Thuốc Molnupiravir bán tràn lan trên mạng: Thận trọng khi sử dụng
Theo quy định, người dân muốn mua được thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir cần có thủ tục nhất định. Vì vậy, nhiều người không thể mua được Molnupiravir tại các nhà thuốc. Trong khi đó, trên mạng xã hội, thuốc được bán tràn lan, không cần bất cứ giấy tờ gì, và muốn mua bao nhiêu cũng có.
Rất khó mua tại các nhà thuốc
Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 nhưng đây là thuốc kê toa, chỉ bán theo đơn bác sĩ nên không phải ai cũng có thể mua được tại các nhà thuốc. Chị Phan Anh Thư (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) có con gái nhiễm Covid-19 ra hiệu thuốc Long Châu gần nhà để mua thuốc kháng virus Molnupiravir. Nhưng do không có đơn thuốc của bác sĩ kê, cũng không có giấy tờ gì chứng mình con chị là F0 nên chị không thể mua được thuốc.
Tương tự, anh Trần Tuấn Dũng (45 tuổi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) sau khi test nhanh tại nhà dương tính với SARS-CoV-2. Các hiệu thuốc tại Sơn Tây đều không bán Molnupiravir. Khi biết hệ thống nhà thuốc Long Châu bán thuốc này, anh đã nhờ người thân tại quận Hoàng Mai ra mua thuốc giúp nhưng kết quả là nhà thuốc không bán. “Nhà thuốc yêu cầu phải có chứng nhận F0 của y tế địa phương hoặc là có đơn thuốc do bác sĩ kê nhưng tôi mới bị nhiễm Covid-19, chưa khai báo gì nên chưa có giấy tờ” – anh Dũng nói.
Hiện nay, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hệ thống nhà thuốc Long Châu được bán thuốc điều trị Covid-19. Những ngày qua, nhu cầu mua thuốc của người dân tăng cao do F0 tăng. Hầu hết tại các nhà thuốc, người mua xếp hàng dài từ trong ra ngoài nhà thuốc. Tại đây, khi được hỏi, nhiều người không nắm rõ quy định mua thuốc Molnupiravir. Sau khi được nhân viên nhà thuốc hướng dẫn, nhiều người quay về xin xác nhận của địa phương. Có trường hợp ngậm ngùi bày tỏ: “Để xin được xác nhận của địa phương lâu vô cùng, vì giờ đâu đâu cũng quá tải F0, thôi đành mua chợ mạng, dù chưa biết chắc chất lượng, nguồn gốc có chuẩn không”.
Chợ mạng “muốn mua bao nhiêu cũng có”
Do nhu cầu thuốc trị Covid-19 tăng cao theo số ca nhiễm hàng ngày, mấy ngày qua, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, thuốc Molnupiravir được rao bán như rau. Bất kỳ ai cũng có thể mua được thuốc, mua bao nhiêu cũng có, giá cả cũng khác nhau.
Anh Phan Quang (Thanh Liệt, Thanh Trì) sau khi đăng hỏi mua thuốc Molnupiravir trên một group Facebook, lập tức nhận được hàng chục lời chào bán, không cần bất cứ giấy tờ kê đơn. Sau khi tham khảo nhiều loại thuốc của Nga, Ấn Độ, anh quyết định mua 5 hộp Molnupiravir của Việt Nam sản xuất gửi về quê, giá 250.000 đồng/hộp. Anh cho biết, tình hình dịch ở quê rất căng thẳng, xung quanh gia đình anh đều có người nhiễm. “Ở quê Đô Lương, Nghệ An, thuốc kháng virus khan hiếm nên tôi phải gửi cho gia đình, nhỡ ai nhiễm Covid-19 còn dùng. Thuốc chỉ có tác dụng trong 5 ngày đầu nhiễm bệnh nên tôi dặn người nhà khi phát hiện dương tính phải dùng luôn, tránh để biến chứng khó chữa”.
Những ngày qua, hoạt động mua bán thuốc kháng virus Molnupiravir trên các hội nhóm mạng xã hội nhộn nhịp, trong bối cảnh một số địa phương yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán Molnupiravir cho F0 có đơn thuốc do bác sĩ cấp, trong khi chờ hướng dẫn từ Chính phủ, Bộ Y tế. Trên nhóm “Chợ thuốc Molnupiravir” với hơn 4.700 thành viên, tài khoản T.N rao bán thuốc kháng virus của Boston Việt Nam với giá 300.000 đồng/hộp mà "không cần kê đơn của bác sĩ". Tương tự, nhiều tài khoản khác cũng công khai bán buôn, bán lẻ các loại thuốc Molnupiravir.
