana Flowers nhận định, thực hiện khẩu hiệu "Chống dịch như chống giặc", Việt Nam đã nỗ lực hết mình trong việc huy động sự tham gia, ủng hộ của toàn hệ thống chính trị và nhân dân cho hoạt động ứng phó với COVID-19.
Nhiều biện pháp hữu hiệu được triển khai quyết liệt, như phát hiện sớm, truy vết nhanh, kiểm soát chặt chẽ. Ngay sau khi có vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đã kịp thời và chủ động thực hiện các hành động để đảm bảo nguồn cung, cũng như quản lý nguồn vaccine trên toàn quốc.
Trưởng Đại diện UNICEF đề cao việc Chính phủ phân phối vaccine một cách an toàn và hiệu quả, cũng như việc Việt Nam đã huy động được lượng vaccine cần thiết để tiêm cho người dân.
Bà Rana Flowers bày tỏ, hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã cho thấy, khi Chính phủ đã đưa ra cam kết thì sẽ luôn thực hiện rất hiệu quả.
Thêm vào đó, tỉ lệ nhiễm bệnh và tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác và đây là thành quả của các chiến lược phòng, chống COVID-19 do Chính phủ Việt Nam đề ra và thực hiện.
Chính sách ngoại giao vaccine là một yếu tố quan trọng để Việt Nam có được nguồn cung vaccine cần thiết nhằm đạt được số lượng người được tiêm chủng cao như hiện nay. Ngoài ra, Việt Nam đã huy động thành công sự hỗ trợ từ các công ty, tổ chức và người dân thông qua Quỹ vaccine được phát động vào tháng 6 năm ngoái. Việt Nam đã thể hiện sự cam kết và đoàn kết đáng kinh ngạc trong chiến dịch tiêm chủng này.
Thông qua chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc, hệ thống tiêm chủng được tiếp tục củng cố và nhận được nhiều sự hỗ trợ của các ngành, bao gồm cả quân đội, công an và giáo dục, để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cả nước từ trước đến nay.
Bà Rana Flowers cũng đưa ra những khuyến nghị dành cho Việt Nam nhằm ứng phó với các biến chủng mới của COVID-19 trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam cần thúc đẩy việc tiêm chủng đầy đủ cho người dân, tiêm các liều bổ sung để giảm thiểu số ca mắc mới, giảm nguy cơ bệnh nặng do COVID-19 và giảm tử vong liên quan đến COVID-19.
Việt Nam cũng cần đảm bảo cho hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và nâng cao năng lực hệ thống y tế nhằm đối phó với các biến thể mới như Omicron, cũng như tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng vệ và thực hiện chiến lược 5K.