Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Thành phố Hà Nội vừa thành lập 3 đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm năm 2021 từ nay đến hết ngày 15-12 tại 30 quận, huyện, thị xã. Thông qua hoạt động này, các đoàn phúc tra sẽ đưa ra những đánh giá, góp ý nhằm từng bước tăng cường năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương; đồng thời giúp người tiêu dùng nhận diện những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn.
Xếp loại công tác quản lý an toàn thực phẩm
Hà Nội hiện có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong năm 2021, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, gồm các đoàn liên ngành và chuyên ngành. Trong 11 tháng năm 2021, các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 48.263 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm 6.588 cơ sở với số tiền phạt gần 3,7 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về an toàn thực phẩm được tăng cường, nhất là các đợt cao điểm, như: Lễ hội, Tết, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu năm 2021… Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Qua đó, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở. Cùng với đó, nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức của người sản xuất, kinh doanh về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy Đảng và chính quyền cấp xã, phường, thị trấn còn chưa quyết liệt và thường xuyên. Việc xử lý vi phạm ở một số xã đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu so với khối lượng và yêu cầu công việc ngày càng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định, như: VietGAP, GMP, HACCP, ISO 22000...
Trước thực tế đó, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hằng năm, thành phố đã thành lập các đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn theo bộ tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm được UBND thành phố Hà Nội ban hành. Thông qua việc đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm, thành phố sẽ xếp loại và biểu dương, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời yêu cầu các đơn vị chưa thực hiện tốt phải có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp
Tuần qua (từ ngày 30-11 đến 4-12), Đoàn công tác số 1 về phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra và xếp loại xuất sắc cho một số quận, huyện: Tây Hồ, Gia Lâm và Long Biên.
Qua kiểm tra thực tế và tổng hợp ý kiến đánh giá của các thành viên Đoàn công tác số 1, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Phó Trưởng đoàn số 1 về phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm của thành phố đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm của các quận, huyện được xếp loại xuất sắc. Kết quả này cho thấy, sự chỉ đạo của UBND các quận, huyện, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng và UBND các xã, phường trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời duy trì các mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Để được xếp loại xuất sắc, quận Long Biên đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Theo bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, quận đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể của quận và các phường đã chủ động phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát an toàn thực phẩm, xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời vi phạm. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm của quận và 14 phường được duy trì thường xuyên. Thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn theo kế hoạch đã xây dựng, trước mắt là công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2022.
Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn số 1 về phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm của thành phố yêu cầu, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được các địa phương tiếp tục siết chặt và tăng cường thường xuyên, liên tục. Thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất công tác triển khai an toàn thực phẩm và phòng dịch của cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
“Cùng với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện cần tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, cơ quan chức năng phải rà soát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng dịch tại tất cả các chợ, nhất là chợ "cóc", chợ tạm. Cùng với đó, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho người tiêu dùng và tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.
(hanoimoi.com.vn)
Loại vaccine Covid-19 nên tiêm cho mũi tăng cường
"Đã có nhiều bằng chứng tiêm trộn các loại vaccine tạo kháng thể tốt hơn là tiêm cùng loại. Do đó, tôi nghĩ nên ưu tiên tiêm trộn loại cho mũi tăng cường", TS Nam Trung cho hay.
Khi phần lớn người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 thì đã tới lúc chúng ta phải tính tới tiêm mũi tăng cường. Một số nghiên cứu cho thấy miễn dịch do vaccine tạo ra bị suy giảm sau một thời gian. Bên cạnh đó, do chủng Delta cũng như Omicron mới đây, việc tăng cường cho hệ miễn dịch thêm sức mạnh chống chọi lại các chủng mới là cần thiết. Ở những người có hệ miễn dịch suy yếu do tự nhiên (tuổi tác), bệnh hay điều trị bệnh thì điều này lại càng quan trọng.
Bộ Y tế gọi là mũi bổ sung (có thể tiêm sau mũi cơ bản ít nhất 28 ngày) và mũi nhắc lại (tiêm sau mũi cơ bản ít nhất 6 tháng). Bản chất của mũi tiếp theo này dù ở khoảng cách nào đều là giúp tăng cường miễn dịch, chống lại Covid-19.
Thứ tự nhóm ưu tiên cho mũi tăng cường
Theo tiêu chí phải bảo vệ nhóm nguy cơ cao trước, chúng ta phải ưu tiên đầu tiên mũi tăng cường cho người cao tuổi (tuổi cao xuống thấp: >75 tuổi trước tới 65-74 tuổi, 60-64 tuổi, 50-59 tuổi) và người có bệnh nền, đặc biệt bệnh gây suy giảm miễn dịch (SGMD) hoặc điều trị làm SGMD.
Vào tháng 10, WHO cũng khuyến cáo những người SGMD phải được tiêm thêm một mũi cơ bản. Ví dụ, với một loại vaccine cụ thể, người khỏe mạnh được tiêm 2 mũi cơ bản thì trường hợp SGMD là 3 mũi cơ bản. Do đó, mũi tăng cường của họ sẽ là mũi thứ 4 (hoặc 5, tùy vào loại vaccine).
Bộ Y tế không nói gì tới các ưu tiên khác. Theo tôi, yếu tố ưu tiên tiếp theo nên dựa vào loại vaccine dùng cho mũi cơ bản. Cụ thể, vaccine Sinopharm (Vero Cell, Hayat-vax) đã được biết là có hiệu lực giảm nhiễm và giảm bệnh nặng kém hơn các vaccine khác một chút, đặc biệt ở người cao tuổi.
Do vậy, trong cùng một độ tuổi, người tiêm mũi cơ bản bằng vaccine Sinopharm nên được ưu tiên mũi tăng cường cao hơn người tiêm mũi cơ bản bằng các vaccine khác.
Mũi tăng cường cũng nên ưu tiên cho vùng nào đang có nguy cơ cao trước.
Vaccine gì cho mũi tăng cường?
Bộ Y tế cũng hướng dẫn có thể tiêm mũi tăng cường cùng loại với mũi cơ bản hoặc dùng vaccine mRNA (Pfizer hoặc Moderna). Đã có nhiều bằng chứng tiêm trộn các loại vaccine tạo kháng thể tốt hơn là tiêm cùng loại, do đó, tôi nghĩ nên ưu tiên tiêm trộn loại cho mũi tăng cường.
Tiêm trộn còn làm tăng mức độ linh hoạt trong sử dụng vaccine và giúp giảm lãng phí vaccine.
Trong một nghiên cứu gần đây ở Anh đăng trên tạp chí Lancet cho thấy với những người tiêm đủ 2 mũi cơ bản bằng vaccine AstraZeneca hay Pfizer, mũi 3 sau mũi 2 từ 10-12 tuần bằng vaccine nào cũng tốt, giúp tăng tạo kháng thể. Tuy nhiên, mũi 3 bằng vaccine mRNA (Pfizer/Moderna) giúp tạo miễn dịch tế bào T tốt nhất.
Đó là lý do Anh chỉ cho tiêm Pfizer/Moderna cho mũi tăng cường. Để trộn vaccine cho mũi tăng cường, nếu 2 mũi cơ bản tiêm AstraZeneca, mũi tăng cường nên tiêm một loại khác như Pfizer/Moderna. Nếu tiêm 2 mũi cơ bản bằng Pfizer, mũi 3 nên tiêm Moderna và ngược lại. Nếu 2 mũi cơ bản Moderna, mũi 3 nên tiêm Pfizer.
Mỹ cũng cho phép tiêm mũi 3 bằng bất kỳ loại nào giống hoặc khác với mũi cơ bản (trong 3 loại được dùng ở Mỹ là Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson). Ở Việt Nam, nếu không đủ vaccine Pfizer/Moderna mũi 3 cho mọi người, chúng ta có thể tiêm mũi tăng cường bằng một loại vaccine khác với loại cho mũi cơ bản.
Thời điểm tiêm mũi tăng cường
Người bị bệnh suy giảm miễn dịch (SGMD) hoặc đang điều trị làm SGMD phải bổ sung thêm một mũi cơ bản, sau đó có thể tiếp tục với mũi tăng cường. Những trường hợp còn lại, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm sau 6 tháng dựa theo bằng chứng miễn dịch do vaccine suy giảm sau thời gian này.
Thực tế, miễn dịch do vaccine suy giảm dần dần chứ không giảm đột ngột. Trong tình hình số ca nhiễm vẫn nhiều, thậm chí tăng lên khi mở cửa và điều kiện chủng Omicron xuất hiện, chúng ta nên cân nhắc rút ngắn khoảng cách xuống, đặc biệt là với nhóm nguy cơ cao.
Nghiên cứu nói trên cho thấy mũi 3 tiêm sau mũi 2 từ 10-12 tuần có khả năng sinh miễn dịch tốt. Cùng với lo ngại chủng Omicron, đây là lý do để Anh chọn rút ngắn khoảng cách từ 6 tháng xuống còn 3 tháng sau mũi 2.
Sáu tháng có thể là quá lâu cho một số người, nhất là trường hợp cao tuổi, có bệnh nền. Chiến lược của Việt Nam có lẽ nên mềm dẻo hơn cho nhóm cao tuổi, bệnh nền và có thể rút ngắn xuống dưới 6 tháng cho nhóm này tùy tình hình dịch.
(zingnews.vn)
Hà Nội đang điều trị cho hơn 6.400 trường hợp F0
Từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 14.546 ca mắc COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 5.694 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 8.852 ca.
Ngày 7/12, toàn thành phố ghi nhận tổng số 600 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 202 ca cộng đồng, 236 ca trong khu cách ly và 162 ca trong khu phong tỏa.
Công tác điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca dương tính đã xác định thêm 2.435 trường hợp F1 và 1.203 trường hợp F2. Các ca bệnh và khu vực liên quan đến các bệnh nhân đều được tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong ngày 7/12, toàn thành phố giám sát thêm 2 trường hợp là người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cả 2 trường hợp này đi về bằng máy bay và đều được xác định là dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số mắc COVID-19 liên quan đến các tỉnh, thành phố là 331 trường hợp, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã.
Toàn thành phố xét nghiệm 18.511 mẫu, phát hiện 600 trường hợp dương tính. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện xét nghiệm 9.017 mẫu, kết quả đã phát hiện 392 trường hợp dương tính; các bệnh viện xét nghiệm 9.494 mẫu, phát hiện 208 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
25 bệnh viện của Trung ương và Hà Nội đang tiếp nhận điều trị cho 6.407 trường hợp F0, trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (65), Bệnh viện đại học Y Hà Nội (168); các bệnh viện của Hà Nội là Đức Giang (144), Thanh Nhàn (96), Hà Đông (146), Sơn Tây (53), Bắc Thăng Long (59), Gia Lâm (48), Mê Linh (147), Tâm Thần Hà Nội (11), Quốc Oai (113), Chương Mỹ (121), Vân Đình (152), Phú Xuyên (133), Hoài Đức (17), Mỹ Đức (95), Sóc Sơn (4), Đan Phượng (13), Đông Anh (7), Ba Vì (38), Thạch Thất (16), Thanh Oai (34), Phúc Thọ (2), Phụ Sản (8), Phổi Hà Nội (4).
Cơ sở điều trị ký túc xá Phenikaa (535), cơ sở điều trị Đền Lừ III (919), cơ sở điều trị Thượng Thanh (786), cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp (1.622).
Các trạm y tế lưu động tại 22 quận, huyện là Hoài Đức (124), Đan Phượng (91), Thanh Trì (17), Mỹ Đức (26), Sóc Sơn (101), Long Biên (32), Đông Anh (7), Hà Đông (6), Bắc Từ Liêm (59), Chương Mỹ (193), Gia Lâm (39), Mê Linh (54), Thanh Xuân (57), Quốc Oai (24), Thạch Thất (21), Tây Hồ (5), Ba Vì (3), Phú Xuyên (2), Nam Từ Liêm (2), Thanh Oai (2), Hoàng Mai (2), Thường Tín (2).
Kết quả tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi, trong ngày 7/12, toàn thành phố thực hiện được 48.185 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm thực hiện được ở đối tượng này là 12.308.616 mũi.
Đối với trẻ từ 15-17 tuổi, trong ngày thực hiện được 850 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 23/11 đến nay lên 288.534 mũi/305.029 trẻ đạt 94,6%.
Đối với trẻ từ 12-14 tuổi, trong ngày thực hiện được 34.334 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 27/11 đến nay là 289.806 mũi/393.730 trẻ, đạt tỷ lệ 73,6%.
Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch như giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; xét nghiệm; tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0 và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn đang được ngành y tế tích cực triển khai.
(vtv.vn)
Hà Nội phân bổ 6.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà
Trong lần 1, Hà Nội phân bổ 6.000 túi thuốc điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 cho 30 quận/huyện/thị xã của thành phố, tương ứng mỗi địa phương nhận 200 túi. Mỗi túi thuốc gồm hai loại: Thuốc hạ sốt (Paracetamol 500mg) và vitamin C 500mg.
Chiều 7/12, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng ký ban hành công văn khẩn phân bổ thuốc điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19.
Số túi thuốc điều trị F0 tại nhà này do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược tham gia ủng hộ.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị khẩn trương liên hệ với Phòng Nghiệp vụ Dược – Sở Y tế để tiếp nhận số lượng thuốc được phân bổ như quy định; tiếp nhận, bảo quản, quản lý, cấp phát thuốc an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng và đúng các quy định chuyên môn hiện hành.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người trên 18 tuổi. Theo đó, thuốc điều trị gồm 3 nhóm:
Nhóm A là những thuốc thông dụng, bao gồm: Thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. Paracetamol 500mg uống 1 viên khi sốt trên 38,5 độ C, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ (nếu vẫn còn sốt). Ngoài ra, uống vitamin tổng hợp: Uống 1 viên lần/ngày; vitamin C uống sáng 1 viên, tối 1 viên.
Nhóm B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 <96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất trước khi chuyển viện.
Dexamethasone 0,5mg x 12 viên uống 1 lần, (12 viên tương đương 06 mg) hoặc Methylprednisolone 16mg x 1 viên uống; Rivaroxaban 10mg x 1 viên uống hoặc Apixaban 2,5 mg x 1 viên uống hoặc Dabigatran 220mg x 1 viên uống.
Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, không sử dụng các thuốc nhóm B cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh như: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.
Nhóm C là thuốc kháng virus, gồm: Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg, ngày uống 2 lần và uống 5 ngày liên tục hoặc Favipiravir viên 200mg, uống từ 7-14 ngày. Sở Y tế Hà Nội cũng quy định không dùng nhóm thuốc C cho phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch có thai, cho con bú.