Lặng thầm chung sức chăm sóc bệnh nhân Covid-19
Gác lại công việc gia đình, không quản ngại những nguy cơ khi tiếp xúc với người bệnh Covid-19 (F0), các tình nguyện viên tổ chăm sóc hỗ trợ F0 điều trị tại nhà vẫn lặng thầm chung sức cùng các lực lượng của thành phố Hà Nội chống dịch. Nhờ vậy, họ đã góp phần tích cực trong việc giúp các bệnh nhân Covid-19 sớm hồi phục, giảm tải cho hệ thống y tế.
Người góp công, người góp của
Nghỉ hưu đã gần 10 năm nay, bà Vũ Thị Tuyết Mai (từng công tác tại Bệnh viện 354) hiện là thành viên tổ chăm sóc F0 tại nhà thuộc Trạm y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình). Bà Mai tâm sự: "Tôi có chuyên môn ngành Y nhưng khi được vận động tham gia hỗ trợ F0 tại nhà vẫn thấy nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ động viên nhau vững vàng tâm lý, trang bị phòng hộ đầy đủ, sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào F0 cần hỗ trợ. Mỗi ca trực của nhóm hỗ trợ F0 tại nhà thường có 3 thành viên trong đó 1 thành viên trực tại chỗ, thường xuyên cập nhật thông tin F0 lên hệ thống quản lý, 2 thành viên luôn sẵn sàng lên đường lấy mẫu xét nghiệm hay cấp cứu F0".
Không ngại khó ngại khổ, đó là tinh thần tình nguyện xông pha của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) Phí Mạnh Hùng. Trong công tác hỗ trợ chăm sóc F0 điều trị tại nhà, anh Phí Mạnh Hùng luôn sát cánh cùng đội ngũ y tế địa phương. “Bất cứ lúc nào có người liên hệ, anh Hùng đều có mặt kịp thời hỗ trợ các công việc liên quan đến công tác phòng, chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Diễn Đinh Quang Tâm nhận xét.
Trong khi đó, với điều kiện và khả năng của mình, chị Trần Thị Trang, quản lý nhà thuốc Long Châu (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ) sẵn sàng tham gia hỗ trợ, tư vấn cho trường hợp F0 điều trị tại nhà theo phân công của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Thụy Khuê. Chị Trang cho biết, nhà thuốc đã gửi UBND phường Thụy Khuê các số điện thoại của phụ trách và nhân viên bán thuốc để thường xuyên giữ liên lạc với trạm y tế lưu động, các tổ Covid-19 cộng đồng, kịp thời hỗ trợ F0 khi cần thiết.
Ở các huyện, thị xã như: Ba Vì, Thường Tín, Thanh Trì, Sơn Tây…, công tác chăm sóc F0 điều trị tại nhà được triển khai tới từng ngõ xóm, khu dân cư, giúp người bệnh yên tâm điều trị. Chị L.T.T. (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì) cho biết, gia đình chị có 2 F0, nên các thành viên còn lại là F1 cũng phải cách ly tại nhà. Cùng với sự quan tâm chăm sóc sức khỏe từ đội ngũ y tế xã, người dân xung quanh cũng giúp đỡ gia đình mua bán lương thực, chăm sóc rau màu, gieo cấy.
Để người bệnh yên tâm điều trị
Trạm trưởng Trạm Y tế phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Thị Mỹ cho hay, hiện trạm y tế có 6 cán bộ phụ trách với địa bàn phường rộng, đông dân cư. Vì thế, có thời điểm số lượng F0 ở phường lên đến hơn 400 ca nhưng nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các tổ Covid-19 cộng đồng cùng cán bộ, công chức phường Phú Diễn đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình dịch ở cơ sở, chăm sóc chu đáo các ca F0 điều trị tại nhà.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho biết, là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện mô hình chăm sóc F0 tại nhà, quận đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chăm sóc F0, kết hợp với tổ Covid-19 cộng đồng cùng các trạm y tế lưu động để bảo đảm công tác quản lý, chăm sóc người bệnh, giúp giảm tải số lượng bệnh nhân tại các cơ sở điều trị. Nhờ việc tập trung theo dõi thường xuyên, quan tâm hỗ trợ diễn tiến của từng trường hợp F0 được quản lý, chăm sóc tại nhà, các bệnh nhân đều có ý thức thực hiện tốt các yêu cầu của nhân viên y tế, bảo đảm an toàn sức khỏe, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Còn Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin, phát huy hiệu quả phần mềm quản lý người nhiễm Covid-19 tại trạm y tế lưu động, quận yêu cầu các phường chỉ đạo các lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tăng cường hình thức tiếp nhận, xử lý thông tin (nhóm Zalo, Facebook). Cùng với đó là huy động các lực lượng tham gia tổng đài tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến phòng, chống dịch, hỗ trợ, giúp đỡ, phát thuốc cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà bảo đảm kịp thời, giúp người bệnh yên tâm điều trị.
Trong khi đó, tại huyện Ba Vì đã phát động mô hình các dòng họ, ngõ xóm đăng ký hỗ trợ gia đình có người mắc Covid-19 và hoạt động rất hiệu quả. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, huyện đã thành lập 1.262 nhóm Zalo với 56.350 hộ gia đình tham gia công tác hỗ trợ người mắc Covid-19 cách ly, điều trị tại nhà.
Lặng thầm cống hiến cho công tác chống dịch ở địa phương, các thành viên tổ, nhóm hỗ trợ F0 điều trị tại nhà đều không muốn nói về mình, về những khó khăn, vất vả phải đối diện trong mỗi ca trực. Với họ, đóng góp một phần công sức nhỏ bé giữ gìn sức khỏe cho nhân dân Thủ đô là niềm vui trọn vẹn.
(Báo Hà nội mới)
Quản lý, điều trị hiệu quả F0 tại nhà
Sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao. Để đáp ứng kịp thời công tác quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19, ngành y tế các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp trong công tác điều trị, nhằm hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện và giảm bệnh nhân tử vong.
Bên cạnh chỉ đạo tăng cường quản lý, điều trị hiệu quả F0 tại nhà, Bộ Y tế đã giao 37 bệnh viện, viện tuyến Trung ương chịu trách nhiệm khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 và hỗ trợ kịp thời các địa phương khi có yêu cầu.
Tăng số ca, nhưng giảm mức nặng
Những ngày qua, Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất trong ngày. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện, số bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố đang điều trị gần 65.905 người, trong đó theo dõi cách ly, điều trị tại nhà chiếm gần 95%, tương ứng là 62.251 người bệnh.
Các địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, Vĩnh Phúc cũng có số ca mắc mới tăng cao sau Tết Nguyên đán. Bác sĩ Luyện Văn Trịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, sau Tết, số bệnh nhân Covid-19 tăng. Hiện, có 27 bệnh nhân nguy kịch, 63 bệnh nhân nặng. Bệnh nhân tăng cao khiến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Nghệ An) phải căng mình làm việc dù nhân lực đã được tăng cường, hỗ trợ.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 213 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Covid-19 số 1 và 4.693 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh, trong đó có tới ¾ số người mắc Covid-19 không triệu chứng. Tỉnh Vĩnh Phúc đến ngày 9/2, có 5.247 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 766 người được theo dõi, điều trị tại nhà và nơi lưu trú. Theo phân loại của ngành y tế, có 97% mức độ nhẹ, 2% trung bình, còn lại là bệnh nhân nặng.
Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương liên tiếp tăng trong những ngày qua. Chỉ trong ba ngày từ 8 đến 10/2, toàn tỉnh có 3.695 ca mắc, riêng ngày 10/2, có 1.330 ca mắc mới và bốn trường hợp tử vong. Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phạm Mạnh Cường, do số lượng F0 tăng nhanh, từ cuối tháng 12/2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 8.458 F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà.
