Tăng hiệu lực quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đã giúp cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2021 đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để duy trì kết quả đạt được vẫn còn nhiều việc phải làm. Với năm mới 2022, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đã giúp cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2021 đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để duy trì kết quả đạt được vẫn còn nhiều việc phải làm. Với năm mới 2022, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Thành lập 900 đoàn thanh tra, kiểm tra
Hà Nội hiện có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong năm 2021, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, gồm các đoàn liên ngành và chuyên ngành. Công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu chế biến có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Trong năm 2021, các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 48.000 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm gần 7.000 cơ sở với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn trước.
Không chỉ vậy, theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2021, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm chặt chẽ, hiệu quả, nhất là duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh, thành phố lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập về Hà Nội. Cùng với đó, 3 sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cũng đã thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm.
“Việc quản lý an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và quản lý các chợ đầu mối được đẩy mạnh. Thêm vào đó, các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm tiếp tục phát huy hiệu quả. Đặc biệt, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng mô hình hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội… vẫn đáp ứng yêu cầu đề ra”, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết thêm.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong năm 2021 vẫn còn gặp không ít khó khăn. Dịch Covid-19 xảy ra trong thời gian dài, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến các công tác an toàn thực phẩm trên toàn thành phố. Một số mục tiêu, chỉ tiêu về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, các hoạt động và chương trình đề án về an toàn thực phẩm… chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, ngoài khó khăn về đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu so với khối lượng và yêu cầu của công việc, công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy Đảng và chính quyền xã, phường, thị trấn còn chưa quyết liệt và thường xuyên. Việc xử lý vi phạm ở một số xã đã được đẩy mạnh, nhưng kết quả còn hạn chế. Cùng với đó, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến, nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao… Do đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn.
Tạo bước chuyển biến mới
Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, thành phố sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn thành phố, đặc biệt tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhấn mạnh, thời điểm hiện tại khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh. Để tạo bước chuyển biến mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã phải đẩy mạnh hoạt động của các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất.
Đề cập đến nhiệm vụ này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà chia sẻ, để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, thành phố sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành. Đặc biệt, các đoàn thanh tra, kiểm tra không được nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm. Thậm chí, sau khi xử lý, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép cho hoạt động, nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, thành phố tiếp tục tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các kỳ họp, hội nghị, sự kiện chính trị trong nước và quốc tế tổ chức tại Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục triển khai kiểm soát các bữa cỗ tập trung đông người, các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm… Đặc biệt là siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như: Hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, củ, quả; chất kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm…
Cùng với việc tăng cường năng lực quản lý, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, thành phố luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức trong năm 2022. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm...; thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng. Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.
“Một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở kinh doanh thực phẩm không an toàn. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt. Chúng ta không chỉ tăng cường năng lực quản lý nhà nước, mà còn phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
(Báo Hà nội mới)
Có 2.193 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau sau 4 ngày Tết
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, sau 4 ngày nghỉ Tết, 2.193 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 2,1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 35% trong số đó 849 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 8 trường hợp tử vong.
Báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành trên toàn quốc cho thấy ngày 3/2 (tức ngày Mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022), có 36.109 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 16.981 bệnh nhân, giảm 56,2% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021; 9.040 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú (chiếm 50%), giảm 62%.
Các bác sĩ đã thực hiện 1.168 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 263 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 1.307 trẻ chào đời. 2.471 bệnh nhân điều trị khỏi, được xuất viện về nhà ăn Tết.
Tính cả 4 ngày nghỉ Tết, có 67.244 bệnh nhân được điều trị khỏi, về nhà ăn Tết, giảm 3,1% so với 4 ngày Tết Tân Sửu 2021.
Sau 4 ngày nghỉ Tết, đã có 17.345 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 15% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 12,9% trong tổng số ca khám, cấp cứu chung.
Trong đó có 5.045 trường hợp phải nhập viện điều trị, chiếm 29,1% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 24,6% so với cùng kỳ.
Có 159 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 19 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021.
Cũng sau 4 ngày nghỉ Tết, 2.193 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 2,1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 35% trong số đó 849 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 8 trường hợp tử vong.
Cả nước đã có 287 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 12 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021, không có ca tử vong. 32 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác, rất may mắn không có trường hợp tử vong.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca COVID-19 sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng
Bộ Y tế nhận định dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước; Số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca nhiễm sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron...
Số ca COVID-19 mắc mới, chuyển nặng và tử vong có xu hướng giả
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/01 - 02/02/2022), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc COVID-19 và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó, mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong).
So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.
Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
Tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.
Các dịch bệnh khác đang được kiểm soát tốt, không ghi nhận các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh do liên cầu lợn; không ghi nhận các trường hợp mắc MERS-CoV, cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), bại liệt
5 ngày thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, 30 tỉnh, thành đã tiêm 782.000 liều vaccine phòng COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/01 đến 02/02/2022), cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, đã tiêm chủng được hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2; 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).
Một số địa phương có số liều tiêm chủng cao trong dịp Tết gồm: Thái Bình (102.218 liều), Hưng Yên (78.688), Phú Yên (68.444), Hà Nội (55.306), Phú Thọ (51.578), Bình Thuận (41.235), Gia Lai (35.851), Quảng Nam (35.851), Lâm Đồng (24.765), Long An (22.169)...
Bộ Y tế cho biết tiếp tục tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn từ ngày 29/01/2022 đến hết ngày 28/02/2022.
Rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng.