Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà cho người trên 18 tuổi. Theo đó, thuốc điều trị gồm 3 nhóm:
Nhóm A: Là những thuốc thông dụng, bao gồm: Thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. Paracetamol 500mg uống 1 viên khi sốt trên 38,5 độ C, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ (nếu vẫn còn sốt). Ngoài ra, uống vitamin tổng hợp: Uống 1 viên lần/ngày; vitamin C uống sáng 1 viên, tối 1 viên.
Nhóm B: Là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 <96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất trước khi chuyển viện. Dexamethasone 0,5mg x 12 viên uống 1 lần (12 viên tương đương 06mg) hoặc Methylprednisolone 16mg x 1 viên uống; Rivaroxaban 10mg x 1 viên uống hoặc Apixaban 2,5mg x 1 viên uống hoặc Dabigatran 220mg x 1 viên uống.
Với các thuốc dùng cho nhóm B, Sở Y tế Hà Nội lưu ý, không sử dụng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh (viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác).
Nhóm C: Là thuốc kháng vi rút, gồm: Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg uống ngày 2 lần: Sáng 800mg, chiều 800mg và uống 5 ngày liên tục hoặc Favipiravir viên 200mg. Ngày đầu 1600mg/lần x 2 lần/ngày, các ngày sau uống 600 mg/lần x 2 lần/ngày, uống từ 7 đến 14 ngày “Với thuốc nhóm C cũng không sử dụng trong trường hợp phụ nữ đang có thai hoặc có kế hoạch có thai, đang cho con bú”, Sở Y tế Hà Nội lưu ý.
Xét nghiệm Covid-19 tại nhà, F0 không triệu chứng điều trị tại nhà có kết quả Ct ≥ 30, sau 72 giờ xét nghiệm RT-PCR có kết quả Ct ≥ 30 hoặc âm tính thì kết thúc điều trị và thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày. Đối với F0 không triệu chứng có Ct <30 xét nghiệm SARS-CoV-2 ở ngày thứ 10 khi có kết quả Ct ≥ 30 thì kết thúc điều trị và theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày; còn nếu Ct<30 tiếp tục xét nghiệm định kỳ cho đến khi có kết quả Ct ≥ 30 hoặc âm tính, hoặc sau 21 ngày cách ly được kết thúc điều trị và theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày.
Đối với F0 có triệu chứng điều trị tại nhà, xét nghiệm RT-PCR vào ngày 14 có kết quả Ct ≥ 30 được kết thúc điều trị và theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày, nhưng nếu Ct<30, tiếp tục xét nghiệm định kỳ đến khi có kết quả Ct ≥ 30 hoặc âm tính, hoặc sau 21 ngày cách ly thì được kết thúc điều trị và theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày.
Theo Sở Y tế Hà Nội, nếu người bệnh có kết quả âm tính, cơ sở được phân công quản lý F0 lập danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn để cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Cùng với đó, làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19.
(hanoimoi.com.vn)
Hà Nội: Gần 100 F0 đang điều trị tại nhà, nhiều nhất ở Hà Đông, Hoài Đức
Bên lề kỳ họp thứ 3 HĐND Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đến nay, Hà Nội có gần 100 F0 đang được điều trị tại nhà.
Ngày 7/12, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin, đến hôm nay, sơ bộ đã có 98 trường hợp F0 được điều trị tại nhà, chủ yếu nằm ở địa bàn Hoài Đức, Hà Đông.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, ngành Y tế thành phố cũng hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho các cơ sở thu dung, trạm y tế lưu động ở cấp huyện. Đến nay, 16 quận, huyện đã triển khai cơ sở thu dung F0; dự kiến trong đầu tháng 12-2021, tất cả các địa phương còn lại đồng loạt triển khai cơ sở thu dung F0 tại địa bàn.
Hà Nội cũng đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, cung cấp thông tin phục vụ theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà gồm Tổng đài 1022 kết nối trực tiếp đến các trạm y tế lưu động toàn thành phố. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp với đơn vị công nghệ - thông tin xây dựng phần mềm trên điện thoại thông minh để người dân tự cập nhật tình trạng sức khỏe, được hỗ trợ y tế cũng như kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh nhân chuyển tầng.
Ngoài ra, để giảm tải cho lực lượng y tế, Sở Y tế cũng xây dựng thêm lực lượng hỗ trợ tại từng địa phương để cùng làm nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc F0. Đây sẽ là lực lượng phi y tế như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện. Lực lượng này sẽ giảm tải cho tuyến đầu và giúp người dân nào khi nhiễm cũng được chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Thời gian tới, dự báo số F0 tiếp tục tăng nhanh, công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà nhiều căng thẳng, áp lực, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết sẽ theo dõi, đánh giá sát việc thực hiện ở từng địa phương. Khi phát sinh bất cập, khó khăn, Sở Y tế sẽ báo cáo thành phố để phương hướng xử lý kịp thời.
(anninhthudo.vn)
Vắc xin ngừa Covid-19 có bảo vệ thai nhi trước SARS-CoV-2?
Phụ nữ trong quá trình mang thai nếu nhiễm Covid-19 sẽ làm tăng nguy cơ bệnh nặng hơn, dẫn đến sảy thai, sinh non và nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu được tiêm vắc xin phòng Covid-19, cơ thể người mẹ sẽ tạo ra kháng thể để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả thai nhi tốt hơn.
Theo trang web của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nguy cơ mắc Covid-19 của phụ nữ mang thai cũng tương đương với các đối tượng khác. Tuy nhiên, nếu phụ nữ nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình mang thai, họ có nhiều nguy cơ cao hơn phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt, phải thở máy và đáng lo ngại nhất là bị sảy thai và sinh non. Lý do bởi trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể kém đi và việc hô hấp của thai phụ sẽ không được thuận lợi vì dung tích phổi giảm do bị thai đẩy lên trên. Trong trường hợp em bé sinh non, sức khỏe giảm đi rất nhiều và sau này lớn lên sẽ không được khỏe mạnh như những em bé được sinh đủ tháng.
Theo Giáo sư sản phụ khoa Andrea Edlow, người nghiên cứu về khả năng miễn dịch của thai nhi tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, những người mang thai có nguy cơ nhập viện vì Covid-19 cao gấp 3 lần và nguy cơ tử vong do virus cao hơn 1,7 lần so với những người không mang thai ở cùng độ tuổi. Hơn nữa, trẻ sơ sinh khi người mẹ bị nhiễm Covid-19 rất dễ bị nhiễm trùng, vì vậy tiếp xúc gần với người chưa được tiêm chủng khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 cao hơn.
Theo UNICEF, cho tới nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm chủng ngừa Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 của người mang thai và người không mang thai là tương đương nhau.
Giáo sư Andrea Edlow cho rằng, một người mẹ khỏe mạnh sẽ sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh. Chính vì thế, những người đang mang thai cần được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vì nó sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh. Vắc xin không những tạo ra kháng thể bảo vệ người mẹ khỏi nguy cơ nhiễm Covid-19 và gặp những triệu chứng nặng dễ dẫn đến tử vong mà nó còn giúp bảo vệ thai nhi khỏi mầm bệnh. Cụ thể, khi người mẹ được chủng ngừa, đứa trẻ có thể nhận được kháng thể chống lại virus này.
Trong khi nghiên cứu về tác dụng của vắc xin mRNA ở người mang thai, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Stanford tìm thấy kháng thể do vắc xin ngừa Covid-19 tạo ra trong tất cả các mẫu máu cuống rốn và sữa mẹ được lấy từ 131 phụ nữ mang thai. Điều này có nghĩa là tiêm chủng Covid-19 trong khi mang thai có khả năng giúp bảo vệ thai nhi chống lại Covid-19. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chưa rõ khả năng bảo vệ này kéo dài bao lâu.
Phụ nữ mang thai sau khi tiêm vắc xin cũng gặp phải những phản ứng phụ tương tự như những người không mang thai như: Sưng, đau chỗ tiêm, ớn lạnh, sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Những phản ứng phổ biến này sẽ mất trong vòng vài ngày.
Vì lợi ích của mẹ và thai nhi, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo phụ nữ mang thai nên đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19, đặc biệt những người sống trong vùng có dịch cần được đưa vào danh sách ưu tiên.
(qdnd.vn)
Hà Nội sẵn sàng tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19; tiêm mũi 2 cho học sinh THPT đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tập trung từ gốc là cơ sở, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố
Trao đổi với báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố tăng mạnh, với hơn 9.300 ca, bình quân 173 ca/ngày; trong đó gần 40% số ca ngoài cộng đồng. Đặc biệt, trong tuần từ 29/11 đến ngày 5-12-2021, số ca mắc mới dao động ở mức từ 400 đến 600 ca; đến ngày 6-12 ghi nhận số ca mắc kỷ lục 774 ca. Thành phố vẫn còn 60 điểm phong tỏa, 9 chùm ca bệnh và con số này sẽ chưa dừng lại.
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Có thể nói, dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra phức tạp, nghiêm trọng và gây khó khăn rất lớn cho công tác truy vết, khoanh vùng và kiểm soát".