Nguyên nhân tăng số ca sau Tết được cho là do người dân trở về quê từ các vùng dịch trong dịp trước Tết, nhu cầu giao lưu, mua sắm Tết tăng cao. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, không tuân thủ biện pháp “5K” trong phòng, chống dịch. Tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ, vui chơi giải trí, khu vực văn hóa tâm linh vẫn tập trung đông người.
Hạn chế thấp nhất bệnh nhân chuyển tầng
Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, ngành y tế Hà Nội đã phê duyệt phương án điều trị cho 100 nghìn ca F0 theo phân tầng (3 tầng). Với năm bệnh viện tầng 3 của Hà Nội và sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố đang đảm đương tốt công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: Sở tiếp tục yêu cầu Giám đốc Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã làm tốt hơn nữa công tác quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà; phát thuốc đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng để người dân an tâm, tin tưởng tránh bức xúc trong dư luận, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện giảm áp lực cho tuyến trên. Đối với các bệnh viện điều trị tầng 2, tầng 3, đề nghị chuẩn bị đủ cơ số giường được giao, vật tư y tế, thuốc đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố, tuyến huyện tiếp tục hỗ trợ chuyên môn cho các trung tâm y tế, các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn được phân công điều trị Covid-19; các bệnh viện điều trị tầng 3, tầng 2 tiếp nhận người bệnh theo điều tiết của Sở Y tế và các bệnh viện điều trị tầng 3 bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều trị người bệnh Covid-19.
Việc điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà phù hợp tình trạng sức khỏe đã giảm áp lực cho các bệnh viện cũng như các cơ sở y tế của tỉnh Hải Dương. Tỉnh đã thành lập 148 trạm y tế lưu động chăm sóc sức khỏe cho các F0. Các F0 điều trị ở nhà trong thời gian bảy ngày, giảm ba ngày so với trước đây. Sau đó, F0 được xét nghiệm, nếu âm tính với SARS-CoV-2 sẽ hết thời gian điều trị, và tự theo dõi sức khỏe. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm ở mức độ cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch để kiềm chế dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Tất cả các trường hợp nghi mắc, hoặc có các triệu chứng của bệnh phải tự giác ở nhà và khai báo y tế ngay với cơ quan, đơn vị và y tế địa phương.
Tỉnh Vĩnh Phúc quy định, tổ chức điều trị tại nhà cho các trường hợp nhẹ, không triệu chứng, có khả năng tự chăm sóc bản thân. Giám đốc Sở Y tế Lê Hồng Trung cho biết, những người được chăm sóc tại nhà được nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi, thông báo tình hình sức khỏe, được cung cấp thuốc bổ và thuốc điều trị mức độ A. Tỉnh cũng đã chuẩn bị 5.000 giường điều trị nội trú cho bệnh nhân Covid-19.
Tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cũng áp dụng mô hình điều trị tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Tại tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân ở tầng 2, tầng 3 được điều trị ở bệnh viện Covid-19 cấp tỉnh có khả năng thu dung, điều trị 2.020 bệnh nhân. Còn lại, bệnh nhân Covid-19 điều trị ở bệnh viện đa khoa cấp huyện và bệnh viện đa khoa khu vực, quy mô mỗi bệnh viện có ít nhất 40 giường. Tỉnh Hà Tĩnh cho F0 không có triệu chứng điều trị tại nhà, F0 có triệu chứng nhẹ hoặc vừa được điều trị tại Bệnh viện Phổi của tỉnh, F0 có triệu chứng nặng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Tại thời điểm hiện nay chỉ có một số bệnh nhân phải thở ô-xy, chưa bệnh nhân nào phải can thiệp bằng máy. Qua rà soát, F0 tại nhà ở Hà Tĩnh chiếm hơn 95%, do đó Sở Y tế đang chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung theo dõi, hướng dẫn các ca bệnh phương pháp điều trị tại nhà thông qua phần mềm quản lý F0 tại nhà, cung cấp đầy đủ thuốc cho người bệnh điều trị theo phác đồ. Ngành y tế đã chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ, đội điều trị y tế lưu động để hỗ trợ, hướng dẫn các trường hợp F0 tại nhà.
Để nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục yêu các địa phương chỉ đạo các cơ sở điều trị phân tầng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tầng để không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi chưa cần thiết, nhưng cũng tránh tình trạng chủ quan, khiến bệnh nhân chuyển đến tầng 3 muộn. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại ngay từ khi nhập viện, đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.
(Báo Nhân dân)
Virus Ebola vẫn tồn tại trong não người nhiều năm sau khi khỏi bệnh
Các nhà khoa học cảnh báo dịch Ebola có thể tái bùng phát khi một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng loại virus này vẫn tồn tại trong não người nhiều năm sau khi khỏi bệnh.
Theo đài RT (Nga), các nhà nghiên cứu cảnh báo một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên hành tinh do virus Ebola (EBOV) gây ra có thể tái bùng phát. Nghiên cứu mới, được giới khoa học đánh giá là bước đột phá, đã phát hiện ra virus Ebola có thể ẩn náu trong não của những người đã hồi phục nhiều năm sau khi điều trị bằng phương pháp kháng thể.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y tế Quân đội Mỹ về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID). Họ đã liên hệ một số đợt bùng dịch Ebola gần đây ở châu Phi với tình trạng tái lây nhiễm ở những bệnh nhân đã từng mắc bệnh, để tìm ra chính xác vị trí trú ngụ của virus trong cơ thể, nơi giúp nó né tránh kháng thể. Để xác định nơi virus ẩn náu, họ đã thực hiện các thí nghiệm trên khỉ để mô phỏng căn bệnh do virus Ebola gây ra ở người.
Họ phát hiện ra rằng não của khoảng 1/5 con khỉ Macaque nhiễm Ebola, đã được điều trị bằng kháng thể đơn dòng (mAb), vẫn có tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng và tải lượng virus lớn. Virus tồn tại chủ yếu trong hệ thống não thất - nơi sản xuất, lưu thông và chứa dịch não tủy. Dù đã bị tiêu diệt ở tất cả các cơ quan khác bằng phương pháp điều trị hiệu quả, virus vẫn có thể tái xuất hiện và gây ra bệnh chết người, đồng thời làm tổn hại nghiêm trọng đến các mô não.
“Những phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với nỗ lực nghiên cứu lâu dài, nhằm giảm thiểu hậu quả của tình trạng tái lây nhiễm và những tác động đến sức khỏe cộng đồng”, các tác giả cảnh báo.
Trong một số đợt dịch Ebola tồi tệ nhất gần đây ở tây Phi, khu vực này đã ghi nhận trên 28.600 trường hợp nhiễm bệnh trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016. Trên 11.300 bệnh nhân đã tử vong, virus vẫn tồn tại trong não của nhiều người sống sót và khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Năm ngoái, một đợt bùng phát dịch do virus Ebola gây ra ở Guinea cũng liên quan đến một số trường hợp bệnh nhân tái nhiễm. Những người này đều đã sống sót sau đợt bùng dịch lớn trước đó ít nhất 5 năm trước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, giới khoa học vẫn chưa tìm ra vị trí ẩn náu chính xác của virus trong cơ thể người.
Bệnh Ebola còn được biết đến như bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra, được cho là tìm thấy trên dơi. Dịch bệnh này xuất hiện lần đầu tiên tại CHDC Congo vào năm 1976 và nó vẫn thường xuyên xuất hiện trở lại ở quốc gia này. Người mắc Ebola thường có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức toàn thân hoặc khó chịu. Nhiều trường hợp nặng bệnh nhân có thể xuất huyết bên trong và bên ngoài. Đây là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%.