Chào đón công dân nhí năm Nhâm Dần
Vào thời khắc chuyển sang năm mới - Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã chào đón những công dân nhí đáng yêu đầu tiên của năm.
Bé trai đầu tiên chào đời tại bệnh viện là Nguyễn Hùng Minh, con sản phụ Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1994 Thuận Thành, Bắc Ninh). Bé chào đời ở tuần tuổi thai thứ 35 nặng 2,4 kg do ê-kíp bác sĩ Lê Thị Hiếu đỡ đẻ thường.
Cũng vào lúc giao thừa đêm qua, ê-kíp bác sĩ Trần Anh Đức đã đỡ đẻ thường cho sản phụ Phùng Thị Lan (sinh năm 1991, tại Hoằng Phụ, Hoàng Hóa, Thanh Hóa) bé trai Trần Minh Khang nặng 3,2 kg.
Tại cơ sở 2 của bệnh viện đang điều trị các sản phụ nhiễm Covid-19, một em bé chào đời là con của sản phụ Nguyễn Hải Linh ở Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương.
Thai phụ mắc Covid-19, nhập viện ngày 20/1 khi thai 37 tuần, chưa tiêm vaccine. Đêm ngày 31/1, thai ở tuần 39 được ê-kíp bác sĩ Trương Minh Phương mổ cấp cứu để cứu cả mẹ và con.
(Báo Nhân dân)
Thêm một thuốc kháng vi rút điều trị F0 tại nhà
Cùng với thuốc Molnupiravir đã được cấp cho các ca mắc Covid-19 (F0) điều trị tại nhà từ tháng 8.2021, Bộ Y tế vừa bổ sung thuốc Favipiravir trong danh mục thuốc cho các F0 này.
Bộ Y tế vừa có “Hướng dẫn mới nhất về quản lý người mắc Covid-19 tại nhà” (hướng dẫn) tại Quyết định 261/QĐ-BYT (Quyết định 261) do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành ngày 31.1 (29 tết Nguyên đán Nhâm Dần).
Theo Quyết định 261, hướng dẫn được xây dựng với mục đích cung cấp các hướng dẫn và quy định về quản lý, hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 và người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà (F0), dành cho các cơ sở và nhân viên quản lý F0 tại nhà.
4 nhóm thuốc trong danh mục điều trị F0 tại nhà
Theo hướng dẫn, có 4 nhóm thuốc trong danh mục điều trị F0 tại nhà, gồm:
Thuốc hạ sốt, giảm đau là Paracetamol. Trong đó, Paracetamol cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg; Paracetamol cho người lớn là viên nén 250 mg hoặc 500 mg.
Thuốc kháng vi rút: lựa chọn một trong các thuốc sau: Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên) hoặc Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên). Vừa qua, Favipiravir được sử dụng cho các F0 tại các cơ sở điều trị.
Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, thuốc phải được kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong 1 ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau: Dexamethason 0,5 mg (viên nén) hoặc Methylprednisolon 16 mg (viên nén).
Thuốc chống đông máu đường uống: thuốc không phát sẵn cho người mắc Covid-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong 1 ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-1. Lựa chọn một trong các thuốc sau: Rivaroxaban 10 mg (viên) hoặc Apixaban 2,5 mg (viên).
Lưu ý quan trọng khi kê đơn
Theo hướng dẫn,thuốc kháng vi rút dùng sớm, ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc Covid-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ưu tiên sử dụng cho những trường hợp có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vắc xin, có bệnh nền không ổn định… F0 điều trị tại nhà dùng theo kê đơn của nhân viên y tế.
Hướng dẫn lưu ý về các thuốc kháng vi rút, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu.
Theo đó, chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh Covid-19 có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp và chỉ kê đơn điều trị trong 1 ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19.
Khi kê đơn, lưu ý kiểm tra kỹ các chống chỉ định, khai thác thông tin về các thuốc người bệnh đang sử dụng để tránh các tương tác thuốc nghiêm trọng khi kê đơn. Tư vấn cho người bệnh hoặc người chăm sóc nhận biết một số tác dụng không mong muốn quan trọng của thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí phù hợp trong quá trình sử dụng.
Người mắc Covid-19 điều trị tại nhà là các ca nhẹ, có thể tự chăm sóc bản thân; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp người mắc Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc.
Các F0 quản lý tại nhà gồm 3 tiêu chí về lâm sàng:
Được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành).
Không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị). Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy.
Không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
(Báo điện tử Thanh niên)
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời tri ân, cảm ơn những nỗ lực của toàn bộ hệ thống y tế
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời tri ân, lời cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của toàn bộ hệ thống y tế, nhất là cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng đã vất vả trong gần 2 năm qua. Những thành quả trong phòng chống dịch gần 2 năm qua là vô cùng to lớn...
Tất cả những người dân về quê đón Tết có thể tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay tại đó
Chia sẻ với báo chí nhân dịp năm mới Nhâm Dần, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá công tác phòng chống dịch COVID-19 đang từng bước có những kết quả hết sức khả quan.
"Quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam đã tăng được độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 ở mức độ rất cao và là một trong những nước thuộc top đầu thế giới về bao phủ vaccine. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng xác định vaccine là một trong những chìa khóa then chốt để đưa cuộc sống trở lại bình thường cộng thêm các biện pháp công cộng khác nữa"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đã báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân, tiêm xuyên Tết và tiêm cho tất cả mọi người khi đến lịch tiêm. Tất cả người dân khi về quê ăn Tết có thể đăng ký tiêm ngay tại địa bàn đó. Bộ đã có hướng dẫn, chỉ đạo với các địa phương, lực lượng y tế cũng sẵn sàng.
