Bí thư Hà Nội: Số F0 tăng nhưng mục tiêu phòng, chống dịch vẫn bảo đảm
Theo Bí thư Hà Nội, hầu như tất cả các dịch vụ đều mở cửa nên số ca F0 tăng lên là tất yếu, nhưng mục tiêu cốt lõi của công tác phòng, chống dịch vẫn được bảo đảm.
Kết luận Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết khi thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ và mở cửa hầu như tất cả các dịch vụ trong bối cảnh mùa du lịch, lễ hội, số ca F0 tăng lên là tất yếu, nhưng mục tiêu cốt lõi của công tác phòng, chống dịch vẫn được bảo đảm.
Ông Dũng nhấn mạnh phải phát huy sức mạnh lòng dân, tổ chức thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh từ thôn, tổ dân phố với nòng cốt là các tổ COVID-19 cộng đồng. Ông Dũng cũng lưu ý, các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng để khi được phân bổ vaccine là có thể tiêm ngay cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Bí thư Thành ủy gửi lời cảm ơn và đánh giá cao lực lượng y tế các cấp, nhất là với tinh thần “Thầy thuốc như mẹ hiền”, vì nhân dân phục vụ, nhiều y, bác sĩ mặc dù thuộc diện F0, F1 vẫn vừa chăm sóc, điều trị cho mình, vừa tham gia tư vấn, hỗ trợ trực tuyến cho người dân...
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hệ thống chính trị và nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm đã giúp Thủ đô vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua; đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.
“Trước đây, khi chưa tiêm phủ vaccine, trong hoàn cảnh phải cách ly, phong tỏa rất vất vả, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, chúng ta đã vượt qua. Nay trong điều kiện thích ứng an toàn, thuận lợi hơn nhờ độ bao phủ rộng về vaccine và hệ thống y tế đã được củng cố, chúng ta phải kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng, tăng nặng”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Từng phường, xã, thị trấn trên cơ sở đánh giá tỷ lệ ca F0, dự báo số ca mắc trong thời gian tới để tổ chức lực lượng nòng cốt là thôn, tổ dân phố, tổ COVID cộng đồng, huy động sự tham gia của các tình nguyện viên bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu quản lý và hỗ trợ người dân theo địa bàn quản lý.
Khi người dân mắc COVID-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà thì tổ COVID-19 cộng đồng tiếp cận ngay, kết nối thông tin, hỗ trợ những thứ cần thiết như nhu yếu phẩm, thực phẩm, hướng dẫn người dân khai báo tình trạng sức khỏe, cấp phát thuốc theo chỉ định của cán bộ y tế, hỗ trợ theo dõi chuyển tầng, giảm áp lực cho y tế cơ sở...
Để bảo đảm hiệu quả cách làm này, cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về kết quả cuối cùng hiệu quả phòng, chống dịch, giảm thiểu rủi ro cho người dân trên địa bàn quản lý.
Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đánh giá, nhận định tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn và có phương án ứng phó kịp thời, tương ứng; rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị ở tầng cao để không bị động nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.
Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình để khi được phân bổ vaccine là có thể triển khai tổ chức tiêm ngay, bảo đảm an toàn cho trẻ khi quay lại trường học.
Các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy cần tiếp tục tăng cường kiểm tra sát sao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
(Báo VTC News)
Đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận tiêm vắc xin COVID-19
Trong bản dự thảo gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh, Bộ Y tế đưa ra đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Y tế thông tin, cơ sở đề thực hiện các đề xuất trên là do Việt Nam đã thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Theo dự thảo, Bộ Y tế đề xuất đối với người nhập cảnh theo đường hàng không: Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ hoặc trong vòng 24 giờ (nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (gọi tắt là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2).
Không cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-02 sau khi nhập cảnh, nhưng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam.
Với người nhập cảnh đi theo các đường khác: Trường hợp người nhập cảnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh theo đường hàng không.
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.
Người nhập cảnh đều phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-02 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, rất hạn chế dừng, đỗ dọc đường.
Trường hợp đặc biệt/khẩn cấp cần dừng đỗ dọc đường thì phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tiếp xúc gần với người xung quanh, đặc biệt là người già (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh nền. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khác theo quy định của Việt Nam.
“Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân”, dự thảo của Bộ Y tế nêu rõ.
(Báo Tiền phong)
Ca COVID-19 tăng liên tục, cấp độ dịch 'vàng, cam, đỏ' tăng theo
Ca COVID-19 liên tục gia tăng, do đó cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế cho thấy số xã, phường thuộc 'vùng xanh' đã giảm xuống còn 44,4%; hơn 55% còn lại là các xã, phường thuộc 'vùng vàng', 'vùng cam' và 'vùng đỏ'
Theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới Covid-19 có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây. Tính từ 16h ngày 08/3 đến 16h ngày 09/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 164.596 ca mắc COVID-19 mới tăng 2.161 ca so với ngày trước đó.
Cũng theo thông tin của Bộ Y tế, trung bình số ca mắc COVID-19 mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 141.797 ca/ngày.
Ca bệnh tăng nhanh, theo đó, cấp độ dịch trên quy mô xã, phường tại nhiều địa phương đã có sự thay đổi. Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến ngày 9/3 cho thấy cả cả nước hiện có 4.707 số xã, phường thuộc 'vùng xanh', chiếm 44,4% trong tổng số xã, phường đánh giá; 2.645 xã, phường thuộc 'vùng vàng', chiếm 24.9%; số xã, phường thuộc 'vùng cam' là 2.864 chiếm khoảng 27.0%; số xã, phường thuộc 'vùng đỏ' là 369 chiếm khoảng 3.5%.
Những con số này cho thấy số xã, phường thuộc cấp độ dịch 1- tương đương 'vùng xanh' vẫn chiếm nhiều nhất, tuy nhiên so với khoảng 2 tuần trước thì tỷ lệ xã, phường thuộc 'vùng xanh' trên cả nước đã giảm xuống còn dưới 50%; số xã, phường thuộc cấp độ dịch 2,3 và 4 tương đương 'vùng vàng', 'vùng cam' và 'vùng đỏ' có tỷ lệ gia tăng... Tổng cộng 3 vùng này chiếm khoảng hơn 55% tổng số xã, phường đánh giá.
Tại Hà Nội, địa phương liên tục thời gian qua dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19, đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất cập nhật đến 9h ngày 4/3 của thành phố cho thấy, ở quy mô xã, phường, thị trấn, Hà Nội đã có 326 xã phường ở cấp độ 3 (tăng gấp khoảng 4,5 lần so với đánh giá được thông báo ngày 26/2); số xã phường 'vùng xanh' (cấp độ 1) giảm còn 66; 187 xã phường cấp độ 2; chưa có xã phường nào cấp độ 4.
Theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128, các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gồm:
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine.
Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Để biết được nơi mình đang sống, sẽ đến thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.
Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái.