Người dân cần thông tin kịp thời, chính xác
Những ngày qua, con số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao tại Hà Nội và nhiều địa phương khác. Dự đoán con số sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Hà Nội có thể lên tới trên 50.000 ca mỗi ngày…
Do đặc tính của biến thể Omicron, và đặc biệt là do độ bao phủ vaccine cao, nên số ca chuyển nặng phải nhập viện và tử vong vẫn ở trong tầm kiểm soát. Điều đó cũng có nghĩa là số F0 điều trị, cách ly tại nhà cũng tăng cao, chiếm trên 95% số ca mắc.
Tình trạng đó đã tạo áp lực cho hệ thống y tế các phường xã, đồng thời cũng tạo ra cơn sốt các loại kit test, thuốc kháng virus…
Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tình trạng trên đang từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là việc xuất hiện tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội về các loại thuốc điều trị Covid-19, các loại kít xét nghiệm, cách chữa, cách phòng chống… khiến người dân, đặc biệt là các F0 điều trị tại nhà, như lạc giữa trận đồ bát quái. Không khó thấy những thông tin quảng cáo tràn lan về những loại thuốc “chỉ cần uống 3 ngày là âm tính, hết Covid-19", cũng không ít người tự xưng là bác sĩ, lương y… để tư vấn về Covid-19. Vì tâm lý muốn nhanh khỏi bệnh cùng những lý do khác, nhiều người dân đã dễ dàng tin theo và vội vã chia sẻ thông tin khi chưa kiểm chứng. Hậu quả là nhiều người tiền mất, tật mang.
Trong khi đó, ngành Y tế và các cơ quan chức năng đã có hướng dẫn khá đầy đủ về những điều cần thực hiện đối với việc F0 điều trị tại nhà, từ việc xác định F0 nào được điều trị tại nhà, những việc F0 cần làm, cách theo dõi nhịp thở, danh mục thuốc điều trị, cách dùng thuốc hạ sốt… đến việc nhận biết các dấu hiệu suy hô hấp, dấu hiệu bệnh nhân trở nặng cần đi cấp cứu…
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng những thông tin đó cùng nhiều thông tin về công tác phòng chống dịch không phải bao giờ cũng đến được với mỗi người dân một cách đầy đủ, chính xác. Một phần cũng bởi nó khá dài, nặng về chuyên môn. Phần khác, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận những thông tin này trên các kênh truyền thông. Trong khi đó, các thông tin không chính thống lại tiếp cận người dân từ mọi ngả. Cũng có thể nói đó là một trong những nguyên nhân tạo ra tình trạng “loạn” quảng cáo thuốc, đơn thuốc, biện pháp chữa bệnh nói trên, vốn rất sẵn trên mạng xã hội.
Từ thực tế trên, xin thử nêu một số việc cần làm. Trước hết, cần làm sao để những thông tin cần thiết đến được với mỗi người dân một cách kịp thời, chính xác. Chúng ta đã làm rất tốt việc tuyên truyền về sự cần thiết cũng như hướng dẫn thực hiện các biện pháp 5K đến ngưới dân thời gian qua. Cách làm đó đã có tác dụng tốt trong phòng chống dịch bệnh. Nếu 9 điều cần biết về điều trị F0 tại nhà được cô đọng lại cho dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng được tuyên truyền tốt như với thông điệp 5K chắc người dân sẽ dễ tiếp cận và thực hiện hơn, không bị nhiễu loạn bởi những thông tin không chính xác.
Mặt khác, theo Nghị định 101/2020 của Chính phủ, người đưa thông tin sai sự thật về Covid-19 có thể bị phạt tiền lên tới hàng trăm triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù đến 7 năm. Chúng ta đã có những biện pháp ngăn ngừa, răn đe và trong thực tế đã xử phạt những người có hành vi nói trên.
Liệu có nên coi những người đưa thông tin sai về thuốc kháng virus, về cách điều trị… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân là những đối tượng vi phạm cần nghiêm khắc xử lý?
Đưa thông tin đến với người dân kịp thời, chính xác, đồng thời ngăn chặn tình trạng nhiễu loạn thông tin là việc làm cần thiết góp phần phòng chống đại dịch một cách an toàn, hiệu quả.
(Báo Kinh tế đô thị)
Ông Chu Ngọc Anh: Hà Nội kiểm soát chủ động dịch COVID-19
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, từ thành phố đến cơ sở đã kiểm soát một cách chủ động dịch COVID-19.
Kết luận Hội nghị giao ban công tác tháng 3/2022 của UBND thành phố Hà Nội diễn ra ngày 11/3, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhận định, thành phố đang thích ứng linh hoạt khi từ thành phố đến cơ sở kiểm soát một cách chủ động dịch COVID-19.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, thành phố vượt qua khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là với y tế cơ sở, khi số ca nhiễm COVID-19 với biến chủng Omicron tăng đột biến. Trong hoàn cảnh như vậy, thành phố đã tập trung chăm sóc, quản lý được đối tượng nguy cơ cao.
“Các cấp, các ngành đã vào cuộc đúng tinh thần, nỗ lực và quyết tâm cao nhất cho năm bản lề 2022, bức tranh chung có nhiều điểm sáng. Vì vậy các đơn vị cần phát huy những thành quả đã đạt được, có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm 2022”, ông Chu Ngọc Anh nói.
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 3, quý I và các tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung cao độ thực hiện những nhiệm vụ chính trị đặt ra với địa bàn Thủ đô, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội và chương trình của thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, “phục hồi tốt nhưng phải thích ứng an toàn, linh hoạt”. Với tinh thần này, các sở, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tất cả các khâu, lĩnh vực quản lý, đồng thời phải có chỉ tiêu, chỉ số cải cách hành chính của đơn vị theo hướng thực chất.
Về thí điểm cấp mã số định danh điện tử cho công dân mà Công an thành phố đang triển khai, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là nền tảng quan trọng để gắn với dịch vụ công thiết yếu, làm tốt nhiệm vụ này sẽ mang lại hiệu quả trong điều hành kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các ngành, các cấp tập trung kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ca mắc COVID-19 chuyển nặng, chuyển tầng điều trị. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; giữ vững nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”, không lơ là, chủ quan. Về đối tượng nguy cơ cao, cần khẩn trương có kế hoạch cụ thể để có biện pháp bảo vệ.
Theo Chủ tịch Hà Nội, đây là năm đặc biệt, UBND thành phố có niềm tin sang quý II-2022 sẽ đạt được kết quả tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển dài và rộng hơn cho Thủ đô.
(Báo VTC News)
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19
Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1157/BYT-KHTC ngày 10/3/2022 đề nghị Sở Y tế, Y tế Bộ ngành, cơ sở y tế công lập và tư nhân trên toàn quốc thực hiện quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Thông tư 02/2022/TT-BYT ngày 18/2/2022, có hiệu lực từ ngày 21/2/2022 (Thông tư này thay thế Thông tư 16/2021/TT-BYT ngày 8/11/2021của Bộ Y tế).
Trong đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền của địa phương quy định mức giá trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế áp dụng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn địa phương theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BYT ngày 18/2/2022
Đối với việc thu và thanh toán chi phí xét nghiệm từng đối tượng thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các cơ sở y tế lưu ý thực hiện phương pháp xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả. Trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn hoặc mức giá của mẫu gộp thấp hơn (thí dụ gộp mẫu 10 nhưng áp mức giá gộp mẫu 5) để thu và thanh toán với người bệnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.
Cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Bảo đảm đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh. Cơ sở y tế không được thu thêm của người bệnh hoặc yêu cầu người bệnh tự chi trả các chi phí liên quan đến việc thực hiện xét nghiệm (thí dụ tự mua test xét nghiệm nhanh).
Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 theo quy định: không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, đồng thời phải thực hiện việc quyết định mức giá, kê khai giá, niêm yết giá theo đúng quy định.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (Trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn). Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp các Sở/Ban/Ngành liên quan hoặc báo cáo UBND các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh xin ý kiến chỉ đạo để giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư. Trường hợp quá khả năng báo cáo bằng văn bản về Bộ Y tế để kịp thời hướng dẫn, giải quyết.