Vừa chống dịch, vừa khám bệnh, cấp cứu
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng y tế tại các địa phương trong cả nước vẫn bám trụ vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân vắc-xin phòng Covid-19 và sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho người dân.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngoài Covid-19, cả nước không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như: tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9); không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A(H5N1), A(H7N9) tại các cửa khẩu biên giới. Các địa phương, đơn vị tập trung, huy động mọi nguồn lực khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng. Đồng thời tổ chức quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) bảo đảm tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương; tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn... Các cơ sở y tế tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đi/đến các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến chủng mới; chuẩn bị các phương án về vắc-xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân. Số liệu thống kê cho thấy, số người bệnh được khám, cấp cứu giảm 20,1% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu, trong đó số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 14% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021... Trong năm ngày nghỉ Tết đã có 207 người chết do tai nạn giao thông, bao gồm cả người chết trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 23 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021. Trong khi đó có 310 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại (nhiều hơn 24 ca) và có 2.781 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau làm 1.088 trường hợp phải nhập viện điều trị, theo dõi và chín trường hợp tử vong...
Theo báo cáo và kết quả giám sát an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm của 63 tỉnh, thành phố và năm viện khu vực, trên toàn quốc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm. Các kíp trực bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ Trung ương đến địa phương thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Chỉ có 486 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,3% tổng số khám, cấp cứu.
Tại Hà Nội, tất cả các bệnh viện và trạm y tế phường, trạm y tế lưu động đều có cán bộ trực 24/24 giờ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khám bệnh ban đầu, cũng như tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho những F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Cán bộ y tế cơ sở tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân tại các điểm tiêm cố định, lưu động trên toàn địa bàn. Hà Nội phấn đấu tiêm phủ mũi 3 trong quý I/2022 cho người dân. Công tác theo dõi, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng bảo đảm nghiêm túc suốt Tết. Bác Nguyễn Thị Lan (ở phố Thợ Nhuộm, Hà Nội) phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 chiều 29 Tết. Tuy sức khỏe ổn định nhưng do có bệnh nền nên cán bộ y tế khuyến cáo bác nhập viện để theo dõi. Ngay khi được chuyển đến Bệnh viện Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), bác Lan được các y sĩ, bác sĩ tại đây chụp chiếu kiểm tra chức năng phổi và kê thuốc điều trị kịp thời.
Theo Sở Y tế Hà Nội, địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 53 nghìn người mắc Covid-19 đang điều trị, trong đó, gần 50 nghìn người theo dõi, điều trị tại nhà. Do đó, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, tổ phản ứng nhanh vẫn duy trì hoạt động xuyên Tết. Các trường hợp F0 trong dịp Tết đều được cán bộ y tế trực phối hợp cảnh sát khu vực, tổ Covid-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ F0 tại nhà hướng dẫn, chăm sóc kịp thời. Các trường hợp khai báo được lấy mẫu xét nghiệm an toàn, nhanh chóng. Đội “Oxy xanh” phân công lịch trực và luôn sẵn sàng di chuyển khi các F0 cần hỗ trợ.
Tại thành phố Hải Phòng, số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh so với thời gian trước Tết, số ca khỏi bệnh tăng nhanh. Hiện, tại các cơ sở y tế và tại các gia đình đang điều trị gần 9.000 ca bệnh, trong đó, có 186 bệnh nhân nặng, với 20 trường hợp nguy kịch phải thở máy xâm lấn. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân tại Hải Phòng được thực hiện từ ngày 29/1, tại các quận, huyện đều có một điểm tiêm chủng thường trực để phục vụ tiêm chủng cho người dân. Tính đến hết ngày 5/2, Hải Phòng đã tiêm gần 4 triệu mũi vắc-xin phòng Covid-19, bảo đảm 100% số người dân đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và gần 700 nghìn người được tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung. Sau kỳ nghỉ Tết, ngành y tế Hải Phòng tổ chức triển khai tiêm chủng tại các bệnh viện, trung tâm y tế, điểm tiêm lưu động, phấn đấu hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trong tháng 2.
