Sát cánh cùng y tế cơ sở
Với thông điệp 3T 'Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng', thanh niên Thủ đô đã có nhiều mô hình, hoạt động sáng tạo và linh hoạt phù hợp với tình hình mới. Không quản ngại vất vả, màu áo xanh tiếp tục xung kích, tình nguyện, sát cánh cùng y tế cơ sở thực hiện nhiều phần việc, giúp các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà sớm khỏi bệnh...
Từ đồng hành cùng F0…
Đã 2 tuần nay, sinh viên Nguyễn Quốc Anh (Đại học Văn hóa Hà Nội) cùng gần 100 bạn khác đã đồng hành hỗ trợ Trạm Y tế lưu động phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 (F0) điều trị tại nhà. Tương tự, chị Lê Thị Thu Hằng, đoàn viên thuộc Đoàn Thanh niên xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cũng tham gia hỗ trợ 20 F0 tại nhà. Chị Hằng chia sẻ: “Hằng ngày, tôi đến trạm y tế lấy thuốc sau đó đi phát cho các F0. Công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng nếu ai cũng sợ thì không ai làm cả và tôi thường kêu gọi các bạn cùng tham gia”.
Bí thư Huyện đoàn Đông Anh Lê Thế Chuyên cho biết, Huyện đoàn đã chủ động triển khai đội hình thanh niên tình nguyện phòng, chống dịch từ rất sớm. Hiện nay, đoàn viên, thanh niên huyện đã tham gia 195 Tổ hỗ trợ Covid-19 cộng đồng, với 710 người hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Không kể ngày đêm, lực lượng thanh niên luôn nêu cao tinh thần tình nguyện vì cộng đồng.
Còn tại huyện Thanh Trì, hiện cũng có hơn 500 đoàn viên, thanh niên tham gia 72 Tổ hỗ trợ Covid-19 cộng đồng và 16 Tổ nhập liệu F0. Theo Bí thư Đoàn xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) Lã Minh Đạo, 28 đoàn viên, thanh niên của xã tham gia 3 Tổ Covid-19 cộng đồng, hỗ trợ tiêm, phát thuốc, điều tra dịch tễ, truy vết, nhập liệu… Các tình nguyện viên luôn làm việc với tinh thần chủ động, trách nhiệm.
Toàn thành phố hiện có gần 12.000 tình nguyện viên đang tham gia tăng cường phòng, chống dịch tại 579/579 xã, phường, thị trấn. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến thông tin: Bên cạnh lực lượng tình nguyện tại chỗ ở các xã, phường, thị trấn tham gia Tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố còn huy động 770 tình nguyện viên y tế, thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung và túc trực tại các khu cách ly tập trung; hơn 7.400 tình nguyện viên tham gia điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm chủng. Các tình nguyện viên được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng, chống dịch qua các lớp tập huấn mà Thành đoàn triển khai.
… đến “ATM ô xy” miễn phí
Bám sát diễn biến dịch ngày càng phức tạp, mới đây, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố đã triển khai mô hình “ATM ô xy” tới toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn của Thủ đô. Hiện hệ thống được trang bị 1.000 bình ô xy loại 8 lít, 200 bình ô xy loại 40 lít, 800 đồng hồ, 50 máy ô xy các loại 7 và 10 lít cùng 500 bộ chia ô xy.
Đơn cử, đội “ATM ô xy” của Đoàn Thanh niên phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) có 7 thành viên, luôn sát cánh cùng lượng lực y tế, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Theo Phó Bí thư Đoàn Thanh niên phường Lĩnh Nam Đỗ Chí, đồng thời cũng là thành viên đội “ATM ô xy”, khi nhận được yêu cầu cần chuyển gấp bình ô xy đến nhà F0, anh lập tức đến Trạm Y tế phường nhận bình ô xy chuyển đến nhà bệnh nhân, cùng nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời người bệnh đang gặp triệu chứng khó thở. “Điện thoại của chúng tôi luôn mở 24/24 giờ, khi được gọi là lên đường. Chúng tôi muốn san sẻ một phần vất vả với lực lượng y tế và mong dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi”, anh Đỗ Chí tâm sự.
Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ, Quận đoàn phối hợp với Trung tâm y tế quận bổ sung thành viên hỗ trợ cho Trạm Y tế lưu động, Trạm Y tế các phường. Quận đoàn cũng kích hoạt đội hình phản ứng nhanh “ATM ô xy” tại 14 phường để sẵn sàng hỗ trợ ô xy miễn phí tại nhà cho F0 khi có nhu cầu.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đội tình nguyện áo xanh của tuổi trẻ Thủ đô đã trở nên quen thuộc với nhiều bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Chị Nguyễn Hương Ly (người nhà F0 ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cảm động nói: “Gia đình tôi có người đang điều trị tại nhà và rất lo lắng. Rất may được các bạn trẻ tận tình hỗ trợ, hướng dẫn, nên gia đình yên tâm hơn”.
Mỗi tình nguyện viên đảm nhận nhiều công việc khác nhau, nhưng tất cả đều luôn cố gắng để hỗ trợ bệnh nhân một cách nhanh nhất có thể. Nhờ có lực lượng thanh niên, đội ngũ y tế tại cơ sở được giảm bớt gánh nặng, từ đó giúp công tác thăm khám và điều trị F0 hiệu quả hơn. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh, phát huy tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố tiếp tục có những định hướng cụ thể, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên, cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô.
Hanoimoi.com.vn
'Vắt chân' chạy để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch
Luôn có khoảng 200 bệnh nhân COVID-19 với 40 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy, ECMO tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội...
Ngày 15/9/2021, Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên. Đến nay, cơ sở này đã tiếp nhận và điều trị thành công hàng trăm bệnh nhân. Trong 1 tháng gần đây, F0 ở Hà Nội và miền Bắc ngày càng nhiều, kéo theo lượng ca nặng cần chuyển tuyến tăng lên.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết mỗi ngày có khoảng 20-30 bệnh nhân nặng nhập viện, được chuyển đến chủ yếu từ Hà Nội, Bắc Ninh… Hầu hết họ là người nhiều tuổi, có người 80-100 tuổi.
Trong khoảng 160 bệnh nhân đang điều trị tại đây chiều 7/1, có 40 ca nguy kịch phải thở máy, 50 bệnh nhân nặng thở oxy kính, mask túi, HFNC. Hiện có khoảng 130 thầy thuốc, tình nguyện viên đang có mặt tại cơ sở điều trị này. Trong đó có 65 nhân viên y tế, tình nguyện viên của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; 24 bác sĩ từ Hà Giang và 35 bác sĩ điều dưỡng từ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) tới học tập, hỗ trợ chăm sóc, điều trị.
Tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đèn luôn sáng. Đây là tuyến cuối tiếp nhận và xử trí các bệnh nhân mắc COVID-19 vượt quá khả năng điều trị từ tuyến dưới chuyển đến.
Chiều 7/1, một cụ ông 83 tuổi chuyển đến từ Bắc Ninh diễn biến nặng. Ông mới tiêm 1 mũi vaccine, đã thở máy dài ngày. Bác sĩ Vũ Đình Hùng, người có 2 tháng kinh qua "mặt trận" Bình Dương điều trị COVID-19, chỉ định mở khí quản cho bệnh nhân này. Nếu không, bệnh nhân khó được chăm sóc thở máy, khó hút đờm, tăng thông khí khoảng chết, thiểu dưỡng vùng bóng cuff dẫn đến biến chứng sẹo hẹp khí quản về sau...
Từ buồng điều hành, sau khi thống nhất qua bộ đàm với buồng điều trị, BS Vũ Đình Hùng (áo xanh), BS Cao Đại Dương phụ trợ và điều dưỡng nhanh chóng mặc đồ bảo hộ vào thực hiện mở khí quản cho bệnh nhân. Ở đây, thời gian là vàng, không có chỗ cho sự do dự hay chậm rãi.
Cùng với đặt ống nội khí quản, mở khí quản cho bệnh nhân COVID-19 là thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm cao. Bởi trong quá trình phẫu thuật phải mở đường thở của bệnh nhân, tất cả khí ở phổi mang theo virus sẽ tràn ra ngoài không khí.
Một ca mở khí quản thông thường mất khoảng 30 phút, nhưng nếu gặp ca khó (như vì giải phẫu cổ bệnh nhân quá ngắn) thì có thể kéo dài từ 90 phút tới 2 giờ đồng hồ. Thầy thuốc làm việc trong tư thế cúi gập, tập trung cao độ, kính mờ hơi, rất mỏi và nóng do không được dùng điều hòa trong buồng bệnh.
Mạng sống của tất cả các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại đây phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống máy móc và nỗ lực chăm sóc không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ. Trong ảnh, các điều dưỡng đang vỗ lưng, hút đờm cho ca F0 nặng, nguy kịch tại khu R14.
Do điều kiện nhân lực có hạn, nếu các cơ sở ICU khác phân chia "3 ca 4 kíp" thì cơ sở này của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia thành "2 ca, 3 kíp", nghĩa là một ca sẽ phải đảm nhiệm 12 giờ đồng hồ, thay vì khoảng 8-9 tiếng như trung tâm khác.
Theo tiêu chuẩn, một bệnh nhân thở máy cần 2 điều dưỡng, 1 hộ lý và 1 bác sĩ. Với F0 phải chạy tim phổi nhân tạo (ECMO) cần số lượng thầy thuốc lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ở đây, một điều dưỡng trong ca trực 6 tiếng liên tục của mình phải đảm nhiệm khoảng 2-3 bệnh nhân thở máy, chưa kể bệnh nhân khác.
Các bác sĩ làm hành chính từ 7h sáng tới 5h chiều. Ngoài ra, một tuần, mỗi bác sĩ có từ 2-3 lần trực ca tối tới sáng hôm sau. Như bác sĩ Hùng, ngoài phụ trách 40 ca nặng ở khu R13 và R14, trong ca trực đêm sẽ đảm trách toàn bộ bệnh nhân trong viện.
Các điều dưỡng sẽ phân công theo ca, kíp. Một ngày có 2 ca (12 giờ/ca). Một tour trực ở R14 có 9 điều dưỡng cho 20 giường bệnh ICU luôn kín chỗ. Thường các điều dưỡng sẽ chia thành 2 ca nhỏ (6 tiếng/ca nhỏ) và mặc đồ bảo hộ liên tục, nhưng điều đó khiến lượng bệnh nhân mà một điều dưỡng cần chăm sóc sẽ nhiều hơn.
Trong khi kíp bác sĩ Hùng – Dương mở khí quản trong buồng điều trị, phía ngoài phòng theo dõi trung tâm với âm thanh tít… tít… tít của máy monitor đều đặn phát lên vài giây một, một bảng điện tử gắn thiết bị theo dõi huyết áp, mạch, Sp02 của từng bệnh nhân liên tục nhấp nháy...
Phòng theo dõi trung tâm với hệ thống máy theo dõi là "căn cứ địa" để các thầy thuốc bên ngoài "điện đàm" với thầy thuốc bên trong lưu ý, nhắc nhở kiểm tra ngay tình trạng bệnh nhân. Buồng điều trị chỉ còn 2 thứ âm thanh: Tiếng thầy thuốc động viên bệnh nhân và tiếng bộ đàm vang lên trao đổi chuyên môn. Trong một ca trực, tên của các điều dưỡng vang lên không ngớt. Họ phải di chuyển nhanh trong bộ đồ bảo hộ đến từng giường bệnh.
Chia sẻ về kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới đây, PGS Hải cho hay: "Chúng tôi chưa tính đến chuyện sẽ nghỉ Tết ra sao, vẫn phải làm việc liên tục, tùy thuộc tình trạng dịch, bởi nếu đông bệnh nhân hơn thì phải huy động nhiều nhân lực hơn".
Với trung bình 200 bệnh nhân điều trị mỗi ngày, bệnh viện xác định đây là giai đoạn 2. Trong tình huống xấu khi lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh, viện chuyển sang giai đoạn 3 với công suất tối đa là 500-700 giường ICU. Nhân lực cho giai đoạn này cần huy động tới 1.500 thầy thuốc, tình nguyện viên sẽ được điều phối từ Trường Đại học Y Hà Nội, các thầy thuốc từ bệnh viện của TP Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
Suốt 4 tháng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, với quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn chuẩn chỉ, chưa một nhân viên y tế nào của bệnh viện này dương tính SARS-CoV-2.
Không chỉ trong dịp Tết mà với các ngày bình thường, nhân viên được giám sát và tự đánh giá nguy cơ phơi nhiễm để quyết định có được về nhà hay không. Theo PGS Hải, với nhân viên ở Hà Nội hoàn toàn có thể đi làm theo ca kíp và về nhà theo lộ trình "một cung đường hai điểm đến (nhà và viện)".
Về kế hoạch Tết, Bệnh viện đã thảo luận và lên kế hoạch triển khai một số hoạt động động viên các thầy thuốc có thêm tinh thần làm việc như ngày 20, 21 Tháng Chạp sẽ tổ chức gói bánh chưng và một số hoạt động khác mang tính chất truyền thống...
Suckhoedoisong.vn
Yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch trong thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt dịch Covid-19.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800 năm 2021 thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình mới.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị (kể cả thuốc kháng virus), bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, chỉ đạo nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, phân phối thuốc kháng virus bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành vào tháng 10/2021, quy định các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hài hòa với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.
Để đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết quan trọng này, Bộ Y tế cũng ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương theo điều kiện thực tế như số ca nhiễm mới; tỷ lệ vaccine; khả năng thu dung, điều trị F0 để áp dụng các biện pháp chống dịch.
Dựa vào các tiêu chí trên, địa phương tự đánh giá mức độ dịch của mình với 4 mức: Cấp 1, 2, 3 và 4 tướng ứng với nguy cơ từ thấp, trung bình, cao đến rất cao. Tuy nhiên, hiện nay quá trình thực hiện ở một số địa phương cho thấy nhiều bất cập trong việc đánh giá mức độ dịch, cũng như áp dụng các biện pháp.
Như ở Hà Nội, với việc số ca nhiễm tăng nhanh, biến động liên tục, nhiều quận, huyện, xã phường liên tục chuyển trạng thái từ xanh, vàng sang cam và ngược lại. Việc này khiến hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân gặp nhiều xáo trộn, khó đảm bảo tiêu chí "thích ứng linh hoạt" mà Chính phủ đặt ra.
Zing.vn
Hà Nội nỗ lực tiêm vaccine, điều trị F0 tại nhà
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 25.000 bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội luôn sẵn sàng ở mức cao nhất, chủ động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, nỗ lực triển khai tiêm vaccine tại nhà cũng như điều trị F0 tại nhà một cách hiệu quả nhất.
Tiêm vaccine Covid-19 tại nhà
Những ngày qua, quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức đồng loạt, bố trí lực lượng y tế đến tận nhà người dân để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các trường hợp là người cao tuổi không thể đi đến điểm tiêm, có bệnh lý nền và chống chỉ định. Theo đó, mỗi tổ tiêm chủng tại nhà của các phường có từ 5 đến 6 thành viên, bao gồm các bác sĩ, y tá và công an, đến tận nhà để vận động, tư vấn và tiêm vaccine phòng Covid-19. Trung tâm Y tế (TTYT) quận cũng phân công lực lượng hỗ trợ tham gia tổ tiêm chủng tại nhà.
“Tôi tuổi cao sức yếu, khó khăn trong đi lại. Cứ nghĩ đến tình cảnh đau yếu thế này mình không được tiêm vaccine, nhưng nay nhân viên y tế xuống tận nhà tiêm, dặn dò kỹ lưỡng, tôi rất vui, cảm động với tấm lòng của các y bác sĩ” - bà Đàm Thị Thuyên (phố Hàm Tử Quan, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.
Chủ tịch UBND phường Phúc Tân Trần Xuân Hà cho biết, theo chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, phường Phúc Tân thành lập Tổ tiêm chủng lưu động vaccine phòng Covid-19 tại nhà trên địa bàn phường và phối hợp với TTYT quận tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người không thể đi lại được, không đến được các cơ sở tiêm chủng. Dù địa bàn phường đông dân cư, nhiều người già, yếu không thể đến các điểm tiêm chủng, nhưng phường quyết tâm, cố gắng triển khai đến từng gia đình để tiêm vaccine theo đúng quy trình, hướng dẫn của quận Hoàn Kiếm, Sở Y tế.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện đã thành lập 21 trạm y tế lưu động (TYTLĐ) để theo dõi quản lý, điều trị F0 tại nhà. Quận đã cấp 1.340/ 2.615 túi thuốc A và 177/580 túi thuốc C cho F0 điều trị tại nhà và tại các điểm thu dung của quận. 18 phường đã thành lập 132 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà với 682 thành viên và 56 tổ điều trị với 174 người.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên địa bàn, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị quận Hoàn Kiếm chú trọng tới việc phát hiện sớm F0 và quản lý bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, cung ứng đủ thuốc, các điều kiện thiết yếu để theo dõi, đảm bảo sức khỏe cho F0. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, theo dõi sức khỏe cho F0 để hạn chế tối đa tử vong. Chủ động cơ số test nhanh để phục vụ công tác phòng chống dịch. Đồng thời, nhanh chóng bao phủ vaccine mũi 3 cho Nhân dân trên địa bàn để phòng bệnh…
Theo TS Trần Thị Nhị Hà, hiện nay, để phòng, chống dịch Covid-19 cần tập trung 3 giải pháp chính đó là tăng cường tiêm vaccine, cung cấp thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng. Đặc biệt, Hà Nội không thiếu thuốc điều trị Covid-19 và sắp tới TP sẽ được bổ sung thêm 200.000 liều Molnupiravir; các quận, huyện phải nhanh chóng phân bổ thuốc cho các F0 điều trị tại nhà, không để bệnh nhân chuyển tầng...
