Kiến nghị rút giấy phép kinh doanh nhà hàng Thu Hằng tại quận Bắc Từ Liêm.
Kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhà hàng Thu Hằng 2 (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội ghi nhận một loạt vi phạm, đồng thời kiến nghị quận rút giấy phép kinh doanh của nhà hàng này.
Thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, ngày 9/5, đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, và cơ sở kinh doanh Nguyễn Ngọc Khang (nhà hàng Thu Hằng 2). Đối với bếp ăn tại trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, cơ bản các điều kiện chế biến thực phẩm đều bảo đảm.
Ngược lại, đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội ghi nhận một loạt vi phạm nghiêm trọng tại nhà hàng Thu Hằng 2. Cụ thể, vệ sinh khu bảo quản, chế biến thực phẩm không bảo đảm, nếu không phải nói là mất vệ sinh. Côn trùng, ruồi, muỗi rất nhiều; chó, mèo ra vào tự do trong khu chế biến thực phẩm…
Nguồn gốc thực phẩm tại nhà hàng Thu Hằng 2 cũng hết sức đáng lo ngại, khi nguồn nguyên liệu mà nhà hàng sử dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thiếu nhãn mác. Tủ bảo quản để lẫn lộn hàng đã nấu chín với thực phẩm sống. Thiết bị bảo quản cũng rất cũ kỹ, chưa bảo đảm khả năng lưu trữ thực phẩm.
Đáng chú ý, dù kinh doanh mặt hàng chính yếu là bia, nhưng nhà hàng Thu Hằng 2 không xuất trình được việc mua bia ở đâu (?!) Đại diện nhà hàng cho biết không bán thuốc lá, nhưng kiểm tra hoá đơn bán hàng vẫn có bán sản phẩm này. Ngoài ra, nhà hàng cũng thiếu các hợp đồng việc mua, bán rượu…
Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 TP Hà Nội Ngô Đình Loát bày tỏ quan ngại đối với những vi phạm nghiêm trọng của nhà hàng Thu Hằng 2. Đồng thời, yêu cầu UBND quận Bắc Từ Liêm tiếp tục kiểm tra, lập hồ sơ để xem xét xử phạt; thậm chí là rút giấy phép kinh doanh của nhà hàng bia Thu Hẳng 2 cho tới khi khắc phục được các vấn đề tồn tại để bảo đảm an toàn thực phẩm…
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Giang Sơn Hà cho biết, thời gian qua, địa phương tập trung rốt ráo vào công tác thanh tra, kiểm tra. Toàn quận đã thành lập 3 đoàn liên ngành tuyến quận và 13 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tuyến phường.
Từ trung tuần tháng 4/2022 đến nay, các đoàn đã tổ chức giám sát 371 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 9 cơ sở, với tổng số tiền 49 triệu đồng và tiêu huỷ 240kg cánh gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn liên ngành tuyến quận, phường đã tiến hành tổ chức xét nghiệm nhanh tổng số 856 mẫu. Trong số này, có 775 mẫu đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, còn lại 81 mẫu chưa đạt yêu cầu. Cùng với đó, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá cao công tác tổ chức triển khai Kế hoạch số 118/KH-UBND của quận Bắc Từ Liêm. Kết quả thời gian qua cho thấy cấp quận hiện nay làm khá tốt, tuy nhiên thực tế tại cấp phường vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó đề nghị các phường cần quyết liệt hơn, nhất là trong việc xử phạt nghiêm trường hợp có vi phạm, tránh tâm lý nể nang, ngại va chạm.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh quận Bắc Từ Liêm quán triệt, chỉ đạo các đoàn liên ngành tuyến quận và phường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm theo tinh thần chung theo Kế hoạch số 118/KH-UBND của TP Hà Nội; bảo đảm hiệu quả, thực chất và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở.
(Báo Kinh tế đô thị)
Hà Đông, Đông Anh, Hoài Đức... có số mắc Covid-19 trong ngày 9/5 ở mức cao
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong số 240 bệnh nhân Covid-19 của thành phố còn đang phải điều trị tại viện, có 210 ca mức độ trung bình, tăng hơn 13% so với trung bình 7 ngày trước đó...
Chiều 9-5, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong ngày hôm nay thành phố ghi nhận thêm 601 ca Covid-19, nâng tổng số ca bệnh từ 29/4/2021 đến nay lên hơn 1,59 triệu ca, trong đó có 1.335 ca tử vong.
Bệnh nhân mới phân bố tại 118 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (115); Đông Anh (94); Hoài Đức (25); Long Biên (21).
Hiện Hà Nội có 240 ca Covid-19 điều trị tại bệnh viện, hơn 95.000 ca theo dõi tại nhà. Trong 240 ca điều trị tại viện, có 210 ca mức độ trung bình (tăng hơn 13% so với trung bình 7 ngày trước).
Về tiêm vaccine Covid-19, hiện thành phố có hơn 151.200 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1, tiến độ tiêm những ngày gần đây khá chậm.
(Báo An ninh Thủ Đô)
Phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm tại nhà hàng Thọ Gù, huyện Phú Xuyên
Ngày 9-5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội làm việc và kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Phú Xuyên nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.
Tại đây, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố đã trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại nhà hàng Thọ Gù (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), phát hiện một số vi phạm.
Cụ thể, nhà hàng chưa chấp hành các biện pháp về an toàn thực phẩm như: Tủ đựng bát đũa không có lưới chắn côn trùng, động vật gây hại xung quanh, khu vực thức ăn sống và chín để lẫn lộn, nền nhà trơn trượt… Ngoài ra, nhà hàng chưa xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của nguyên liệu thực phẩm, rượu đóng chai cũng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
Từ những vi phạm nêu trên, đoàn kiểm tra số 1 đã giao cho cơ quan chức năng của huyện Phú Xuyên tiến hành xử lý vi phạm và giám sát việc khắc phục những tồn tại nêu trên của nhà hàng Thọ Gù.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đề nghị, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đối với các cơ sở đã kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, cần phải có hình thức chế tài xử lý nghiêm theo quy định.
Tương tự, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã tiến hành kiểm tra bếp ăn tại Trường mầm non Phú Yên (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Bếp ăn của trường có 13 cô nuôi và cung cấp mỗi ngày khoảng 330 suất ăn.
Tại thời điểm kiểm tra, khu vực bếp ăn tập thể của nhà trường đã đạt tiêu chuẩn về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm như: Có khu vực chế biến thức ăn sống và chín riêng biệt, có tủ sấy tiệt trùng bát đũa, tủ hấp khăn, lưu mẫu thức ăn đầy đủ, có lưới chắn côn trùng. Ngoài ra, tại đây, kết quả xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn và dầu ăn của trường đều đạt yêu cầu về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không có dấu hiệu tái sử dụng.
Nhà trường cũng đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ về nguồn gốc nguyên liệu, giấy khám sức khỏe, các hợp đồng hồ sơ năng lực, phiếu giao nhận hàng, phiếu xuất kho của nhà cung cấp, sổ kiểm nghiệm 3 bước.
(Báo Hà Nội mới)
Tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân
Ngày 9/5, Bộ Y tế ban hành công văn số 2329/BYT-DP gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận ít nhất 169 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi tại 12 quốc gia, trong đó đã có 1 bệnh nhi tử vong và 17 bệnh nhi phải ghép gan.
Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu tại Anh (114 ca), Tây Ban Nha (13), Israel (12), Mỹ (9) và một số quốc gia Châu Âu. Khu vực Châu Á cũng đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4.
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Hầu hết các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại vi rút phổ biến gây viêm gan vi rút cấp tính (như vi rút viêm gan A, B, C, D và E).
Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu cho biết, hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao vi rút Adeno.
Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong; Bộ Y tế đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế tập trung chỉ đạo một số nội dung cụ thể như tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Đồng thời, chỉ đạo tăng cường triển khai bao phủ vắc xin viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.
Thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan vi rút.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan vi rút theo Quyết định số 4531/QĐ-BYT ngày 24/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021- 2025.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động cao điểm hưởng ứng ngày phòng chống viêm gan thế giới 28/7 hàng năm và đưa hoạt động này thành hoạt động thường niên của địa phương.
(Báo Lao động Thủ Đô)
Phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết hay sốt virus là hai bệnh khác nhau do các loại virus khác nhau gây ra. Ở giai đoạn đầu, những triệu chứng của hai bệnh khá giống nhau khiến nhiều người bị nhầm lẫn
1. Nguyên nhân gây bệnh khác nhau
Nội dung
1. Nguyên nhân gây bệnh khác nhau
2. Các triệu chứng dễ nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt virus
3. Có thể gặp biến chứng nguy hiểm
4. Cách chăm sóc để hạn chế biến chứng
5. Phương pháp phòng bệnh
Bệnh sốt virus và sốt xuất huyết do các loại virus khác nhau gây ra:
-Sốt virus là do cơ thể bị nhiễm các loại virus khác nhau. Bệnh còn được gọi là sốt siêu vi. Đây là bệnh lành tính, người bệnh sẽ có thể hết triệu chứng và tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày nhiễm bệnh.
-Còn sốt xuất huyết do virus dengue gây ra. Hai loại muỗi gây bệnh thường gặp nhất là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Muỗi vằn sau khi đốt người bệnh bị nhiễm virus, lại đốt người khỏe làm lây nhiễm bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sốt xuất huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.
2. Các triệu chứng dễ nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt virus
Cần thận trọng phân biệt hai bệnh này vì triệu chứng ban đầu của hai bệnh rất giống nhau:
2.1. Sốt xuất huyết
Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết qua từng giai đoạn có thể khác nhau:
- Giai đoạn khởi phát
Cũng giống như triệu chứng của bệnh sốt virus, trong 3 ngày đầu tiên của bệnh. Bệnh nhân có thể đột ngột sốt cao, có khi lên tới 39 - 40 độ C. Ngoài ra có thể kèm theo là tình trạng đau đầu, mệt mỏi, đau hốc mắt và cũng xuất hiện triệu chứng đau họng, ho, chảy nhiều dịch mũi,…
Giai đoạn toàn phát
Trong thời điểm này, người bệnh có thể hạ sốt tuy nhiên có thể bị giảm tiểu cầu trong máu và triệu chứng xuất huyết từ nhẹ đến nặng bắt đầu xuất hiện. Đây là giai đoạn quan trọng vì rất dễ xảy ra biến chứng.
Xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới da, ngứa da.
Có thể xuất huyết đường tiêu hóa: đi ngoài thấy phân đen, hoặc có lẫn máu trong phân, hoặc nôn ra máu.
Một số bệnh nhân bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, phụ nữ bị xuất huyết âm đạo mà chưa đến kỳ kinh.
Ở những trường hợp nghiêm trọng người bệnh có thể bị xuất huyết não hoặc chảy
máu trong ổ bụng rất nguy hiểm.
Số ít bệnh nhân bị hạ huyết áp hoặc bị sốc.
- Giai đoạn phục hồi
Trong giai đoạn này, bệnh nhân hết sốt tiểu cầu tăng dần và cơ thể dần khỏe trở lại
2.2. Sốt virus
Tùy từng loại virus gây bệnh mà bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng bệnh nặng nhẹ khác nhau:
Sốt cao từ 39 đến 40 độ C, cơ thể mệt mỏi, chân tay rã rời, uể oải và đặc biệt có thể đáp ứng kém với một số thuốc hạ sốt.
Đau họng, ho, chảy nhiều dịch mũi,…
Có thể kèm theo tình trạng rối loạn tiêu hóa như: đầy hơi, đi đại tiện phân lỏng,..
Nôn và buồn nôn…
Bệnh nhân có thể bị nổi hạch ở cùng đầu mặt cổ
Ở người lớn, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức, khó chịu, nhức đầu, nhức mắt,… Với trẻ nhỏ, sẽ quấy khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí không xử trí tốt trẻ có thể bị co giật vì sốt cao.
Nổi hạch: Xuất hiện các hạch vùng đầu mặt cổ,
Sau khi sốt khoảng 1-2 ngày, có biểu hiện nổi những mẩn đỏ trên da.
3. Có thể gặp biến chứng nguy hiểm3.1. Sốt xuất huyết
Ở bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị đúng người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm:
Sốc do mất máu
Tràn dịch màng phổi
Tụt huyết áp và đau đầu dữ dội
Biến chứng ở mắt: trong một số trường hợp, người bệnh có nguy cơ bị mù do tình trạng xuất huyết xảy ra ở võng mạc hoặc lớp dịch kính.
Suy tim hoặc suy thận
Hôn mê: lượng huyết tương thoát ra có thể đọng trong màng não, gây phù não… dẫn đến hôn mê Sẩy thai
3.2. Sốt siêu vi
Đa số trường hợp bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh và có thể hết sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, thực tế, nếu không được can thiệp kịp thời, sốt do nhiễm virus có thể gây loạt biến chứng như:
Viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản…
Viêm cơ tim Tổn thương não
4. Cách chăm sóc để hạn chế biến chứng 4.1. Sốt xuất huyết
Khi có biểu hiện và nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, các bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần thiết để nhận biết bệnh từ đó đưa ra điều trị kịp thời
Nếu sốt cao trên 38,5 độ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ
Không được sử dụng thuốc aspirin, analgin và tự ý truyền dịch…
Nếu thấy sốt cao mà không đỡ thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi. Đối với các trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.
4.2. Sốt virus
Hiện nay chưa có thuốc điều trị cho bệnh nhân bị sốt virus mà chủ yếu chữa trị triệu chứng và nâng cao thể trạng của bệnh nhân
Nếu sốt cao trên 38,5 độ C nên uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cần cho bệnh nhân uống nhiều nước, có thể nước lọc hoặc nước ép hoa quả, nước điện giải oresol vì sốt cao rất dễ bị mất nước
Không nên tiếp xúc với nhiều người để tránh lây lan bệnh
5. Phương pháp phòng bệnh5.1. Sốt xuất huyết
-Phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ có màn, mặc quần áo dài tay khi phải đi vào vùng có nhiều muỗi.
-Diệt muỗi, hạn chế sự sinh sản của muỗi bằng cách phát quang bụi rậm, đậy kín các dụng cụ chứa nước.
5.2. Sốt virus
-Phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước những tấn công của các virus gây bệnh.
-Trong vùng dịch hoặc gia đình có người bị cần chủ động phòng ngừa lây bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Như vậy, có thể thấy rằng điểm giống nhau giữa hai bệnh là tình trạng sốt cao đột ngột do virus tấn công. Cách phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết đơn giản nhất chính là quan sát những dấu hiệu đặc trưng như xuất huyết dưới da (sốt xuất huyết) và sổ mũi, ho nhiều, tiêu chảy (sốt siêu vi). Nắm vững nguyên nhân và nhận biết bệnh sẽ giúp người bệnh được phát hiện và chữa trị sớm phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra