Phục hồi sức khỏe sau nghỉ Tết
Ngày Tết, chế độ ăn uống, sinh hoạt của mọi người dễ bị xáo trộn. Do ăn nhiều chất ngọt, chất béo, uống nhiều rượu, bia, ít vận động, thức khuya… gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Chính vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người cảm thấy cơ thể mệt mỏi, làm việc khó tập trung. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mỗi người nên xây dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh kết hợp với việc luyện tập thể lực hợp lý là nền tảng vững chắc để phục hồi sức khỏe.
Những bệnh dễ “ghé thăm” sau Tết
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Lê Văn Khoa, chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 2, sau Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân đến khám, kiểm tra các bệnh lý đường tiêu hóa thường tăng hơn trước Tết. Lý do là việc nạp vào cơ thể quá nhiều chất, ăn uống thất thường, tiệc tùng và thói quen “chén chú, chén anh” liên miên trong những ngày Tết là chất xúc tác làm trầm trọng hơn bệnh lý đường tiêu hóa. Có 6 bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa dễ gặp trong dịp Tết là viêm loét dạ dày; hội chứng ruột kích thích; viêm loét đại tràng; tiêu chảy, táo bón; nhiễm trùng đường tiêu hóa và trào ngược dạ dày, thực quản.
Còn theo bác sĩ Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, hằng năm vào dịp Tết, bên cạnh các ca tai nạn giao thông do uống rượu, bia, bệnh viện cũng tiếp nhận những trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng, viêm loét dạ dày… nhiều hơn ngày bình thường. Đây là những bệnh cấp tính, hậu quả từ việc ăn uống sai giờ giấc, sử dụng nhiều thực phẩm khó tiêu, chua cay…
Đối với bánh chưng - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, nếu sử dụng quá đà cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, 1/4 chiếc bánh chưng tương đương với năng lượng của 2 bát cơm. Ngoài bánh chưng, bữa ăn ngày Tết còn có giò, chả, nem, thịt quay, thịt rán… So với ngày bình thường, năng lượng mỗi người nạp thêm vào cơ thể mỗi ngày Tết khoảng 1.000 calo. Thêm vào đó, việc tập luyện giảm đi nên chỉ khoảng vài ngày, cơ thể có thể tăng lên 1-2kg, gây ra tình trạng thừa cân, tăng mỡ, tăng đường máu, nhất là đối với những người có sẵn bệnh đái tháo đường, huyết áp, tim mạch...
Những thay đổi trong sinh hoạt, ăn uống ngày Tết, thậm chí nhiều người “mải vui” quên uống thuốc có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là ở thời điểm giá rét như hiện nay. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam thông tin, thống kê hằng năm cho thấy, tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp nhập viện do đột quỵ trong và sau Tết tăng khoảng 15-30% so với bình thường.
“Đối với người tăng huyết áp, nhất là người cao tuổi bị cao huyết áp lâu năm, mạch máu đã bị xơ vữa. Khi huyết áp tăng cao khó tránh khỏi bị vỡ mạch do ở não có nhiều mạch máu nhỏ, khả năng chịu áp lực kém. Ngoài ra, đa số thực phẩm Tết có chứa lượng cholesterol lớn. Khi hàm lượng cholesterol trong máu quá cao làm lắng đọng trên thành động mạch, gây ra xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, thậm chí hình thành các cục máu đông gây tắc mạch, dẫn đến đột quỵ. Hơn nữa, việc uống nhiều rượu, bia trong thời tiết giá lạnh, khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, làm huyết áp tăng cao cũng dễ dẫn tới đột quỵ”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông nói.
Sớm đưa lịch sinh hoạt về bình thường
Để các bệnh lý đường tiêu hóa không còn là nỗi ám ảnh đối với sức khỏe sau Tết, bác sĩ Lê Văn Khoa, chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 2 lưu ý, người dân nên xây dựng và thực hiện lối sống khoa học, cụ thể là ngủ đủ giấc, ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa nếu mắc hội chứng ruột kích thích. Tránh sử dụng các chất kích thích, như: Bia, rượu, thuốc lá, trà đặc...; tránh ăn các thức ăn chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều đạm; tránh ăn quá nóng, quá lạnh. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, hoặc tái khám ngay khi các triệu chứng cấp tính hoặc triệu chứng dai dẳng để tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Còn Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, sau Tết, mọi người nên đưa lịch sinh hoạt, ăn uống về bình thường càng sớm càng tốt. Đặc biệt, nên duy trì tối thiểu 30 phút vận động mỗi ngày với các môn thể thao phù hợp. Những vận động tưởng nhỏ, như: Đi bộ, xoay lắc người khi nghỉ ngơi; chọn đi cầu thang bộ thay cầu thang máy… cũng góp phần tiêu hao năng lượng
Hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn tăng cao và nước ta cũng đã có hàng trăm ca nhiễm biến chủng Omicron. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, sau Tết, khi trở lại với công việc, người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19, giảm bớt việc tụ tập hoặc ngồi với khoảng cách gần để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Trong trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19, như: Ho, sốt, khó thở…, thì hạn chế tiếp xúc, đi lại và thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xử lý theo quy định.
(Báo Hà nội mới)
Bộ Y tế: Tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân, không bỏ sót người chưa tiêm
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm/chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng...
Có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết trong các ngày từ 31/01/2022 – 04/02/2022 (từ 29 Tết đến mùng 4 Tết), ghi nhận 41.042 trường hợp mắc COVID-19 tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 547 trường hợp tử vong.
5 ngày Tết không ghi nhận các trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9); không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A(H5N1), A(H7N9) tại các cửa khẩu biên giới.
Bộ Y tế nhận định đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm.
Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).
Không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm, chưa được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19, đặc biệt đối với biến chủng mới Omicron, tiếp tục huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2022, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, coi công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó chú trọng các nội dung: Tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Tiếp tục rà soát, đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để tổ chức các biện pháp đáp ứng dịch phù hợp, làm cơ sở triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với Nghị quyết số 128/NQ-CP và tình hình dịch bệnh.
Đồng thời tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.
Các bộ ngành, địa phương... tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... nhất là khi đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết.
Đối với các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; có phương án thường trực, dự trữ cơ số máu, thuốc, dịch truyền, ôxy y tế, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy.
Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải y tế, đảm bảo việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đúng quy định, không làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài và không gây ô nhiễm môi trường.
Triển khai các hoạt động liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép nhập cảnh, mở cửa du lịch và mở cửa trường học an toàn cho học sinh trở lại trường.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Hà Nội đang có 49.340/52.698 F0 điều trị tại nhà
Số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội điều trị tại các cơ sở thu dung giảm mạnh, có gần 94% F0 đang điều trị tại nhà. Số ca nhiễm trên cả nước trong tuần nghỉ Tết nguyên đán giảm 22%, số ca nguy kịch giảm 22,4%.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 4/2, Hà Nội ghi nhận 2.756 tại 402 xã, phường thuộc 30 quận, huyện. Hiện toàn thành phố có 52.698 F0, trong đó có 152 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; 171 ca tại Bệnh viện Đại học Y hà Nội; 2.345 F0 tại các bệnh viện của thành phố Hà Nội.
Số ca nhiễm đang điều trị tại cơ sở thu dung thành phố là 33 và tại cơ sở thu dung quận, huyện là 657. Ngày 4/2, thành phố có 23 ca tử vong, nâng tổng số ca không thể qua khỏi có liên quan đến Covid-19 trong đợt dịch thứ tư là 726.
Thành phố hiện có 49.340 trường hợp F0 điều trị tại nhà, chiếm tỷ lệ gần 94% ca nhiễm của thành phố.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/1 - 2/2/2022), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó, mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong). So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.Trong 5 ngày nghỉ, cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân với hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2, 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).
Nhận định chung, đến nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch đang từng bước đạt được những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, tính đến thời điểm này, nhiều chỉ số cho thấy Tết Nhâm Dần là một cái Tết yên bình về mặt y tế.
So với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021, số ca khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông giảm 172,8%, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 34,3%; số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 45%; số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 350%; số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 211,4%, số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện giảm 98,3%.
Theo thông tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm, đến ngày 2/2/2022 chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhận định, sau dịp Tết nguyên đán có thể tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron. Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
(Báo Nhân dân)
Các loại thuốc cần uống khi xuất hiện triệu chứng của Covid-19
Sốt, ho, đau đầu, mất ngủ là các triệu chứng phổ biến khi mắc Covid-19 thể nhẹ.
Đến nay, Việt Nam cũng như thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh Covid-19. Phương pháp được áp dụng hiện tại vẫn là điều trị triệu chứng. Trong đó, việc xử lý các triệu chứng sớm đúng cách sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt, giúp sớm khỏi bệnh.
Ngoài việc thường xuyên theo dõi các thông số như nhiệt độ, nồng độ oxy trong máu (SpO2), nhịp tim,... biết cách sử dụng thuốc khi những chỉ số này thay đổi hoặc dấu hiệu bất thường cũng là điều mọi người dân cần nắm vững, tránh sai lầm không đáng có.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ chiến đấu với virus này và biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng cụ thể.
Sốt
“Thực tế, việc cơ thể sốt khi mắc Covid-19 cũng thể hiện hệ miễn dịch của chúng ta vẫn đang hoạt động tốt. Ở một số trường hợp cao tuổi, nhiều bệnh nền, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, ung thư,... virus có thể vẫn nhân lên mạnh mẽ nhưng không biểu hiện sốt”, bác sĩ Hoàng cho hay.
Tuy nhiên, tình trạng sốt quá cao có thể khiến cơ thể mệt mỏi do mất nước, điện giải,... Sốt cũng gây ra tình trạng đau đầu, mất ngủ, ăn kém, thậm chí co giật ở trẻ em. Lúc này, việc cần làm là hạ sốt.
Thông thường, các loại thuốc chứa paracetamol sẽ được sử dụng để hạ sốt với liều lượng tùy lứa tuổi. Một số loại thuốc có thành phần là paracetamol phổ biến là Efferalgan, Panadol, Tylenol,...
Theo bác sĩ Hoàng, về cơ bản, paracetamol khá an toàn với cơ thể người. Tuy nhiên, với một số ít trường hợp, thành phần này sẽ gây độc với gan và dẫn đến suy gan khi dùng nhiều.
“Nếu không dùng được paracetamol, bệnh nhân có thể sử dụng ibuprofen với hàm lượng 200 hoặc 400 mg để thay thế”, vị chuyên gia gợi ý.
Bên cạnh thuốc hạ sốt, bác sĩ Hoàng cũng khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 khi sốt nên bổ sung đủ nước và chất điện giải gồm kali, natri, clo (kali và muối ăn). Đây cũng là thành phần quan trọng để đảm bảo việc dẫn truyền thần kinh và co cơ. Các sản phẩm nên sử dụng trong trường hợp này là oresol, gói bổ sung điện giải, nước dừa, nước cháo, chanh muối,...
Ngoài ra, khi sốt kéo dài tới ngày thứ 6-7, thậm chí ngày thứ 10, bác sĩ Hoàng cho biết cần xác định thêm nguyên nhân sốt là SARS-Cov-2, vi khuẩn hay loại virus nào khác để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Ho, hắt hơi
Bác sĩ Hoàng cho biết đây là những phản xạ nhằm đẩy các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Theo đó, chỉ khi tình trạng ho quá khó chịu, gây đau quặn bụng, đau ngực, mất ngủ,... thì mới nên dùng thuốc giảm ho.