Các bệnh viện tại Hải Phòng cũng bố trí lực lượng ứng trực bảo đảm công tác cấp cứu và điều trị cho nhân dân. Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã bố trí 170 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế ứng trực tại Khoa Cấp cứu và các khoa lâm sàng, cận lâm sàng ở cả hai cơ sở để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị tai nạn giao thông, tai nạn pháo nổ, ngộ độc thực phẩm, tai nạn sinh hoạt, lên cơn cấp tính... 230 bác sĩ, điều dưỡng túc trực trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng tại cơ sở 2... Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, các khoa: Xét nghiệm, Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vẫn chia ca làm việc 24/24 giờ xuyên Tết thực hiện xét nghiệm sàng lọc vi-rút SARS-CoV-2; theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh; dự trù, cấp phát vắc-xin và vật tư tiêm chủng, hỗ trợ các điểm tiêm chủng,…
Tại Đà Nẵng, trong kỳ nghỉ Tết, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện tuyến đầu đang cùng lúc chăm sóc khám, chữa bệnh cho người dân và phân luồng điều trị F0, các y, bác sĩ đang nỗ lực, trực chiến bệnh viện 24/24. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Hòa Vang cho biết: Những ngày Tết, bệnh viện vẫn tiếp nhận khám, cấp cứu cho người bệnh như bình thường... Bệnh viện đang chăm sóc, điều trị cho gần 100 người nhiễm Covid-19, trong đó nhiều trường hợp đang mang thai, nên những ngày Tết có 7 em bé đã chào đời an toàn, mẹ tròn con vuông. Đây không chỉ là động lực mà còn là niềm vui, làm giảm bớt mệt nhọc, căng thẳng trong thời điểm dịch bệnh tại Đà Nẵng diễn biến khá phức tạp, số ca ghi nhận hằng ngày tăng cao.
Ngay trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các ngành chức năng tại Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động hai trạm y tế lưu động tại hai khu công nghiệp Hòa Khánh và An Đồn. Hai trạm này phát hiện, phân loại, cách ly tạm thời các trường hợp nhiễm Covid-19 và chuyển tuyến với những trường hợp diễn biến nặng, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến các bệnh thông thường cho người lao động. Đây là một nỗ lực lớn của Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đóng tại Đà Nẵng nhằm “thiết lập lá chắn” phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp tại Đà Nẵng. Bệnh viện 199 đã bố trí 8 y, bác sĩ, xe cứu thương thường xuyên tại trạm y tế nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, xử lý các trường hợp có ca nhiễm trong doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng, không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục được kiểm soát. Thành phố tiếp tục giữ vững vùng xanh trong năm tuần liên tiếp. Đây là tuần thứ hai liên tiếp toàn bộ 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đều đạt vùng xanh, không còn quận, huyện ở cấp độ 2 (vùng vàng). Trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn, chỉ còn 1 địa phương ở cấp độ 2 (giảm 3 địa phương so với tuần trước), còn lại đều đạt vùng xanh. Tuần qua, thành phố ghi nhận 964 ca mắc mới, tăng nhẹ so với tuần trước (895 ca) và vẫn giảm mạnh so với các tuần trước đó. Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp số ca mắc mới trên địa bàn được kéo giảm xuống dưới 1.000 ca/tuần. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thành phố đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân. Theo đó, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
TS, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Trong đợt nghỉ Tết vừa qua, bệnh viện đã lên kế hoạch bảo đảm nhân lực và phương tiện sẵn sàng cấp cứu nội-ngoại viện và cấp cứu thảm họa, can thiệp vàng phẫu thuật, thủ thuật, đáp ứng tình hình bệnh nhân tăng đột biến. Bệnh viện chuẩn bị đủ cơ số thuốc cấp cứu, các loại thuốc hiếm cũng như dự trữ các loại máu, chế phẩm máu cung cấp không chỉ cho bệnh nhân tại bệnh viện mà cả các bệnh viện khác khi cần. Cùng với đó, bệnh viện bố trí chín đội cơ động dự phòng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường hợp có lệnh điều động của Bộ Y tế.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong những ngày nghỉ Tết, ngành y tế bảo đảm thường trực bốn cấp 24/24. Các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Đối với người bệnh trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Các bệnh viện bảo đảm cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
(Báo Nhân dân)
Xử trí khi bị say rượu
Những ngày đầu năm mới là dịp bạn bè, người thân thường gặp gỡ, giao lưu cùng nhau bên bàn tiệc nên khó tránh khỏi việc uống rượu, bia. Đôi khi việc quá chén dẫn đến say rượu, bia. Vậy, làm thế nào để xử trí đúng cách khi bạn bè, người thân say rượu, bia nhằm tránh những tai biến đáng tiếc?
Theo các chuyên gia y tế, người say rượu, bia không nên uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu; cũng không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu, bia sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa. Khi say rượu, bia không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng gây tổn hại nghiêm trọng.
Người bị say nên uống nhiều nước ấm để không bị mất nước khi nôn liên tục. Nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, uống sữa nóng, nước gừng tươi thái lát đun sôi kỹ hay dùng lá dong, rau cần tươi vắt lấy nước cốt để uống cũng sẽ rất hiệu quả, giúp máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn. Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ…, uống nhiều lần sẽ giải được say rượu dạng nhẹ. Người bị say rượu, bia không nên tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch. Khi thấy người thân có biểu hiện say rượu, bia, người nhà cần kê gối thấp cho nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Sau đó, để người say ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để đói sẽ bị hạ đường huyết, gây nguy hiểm. Nếu thấy người say lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
(Báo Hà nội mới)
Sáng 7/2: Bệnh nhân COVD-19 nặng giảm còn 2.200 ca; 41 tỉnh, thành nào là vùng xanh?
Bộ Y tế cho biết đến nay cả nước đã có hơn 2,11 triệu ca COVID-19 khỏi; số bệnh nhân nặng giảm còn 2.203 ca; cả nước đã có 41 tỉnh, thành thuộc vùng xanh- cấp độ dịch thứ nhất; F0 tại nhiều tỉnh miền Tây tiếp tục giảm sâu...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.341.971 ca COVID-19, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.729 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.334.867 ca, trong đó có 2.109.898 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (514.457), Bình Dương (292.967), Hà Nội (148.008), Đồng Nai (99.952), Tây Ninh (88.520).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.112.715 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.203 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.423 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 373 ca; Thở máy không xâm lấn: 49 ca; Thở máy xâm lấn: 338 ca; ECMO: 20 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 94 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.324 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN)
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.289.291 mẫu tương đương 77.305.873 lượt người, tăng 17.417 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 182.180.300 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.089.385 liều, tiêm mũi 2 là 74.247.028 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.843.887 liều.
41 tỉnh thành thuộc cấp độ 1 về dịch COVID-19
Cập nhật cấp độ dịch của Bộ Y tế đến ngày 6/2 cho thấy, số tỉnh, thành vùng xanh - cấp độ 1 về dịch COVID-19 đã tăng lên 41 địa phương; 22 tỉnh, thành còn lại là vùng vàng. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là vùng cam, đỏ.
Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là vùng xanh với 7.784 xã, phường là vùng xanh, chiếm 73,4%; Có 2.234 xã, phường thuộc vùng vàng, chiếm 22%; Có 460 xã, phường là vùng cam, chiếm 4,3%. Đến nay, cả nước chỉ còn 26 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 0,2%.
Danh sách cụ thể 41 tỉnh, thành phố thuộc cấp độ 1 về dịch COVID-19 (vùng xanh), gồm: An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, TP HCM, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Long An, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang, Điện Biên, Yên Bái, Đồng Nai, Đồng Tháp, TP Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, TP Cần Thơ, Khánh Hoà, Ninh Bình và Ninh Thuận;
22 tỉnh, thành phố cấp độ dịch COVID-19 thứ 2 (vùng vàng) gồm: Bình Phước, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hoá, Thừa Thiên- Huế, Tây Ninh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Nhiều tỉnh, thành cho trẻ đến trường từ hôm nay, 7/2
Từ ngày 7/2, mùng 7 tháng Giêng, học sinh khối lớp 7 (sau các khối học sinh từ lớp 8 đến lớp 12) ở TP Đà Nẵng sẽ đến trường học trực tiếp.
Đối với trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 căn cứ hướng dẫn của các cấp và tình hình thực tế, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng sẽ có thông báo sau.
Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các trung tâm, công ty, tổ chức dạy ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống,… chuẩn bị các điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
Từ ngày 7/2 (mồng 7 Tết), học sinh khối 9 và khối 12 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ tiếp tục tới trường học tập trực tiếp vào buổi sáng. Học sinh các khối 10, 11; khối 6, 7, 8 và toàn bộ học sinh tiểu học tiếp tục học tập trực tuyến. Thời gian này, các trường mầm non vệ sinh trường lớp, chuẩn bị các điều kiện đón học sinh đi học trở lại.
Bắt đầu từ ngày 14/2, học sinh khối 9 và 12 vẫn duy trì học trực tiếp vào buổi sáng; học sinh khối 6, 7, 8 và khối 10, 11 cũng bắt đầu đến trường học tập trực tiếp trên cơ sở chia buổi (sáng, chiều) cho phù hợp. Riêng cấp tiểu học, khối lớp 1 tới trường học tập trực tiếp vào buổi sáng, khối lớp 2 vào buổi chiều; các khối 3, 4, 5 vẫn học trực tuyến. Còn bậc mầm non, trẻ 5 tuổi được đến trường học trực tiếp.
Từ 21/2, toàn bộ học sinh các cấp học được tới trường học tập trực tiếp theo kế hoạch, thời khóa biểu của nhà trường, bảo đảm an toàn trường học.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, do tình hình dịch bệnh đã lắng dịu, toàn tỉnh ở cấp độ 1 (vùng xanh) nên từ ngày 7/2 học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên từ khối 7 đến khối 12 trở lại học trực tiếp. Các khối lớp còn lại sẽ học trực tiếp trong thời điểm thích hợp.
Từ ngày 7/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở vùng xanh và vùng vàng của Kiên Giang được đến trường học trực tiếp. Những em chưa tiếp thu bài tốt trong thời gian học online sẽ được dạy bù, dạy phụ đạo.
Tại Cà Mau, từ ngày 7/2, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 học trực tiếp, cấp tiểu học tiếp tục học trực tuyến. Đến ngày 14/2, cấp tiểu học mới học trực tiếp. Riêng giáo dục mầm non, các cơ sở giáo dục tham khảo ý kiến phụ huynh thống nhất sẽ tổ chức đón, nhận trẻ đi học.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Dự báo diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam sau Tết Nguyên đán
Sau khi kỳ nghỉ Tết Nhâm dần 2022 chấm dứt, các chuyên gia dự đoán số người dương tính với SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ tăng nhưng nguy cơ không quá lớn.
Ngày 7/2, người dân chính thức trở lại công việc, học tập sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Trước đó, Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 giảm mạnh từ ngưỡng 15.000 xuống còn 8.500 trường hợp trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết đến nay, số người dương tính với nCoV đang có sự gia tăng trở lại. Theo các chuyên gia y tế, lượng người mắc Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt ở các thành phố lớn, sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, với cách thích ứng mới cùng tỷ lệ tiêm chủng cao, nguy cơ này không đáng lo ngại.
Số ca mắc sẽ tăng
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, dự đoán số ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán sẽ tăng.
Nguyên nhân là việc giao lưu, đi lại của người dân đã tăng cao trong dịp này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thực hiện nới lỏng, thích ứng linh hoạt hơn với SARS-CoV-2.
“Điều cơ bản là chúng ta cần kiểm soát được lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như ca tử vong do Covid-19 không tăng cao. Đồng thời, phải chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền”, ông Phu nói thêm.
Sau khi kỳ nghỉ Tết Nhâm dần 2022 chấm dứt, các chuyên gia dự đoán số người dương tính với SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ tăng nhưng nguy cơ không quá lớn.
Ngày 7/2, người dân chính thức trở lại công việc, học tập sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Trước đó, Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 giảm mạnh từ ngưỡng 15.000 xuống còn 8.500 trường hợp trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết đến nay, số người dương tính với nCoV đang có sự gia tăng trở lại. Theo các chuyên gia y tế, lượng người mắc Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt ở các thành phố lớn, sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, với cách thích ứng mới cùng tỷ lệ tiêm chủng cao, nguy cơ này không đáng lo ngại.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng số ca mắc mới trong thời gian tới sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đây là điều chúng ta phải chấp nhận khi sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Ngoài ra, nguy cơ cũng không quá lớn.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, với các thành phố lớn như TP.HCM, khi tỷ lệ tiêm chủng đã khá cao, lại vừa trải qua một đợt dịch lớn, khả năng lây lan virus cũng như bùng phát dịch ngay sau đó không nhiều. Tuy nhiên, người dân cùng chính quyền vẫn cần tuyệt đối cảnh giác.
“Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua giống như một đốm lửa nhỏ và có thể bắt cháy. Tuy nhiên, người dân được tiêm chủng rộng tương tự đống củi vừa được tưới ướt. Lúc này, khả năng bắt cháy và bùng lửa ‘dịch’ được hạn chế rất nhiều. Dẫu vậy, chúng ta vẫn không thể loại trừ khả năng đó và phải cẩn trọng”, PGS Dũng giải thích.
Cần đặc biệt quan tâm tới khai báo y tế
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, trong thời gian tới, việc cần làm vẫn là đảm bảo nguyên tắc 5K được tuân thủ khi trở lại cuộc sống bình thường. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tiêm chủng xuyên Tết vừa qua.
Bên cạnh đó, Trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Y Dược TP.HCM nhận định điều quan trọng nhất để hạn chế nguy cơ bùng dịch là khai báo y tế đầy đủ.
“Dù đã được khuyến cáo trong thời gian qua, việc khai báo y tế của người dân không được thực hiện tốt do ảnh hưởng của Tết. Trong thời gian tới, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề này để người dân thực hiện cách ly, điều trị cũng như được tiếp cận sớm, hạn chế lây lan virus”, PGS Dũng nói.
Bên cạnh đó, PGS Trần Đắc Phu lưu ý khi từ quê trở lại các thành phố lớn, người dân cần thực hiện tốt 5K, tránh lây lan SARS-CoV-2 khi tham gia giao thông.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói thêm: “Bản thân mỗi cá nhân cũng phải chủ động theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có các triệu chứng, dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, người dân có thể tự test nhanh hoặc xét nghiệm khẳng định. Tuy nhiên, cần tránh xét nghiệm tràn lan, gây lãng phí hoặc tâm lý tiêu cực không cần thiết”.
Nguy cơ về các biến chủng mới
Trong thời gian tới, một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là cách ứng phó của Việt Nam trước các loại biến chủng SARS-CoV-2 mới.
PGS Đỗ Văn Dũng nhận định: “Thời điểm hiện tại còn khá sớm để chúng ta nói về biến chủng mới. Tuy nhiên, các biến chủng thường xuất hiện ngẫu nhiên trên thế giới. Nơi lây lan rộng sẽ có nguy cơ đột biến và xuất hiện biến chủng càng nhiều. Trong khi đó, dân số và lượng ca mắc ở Việt Nam không quá lớn. Bởi vậy, biến chủng mới nhiều khả năng sẽ không trực tiếp xuất hiện ở nước ta”.
Mặt khác, ông khẳng định sự đột biến của SARS-CoV-2 là điều chúng ta luôn phải quan tâm và theo dõi. Tuy nhiên, đây không phải mối đe dọa trực tiếp với người dân Việt Nam.
“Về lý thuyết, các biến chủng mới sẽ luôn xuất hiện và buộc chúng ta phải giám sát dịch tễ. Đây cũng là trách nhiệm của các nhà khoa học. Tuy nhiên, với người dân Việt Nam ở thời điểm này, mối đe dọa trước mắt là biến chủng đã có, khi Omicron xuất hiện trong cộng đồng”, PGS Dũng nói.
Vị chuyên gia cho rằng trên thực tế, biến chủng Omicron không quá đáng sợ. Diễn biến bệnh do chúng gây ra thường nhẹ. Tuy nhiên, vấn đề của biến chủng này là những người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn có nhiều khả năng nhiễm Omicron.
Khi số ca mắc tăng cao, hệ thống y tế vẫn có khả năng bị quá tải, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống cũng như kinh tế, xã hội.
Ông Dũng đánh giá: “Việt Nam đang có kế hoạch phòng, chống dịch trước biến chủng Omicron khá phù hợp. Đó là vẫn khuyến khích người dân thực hiện 5K, chưa thể bỏ ngay 5K ở thời điểm này, đồng thời tăng cường mũi tăng cường vaccine Covid-19 cho người dân".