Khẩn trương thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, kít xét nghiệm Covid-19
Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế theo đúng kế hoạch.
Ngày 10/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 888/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế theo đúng kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt.
Đồng thời, đôn đốc Thanh tra các Bộ, ngành địa phương khẩn trương thực hiện thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3 năm 2022.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Cần tạo cơ chế gì cho ngành y tế phát triển?: Phải triệt lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu
Bộ Y tế đánh giá chính sách xã hội hóa trong các bệnh viện công lập bên cạnh mặt tích cực, còn khiếm khuyết, thiếu minh bạch, một số nơi phát sinh tiêu cực.
Đáng chú ý, việc thực hiện các quy định về cơ chế giá thị trường, mua sắm còn vướng mắc, xảy ra một số vụ việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vi phạm pháp luật về đấu thầu; thực hiện cơ chế tự chủ của một số bệnh viện gặp nhiều khó khăn do chưa hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế…
Sửa đổi 4 luật
Đối với các vấn đề thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý và điều hành, BT BYT Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong năm 2022 Bộ đẩy mạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, siết chặt quản lý về cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, đảm bảo công khai minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm lợi ích nhóm, tiêu cực trong mua sắm đấu thầu…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cũng như tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của ngành, năm 2022 ngành y tế tập trung xây dựng luật pháp, trình Quốc hội các dự thảo sửa đổi luật như: luật Khám bệnh, chữa bệnh; luật Bảo hiểm y tế; luật Dược và luật Trang thiết bị y tế.
Tăng phụ cấp, đãi ngộ cho nhân viên y tế
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, một trong những hạn chế, tồn tại của ngành y tế cần được tiếp tục khắc phục, đó là hệ thống y tế còn bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra.
Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của nhiều tỉnh, thành không có đủ diện tích làm việc, thiếu trang thiết bị, nhân lực; chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề, làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...
Đáng lưu ý, theo Bộ Y tế, công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa phát triển đáp ứng yêu cầu, phụ thuộc vào nguyên liệu ở nước ngoài; tồn tại nhiều bất cập trong công tác thẩm định đăng ký lưu hành thuốc như chuyên gia thẩm định, chất lượng hồ sơ tham gia thẩm định và mức thu phí trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong năm 2022 toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch Covid- 19. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cải cách và đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng... “Có thể nói, những tác động của đại dịch Covid-19 với ngành y tế rất sâu rộng, ảnh hưởng cả về thu nhập, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế”, ông Long đánh giá.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ để có thể tăng chế độ phụ cấp, đãi ngộ đối với cán bộ y tế khi đi vào vùng dịch một cách thỏa đáng. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ lâu dài là vấn đề hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền, từ đó có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Theo Bộ trưởng, về cơ bản, các cấp thẩm quyền đồng thuận hướng nâng cao phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên tới 100% mức lương. Mục tiêu là nhằm đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, qua đó nâng cao thu nhập của nhân viên y tế để họ yên tâm công tác.
(Báo Thanh niên)
Hậu COVID-19, nhiều người có triệu chứng nặng hơn lúc mắc bệnh
Sau khi khỏi COVID-19, nhiều người có thể gặp các di chứng, thậm chí rất nặng nề, cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
Nhiều di chứng sau khi khỏi COVID-19
Buổi sáng tại khu vực khám và điều trị bệnh nhân hậu COVID-19 của Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội), nhiều người dân chờ khám trong tâm trạng khá lo lắng vì những di chứng sau khi khỏi.
Từng mắc COVID-19 với các triệu chứng rất nhẹ, nhưng sau khi khỏi bệnh một thời gian, bà Lê Thị Được (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại cảm thấy người mệt mỏi, đuối sức, ho đờm nhiều nên đến Bệnh viện Hữu Nghị khám và được chẩn đoán mắc triệu chứng hậu COVID-19. Sau khi được điều trị, sức khỏe bà đã tốt lên, ăn uống, ngủ nghỉ tốt hơn.
Cũng đến khám hậu COVID-19, trong lúc ngồi chờ kết quả, ông Dương Văn Hồ (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã từng mắc và đã khỏi COVID-19, nhưng gần đây lại có biểu hiện ho, đờm nhiều, nên tranh thủ đến chăm người nhà tại Bệnh viện, tôi đăng ký khám luôn. Tôi được bác sĩ tư vấn, chỉ định chụp phổi; chờ kết quả chụp bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị cụ thể. Người già dễ gặp nhiều biến chứng vì COVID-19 nên tôi cũng phải theo dõi sát, không chủ quan sau khi đã khỏi bệnh”.
Trước thực trạng số người mắc COVID-19 ngày một tăng cao, không ít trường hợp dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn phải gánh chịu những di chứng hậu COVID-19, thậm chí các di chứng còn nặng nề hơn khi đang mắc bệnh; các cơ sở y tế, bệnh viện đã triển khai khám và điều trị hậu COVID-19 cho người dân.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị, từ khi triển khai tiếp nhận khám và điều trị bệnh nhân hậu COVID-19 đã có trên 20 bệnh nhân đến khám và điều trị.
BS. Lại Văn Hoàn, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: “Hiện tại Khoa đang tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19. Đặc biệt, có bệnh nhân khi vào viện đã trong tình trạng rất nặng; dù lúc nhiễm COVID-19 chỉ ở mức độ nhẹ. Khi vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng suy hô hấp, suy tim toàn bộ, viêm phổi, tắc động mạch, suy thận, rối loạn dinh dưỡng… Với trường hợp này, chúng tôi phải điều trị tích cực, toàn diện cho bệnh nhân cả hồi sức tích cực, dinh dưỡng, tâm lý, phục hồi chức năng. Hiện sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân này đã phục hồi hơn 80% sức khỏe và chức năng các tạng từng bị tổn thương”.
Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Theo BS. Lại Văn Hoàn, không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền, mà cả những bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi) không có bệnh lý nền và bệnh nhân trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ, không có triệu chứng; sau khi điều trị COVID-19 cũng có thể gặp những biến chứng nặng nề về nhiều hệ cơ quan.
Cụ thể thường gặp nhất là về hệ hô hấp: Với các triệu chứng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng có thể xuất hiện và kéo dài; ho kéo dài; đau ngực; giảm chức năng hô hấp (khả năng hít thở, khả năng gắng sức); có thể tiến triển sang tổn thương xơ phổi…
Về tim mạch, người bệnh có thể gặp tổn thương cơ tim (viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim); nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực; khó thở khi gắng sức.
Về tâm - Thần kinh, người bệnh có thể gặp tai biến mạch não; suy giảm nhận thức ( sương mù não ); trầm cảm, rối loạn lo âu, stress…
Về cơ - xương - khớp, người bệnh có thể có các biểu hiện mệt mỏi, đau mỏi cơ, yếu cơ… Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như: Suy thận, rối loạn đông máu, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng...
“Tùy vào mức độ tổn thương và hệ cơ quan tổn thương, các bác sĩ sẽ có lộ trình điều trị phù hợp, giúp người bệnh cải thiện tối đa tình trạng các biến chứng, di chứng do nhiễm COVID-19 để lại. Tất cả các bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 đến khám sẽ được khám sàng lọc, kiểm tra và tư vấn. Nếu tình trạng người bệnh ổn định các bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân tập luyện, theo dõi tiếp tại nhà và tái khám định kỳ. Đối với các bệnh nhân có biểu hiện nặng, có tổn thương nhiều cơ quan, hệ cơ quan sẽ được nhập viện và điều trị”, BS. Lại Văn Hoàn cho biết.
Bác sĩ cũng khuyến cáo: Đối với người bệnh sau nhiễm COVID-19, dù khi mắc có hay không có triệu chứng, sau đó vẫn nên đến đi khám, tư vấn, kiểm tra để loại trừ các tổn thương. Bởi có những trường hợp, các di chứng để lại không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng nhưng tình trạng bệnh sẽ tiến triển dần và nặng lên. Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng để có phương án can thiệp kịp thời.