“Thông thường, chúng ta có thể dùng chanh, mật ong cùng nước ấm để giảm ho. Một số loại bổ phế thảo dược như Nam Hà, Bảo Thanh, PH,... hoặc Prospan từ lá thường xuân cũng có tác dụng nhất định”, vị chuyên gia chia sẻ.
Ngoài ra, trên thị trường hiện có một số loại thuốc giảm ho bằng cách ức chế trung khu hô hấp, ví dụ chứa thành phần codein. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng loại thuốc này.
Các loại thuốc chống dị ứng, thuốc long đờm cũng có tác dụng giảm ho, làm loãng đờm, dễ ho khác hơn. Theo vị chuyên gia này, việc bớt đờm cũng giúp đường hô hấp tránh bị kích thích dẫn đến ho.
Buồn nôn, nôn
“Triệu chứng này cũng là các phản xạ để cơ thể loại bỏ chất độc hại. Tuy nhiên, việc nôn ra ngoài khiến có thể bị mất điện giải, gây mệt mỏi. Do đó, chúng ta cần dùng thuốc để hạn chế tình trạng này”, bác sĩ Hoàng giải thích.
Sốt, ho, đau đầu, mất ngủ là các triệu chứng phổ biến khi mắc Covid-19 thể nhẹ.
Đến nay, Việt Nam cũng như thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh Covid-19. Phương pháp được áp dụng hiện tại vẫn là điều trị triệu chứng. Trong đó, việc xử lý các triệu chứng sớm đúng cách sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt, giúp sớm khỏi bệnh.
Ngoài việc thường xuyên theo dõi các thông số như nhiệt độ, nồng độ oxy trong máu (SpO2), nhịp tim,... biết cách sử dụng thuốc khi những chỉ số này thay đổi hoặc dấu hiệu bất thường cũng là điều mọi người dân cần nắm vững, tránh sai lầm không đáng có.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ chiến đấu với virus này và biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng cụ thể.
Sốt
“Thực tế, việc cơ thể sốt khi mắc Covid-19 cũng thể hiện hệ miễn dịch của chúng ta vẫn đang hoạt động tốt. Ở một số trường hợp cao tuổi, nhiều bệnh nền, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, ung thư,... virus có thể vẫn nhân lên mạnh mẽ nhưng không biểu hiện sốt”, bác sĩ Hoàng cho hay.
Tuy nhiên, tình trạng sốt quá cao có thể khiến cơ thể mệt mỏi do mất nước, điện giải,... Sốt cũng gây ra tình trạng đau đầu, mất ngủ, ăn kém, thậm chí co giật ở trẻ em. Lúc này, việc cần làm là hạ sốt.
Thông thường, các loại thuốc chứa paracetamol sẽ được sử dụng để hạ sốt với liều lượng tùy lứa tuổi. Một số loại thuốc có thành phần là paracetamol phổ biến là Efferalgan, Panadol, Tylenol,...
Theo bác sĩ Hoàng, về cơ bản, paracetamol khá an toàn với cơ thể người. Tuy nhiên, với một số ít trường hợp, thành phần này sẽ gây độc với gan và dẫn đến suy gan khi dùng nhiều.
“Nếu không dùng được paracetamol, bệnh nhân có thể sử dụng ibuprofen với hàm lượng 200 hoặc 400 mg để thay thế”, vị chuyên gia gợi ý.
Bên cạnh thuốc hạ sốt, bác sĩ Hoàng cũng khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 khi sốt nên bổ sung đủ nước và chất điện giải gồm kali, natri, clo (kali và muối ăn). Đây cũng là thành phần quan trọng để đảm bảo việc dẫn truyền thần kinh và co cơ. Các sản phẩm nên sử dụng trong trường hợp này là oresol, gói bổ sung điện giải, nước dừa, nước cháo, chanh muối,...
Ngoài ra, khi sốt kéo dài tới ngày thứ 6-7, thậm chí ngày thứ 10, bác sĩ Hoàng cho biết cần xác định thêm nguyên nhân sốt là SARS-Cov-2, vi khuẩn hay loại virus nào khác để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Ho, hắt hơi
Bác sĩ Hoàng cho biết đây là những phản xạ nhằm đẩy các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Theo đó, chỉ khi tình trạng ho quá khó chịu, gây đau quặn bụng, đau ngực, mất ngủ,... thì mới nên dùng thuốc giảm ho.
“Thông thường, chúng ta có thể dùng chanh, mật ong cùng nước ấm để giảm ho. Một số loại bổ phế thảo dược như Nam Hà, Bảo Thanh, PH,... hoặc Prospan từ lá thường xuân cũng có tác dụng nhất định”, vị chuyên gia chia sẻ.
Ngoài ra, trên thị trường hiện có một số loại thuốc giảm ho bằng cách ức chế trung khu hô hấp, ví dụ chứa thành phần codein. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng loại thuốc này.
Các loại thuốc chống dị ứng, thuốc long đờm cũng có tác dụng giảm ho, làm loãng đờm, dễ ho khác hơn. Theo vị chuyên gia này, việc bớt đờm cũng giúp đường hô hấp tránh bị kích thích dẫn đến ho.
Buồn nôn, nôn
“Triệu chứng này cũng là các phản xạ để cơ thể loại bỏ chất độc hại. Tuy nhiên, việc nôn ra ngoài khiến có thể bị mất điện giải, gây mệt mỏi. Do đó, chúng ta cần dùng thuốc để hạn chế tình trạng này”, bác sĩ Hoàng giải thích.
Theo đó, để chống nôn, bệnh nhân Covid-19 có thể dùng gừng, thuốc chống co thắt đường tiêu hóa, như papaverin, drotaverin (nospa) hay thuốc chống nôn như motilium-M, primperan,...
Một số trường hợp buồn nôn, nôn còn do thiếu máu nuôi tiền đình. Lúc này, bệnh nhân có thể dùng Tanganil 500 mg và các thuốc tăng tuần hoàn não như beta histidine 16/24 mg, piracetam 400/800 mg.
Đi ngoài phân lỏng
Tương tự nôn, triệu chứng này cũng giúp cơ thể loại bỏ các chất độc hại ra ngoài. Việc đi ngoài phân lỏng cũng khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước và thiếu điện giải. Do đó, chúng ta cần bù nước và điện giải cho cơ thể.
Một loại thuốc cầm đi lỏng hiệu quả là loperamid. Loại thuốc này khiến cơ trơn đường tiêu hóa giảm co bóp. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng khuyến cáo người dân không nên lạm dụng thuốc này vì cơ thể vẫn cần thải các chất độc ra ngoài.
Vị chuyên gia khuyên bệnh nhân nên dùng smecta. “Loại thuốc này như một lớp tráng, bao phủ niêm mạc ruột bị tổn thương. Bệnh nhân cũng có thể thay thế bằng gastropulgite nếu có vấn đề về dạ dày”, ông nói.
Ngoài ra, tổn thương ruột có thể làm vi khuẩn, các loại virus khác phát triển. Do đó, dùng berberin cũng là giải pháp tốt, hiệu quả và ít gây hại cho cơ thể do thuốc này không hấp thu vào máu, chỉ ở trong đường tiêu hóa.
Bác sĩ Hoàng cũng khuyến cáo trong tất cả trường hợp đi lỏng, người dân đều nên bổ sung men tiêu hóa (các lợi khuẩn đường ruột). Hiện trên thị trường có rất nhiều loại men tiêu hóa cùng các dạng khác nhau như men sống Bạch Mai, lactomin plus, antibio, biogaia, bifina, enterogermina, imiale,...
Đau nhức cơ thể
Bác sĩ Hoàng giải thích: “Tình trạng này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi độc tố của virus giảm, triệu chứng này sẽ hết. Thường không có loại thuốc nào làm đỡ được tình trạng này”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng khuyến cáo bệnh nhân có thể chườm nóng hoặc dùng một số thuốc giảm đau thông thường để hạn chế triệu chứng này.
Mẩn ngứa, dị ứng
Người dân có thể xử lý triệu chứng này bằng các loại thảo dược có tính mát, thuốc chống dị ứng thông thường như chlopheniramin, diphenhydramin, loratadin, desloratadin, certirizine, fexofenadine,...
Ớn lạnh
Triệu chứng này cũng do độc tố của virus gây nên. Bệnh nhân có thể uống trà gừng nóng, ăn các món ấm nóng, đủ dinh dưỡng để hạn chế tình trạng trên. Ngoài ra, một số loại thuốc hoạt huyết như ginkgo biloba, hoạt huyết dưỡng não, hoạt huyết nhất nhất, piracetam,... cũng có hiệu quả nhất định.
Căng thẳng, lo lắng, mất ngủ
Đây là vấn đề về tâm lý và có thể khiến sức khỏe tổng thể giảm sút. Bác sĩ Hoàng cho biết bệnh nhân có thể xử lý tình trạng này bằng các loại thuốc an thần nhẹ chứa thành phần thảo dược, magne66, melatonin.
Với các trường hợp nặng hơn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn dùng thuốc đặc trị tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Đau tức thượng vị, trào ngược dạ dày
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là căng thẳng, lo lắng, ngủ kém, ăn uống thất thường trên những bệnh nhân vốn bị viêm/loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản từ trước.
Lúc này, bệnh nhân có thể dùng an thần và magne66 để giảm triệu chứng. Trong trường hợp không đỡ, bác sĩ Hoàng khuyến cáo một số loại thuốc bao phủ niêm mạc dạ dày như pepsane, gastropulgite, trymo,.... hoặc bazo nhẹ để trung hòa axit dạ dày như maalox, yumangel, phosphalugel, gaviscon, kremil-s. ebysta,...
Đau đầu, nhức mắt, ù tai
Các triệu chứng này thường do thiếu máu lên não kết hợp độc tố của virus. Để xử lý, bệnh nhân nên xoa bóp vùng cổ vai gáy, dùng thuốc tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết,... Một số loại thuốc thông dụng là ginkgo biloba, thuốc hoạt huyết thảo dược, vinpocetin, piracetam, betahistidin, cinnarizin, flunarizin,...
Mất khứu giác, vị giác
“Triệu chứng này xuất hiện do tổn thương các tế bào thần kinh đệm có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh. Các tế bào khứu giác, vị giác không bị ảnh hưởng. Do đó, việc ăn uống, ngủ nghỉ tốt sau Covid-19, tập hít các mùi vị, ăn những món quen thuộc và tưởng tượng bằng trí óc sẽ giúp khứu giác, vị giác trở lại bình thường sau khoảng vài ngày đến vài tuần”, bác sĩ Hoàng giải thích.
Ngoài ra, người dân cũng có thể bổ sung một số thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12, citicoline, piracetam, choline alfoscerate, nocleo-cmp,...
Chảy nước mũi
Triệu chứng này xảy ra khi độc tố làm tăng tính thấm thành mạch, làm xung huyết các mạch máu trong mũi, từ đó khiến nước mũi chảy ra nhiều hơn. Lúc này, bệnh nhân nên dùng nước muối sinh lý, thuốc co mạch như otrivin 0,05-0,1%, coldi B, rhinex 0,05%,...
Các mạch máu nhỏ xung huyết
Cụ thể, một số người xuất hiện tình trạng mắt đỏ, xì mũi hoặc ho ra chút máu. Nguyên nhân là các mạch máu nhỏ bị vỡ. Theo bác sĩ Hoàng, tình trạng này nhìn chung không đáng ngại và thường sẽ tự hết.
Tuy nhiên, một vài bệnh nhi có thể chảy máu cam sẽ phải nhờ bác sĩ tai mũi họng dùng thuốc cầm máu hoặc chấm nitrat bạc. Các trường hợp mắt đỏ kéo dài có thể do viêm kết mạc, viêm giác mạc… sẽ cần tới khám bác sĩ nhãn khoa.