Bên cạnh kết quả tích cực, ông Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ còn không ít tồn tại, hạn chế. Đó là xuất hiện tình trạng lúng túng trong triển khai, tổ chức thực hiện ở cấp quận, huyện và cơ sở; thậm chí có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là trong việc quyết định biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, quyết định cho cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Đặc biệt, tâm lý chủ quan đang ngày càng phổ biến đối với cả cơ quan có trách nhiệm và người dân. Tình trạng đi lại, tụ tập ăn uống đông người mà không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ngày càng nhiều.
Trước tình hình đó, chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phòng, chống COVID-19 những ngày tới, thay mặt Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc quan điểm phòng, chống dịch COVID-19 phải tập trung từ gốc là cơ sở, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, thậm chí tới từng hộ gia đình; lấy người dân là chủ thể, trung tâm của mọi biện pháp.
Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố tổ chức họp trong thời gian sớm nhất để quán triệt bảo đảm thống nhất đồng bộ, toàn diện trong cả hệ thống chính trị về tinh thần này. UBND thành phố ban hành văn bản làm rõ quy định về phân cấp, giao quyền trong xác định mức độ dịch và quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ dịch trên địa bàn cho UBND các quận, huyện, thị xã; cần thiết tổ chức tập huấn, huấn luyện phương án, cách thức xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh cho địa phương. Đặc biệt chú trọng kế hoạch tăng cường thanh tra công vụ đột xuất để đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân; kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm đối với nơi còn yếu kém.
Khắc phục tình trạng chậm trả kết quả xét nghiệm
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy tinh thần chủ động, trước hết thực hiện đúng, đủ yêu cầu, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND cùng cấp chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền phải chủ động xem xét, đánh giá và ra quyết định; tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ. Tập trung phân loại nhanh các ca F0, cập nhật ngay dữ liệu lên hệ thống và phối hợp thường xuyên để phân tầng điều trị bảo đảm chính xác, kịp thời; nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong; tuyệt đối không đẩy ca F0 thể nhẹ lên tuyến trên gây quá tải cho các tầng điều trị bệnh nhân nặng hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch chung của thành phố.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo mở đợt tổng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 toàn thành phố, tập trung vào những địa bàn trọng tâm, trọng điểm như các khu cách ly, thu dung, trạm y tế lưu động, khu công nghiệp và cấp phường, xã, thị trấn...
15 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy theo phân công tiếp tục theo sát địa bàn; tăng cường kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các quận, huyện, thị xã, sự phối hợp của các cơ quan liên quan và việc tổ chức thực hiện ở tuyến cơ sở, các địa bàn "nóng" như khu công nghiệp, trường học, hoạt động của các trạm y tế lưu động, việc thực hiện cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà... Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp theo chức trách nhiệm vụ phát huy vai trò "nhạc trưởng" trong lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị, bám sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực thi nhiệm vụ.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho những người chưa được tiêm, nhất là người có bệnh nền và học sinh cấp trung học cơ sở; tiêm mũi 2 cho học sinh cấp trung học phổ thông đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành Y tế tìm mọi giải pháp, tăng cường thiết bị để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, khắc phục ngay tình trạng chậm trả kết quả như hiện nay. Các cấp, các ngành tiếp tục có các biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp, kịp thời quan tâm hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, nhất là hệ thống chính trị và y tế cơ sở.
(suckhoedoisong.vn)
Trường học có F0, xử lý thế nào?
Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.
Nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, đặc biệt thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo môi trường an toàn trong cơ sở giáo dục, Sở Y tế TP.HCM vừa xây dựng Phương án kiểm soát dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, người lao động tại cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.
Cụ thể quy trình xử lý khi phát hiện học sinh nhiễm COVID-19 tại cơ sở giáo dục theo các bước sau:
Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh; Tiếp tục cách ly tạm thời F0; Thông báo ngay đến trạm y tế, trung tâm y tế địa phương nơi cơ sở giáo dục trú đóng để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Bước 2: Đánh giá tình trạng sức khỏe của F0: Nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở hoặc Sp02 dưới 96% thì liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện có khoa/đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 gần nhất bằng xe cấp cứu.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: Tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương nơi cư trú tiếp cận xử lý theo quy định.
Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).
Các lớp học khác hoạt động bình thường.
Bước 4: Theo dõi F1: tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học với F0 và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
- F1 đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều hoặc đã khỏi bệnh COVID-19: được đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.
- F1 chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều vaccine nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền: cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương nơi cư trú; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.
- Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: nếu có 01 ca dương tính với SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.
Lưu ý: Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 02 trường hợp F0 trở lên ở 02 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau:
- Hai lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng.
- Hai lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà.
- Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.
(suckhoedoisong.vn)
F0 nặng ở miền Bắc tăng, gấp rút chuẩn bị 500 giường ICU
Đáp ứng số lượng F0 nặng tăng nhanh ở miền Bắc, mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được Bộ Y tế giao triển khai 500 giường ICU. Bệnh viện đang gấp rút cải tạo hạ tầng, chuẩn bị cho kế hoạch này.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ khi dịch Covid-19 dịch bùng phát mạnh ở miền Bắc, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị trường hợp nặng từ các tuyến chuyển lên hoặc F0 có bệnh nền phức tạp.
Hiện tại, cơ sở y tế này có hơn 100 bệnh nhân Covid-19 có tổn thương phổi nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy dòng cao (HFNC) tới thở máy, ECMO. Đa số bệnh nhân đã được kiểm soát tốt các diễn tiến, tuy nhiên một số trường hợp quá lớn tuổi hoặc bệnh nền quá nặng đang diễn tiến khá phức tạp, cần theo dõi sát sao.
Bác sĩ Cấp thông tin, với kế hoạch triển khai 500 giường ICU (giường hồi sức tích cực), bệnh viện đang nỗ lực cải tạo hạ tầng và bổ sung trang thiết bị, sắp xếp nhân lực để sẵn sàng cho phương án này.
Riêng về nhân lực, bác sĩ Cấp cho biết trước đây, việc can thiệp thở máy tại bệnh viện chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên hiện nay, tất cả y bác sĩ của tất cả khoa phòng còn lại cũng làm việc luân phiên tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, dưới sự giám sát kỹ lưỡng. Mục tiêu là khi 500 giường ICU đi vào hoạt động, nhóm y bác sĩ này đều có thể cho bệnh nhân thở máy.
\Bên cạnh đó, cũng có nhiều đoàn y bác sĩ từ các tỉnh thành phố đến bệnh viện học và thực hành nâng cao trình độ, kỹ năng Hồi sức cấp cứu. Sau quá trình đào tạo và thực hành, các y bác sĩ địa phương đã có đủ kinh nghiệm điều trị Covid-19 nặng, từ đó nâng cao năng lực và khả năng đáp ứng của y tế tuyến tỉnh nếu dịch bùng phát tại địa phương đó.
Về trang thiết bị y tế, trước đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có sẵn khoảng 100 máy thở. Khi nâng công suất lên 500 giường ICU, bệnh viện cần bổ sung thêm máy thở, máy lọc máu, monitor theo dõi bệnh nhân, máy ECMO và các thiết bị khác.
Hơn nữa, ngoài những bệnh nhân Covid-19 thông thường, các bệnh nhân mắc những bệnh Nội, Nhi hay các bệnh nhân Ngoại, Sản cần phẫu thuật cũng có thể nhiễm thêm Covid-19. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có đầy đủ các khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi và đã chuyển đổi sang điều trị Covid-19 để tiếp nhận những bệnh đặc biệt này.
“Vì các buồng bệnh đang còn bệnh nhân nên chúng tôi phải khoanh từng vùng nhỏ để thi công. Kế hoạch hoàn thiện 500 giường trong vòng 1 tháng, hiện nay đã triển khai được trên 50%”, bác sĩ Cấp cho biết.
Theo bác sĩ, khảo sát chung tại các địa phương cho thấy, ở nhóm bệnh nhân Covid-19 đã được tiêm phòng vắc xin, tỷ lệ diễn biến nặng giảm đi rất nhiều. Cụ thể, tỷ lệ bệnh nhân có diễn tiến nặng trước đây ở các tỉnh thành là 20%, hiện có những địa phương đã giảm xuống dưới 10%.
Nhóm diễn biến nặng có 2 trường hợp. Thứ nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi. Thứ hai là nhóm có miễn dịch kém, đã tiêm đủ liền vắc xin nhưng không tạo được miễn dịch bảo vệ.
“Với Covid-19, kể cả người đã tiêm vắc xin vẫn có tỷ lệ nhất đinh có thể diễn biến nặng. Do đó, mở rộng năng lực hồi sức cấp cứu giúp chúng ta gia tăng khả năng đáp ứng của y tế với quy mô dịch”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Được biết, ngoài triển khai 500 giường ICU, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đã thiết lập các nhóm y bác sĩ để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần, bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ từ xa. “Chúng tôi giao mỗi nhóm phụ trách một địa phương, đảm bảo có sự hỗ trợ tốt nhất từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho công tác phòng chống dịch ở các tỉnh”, bác sĩ Cấp cho hay.