Trong khi đó, các DN sản xuất thuốc khẳng định thời gian qua chỉ cung cấp thuốc theo hợp đồng cho các nhà thuốc, không bán lẻ ra thị trường. Thuốc được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp, bán trên thị trường từ 23/2, với điều kiện đây là thuốc kê toa, phải có chỉ định của bác sĩ. Những ngày đầu, người dân gặp khó với quy định này do tình trạng ca nhiễm mới tăng nhanh, F0 không thể tiếp cận được với nhân viên y tế để có được đơn chỉ định. Các nhà thuốc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người mua, chấp nhận bán thuốc cho trường hợp có giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương hoặc có video tự test nhanh tại nhà dương tính.
Mới đây nhất, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng cho phép dùng video người dân tự quay quá trình test nhanh tại nhà làm cơ sở mua thuốc Molnupiravir, nhằm giải quyết quá tải cho hệ thống y tế. Do thuốc được cấp phép có điều kiện, khi sử dụng phải theo dõi chặt chẽ do có tác dụng phụ và nguy cơ tạo ra biến chủng mới, Bộ Y tế đề xuất các nhà thuốc, quầy thuốc chịu trách nhiệm kê đơn, bán Molnupiravir cho người dân, tổng hợp số liệu báo cáo trạm y tế hoặc trung tâm y tế địa phương hàng ngày.
Không phải ai cũng nên dùng
Theo Bộ Y tế, thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Để bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế lưu ý, Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Cũng theo Bộ Y tế, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi, vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Riêng với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc điều trị Covid-19, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các địa phương việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, TP kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép theo quy định hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng trực tuyến khác, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
(Báo Kinh tế đô thị)
Hà Nội: Ứng dụng mạnh công nghệ hỗ trợ F0 hiệu quả hơn
Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, khiến nhiều tuyến điều trị qua tải. Mặt khác, mỗi ca dương tính, chính quyền cơ sở phải ban hành nhiều quyết định, thủ tục hành chính, kéo theo đó là in sao hồ sơ thành nhiều bản, rất mất thời gian.
Tại nhiều nơi, F0 phải tới Trạm Y tế để xin các loại giấy xác nhận liên quan, dẫn tới vừa tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa tốn kém cả vật chất lẫn thời gian. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội cần ứng dụng mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa công nghệ thông tin để giúp công tác phòng, chống dịch được hiệu quả hơn.
Linh hoạt ứng dụng công nghệ
Trong vai một người mắc COVID-19, phóng viên TTXVN gọi điện tới số máy của Tổ trưởng dân phố 1 phường Thạch Bàn (Long Biên). Đầu dây bên kia giọng trung niên ôn tồn hướng dẫn cách vào Zalo để có mã QR trên phần mềm chamsocsuckhoe.yte360.com, rồi khai báo thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe. Từ những thông tin ban đầu này, Trạm Y tế lưu động đặt trên địa bàn phường sẽ phối hợp với các tình nguyện viên hỗ trợ F0 tại nhà cập nhật thêm thông tin, tư vấn và ra các quyết định hướng dẫn điều trị phù hợp cho từng thời điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn, nơi 28.000 nhân khẩu và hơn 10.000 công nhân làm việc trong Khu Công nghiệp Sài Đồng, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn rất lớn. Có ngày phường ghi nhận hơn 500 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong khi đó, Trạm Y tế phường chỉ có 6 người đang làm việc. Phường đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên cùng tham gia hỗ trợ các y, bác sĩ nhưng công việc vẫn quá tải, dẫn tới có lúc F0 chưa được quan tâm tư vấn, thăm khám kịp thời.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND quận Long Biên chỉ đạo lực lượng chức năng phường ứng dụng phần mềm để quản lý F0 tại nhà và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn thông tin, trước đây, mỗi lần có ca dương tính, UBND và Trạm Y tế phường phải thực hiện quyết định cách ly y tế, quyết định kết thúc cách ly, làm hồ sơ bệnh án, giấy kết thúc điều trị... Tất cả những việc này đều được làm thủ công và sau đó nhân viên hoặc thành viên tổ dân phố phải mang đến tận nơi cho F0. Mọi công đoạn rối ren vì thiếu người, thiếu thông tin do địa bàn rộng. Nhưng khi ứng dụng công nghệ, những tồn tại trên đã cơ bản được khắc phục. Cụ thể, sau khi đáp ứng các thông tin do phần mềm yêu cầu, người quản lý chỉ cần ấn nút "xác nhận" là các quyết định được thành lập và chuyển đến F0 một cách nhanh gọn.