Thông tin thêm về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay tất cả các cơ sở y tế đã đảm bảo đủ thuốc men, máu, dịch truyền để làm sao tiếp nhận điều trị bệnh nhân kể cả bệnh nhân COVID-19, đảm bảo tất cả người dân khi có nhu cầu đều được chăm sóc, tiếp cận và điều trị. Hiện nay, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ngày càng giảm.
"Cán bộ y tế đã vất vả gần 2 năm qua"
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong những năm qua ngành y tế rất khó khăn, có thể nói chịu một áp lực vô cùng to lớn về phòng chống dịch bệnh, cộng thêm việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh là một thách thức rất lớn. Vì vậy, cán bộ ngành y tế cũng rất thiệt thòi kể cả chế độ, thu nhập. Nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ chế độ thưởng Tết cho cán bộ nhân viên.
Bộ Y tế đã có ý kiến với các địa phương làm sao đảm bảo quan tâm tới lực lượng tuyến đầu về phòng chống dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng gửi lời chúc đến toàn bộ cán bộ y tế một năm mới thật mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục gặt hái nhiều thắng lợi.
"Và điều quan trọng nhất là chúng ta sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường để tập trung phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Đấy là nhiệm vụ hết sức cao cả, to lớn đặt ra với ngành y tế"- Bộ trưởng bày tỏ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý toàn bộ hệ thống y tế không được chủ quan mà phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa nhất là trong dịp Tết này. Sự tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân… tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
Những gì đạt được ngày hôm nay là kết quả của cả một quá trình lâu dài mà chúng ta chuẩn bị thời gian qua: tiêm chủng, chuẩn bị năng lực cho hệ thống y tế, kinh nghiệm trong điều trị và cách thức tổ chức trong phân tuyến, trong tiếp nhận điều trị bệnh nhân, quản lý sớm, điều trị sớm ngay từ cộng đồng. Tất cả góp phần giảm tỷ lệ tử vong và kết quả đó là rất khả quan.
"Thế nhưng chúng ta không được chủ quan nhất là trong dịp Tết này có sự tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, rồi việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi của người dân với người thân.
Vì thế, chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó việc đeo khẩu trang là giải pháp rất quan trọng. Ngành y tế vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp: tiêm chủng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân tại tất cả các tuyến"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ trong dịp Tết này tất cả các cơ sở y tế, cơ sở điều trị COVID-19 đều hoạt động như bình thường, không có bất cứ giây phút nào nghỉ. Chúng tôi vẫn lo ngại và cảnh báo rằng chúng ta không nên quá chủ quan. Chúng ta càng phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới...
Đặc biệt quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ y tế
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền để tăng chế độ phụ cấp phòng chống dịch, nhất là cán bộ y tế vào tâm dịch. Điều quan trọng và cơ bản là làm thế nào để nâng cao chế độ hỗ trợ nhất là y tế cơ sở và dự phòng.
"Về cơ bản được sự đồng thuận, chúng ta sẽ nâng cao cao mức phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở lên 100% mức lương. Hiện nay đang là 40%, cao nhất 70% là những người điều trị trong các khu điều trị COVID-19"- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Theo Bộ trưởng, khi chính sách đó ra đời sẽ cải thiện phần nào nhu cầu với cán bộ y tế. Hiện nay Bộ Y tế đang cố gắng xây dựng nghị định trình Chính phủ.
"Trong năm 2022, chúng tôi sẽ đổi mới cơ chế tài chính và quan tâm nhiều hơn đến y tế cơ sở, lực lượng y tế ở tất cả các tuyến. Làm sao đổi mới tài chính phải đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, qua đó nâng cao được thu nhập đối với nhân viên y tế, để yên tâm công tác"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
Sáng mùng 1 Tết: Gần 5.000 ca COVID-19 khỏi bệnh
Trong ngày 31/1 (tức 29 Tết), 4.835 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh để trở về đón Tết cùng gia đình. Như vậy, đến nay, chúng ta đã có tổng số 2.022.450 ca được điều trị khỏi.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.275.727 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.058 ca nhiễm).
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.620 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.536 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 498 ca; Thở máy không xâm lấn: 117 ca; Thở máy xâm lấn: 450 ca; ECMO: 19 ca
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.777 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 181.280.001 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.059.864 liều, tiêm mũi 2 là 74.137.789 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.082.348 liều.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam đã tăng được độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 ở mức độ rất cao và là một trong những nước thuộc top đầu thế giới về bao phủ vaccine. Bộ Y tế cũng xác định vaccine là một trong những chìa khóa then chốt để đưa cuộc sống trở lại bình thường cộng thêm các biện pháp công cộng khác nữa.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân, tiêm xuyên Tết và tiêm cho tất cả mọi người khi đến lịch tiêm. Tất cả người dân khi về quê ăn Tết có thể đăng ký tiêm ngay tại địa bàn đó. Bộ đã có hướng dẫn, chỉ đạo với các địa phương, lực lượng y tế cũng sẵn sàng.
Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh trong dịp Tết này có sự tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, rồi việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi của người dân với người thân... Vì thế, ngành y tế vẫn tiếp tục đề nghị người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó việc đeo khẩu trang là giải pháp rất quan trọng.