Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm mùa lễ hội xuân 2022
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành Công văn số 229/ATTP-PCTTR về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội xuân 2022 gửi Sở Y tế các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bình Thuận; Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố.
Theo đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội xuân 2022, Cục An toàn thực phẩm - Thường trực Tổ công tác giúp việc của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn. Đồng thời, tại mỗi địa phương phải bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… để phục vụ nhân dân, du khách. Thực hiện xử lý vi phạm và công khai cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.
(Báo Hà nội mới)
Vì sao cần thiết tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi?
Theo GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác, như đi học trực tiếp hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời...
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết Bộ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Theo đó để chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành khảo sát trực tuyến đối với các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Qua khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia đã cho kết quả như sau: 60,6% đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.
Chính Phủ cũng đã đồng ý mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có cần thiết phải tiêm cho trẻ lứa tuổi này không?
Về vấn đề này GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết đối với việc sử dụng vaccine, đặc biệt là vaccine được cung ứng, cấp phép trong tình huống khẩn cấp đặt ra 3 vấn đề.
Thứ nhất là việc cần thiết phải tiêm. Trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.
Khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).
Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.
Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho biết, hiện nay qua theo dõi với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng.
"Vì vậy, việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác"- GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Thứ hai là về vaccine. Vaccine được lựa chọn là Pfizer đã được WHO, FDA Hoa Kỳ cũng như Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu phê duyệt.
Số nước sử dụng tăng lên hằng ngày và đến nay là 44 nước và 3/4 số nước đó đã sử dụng vaccine.
Đối với vaccine, vấn đề thử nghiệm lâm sàng là vấn đề hết sức thận trọng, đầy đủ. Với vaccine này, các lứa tuổi lớn- 18 tuổi trở lên thử nghiệm trước, sau đấy là lứa tuổi 12-17, và sau đấy là 5-11.
Quá trình này được làm một cách hết sức thận trọng, bài bản qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Thứ ba là việc triển khai, tổ chức tiêm chủng của Việt Nam, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc cung ứng đến việc tiêm chủng.
Với chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tiêm cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
"Hiện nay Bộ Y tế đang thúc đẩy sớm nhất để có vaccine. Hy vọng khi có vaccine với kinh nghiệm tiêm chủng, các kế hoạch đã đưa ra thì chúng sẽ tiêm sớm nhất để làm thế nào có miễn dịch bảo vệ trẻ"- Cục trưởng Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Nhóm người có nguy cơ cao mất khứu giác, vị giác khi nhiễm Covid-19
Phụ nữ, người hút thuốc, uống rượu có nhiều khả năng bị rối loạn vị giác hoặc khứu giác khi nhiễm Covid-19.
Đến ngày 8/2, Covid-19 đã gây ra hơn 5,76 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Một số triệu chứng bệnh bao gồm đau đầu, ho, rối loạn khứu giác/vị giác…
Nhóm người có nguy cơ cao mất khứu giác, vị giác khi nhiễm Covid-19
Mặc dù chưa có nhiều dữ liệu dài hạn, tình trạng khứu giác/vị giác bất ổn được ghi nhận tồn tại dai dẳng ở nhiều bệnh nhân. Phân tích gần 70.000 người dương tính SARS-CoV-2, 68% cho biết bị mất khứu giác hoặc vị giác.
Những người trưởng thành từ 26 đến 35 tuổi chiếm 73% trong nhóm này. Theo thống kê có khoảng 90% những người bị ảnh hưởng có thể cải thiện trong vòng 4 tuần.
Một khảo sát khác tìm ra đối tượng dễ bị mất khứu giác/vị giác dựa trên dữ liệu của nhóm người từ 18 tới 69 tuổi vào năm 2020. Những người tham gia trả lời 2 bảng câu hỏi và cung cấp vết máu khô tự lấy mẫu để xác định ai bị nhiễm SARS-CoV-2.
Nhóm tình nguyện viên cũng chia sẻ về các triệu chứng cũng như mức tiêu thụ rượu, tình trạng hút thuốc và chỉ số khối cơ thể (BMI).
Trong số hơn 90.000 người hoàn thành khảo sát, gần 3.500 người được đưa vào nghiên cứu chuyên sâu. Trong số đó, 750 người có tình trạng mất khứu giác/vị giác. 71% phụ nữ có độ tuổi trung bình là 51 có triệu chứng này.
Người hút thuốc, uống rượu ít nhất hai ly mỗi ngày và giới tính nữ có liên quan đến xác suất mất khứu giác/vị giác cao hơn. Những người ở độ tuổi 30, 50, 60 hoặc 70 dễ bị triệu chứng này hơn so với nhóm 40 tuổi.
90% người tham gia có thêm các triệu chứng khác. Trong số 10% còn lại, mất khứu giác/vị giác là biểu hiện duy nhất hoặc đi cùng sổ mũi.
Phân tích trên cũng có một số hạn chế. Ví dụ việc tự báo cáo triệu chứng của người bệnh có thể dẫn đến sai lệch hơn so với sự ghi nhận từ các nhân viên y tế.
(Báo điện tử Vietnamnet.vn)
Chuyển cơ quan điều tra 7 vụ mua sắm thiết bị y tế tại Bộ Y tế và các bệnh viện
Thanh tra Chính phủ đã chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm hình sự với 7 vụ mua sắm thiết bị y tế, trong đó có gói mua sắm robot phẫu thuật sọ não tại Hà Nội…
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Cuộc thanh tra được thực hiện tại Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam, UBND TP Hà Nội, UBND - TP. HCM và các cơ sở khám chữa bệnh…
Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm tại các đơn vị được thanh tra. Cụ thể:
Bệnh viện Bạch Mai phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu thuốc cho nhà thuốc bệnh viện giai đoạn thí điểm (2018 - 2019) theo tên thương mại đối với 02/03 gói thầu trái quy định của Luật Dược.
Bệnh viện K ký hợp đồng với các doanh nghiệp đặt máy và tổ chức đấu thầu đối với hóa chất chỉ sử dụng cho máy đã đặt sẵn tại bệnh viện là không đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu theo luật Đấu thầu 2013…
Đặc biệt về việc thực hiện mua sắm đối với một số gói thầu, Thanh tra Chính phủ xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với một số gói thầu ở Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội…
Trên cơ sở thanh tra, Thanh tra Chính phủ chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm hình sự 7 vụ việc, gồm:
- Hồ sơ về gói thầu số 02 và gói thầu số 05 đấu thầu tập trung năm 2017 tại trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia liên quan đến Liên danh công ty UNI - Văn Lang.- Hồ sơ việc thực hiện liên doanh, liên kết đối với 11 máy liên doanh, liên kết, máy đặt tại Bệnh viện Bạch Mai.
- Thông tin việc mua sắm Robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và giải pháp PACS tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố Hà Nội.
- Thông tin việc mua sắm TTBYT, vật tư y tế tiêu hao tại Bệnh viện Tim Hà Nội đối với 10 gói thầu chỉ định thầu rút gọn năm 2018; mua sắm trực tiếp dụng cụ và vật tư y tế tiêu hao năm 2018; gói thầu “Mua sắm hệ thống Máy cộng hưởng từ bằng nguồn kinh phí Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp năm 2018” và gói thầu số 01 “Mua sắm hệ thống Máy chụp cắt lớp vi tính năm 2019”.
- Thông tin việc thực hiện gói thầu “Cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh” thuộc dự án “Đầu tư TTBYT cho khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu TP. HCM”.
- Thông tin về việc cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trái quy định, có dấu hiệu lợi ích nhóm ở Vụ Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế.
- Thông tin về việc đấu thầu mua sắm thiết bị y tế đối với gói thầu TB-05/2014 “Cung cấp lắp đặt thiết bị xạ trị 1” và gói thầu TB-06/2014 “Cung cấp lắp đặt thiết bị xạ trị 2” tại Bệnh viện K.