Sáng 8/2: Còn 385 ca COVID-19 nặng thở máy, ECMO; Hà Nội vượt mốc 150.000 F0
Bộ Y tế cho biết đã có hơn 2,12 triệu bệnh nhân COVID-19 ở nước ta khỏi; trong số các F0 đang điều trị có hơn 2.100 ca nặng; Bộ Y tế đề nghị tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19; Tổng số ca COVID-19 của Hà Nội đã vượt mốc 150.000...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.358.786 ca mắc COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.889 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.351.676 ca, trong đó có 2.119.563 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (514.533), Bình Dương (292.981), Hà Nội (150.996), Đồng Nai (99.960), Tây Ninh (88.539).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.122.380 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.194 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.468 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 341 ca; Thở máy không xâm lấn: 48 ca; Thở máy xâm lấn: 324 ca; ECMO: 13 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 92 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.424 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.324.630 mẫu tương đương 77.341.557 lượt người, tăng 35.339 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 182.426.454 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.111.740 liều, tiêm mũi 2 là 74.293.565 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 29.021.149 liều.
Tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19
Trong vài ngày trở lại đây số ca mắc COVID-19 có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt trong ngày 7/2 tăng 2.704 ca so với ngày 6/2.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1). Phần lớn là ca bệnh nhập cảnh và có triệu chứng nhẹ.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19, đặc biệt đối với biến chủng Omicron; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... nhất là khi đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường, người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Đối với các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; có phương án thường trực, dự trữ cơ số máu, thuốc, dịch truyền, oxy y tế, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Mổ cấp cứu thành công cho sản phụ bị rau cài răng lược mắc Covid-19
Trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mổ cấp cứu thành công cho một sản phụ nhiễm Covid-19 bị rau cài răng lược, phá hủy lớp cơ tử cung và xâm lấn bàng quang
Chị Trần T.K.D (35 tuổi, quê Hải Dương), tiền sử mổ đẻ, được chẩn đoán rau cài răng lược tại sẹo mổ đẻ cũ từ rất sớm khi thai khoảng 20 tuần. Bánh rau càng ngày càng ăn sâu phá hủy lớp cơ tử cung và xâm lấn bàng quang.
Ở tuần thai 32, sản phụ phát hiện mắc Covid-19 và chuyển đến điều trị tại cơ Sở 2 ngày 23/1. Bệnh nhân được theo dõi sát sao, điều trị chống đông, kháng virus với hy vọng sớm khỏi Covid-19.
Đêm ngày 1/2 (mùng 1 Tết), bệnh nhân có hiện tượng vỡ ối, suy thai ở tuần thứ 34. ThS, BSCKII Trương Minh Phương-Trưởng kíp điều trị thai phụ mắc Covid-19 tại cơ sở 2 đã nhanh chóng hội chẩn với Ban Giám đốc bệnh viện và nhận lệnh phẫu thuật ngay do tính cấp cứu của ca bệnh.
Ban Giám đốc tại cơ sở 1 trực tiếp chỉ đạo vòng ngoài, huy động cung cấp 1 lượng lớn gần 3.000 ml máu và các chế phẩm máu, sẵn sàng phương án chi viện nhân lực từ vòng ngoài vào nếu cần thiết.
Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài hơn 3 giờ do ThS, BSCKII Trương Minh Phương, BSCKI Vương Đức Hinh, bác sĩ Đồng Văn Hiệp cùng ê-kíp gây mê hồi sức bác sĩ Vũ Đình Kinh, bác sĩ Nguyễn Nhật Hoan đã thành công tốt đẹp.
Một bé trai nặng 2.150g cất tiếng khóc chào đời vào lúc 1 giờ 55 phút ngày 2/2 trong niềm vui của toàn bộ ê-kíp và gia đình. Hiện tại sức khoẻ của mẹ và bé đều ổn định.
Sau 3 tuần nhận nhiệm vụ tại cơ sở 2-38 Cảm Hội, chiều 6/2, ê-kíp 3 do ThS, BSCKII Trương Minh Phương phụ trách đã cùng nhau làm việc xuyên tết và hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho 230 bệnh nhân F0 trong đó có 36 bệnh nhân thể nặng; Thực hiện 130 ca mổ, 29 ca đẻ thường, chăm sóc 174 trẻ sơ sinh. Có 258 trường hợp đã khỏi và xuất viện.
Ê-kíp tiếp theo do ThS, BSCKII Nguyễn Biên Thuỳ phụ trách đã sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ.
(Báo Nhân dân)
Tập trung triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch
Ngày 7/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.815 ca nhiễm mới, gồm sáu ca nhập cảnh và 16.809 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.704 ca so với ngày 6/2) tại 61 tỉnh, thành phố.
Thành phố Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất, với 2.988 ca. Các bệnh nhân phân bố tại 425 xã, phường, thị trấn thuộc 30 trên 30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, trong ngày, có 9.665 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và ghi nhận 100 ca tử vong tại 31 tỉnh, thành phố. Hiện, có 2.194 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia, đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trước năm 2023. Vì vậy, năm 2022, với Việt Nam công tác phòng, chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Toàn ngành phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Về chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó tập trung một số vấn đề cơ bản như: Tăng bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, nhất là tiêm mũi ba cho những đối tượng trên 18 tuổi; bảo đảm việc tiêm cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thời gian tới. Tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng như 5K, trong đó đeo khẩu trang là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là năng lực ứng phó với những ca bệnh diễn biến nhanh, tăng nặng..., bảo đảm đáp ứng mọi tình huống về y tế trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiến hành cải cách và đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tăng cường nhiều hơn đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm bảo đảm hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, qua đó nâng cao thu nhập của nhân viên y tế để họ yên tâm công tác...
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND 12 tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang về việc tăng cường triển khai tiêm vắc-xin Abdala. Bộ Y tế cho biết, trong tháng 10 và 11/2021, Bộ Y tế phân bổ năm triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Abdala cho các địa phương. Tại thời điểm phân bổ, Bộ đã xem xét nhu cầu sử dụng vắc-xin để đáp ứng kịp thời việc triển khai tiêm đủ ba mũi vắc-xin Abdala cho nhóm người từ 19 đến 65 tuổi. Tuy nhiên, theo báo cáo đến ngày 28/1/2022, số vắc-xin Abdala hiện còn tại các địa phương là 541.400 liều. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, không để sót đối tượng tiêm chủng, tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động người dân đi tiêm mũi hai, mũi ba vắc-xin Abdala. Triển khai tiêm vắc-xin thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm đủ ba mũi vắc-xin Abdala trong tháng 2/2022, kiên quyết không để vắc-xin phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng. Bộ Y tế nêu rõ, nếu tỉnh nào để vắc-xin Abdala phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng thì Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
(Báo Nhân dân)
Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần
Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm, đến năm 2025, ít nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (bệnh không lây nhiễm) và các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tinh thần khác (rối loạn sức khỏe tâm thần) nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến 2025, giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Cụ thể, giảm tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%, giảm tỷ lệ hiện uống rượu, bia ở người 13 đến 17 tuổi còn dưới 20%; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên còn dưới 37%; giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người từ 18 tuổi trở lên còn dưới 7 gam/người/ngày.
Ít nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường; 55% người mắc đái tháo đường được phát hiện và 55% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; 30% người tiền đái tháo đường được phát hiện và 50% số phát hiện được can thiệp dự phòng, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng theo hướng dẫn sàng lọc từng loại ung thư; 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm (đối với những bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm có giá trị nâng cao hiệu quả điều trị).
Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; phát hiện được ít nhất 70% người mắc bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc bệnh trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác; quản lý điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 50% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện...
Các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch là tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thiện các chính sách liên ngành; truyền thông và nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; phát triển hệ thống giám sát, quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và yếu tố nguy cơ gây bệnh; phối hợp, hợp tác với các tổ chức quốc tế và trong nước.
Triển khai cung cấp các dịch vụ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, đo các chỉ số và thực hiện các nghiệm pháp để phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần cho người dân, ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao.
Tổ chức các hình thức sàng lọc thường xuyên khi người dân đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế, đặc biệt tại Trạm Y tế xã; sàng lọc lồng ghép trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục, trong khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại cơ quan, tổ chức và khám quản lý sức khỏe cho người cao tuổi; sàng lọc trong hoạt động thăm hộ gia đình, sàng lọc khi khám thai cho phụ nữ có thai. Tổ chức các chương trình, hoạt động sàng lọc, kiểm tra sức khỏe tại cộng đồng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của địa phương.
Triển khai lập hồ sơ để theo dõi, tư vấn, dự phòng cho người thừa cân, béo phì, người tiền bệnh và người có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm và một số rối loạn sức khỏe tâm thần; quản lý người có nguy cơ tim mạch; tư vấn, cai nghiện thuốc lá; sàng lọc và can thiệp giảm tác hại do uống rượu, bia.
Củng cố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện để chẩn đoán, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm; khám, quản lý điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần; tham gia khám sàng lọc, chăm sóc giảm nhẹ, phòng, chống ung thư; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật về khám, quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh tại trạm y tế xã và tại cộng đồng theo quy định.