Hà Nội: Thầy thuốc trẻ khám sức khỏe hậu Covid-19 miễn phí cho người dân
Ngày 14/5, hơn 500 y bác sĩ, thầy thuốc tình nguyện tham gia khám sức khoẻ hậu Covid-19 miễn phí trực tiếp cho người dân Thủ đô.
Thành đoàn Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội tổ chức chương trình "Thầy thuốc trẻ Thủ đô - Chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19" vào ngày 14/5 tới.
Chương trình được diễn ra trực tiếp ngày 14/5/2022 với hơn 500 y bác sĩ, thầy thuốc tình nguyện đầy nhiệt huyết tại Cung thiếu nhi Hà Nội (36 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và online trong cả năm 2022.
Người dân tham gia chương trình có thể phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu Covid-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe cho người hậu mắc Covid-19; góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
(Báo An ninh Thủ đô)
Hà Nội sẵn sàng đáp ứng công tác y tế phục vụ SEA Games 31
Ngày 10/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã đi kiểm tra công tác đáp ứng y tế phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình và tòa nhà Keangnam (quận Nam Từ Liêm).
Qua kiểm tra, các đơn vị được phân công túc trực y tế tại những địa điểm như: Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện E, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đều bảo đảm sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất và duy trì liên lạc 24/24 giờ, đáp ứng công tác y tế, phòng, chống dịch Covid-19, phục vụ SEA Games 31.
Tại tòa nhà Keangnam đã trang bị dung dịch sát khuẩn tay và máy đo nhiệt độ đặt tại các vị trí ra, vào để chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
Đánh giá các đơn vị chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực sẵn sàng đáp ứng công tác y tế một cách tốt nhất, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý các đơn vị cần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chú trọng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp với các khách sạn, địa điểm đón đoàn tham dự SEA Games 31 để bố trí khu vực khám, cấp cứu theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, các đơn vị bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng để cấp cứu điều trị những trường hợp không may bệnh tật, tai nạn trong thi đấu hoặc tham dự SEA Games 31...
Để bảo đảm đáp ứng công tác y tế và phòng chống dịch, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trước và trong thời gian diễn ra SEA Games 31, nhất là dịch Covid-19.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng phân công các đơn vụ phụ trách bố trí nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị thường trực tại các điểm tổ chức SEA Games 31 sẵn sàng cấp cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra đối với các đoàn tham dự SEA Games 31 trong trường hợp không may bị ốm, chấn thương, tai nạn; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm dịch trước và trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống cấp cứu chấn thương, cháy nổ, ngộ độc...
(Báo Kinh tế đô thị)
Ngày 10/5, Hà Nội thêm 577 F0, cả nước ghi nhận 2.855 ca Covid-19
Chiều 10/5, Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 9/5/2022 đến 18 giờ ngày 10/5/2022 Hà Nội ghi nhận 577 ca bệnh (159 ca cộng đồng; 418 ca đã cách ly).
Bệnh nhân phân bố tại 120 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (88); Đông Anh (87); Hoàng Mai (52); Long Biên (39); Nam Từ Liêm (38).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.593.400 ca.
Còn theo Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 9/5 đến 16 giờ ngày 10/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 2.855 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 2.854 ca ghi nhận trong nước (tăng 679 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, TP (có 2.467 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, TP ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (577), Phú Thọ (230), Vĩnh Phúc (156), Bắc Ninh (130), Nghệ An (109), Quảng Ninh (106), Tuyên Quang (99), Yên Bái (97), Bắc Kạn (85), Lâm Đồng (76), Quảng Trị (74), Hưng Yên (73), Thái Bình (71), Hải Dương (68), Đà Nẵng (60), Nam Định (60), Hà Nam (58), Lào Cai (52), Lai Châu (48), Quảng Bình (46), Cao Bằng (43), Thái Nguyên (43), Ninh Bình (35), Gia Lai (35), Sơn La (34), Hòa Bình (33), Bà Rịa - Vũng Tàu (30), Hà Giang (28), Hà Tĩnh (28), Hải Phòng (27), Lạng Sơn (25), Bình Phước (22), Bình Dương (21), Quảng Ngãi (20), Điện Biên (20), Thanh Hóa (18), Bắc Giang (18), Vĩnh Long (18), TP Hồ Chí Minh (17), Tây Ninh (15), Bình Thuận (14), Thừa Thiên Huế (9), Khánh Hòa (8 ), Phú Yên (3), Long An (3), Bến Tre (3), Sóc Trăng (3), Cà Mau (2), Đồng Nai (1), Bình Định (1), Trà Vinh (1), Hậu Giang (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-28), Hà Nội (-24), Quảng Ngãi (-16). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+130), Phú Thọ (+117), Vĩnh Phúc (+80).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.122 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.681.214 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.937 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.673.462 ca, trong đó có 9.322.117 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.592.609), TP Hồ Chí Minh (608.776), Nghệ An (482.845), Bắc Giang (385.863), Bình Dương (383.541).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 2.769 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.324.934 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 363 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 289 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 43 ca; thở máy không xâm lấn là 5 ca; thở máy xâm lấn là 24 ca; ECMO là 2 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 9/5 đến 17 giờ 30 ngày 10/5 ghi nhận 1 ca tử vong tại: Trà Vinh (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.058 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.502.320 mẫu tương đương 85.806.031 lượt người, tăng 297 mẫu so với ngày trước đó. Trong ngày 9/5 có 95.412 liều vacicne phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vacicne đã được tiêm là 215.839.208 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 196.563.745 liều: Mũi 1 là 71.453.130 liều; mũi 2 là 68.660.754 liều; mũi 3 là 1.505.947 liều; mũi bổ sung là 15.243.434 liều; mũi nhắc lại là 39.700.480 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 17.389.915 liều: Mũi 1 là 8.912.636 liều; mũi 2 là 8.477.279 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 1.885.548 liều (mũi 1).
(Báo Kinh tế đô thị)
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm khi hè đến
Các vụ ngộ độc thực phẩm thường gia tăng vào mùa hè, bởi nhiệt độ cao làm cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến thực phẩm nhanh bị hỏng, biến chất. Thêm vào đó, việc sản xuất, chế biến thực phẩm nếu không bảo đảm vệ sinh cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ ngộ độc. Chính vì vậy, ngay tại thời điểm này, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Đẩy mạnh kiểm tra các mặt hàng có nguy cơ
Theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong tháng 4-2022, cả nước xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 157 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong.
Riêng tại Hà Nội, dù thời điểm này chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, nhưng ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), bên cạnh việc triển khai theo kế hoạch và chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, các quận, huyện, thị xã đã tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Từ đây, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện các lỗi vi phạm hoặc các biểu hiện có nguy cơ để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh việc xử phạt các lỗi vi phạm, lực lượng chức năng cũng đề nghị chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, không để xảy ra sự cố.
Hiện trên địa bàn quận Long Biên có 5.154 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngay trong tháng 4-2022, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận và của các phường đã kiểm tra 1.077 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 27 cơ sở với tổng số tiền hơn 54 triệu đồng. Các lỗi vi phạm được phát hiện chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, vệ sinh dụng cụ ăn uống không đạt yêu cầu, không niêm yết giá. Trong quá trình kiểm tra thực tế, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở tiêu hủy những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Để tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè năm nay, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, quận đã chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thích ứng với tình hình dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao hiểu biết về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người dân bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, trung tâm y tế quận và các trạm y tế phường duy trì giám sát an toàn thực phẩm tại 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Đặc biệt, các ngành chức năng của quận phối hợp với UBND các phường tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được sử dụng nhiều trong mùa nắng nóng, như: Nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, cà phê, giải khát, trung tâm thương mại; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, ngay từ đầu năm, quận đã liên tục tổ chức ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó tập trung kiểm tra các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... và các mặt hàng có nguy cơ cao gây ngộ độc. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng của quận tập trung kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, các công đoạn chế biến, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm, kiểm tra hệ thống lưới chắn côn trùng, động vật gây hại ở khu vực bếp, phòng ăn, như: Ruồi, muỗi, chuột…, vì đây cũng là những tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm trong dịp hè.
Tập trung vào 10 nhiệm vụ và 10 nguyên tắc “vàng”
Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm, quận tiếp tục tập trung vào 10 nhiệm vụ chính, trong đó có việc triển khai hệ thống cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm; tổ chức diễn tập điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc; cập nhật biến động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại 4 tuyến phố: Núi Trúc, Quán Thánh, Văn Cao và Phạm Huy Thông; thực hiện mỗi phường có ít nhất 1 cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch.
Riêng trong mùa hè năm 2022, bà Phạm Thị Diễm cho biết, cơ quan chức năng của quận Ba Đình sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề nước uống đóng chai, thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc, bảo đảm phòng tránh các bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. Cùng với đó, quận sẽ thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định và phân cấp. Cập nhật công khai các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trên cổng thông tin điện tử của quận và hệ thống thông tin phường. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra 10 nguyên tắc “vàng” để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè đối với người tiêu dùng dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đó là, chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch.
(Báo Hà Nội mới)
Bộ Y tế: Cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh sản phẩm chứa Methanol
Bộ Y tế ngày 10/5 yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế, đảm bảo việc cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh sản phẩm có chứa Methanol.
Bộ Y tế ngày 10/5 có công văn yêu cầu tăng cường quản lý sản phẩm chứa Methanol được mua, bán tại các cơ sở kinh doanh dược.
Hiện tại, một số cơ sở bán lẻ thuốc bày bán các sản phẩm chứa hóa chất Methanol gây nhầm lẫn với cồn sát trùng hoặc hướng dẫn sử dụng như sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế.
Điều này gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dùng và không có hiệu quả sát khuẩn như mong muốn.
Theo Bộ Y tế, Methanol là hóa chất dùng với mục đích là chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm. Cơ quan này khẳng định đây không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn trong y tế.
Vào tháng 3, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho nam bệnh nhân 54 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, chóng mặt, chẩn đoán ngộ độc do uống nhầm cồn 70 độ.
Người nhà ông này cho hay đã mua cồn về để sát khuẩn phòng dịch Covid-19. Do mua tại hiệu thuốc nên gia đình tin tưởng để sát khuẩn mà không đọc kỹ công dụng ghi trên nhãn mác là “Dùng làm chất đốt và rửa kính”.
Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã xét nghiệm chai cồn do gia đình mang tới. Kết quả phát hiện nồng độ cồn công nghiệp Methanol là 56%. Bệnh nhân trên được xử trí lọc máu khẩn cấp, qua cơn nguy kịch nhưng còn di chứng mờ mắt.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế kiểm tra đầy đủ thông tin về thành phần, nhãn mác trước khi mua, bán sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay.
Các cơ sở kinh doanh này cũng phải hướng dẫn cụ thể, đầy đủ cho người mua, bệnh nhân về các lưu ý, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế trên địa bàn, đảm bảo cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh, bày bán các sản phẩm có chứa Methanol.
Sở Y tế cũng được giao chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các phòng, ban thuộc Sở và các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh có mua, bán Methanol mà giấy đăng ký kinh doanh không có phạm vi kinh doanh hóa chất và không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất, hoặc có các giấy phép nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về quản lý hóa chất và các quy định khác có liên quan.
Với các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế, Bộ Y tế yêu cầu không kinh doanh các sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế khi phát hiện thành phần sản phẩm có chứa Methanol…
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - cho biết loại cồn sát trùng cần dùng phổ biến là ethanol, còn cồn công nghiệp Methanol là hóa chất độc hại không được dùng để sát trùng.
Nhiều năm gần đây, qua việc xét nghiệm các chai cồn sát trùng do bệnh nhân mang tới, Trung tâm Chống độc phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng rởm (chai cồn chỉ có chứa thành phần cồn công nghiệp Methanol và nước) và báo cáo với các cơ quan chức năng, thông báo rộng rãi.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm cho hay nhiều sản phẩm cồn công nghiệp như vậy vẫn tiếp tục được bán ở các hiệu thuốc nhưng đã thay đổi nhãn mác về công dụng thành “dùng để đốt hay lau chùi” hình thức chai lọ và nhãn mác vẫn rất giống các chai cồn sát trùng...
Theo TS Nguyên, ngoài việc không bảo đảm sát trùng, khi dùng cồn công nghiệp Methanol quá nhiều trên da diện rộng, nhiều lần sẽ ngấm qua da tới mức đủ gây ngộ độc (nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương mắt, tổn thương não).