“Do có mã bệnh nhân, nếu F0 muốn có quyết định cách ly bản giấy thì UBND phường chỉ việc in quyết định đó, còn các trường hợp khác lưu giữ trong phần mềm, đỡ tốn thời gian và tiền bạc”, ông Thắng phân tích và cho biết thêm: công nghệ đã “gánh” việc lập báo cáo số liệu hàng ngày, lập hồ sơ bệnh án, chuyển viện, ra viện… cho chính quyền và y tế cơ sở. Từ tháng 12/2021 đến nay, phường Thạch Bàn đã theo dõi quản lý qua phần mềm hơn 8.000 bệnh nhân COVID-19.
Cuối chiều 8/3, anh Khúc Hồng Minh ở Tổ 10 phường Thạch Bàn cầm Kết quả xét nghiệm khỏi bệnh và Thẻ bảo hiểm y tế đến Trạm Y tế phường để xin giấy xác nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm y tế. Sau ít phút kiểm tra thông tin, anh đã được lời hẹn đến 9/3 đến nhận kết quả. Anh Minh nhận xét, do ứng dụng phần mềm phường cung cấp nên trước đó đã khai báo hết tình trạng sức khỏe qua mạng, không có sai nhầm gì nay đến trạm chỉ để nộp giấy, khá tiện lợi.
Để tránh quá tải cho đội ngũ y tế, cũng như tạo thuận lợi cho các F0, phường Nhật Tân (Tây Hồ) cũng đã ứng dụng phần mềm, thông qua Google Form. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường này đã triển khai đến các chi bộ, tổ dân phố, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Ban quản lý, Ban quản trị các chung cư biết để được hướng dẫn sử dụng.
Cần tiếp tục tháo gỡ bất cập
Ông Đặng Hữu Tiến, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho hay, việc ứng dụng phần mềm đã giúp thống kê, quản lý F0 trên địa bàn được chính xác, tiện lợi cho người bệnh. Nhưng cũng thừa nhận là F0 vẫn phải chờ đợi, chưa thể lấy giấy xác nhận nghỉ ốm ngay sau khi nộp hồ sơ tại Trạm Y tế phường, do phầm mềm chưa cho phép thực hiện.
Tương tự, ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) cho biết, thông qua công nghệ thông tin, Trạm Y tế phường sẽ gửi các bước hướng dẫn các trường hợp dương tính điều trị tại nhà tự test SARS-CoV-2, mua thuốc, chăm sóc và gọi video call qua Zalo mỗi khi người dân có thắc mắc. Để giảm quá tải cho lực lượng y tế, UBND phường đang phân công các bộ phận hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính cho các F0.
Ở chiều ngược lại, tại một số phường trên địa bàn Hà Nội còn có tình trạng ùn ứ tại các Trạm Y tế do lượng F0 quá lớn cùng lúc đến xin giấy xác nhận nghỉ ốm và các giấy tờ khác. Nhiều người dân phàn nàn còn quá nhiều thủ tục hành chính rườm ra khi xác nhận F0 đã khỏi bệnh.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tăng cường tập huấn, hướng dẫn, ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; hướng dẫn người dân căn cứ dịch tễ, sức khỏe để thực hiện xét nghiệm bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ người dân; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quy trình, cách thức theo dõi sức khỏe, điều trị F0 tại nhà, các chủ trương, giải pháp của Trung ương, thành phố.
Công nghệ thông tin đã giúp các địa phương quản lý tốt hơn các ca dương tính và các giúp F0 bớt đi các thủ tục hành chính liên quan. Tuy nhiên, dưới góc độ thực hiện, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn trăn trở, còn nhiều bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, khiến người dân đi lại nhiều lần. Đồng thời, ông Thắng bày tỏ mong muốn, các cấp, ngành liên quan cần có một phần mềm thống nhất để các địa phương thực hiện.
Phần mềm cần có ứng dụng chữ ký số để các quyết định nhanh chóng được ban hành. Mặt khác, cũng cần xem xét các điều kiện để kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, bảo hiểm xã hội, từ đó giúp lực lượng y tế đỡ phần nhập liệu, hạn chế sai nhầm, giảm thời gian chờ đợi cho các F0 mỗi khi cần các giấy tờ liên quan.
