Cân bằng cảm xúc cho nhân viên y tế sau đại dịch COVID-19
Sau những ngày tháng vật lộn với làn sóng đại dịch mang tên COVID-19, nhiều nhân viên y tế bị suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc. Thấu hiểu điều này, Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai thành công 'Chương trình nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế' tại bệnh viện.
Đại dịch COVID-19 ập đến, 3 tháng trời Sài Gòn "ngủ đông", cả thành phố chìm trong tang tóc, những chiếc xe cứu thương rú còi bất kể ngày đêm. Những ngày đi vào "lịch sử" ấy, hơn ai hết, các nhân viên y tế là người thấm nhất cái cảm giác ranh giới mong manh của sinh tử.
Bệnh nhân COVID-19 nhập viện liên tục, hệ thống y tế toàn thành phố quá tải, cộng với khối lượng công việc quá lớn, làm việc bất kể ngày đêm khiến nhiều nhân viên y tế phải gánh chịu không ít những mệt mỏi, căng thẳng. Nhiều người bị phơi nhiễm, những người còn lại thì phải làm việc với công suất tăng gấp nhiều lần, trong tình trạng cách ly, trong không khí ngột ngạt, căng thẳng, hàng ngày đối diện với người bệnh lâm vào tình trạng bệnh nặng, nhất là hoàn cảnh mất cả mẹ lẫn con.
Thật sự, COVID-19 đã làm cho rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng. Đây là một hội chứng liên quan đến công việc rất đặc thù của những người công tác trong ngành y tế, nhất là các bác sĩ, điều dưỡng – những người trực tiếp tham gia hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và các cơ sở y tế khác.
Theo đó 3 triệu chứng cơ bản của hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng có thể kể đến là:
- Kiệt sức: Cảm giác thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi do một hoặc nhiều yếu tố trong lĩnh vực về năng lượng, cảm xúc, và tinh thần. Các triệu chứng thể chất hay gặp như đau dạ dày, ruột.
- Hoài nghi: Thấy công việc của họ ngày càng căng thẳng và bực dọc, mất khả năng đồng cảm và kết nối với bệnh nhân, nhân viên và đồng nghiệp, thậm chí hay đổ lỗi, hoặc cảm thấy có lỗi.
- Giảm hiệu quả công việc: Thấy khó tập trung, không lắng nghe và thiếu sự sáng tạo.
Trước đó, tại thời điểm tháng 10/2021 – giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rất căng thẳng trên địa bàn Thành phố, Bệnh viện Hùng Vương đã sử dụng bộ công cụ đánh giá DASS-21 (Depression-Anxiety-Stress Scale – thang điểm chẩn đoán mức độ rối loạn lo âu – trầm cảm nhanh chóng) tiến hành khảo sát trên các nhân viên y tế, kết quả cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%; lo âu là 42,9%, và stress là 17,6%.
Phân tích nguyên nhân cho thấy 57,5% nhân viên bệnh viện đã trải qua nhiều biến cố là vì phải chứng kiến người thân/bạn bè mất vì COVID-19; 53,6% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; 70,2% nhân viên cho biết người thân mất việc làm…
Từ kết quả khảo sát này, lần đầu tiên Bệnh viện Hùng Vương đã quyết tâm triển khai thành công "Chương trình nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế". Chương trình này hướng đến việc chủ động sàng lọc, phát hiện sớm rối loạn tinh thần và triển khai các giải pháp can thiệp, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế bệnh viện. Chương trình can thiệp của Bệnh viện gồm có ba phần:
- Phần 1: Bệnh viện tổ chức 28 buổi trò chuyện với các chuyên gia tâm lý nhằm nâng đỡ tinh thần với chủ đề "Tuyến đầu vững vàng, bình an vượt sóng", từ 18/10/2021 - 15/11/2021, với các mục tiêu:
+ Hiểu về sức khỏe tinh thần của bản thân,
+ Chia sẻ về khó khăn hiện có,
+ Thực hành các kỹ thuật sơ cứu tâm lý để ứng dụng chăm sóc cho bản thân và đồng đội,
+ Được kết nối và hỗ trợ từ tập thể nhân viên y tế. Tổng cộng có 112 nhân viên tham gia lớp Sơ cứu tâm lý và 103 nhân viên tham gia lớp Vòng tròn chia sẻ.
- Phần 2: Biên soạn và xuất bản Sổ tay tâm lý với ba chương: (1) Gọi tên cảm xúc, (2) Nâng đỡ cảm xúc và (3) Ươm mầm hạnh phúc, với hành trình 14 ngày giúp nhân viên bệnh viện giảm thiểu những gánh nặng lo âu, căng thẳng về tâm lý.
- Phần 3: Biên soạn 14 đoạn video clips được Việt hóa, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu giúp nhân viên có thể theo dõi và tự thực hành tại nhà về các bài tập nâng đỡ cảm xúc.
Trao đổi với phóng viên TS. BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết: "Hàng năm, Bệnh viện Hùng Vương đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên y tế, đây là chăm sóc về thể chất; còn chăm sóc về sức khỏe tinh thần, trong thời gian tới cũng sẽ tập trung nhiều hơn, cụ thể như bệnh viện sẽ đưa chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhân viên vào hoạt động thường quy cần khảo sát, đánh giá hàng năm để kịp thời phát hiện sớm nhân viên y tế có các biểu hiện stress, kiệt sức nghề nghiệp. Từ đó có các biện pháp hỗ trợ cho nhân viên một cách chủ động hơn từ phía Ban giám đốc, Ban chấp hành công đoàn bệnh viện, Y tế cơ quan, Tổ chức cán bộ".
Bên cạnh vấn đề sức khỏe tinh thần, bệnh viện cũng dự kiến khảo sát thêm về các nội dung liên quan đến đánh giá hiệu quả làm việc, yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của nhân viên trong bối cảnh hiện nay hàng loạt nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh nghỉ việc hàng loạt.
TS. BS Phan Thị Hằng chia sẻ thêm: "Việc triển khai chương trình này cần phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần nhân viên, bao gồm: các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, chuyên gia tâm lý, nhà quản lý bệnh viện, nhân viên y tế. Cùng với đó là áp dụng đồng thời nhiều nhóm giải pháp linh động, phù hợp với bối cảnh của bệnh viện (tổ chức chia sẻ trực tuyến trong mùa dịch để nhân viên có thể thu xếp tham dự vào các buổi cuối tuần hoặc buổi tối)".
Hiện nay, Bệnh viện Hùng Vương vẫn đang tiến hành khảo sát, đánh giá lại hiệu quả của chương trình can thiệp trên toàn thể nhân viên bệnh viện thông qua việc gửi link cho nhân viên khảo sát trong tuần hỏi về kiến thức liên quan đến sơ cứu tâm lý và đánh giá sức khỏe tinh thần dựa trên thang đo DASS-21.
Với mô hình nâng đỡ tinh thần nhân viên y tế trong mùa dịch COVID-19 của Bệnh viện Hùng Vương đã phát huy tác dụng rõ rệt, làm giảm bớt căng thẳng, lo âu, lấy lại trạng thái cân bằng để tiếp tục sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Có thể nói, mô hình này là một trong những cách làm mang tính sáng tạo đã giúp nhân viên bệnh viện vượt qua hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng gây ra do đại dịch COVID-19 và tiếp tục đưa bệnh viện phát triển bền vững.
Cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế, những người đã không quản ngại gian nguy, khó nhọc, vượt qua nhiều thử thách, cam go trong suốt giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện thiên chức cao đẹp của người thầy thuốc là "cứu người".
(suckhoedoisong.vn)
Trẻ từng mắc COVID-19 khi nào cần được khám lại?
Ngoài việc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ (nếu có), trẻ từng mắc COVID-19 cần được đưa đi khám lại khi xuất hiện một số triệu chứng đáng lo ngại.
PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, với trẻ em, hậu COVID-19 là thuật ngữ chỉ một nhóm triệu chứng như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở… tồn tại lâu dài trong vòng 3 tháng sau mắc COVID-19 và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày.
Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám trong những trường hợp sau:
Trẻ có tiền sử mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch và có những triệu chứng như: Sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác, có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập, ho kéo dài, đau họng, khó thở, đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.
Trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu/triệu chứng nào mà trước khi mắc COVID-19 không hề có.
Việc đưa trẻ đi khám sẽ giúp xác định bệnh và có chế độ điều trị, can thiệp, chăm sóc hợp lý.
Trường hợp trẻ từng phải nhập viện trong đợt mắc COVID-19 cấp tính, cha mẹ nên cho đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có).
“Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu COVID-19, cha mẹ cũng có thể đưa tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng 4 – 12 tuần sau mắc COVID-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ” – PGS. TS Trần Minh Điển khuyên.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng lưu ý, không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc COVID-19 đều là hậu COVID-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu COVID-19, cần loại trừ các nguyên nhân khác. Ví dụ, một em bé đến khám vì ho kéo dài, sụt cân sau mắc COVID-19 có thể bị bệnh lao phổi hoặc các bệnh lý hô hấp khác.
Khi tới bệnh viện, trẻ sẽ được các bác sĩ thăm khám, đánh giá sức khỏe tổng thể, xác định các triệu chứng chính hiện tại. Nếu cần thiết, trẻ sẽ được hội chẩn hoặc khám lại bởi bác sĩ các chuyên khoa khác nhau. Ví dụ, trẻ bị đau ngực sau mắc COVID-19 sẽ được bác sĩ chuyên khoa tim mạch khám, trẻ ho sẽ được bác sĩ chuyên khoa hô hấp khám, trẻ có các vấn đề về tâm lý kéo dài sẽ được thăm khám bởi các bác sĩ tâm bệnh…
“Chỉ làm các xét nghiệm thăm dò cần thiết khi có biểu hiện triệu chứng, không chỉ định tổng thể (gói) quá nhiều xét nghiệm cho trẻ em. Nguyên tắc trong điều trị là phối hợp nhiều chuyên khoa, chẩn đoán bằng phương pháp loại trừ và điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và tự điều chỉnh” – PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.
(vtc.vn)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bệnh viện Nhi Trung ương
Chủ tịch nước nhấn mạnh các bác sỹ của Bệnh viện Nhi TW đã làm chủ quy trình thăm dò trước ghép, kỹ thuật ghép, gây mê, hồi sức góp phần mở ra nhiều hy vọng cho các gia đình có con mắc bệnh suy gan.
Được tin bệnh nhi 9 tháng tuổi ở tỉnh Lâm Đồng vừa được các bác sỹ tại Bệnh viên Nhi Trung ương ghép gan thành công và sẽ xuất viện vào ngày 11/4, chiều 10/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, khen ngợi tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Nhi Trung ương, đặc biệt là êkíp đã ghép gan cho bé thành công vào ngày 14/3 vừa qua.
Chủ tịch nước nhấn mạnh ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng. Nhờ sự nỗ lực, không ngừng học hỏi về trình độ chuyên môn và kỹ thuật, các bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết tâm làm chủ hoàn toàn quy trình thăm dò trước ghép, kỹ thuật ghép, gây mê, hồi sức góp phần mở ra nhiều hy vọng mới cho các gia đình có con mắc bệnh lý suy gan giai đoạn cuối.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong các bác sỹ và nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục làm việc trên tinh thần "tận tâm, chất lượng vì sức khỏe trẻ em Việt Nam" để mang lại cuộc sống cho nhiều trẻ em bị bệnh hiểm nghèo hơn nữa.
Trước đó, ngày 14/3, ca ghép gan từ một phần gan của người bố cho bé trai 9 tháng tuổi, cân nặng 8,2kg, bệnh gan ở giai đoạn cuối do tình trạng xơ gan mật tiến triển của trẻ teo mật bẩm sinh - một bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật - đã thành công sau 9 giờ êkíp ghép gan của Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành đại phẫu.
Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam, trong đó đã thực hiện các ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp.
Ca ghép gan thành công thứ 25 này tại Bệnh viện Nhi Trung ương được thực hiện hoàn toàn bởi các bác sỹ của bệnh viện, không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài.