Tiêm vắc xin COVID cho trẻ 5-11 tuổi: Thận trọng tối đa
Bộ Y tế cho biết đang tích cực chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu...
Trao đổi với báo chí dịp Tết Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế thường xuyên tham khảo ý kiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới về vấn đề này. WHO đã chính thức cấp phép cho vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
“Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện nay có hơn 37 quốc gia đã có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao”, ông Long nói.
Bộ Y tế cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra... Cùng với đó, Bộ Y tế đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để mua vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đang đàm phán với các hãng để có thể cung ứng vắc xin này.
“Khi có vắc xin này, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng, chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết”, Ông Long nói.
Theo ông, việc tiêm vắc xin không phải là bắt buộc nhưng ngành y tế khuyến khích với tất cả người dân. Khoảng 80% các trường hợp tử vong thời gian qua, là do không tiêm vắc xin, không tiêm đủ mũi. Đây là điều rất đáng tiếc, phần lớn ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.
Vì thế, để bảo vệ nhóm đối tượng này, các địa phương đang thực hiện chiến lược “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiêm vắc xin cho người dân, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.
Trước đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép mua 21,9 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioTech để có thể triển khai tiêm và chấp nhận có thể dư thừa vắc xin.
Ít phản ứng phụ
TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, cho biết, trẻ em mắc COVID-19 không diễn biến nặng như người lớn, song có thể gặp các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Nhiều cuộc thử nghiệm vắc xin đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm
Ông Thái lưu ý, về phía các bậc cha mẹ, người giám hộ, cần luôn có người hỗ trợ, bên cạnh trẻ sau khi tiêm vắc xin 24 giờ trong ngày. Không để trẻ uống rượu, bia, các chất kích thích và không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong ba ngày đầu sau tiêm vắc xin. Trước khi đi tiêm, động viên trẻ tại nhà, giải thích cho trẻ lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn trẻ tự theo dõi sức khỏe bản thân.
Sau tiêm, phụ huynh cần chủ động theo dõi và chia sẻ với trẻ về cảm nhận; thường xuyên đo thân nhiệt, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Mục đích là theo dõi sát sức khỏe của trẻ để tránh nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi, nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục…, cần đi khám ngay; không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Thông báo ngay cho y tế nếu có bất cứ vấn đề gì băn khoăn về sức khỏe của trẻ, nhất là khi phát hiện thấy trẻ có những biểu hiện bất thường: cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái…
(Báo Tiền phong)
Từ 15/3/2022, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế
Bộ Công Thương vừa có Thông tư 03/2022/TT về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng chống dịch.
Theo Thông tư này, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) trong danh mục tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2022/TT-BCT.
Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 1/1/2022 đến trước ngày 15/3/2022, được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
Quy định này áp dụng đối với thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa; các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa. Thông tư 03/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022.
(Báo Tin tức)
Cả nước không còn địa phương vùng cam, đỏ
Theo hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch bệnh mới của Bộ Y tế, hiện cả nước có 48 tỉnh, thành phố vùng xanh; 15 tỉnh vùng vàng; không có địa phương ở vùng cam và đỏ.
Phía bắc có 21 tỉnh, thành phố vùng xanh, gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.
Miền trung có 9 tỉnh xanh, gồm: Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế.
Phía nam có 16 tỉnh, thành phố xanh, gồm: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh.
Khu vực Tây Nguyên bên cạnh tỉnh xanh Kon Tum duy trì từ tuần trước, nay có thêm Gia Lai. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh duy trì màu xanh từ tuần trước.
Theo Bộ Y tế, số ca nhiễm Covid-19 phát hiện trong ngày 8/2 tăng mạnh nhất từ trước đến nay với hơn 21 nghìn trường hợp. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, dịch cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước với số ca chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên số ca nhiễm đang gia tăng sau Tết, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi xuất hiện các ca biến chủng Omicron và mở cửa các hoạt động xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế.
(Báo Nhân dân)
Số ca mắc mới tăng đột biến, các địa phương lên phương án ứng phó
Ngày 8/2 là ngày nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay như Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa…, tổng số ca mắc mới trên cả nước tăng 5.000 ca so với ngày trước.
Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Chỉ tính riêng trong ngày 8/2, cả nước ghi nhận 21.909 ca mắc COVID-19 tại 63 tỉnh, thành phố; tăng hơn 5.000 ca so với ngày trước đó.
Ngày 8/2 là ngày nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay như Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa…
Số ca mắc tại nhiều tỉnh tăng đột biến
Tại tỉnh Hải Dương, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng phức tạp khi số ca mắc gia tăng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Riêng trong ngày 8/2, Hải Dương ghi nhận 1.245 bệnh nhân mắc COVID-19 mới ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, Hải Dương có số ca mắc đạt kỷ lục trong 1 ngày. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hải Dương tiếp tục xuất hiện nhiều ổ dịch mới.
Cũng trong ngày 8/2, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 998 ca mắc mới. Trong số đó có 226 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 456 ca ghi nhận qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 316 người đang được cách ly theo quy định. Đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tại Nghệ An, trong những ngày qua tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng rất cao, có ngày tăng đột biến. Trong ngày 8/2, số ca mắc mới của Nghệ An đã lên tới 1.717 ca.
Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới vào nội địa. Đặc biệt tại một số địa bàn (xã, bản) thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ có số ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao.
Chỉ trong 7 ngày đầu tháng 2/2022, toàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận hơn 670 bệnh nhân mắc COVID-19 (trong đó có 470 ca ngoài cộng đồng).
Nhận dịnh về tình hình dịch đang có xu hướng gia tăng tại nhiều đia phương sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, số ca mắc COVID-19 sau Tết tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già, người lớn và trẻ chưa tiêm vaccine, trẻ sơ sinh…
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, người dân còn chủ quan, cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi vaccine thì sẽ không bị mắc bệnh, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; tình trạng tập trung đông người vẫn xảy ra, nhất là tại các quán cà phê, giải khát, các điểm tham quan du lịch, các nhà hàng, quán ăn…
Số ca mắc tăng cao còn do tại một số địa phương, điển hình là Nghệ An có nhiều doanh nghiệp, trường học, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức xét nghiệm đại trà hoặc đưa ra khuyến cáo, yêu cầu cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh phải chủ động làm xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi đến doanh nghiệp làm việc hoặc đến trường học...
Ngoài ra, một lượng lớn người dân về quê nghỉ Tết, trước lúc trở lại các tỉnh, thành phố khác làm việc cũng đã chủ động đi xét nghiệm để biết kết quả, dẫn đến số ca ghi nhận tăng cao.
Chủ động phòng, chống dịch trong bối cảnh “mở cửa”
Bộ Y tế cho biết, các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, việc cả nước đang dần “mở cửa” lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron.
Vì thế, nếu các địa phương không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng số ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nguy cơ tử vong ngoài ý muốn.
Xác định tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh Bắc Lào vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới vào nội địa.
Do đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên vẫn thiết lập, duy trì 69 tổ, chốt trên dọc tuyến biên giới với hơn 440 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nghiêm nhiệm vụ “kép,” vừa kiểm tra, giám sát đường mòn, lối mở khu vực biên giới nhằm phòng, chống nguy cơ lây nhiễm dịch; vừa ngăn chặn tình trạng người dân xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, giữ vững an toàn an ninh khu vực biên giới.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương trong tỉnh cân nhắc việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, tổ chức thực hiện các tập tục tang ma, lễ cưới của người dân sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, bị động và điều hành công tác phòng, chống dịch phù hợp theo từng hoàn cảnh.
Trước diễn biến phúc tạp của dịch, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Cùng với đó, kiểm soát việc tập trung đông người trái quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch tại một số điểm như các quán cà phê, các di tích, điểm du lịch, quán ăn, nhà hàng… trong dịp đầu Xuân; nâng cao năng lực các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở thu dung và điều trị COVID-19, trạm y tế lưu động; triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống dịch đã ban hành, đảm bảo đủ cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Ngành y tế Nghệ An tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ động lên phương án kịch bản để ứng phó trong tình huống dịch bùng phát mạnh; các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để nhanh chóng khống chế dịch một cách hiệu quả.
Các chuyên gia y tế lưu ý sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân từ các địa phương trở lại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… bắt tay vào công việc thường nhật.
Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm COVID-19 và xử trí theo quy định…