(Thông tấn xã Việt Nam)
Hà Nội ban hành hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà
Ngày 10-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành Văn bản số 694/UBND-KGVX về việc hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà.
Văn bản nêu rõ, để tăng cường công tác quản lý người mắc Covid-19 trên địa bản thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, UBND thành phố ban hành hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, cụ thể là về quyết định cách ly, kết thúc cách ly, xác nhận khỏi bệnh, cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội.
Bước 1: Xác định người mắc Covid-19
Tiếp nhận thông tin từ người nghi nhiễm: Từ các kênh thông tin được thông báo rộng rãi đến người dân: Đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã; đường dây nóng của Trung tâm Y tế, Trạm Y tế; phần mềm chamsocsuckhoe.hanoi.gov.vn; tổng đài 1022; nhóm Zalo của Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà (Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng).
Thông tin được chuyển đến Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng (được phân công phụ trách từng khu vực tổ dân phố, cụm dân cư đến từng hộ gia đình) bao gồm thông tin người nghi nhiễm và nhu cầu cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu có nhu cầu).
Sau khi tiếp nhận thông tin của người nghi ngờ mắc Covid-19, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng tập hợp danh sách người nhiễm, đồng thời thực hiện giám sát bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa cùng với nhân viên y tế được giao phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm xác định thông tin về hành chính và xác nhận ca bệnh xác định: Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time RT-PCR; là người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2; là người có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2; là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với vi rút SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.
Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Chuyển danh sách người nhiễm Covid-19 đủ thông tin đã được xác nhận của Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, nhân viên y tế đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.
Bước 2: Quyết định cách ly, quản lý theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn: Ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà (Quyết định cách ly ghi rõ số ngày cách ly từ ngày ra quyết định cho đến ngày có xác nhận khỏi bệnh của cơ quan y tế): Gửi bản chụp qua điện thoại, Zalo đến Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để gửi cho người mắc qua nhóm Zalo, bản chính lưu tại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.
Cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý F0 (do Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, thành viên Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và nhân viên y tế... thực hiện).
Nhân viên y tế tại trạm Y tế xã, phường thị trấn: Phân tầng điều trị, chuyển tuyến với các bệnh nhân tầng 2, 3; Kê đơn điều trị ngoại trú theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Ký giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội cho người mắc Covid-19 tại nhà, cho người mắc có nhu cầu đã đăng ký tại Bước 1 trong thời gian 7 ngày.
Cập nhật thông tin người mắc Covid-19 có tham gia bảo hiểm xã hội lên hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm xã hội để cấp Giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định sau khi có đầy đủ chữ ký của nhân viên y tế có thẩm quyền ký theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế Quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng: Liên hệ thường xuyên với người nhiễm để nắm được tình trạng sức khỏe hoặc nhân viên y tế đến trực tiếp nhà người mắc để thăm khám khi có những dấu hiệu bất thường theo quy định.
Bước 3: Xác nhận khỏi bệnh và hoàn thành cách ly
Cụ thể, ngày thứ 7 kể từ ngày có quyết định cách ly y tế và xác nhận ca mắc, người mắc Covid-19 tại nhà làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người mắc Covid-19 thực hiện dưới sự giám sát của Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng và nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa như Bước 1 (ngày xét nghiệm sẽ thực hiện cập nhật hướng dẫn của Bộ Y tế): Nếu kết quả âm tính, trạm Y tế cấp Giấy xác nhận khỏi bệnh và kết thúc cách ly. Nếu kết quả dương tính, người mắc tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (nếu tiêm đủ mũi vắc xin) hoặc 14 ngày (nếu tiêm chưa đủ mũi vắc xin).
Nhân viên y tế tại trạm Y tế cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thêm 3 ngày hoặc 7 ngày đối với người tham gia bảo hiểm xã hội và phối hợp để cập nhật lên cổng giám định bảo hiểm xã hội. Cấp Giấy xác nhận khỏi bệnh, kết thúc cách ly vào ngày thứ 10 (nếu tiêm đủ mũi vắc xin) hoặc ngày thứ 14 (nếu tiêm chưa đủ mũi vắc xin) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Văn bản nêu rõ, Sở Y tế hướng dẫn, giám sát việc triển khai Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất, tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch Covid-19 bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương.