Triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về người cao tuổi
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn. Đáng chú ý, giai đoạn 1 (2022-2025), thành phố đề ra mục tiêu trên 80% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh, được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng…
Giai đoạn 2 (2026-2030), thành phố đặt mục tiêu, hằng năm, khoảng 90% người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 80% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; ít nhất 60% người có tuổi hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng, cơ sở trợ giúp xã hội. 100% người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi lang thang có nhu cầu được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Cùng với đó, duy trì 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát. Duy trì 100% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định. Ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu…
(Báo Hà nội mới)
Chính phủ mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu, đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.
Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
(Báo Nhân dân)
Sáng 6/2: Có hơn 2.800 ca COVID-19 nặng đang điều trị; trên 8.100 trẻ chào đời trong 6 ngày Tết Nhâm Dần
Bộ Y tế cho biết đến nay hơn 2,1 triệu bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; trong số các ca đang điều trị có hơn 2.800 trường hợp nặng; trong 6 ngày Tết có hơn 8.100 trẻ chào đời; dịch COVID-19 tại miền Tây đang dần kiểm soát, số mắc giảm sâu...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.327.859 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.586 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.320.762 ca, trong đó có 2.103.096 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (514.414), Bình Dương (292.964), Hà Nội (145.211), Đồng Nai (99.938), Tây Ninh (88.493).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.105.913 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.827 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.937 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 395 ca; Thở máy không xâm lấn: 79 ca; Thở máy xâm lấn: 402 ca; ECMO: 14 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 102 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.261 ca, chiếm tỷ lệ 1,6%so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.271.874 mẫu tương đương 77.287.961 lượt người, tăng 13.551 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 182.102.962 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.082.647 liều, tiêm mũi 2 là 74.214.941 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.805.374 liều.
Hơn 8.100 trẻ chào đời trong 6 ngày nghỉ Tết
Bộ Y tế cho biết trong ngày 5/2 - tức mùng 5 Tết, các cơ sở y tế trên cả nước đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 3.011 trẻ chào đời, nâng tổng số em bé chào đời trong 6 ngày Tết Nguyên đán (từ 29 Tết đến mùng 5 Tết) lên 8.119 ca.
6 ngày nghỉ Tết đã có 24.588 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 8,9% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cả nước ghi nhận 1.556 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 26 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
2.838 ca cấp cứu do tai nạn đánh nhau, chiếm 2% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 1.245 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 195 trường hợp tử vong.
Cả nước có tổng cộng 12.364 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 8,4% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 527 trường hợp đã tử vong.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Chi tiết cấp độ dịch COVID-19 của các tỉnh, thành đến mùng 6 Tết
Thống kê cấp độ dịch của các địa phương theo Nghị quyết 128 của Chính phủ cho thấy có 41 tỉnh, thành thuộc vùng xanh - cấp độ 1 về dịch COVID-19; 22 tỉnh, thành thuộc vùng vàng - cấp độ 2 về dịch...
Cập nhật cấp độ dịch của Bộ Y tế đến ngày 6/2 cho thấy, số tỉnh, thành vùng xanh - cấp độ 1 về dịch COVID-19 đã tăng lên 41 địa phương; 22 tỉnh, thành còn lại là vùng vàng. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là vùng cam, đỏ.
Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là vùng xanh với 7.784 xã, phường là vùng xanh, chiếm 73,4%; Có 2.234 xã, phường thuộc vùng vàng, chiếm 22%; Có 460 xã, phường là vùng cam, chiếm 4,3%. Đến nay, cả nước chỉ còn 26 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 0,2%.
Danh sách cụ thể 41 tỉnh, thành phố thuộc cấp độ 1 về dịch COVID-19 (vùng xanh), gồm:
An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, TP HCM, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Long An, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang, Điện Biên, Yên Bái, Đồng Nai, Đồng Tháp, TP Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, TP Cần Thơ, Khánh Hoà, Ninh Bình và Ninh Thuận;
Đến nay TP HCM - tâm dịch của đợt dịch COVID-19 thứ 4 đã trải qua 5 tuần liên tiếp ở cấp độ 1 về dịch. Đánh giá mới nhất ngày 5/2 của Sở Y tế TP HCM tuần lễ từ ngày 28/1 đến ngày 3/2 cho thấy dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vaccine và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng, cấp độ dịch của thành phố hiện đang ở cấp độ 1.
Như vậy, đây là tuần thứ 5 liên tiếp TP HCM được đánh giá có dịch ở cấp độ 1. Đáng chú ý, tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều có dịch ở cấp độ 1 và không có địa phương thay đổi cấp độ dịch so với tuần trước
Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn có 310/312 địa phương đạt cấp độ 1, chỉ có 2 địa phương đạt cấp độ 2; so với tuần trước, đã có 2 phường, xã giảm cấp độ dịch.
22 tỉnh, thành phố cấp độ dịch COVID-19 thứ 2 (vùng vàng) gồm:
Bình Phước, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Gia Lai, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hoá, Thừa Thiên- Huế, Tây Ninh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Để biết được nơi mình đang sống, sẽ đến thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.
Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục rà soát, đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để tổ chức các biện pháp đáp ứng dịch phù hợp, làm cơ sở triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với Nghị quyết số 128/NQ-CP và tình hình dịch bệnh.