Để bệnh nhân F0 yên tâm điều trị tại nhà
TS Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, dù F0 điều trị tại nhà chiếm tỷ lệ lớn, nhưng công tác quản lý vẫn đang được triển khai tích cực. Hiện các quận, huyện đang khẩn trương triển khai tiêm vaccine tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền. Đoàn thanh niên vận động xã hội hóa hỗ trợ hàng trăm bình ôxy cho công tác điều trị F0 tại nhà. Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội đã có hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Hà Nội cũng đã triển khai cấp phát các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 và lượng thuốc này được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Hiện Sở Y tế Hà Nội được các DN trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các TTYT 11.700 túi thuốc A. Sở Y tế cũng đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C và đã cấp phát 12.000 túi thuốc này về cho các đơn vị để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà, trong đó có 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện được cấp. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện, phường, xã duy trì sẵn sàng ở mức cao nhất với phương châm “4 tại chỗ”, tránh để tình trạng trông chờ cấp trên đối với những việc thuộc thẩm quyền của mình, bao gồm cả việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, túi thuốc A - B... Nâng cao năng lực, quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch, rà soát lại quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm điều hành thông suốt xuống tận phường, xã, thị trấn. Đây là vấn đề mấu chốt để tránh xảy ra tình trạng lúng túng trong việc hỗ trợ, phục vụ người dân. Từng đơn vị, địa bàn tiếp tục chủ động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, chủ động phối hợp với các BV T.Ư, bộ, ngành…
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện chủ động phối hợp bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý để người dân yên tâm, tập trung điều trị các bệnh nhân ở tầng 1. Hạn chế tối đa số bệnh nhân phải chuyển lên tầng trên, điều trị tích cực đối với bệnh nhân tầng 2, tầng 3 để hạn chế thấp nhất số ca tử vong.
“Đặc biệt, các quận, huyện chỉ đạo tăng cường hỗ trợ người dân, nhất là các ca nhiễm Covid-19, không để người dân không được quan tâm kịp thời, không có thông tin. Thông tin cho người dân phải hết sức cụ thể dễ tiếp cận, tránh để người dân hoang mang. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine, vận động người chưa tiêm tham gia tiêm đầy đủ, làm tốt biện pháp này sẽ hạn chế người mắc và chuyển nặng” - Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.
Sở Y tế Hà Nội đã có hướng dẫn quy trình phối hợp trong việc quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Bên cạnh các TTYT và trạm y tế, lực lượng Đoàn thanh niên, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành sẽ cùng tham gia quản lý F0 điều trị tại nhà.
Theo đó, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành chủ động theo dõi, gọi điện hỗ trợ nhóm F0 có triệu chứng theo phân tầng trên phần mềm, ưu tiên màu Đỏ - Cam -Vàng theo danh sách. Mạng lưới hối hợp với nhân viên y tế tại các trạm y tế và TYTLĐ để trao đổi, chia sẻ, cảnh báo khi F0 có dấu hiệu tăng nặng; nhận điện thoại được gọi từ F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần... Đồng thời kết hợp với Tổng đài 1022 để nhận thông tin hỗ trợ F0 theo dõi tại nhà trên địa bàn TP…
Hiện số lượng F0 hàng ngày trên địa bàn trung bình trên 100 bệnh nhân. 100% bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được cấp túi thuốc A. TTYT quận cũng đã chuẩn bị các túi thuốc B để khi bệnh nhân có những dấu hiệu sẽ điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Còn túi thuốc C hiện nguồn cung còn hạn chế, thuốc này được quản lý chặt chẽ và số lượng có hạn nên ban đầu ưu tiên sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, bệnh nền để phù hợp với số lượng cũng như đảm bảo việc quản lý thuốc này. Khi có đủ sẽ cấp phát theo đúng chỉ định, hướng dẫn của Bộ Y tế.