Trẻ từng là F0, bỗng dưng sốt - Dấu hiệu mắc bệnh nguy hiểm hậu COVID-19
Một tháng sau khi mắc COVID-19, bé trai 11 tuổi bỗng dưng sốt lại, kèm theo sưng hạch, đỏ mắt, đau bụng, nổi ban ở da… trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C; Trường hợp khác là bé gái 7 tuổi cũng bị sốt sau 2 tuần khỏi COVID-19, nhập viện trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C...
Một tháng sau mắc COVID-19, trẻ bỗng sốt cao, trẻ bị mắc hội chứng MIS-C
Bé trai 11 tuổi điều trị tại khoa Dị ứng-Miễn dịch-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Chị Thảo, mẹ bệnh nhi cho biết con trai chị hơi béo, 11 tuổi nặng 43kg. Lúc mắc COVID-19, cháu không có triệu chứng gì, không sốt, vì mẹ test nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính nên đã test kiểm tra cho con thì phát hiện cháu cũng dương tính. Hơn 1 tuần sau, cháu âm tính.
Tuy nhiên theo chị Thảo, khoảng một tháng sau khi mắc COVID-19, bé bỗng dưng sốt cao 40 độ C, run lẩy bẩy, sưng hạch, đỏ mắt, đau bụng, nổi ban trên da nên gia đình đưa đến khám tại bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán bị viêm hạch. Tuy nhiên, sau 4 ngày, tình trạng sốt của con không thuyên giảm, gia đình chị đã xin chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Tại đây, qua thăm khám và khai thác bệnh sử, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C (hay hội chứng viêm đa hệ thống) liên quan tới nhiễm SARS-CoV-2.
Trường hợp trẻ mắc hội chứng MIS-C như bé trai kể trên thời gian gần đây khá thường gặp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. TS.BS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp cho biết một tháng gần đây, tại Bệnh viện có nhiều trẻ mắc hội chứng MIS-C nhập viện. Đặc biệt, trong thời gian gần đây số lượng trẻ nhập viện nhiều hơn, trước đây lẻ tẻ 2-3 ca/tuần, tối đa 5 ca/ngày, tuy nhiên hiện giờ tăng hơn.
Những trường hợp nặng đe dọa tính mạng như biểu hiện sốc, suy giảm chức năng cơ tim nặng sẽ được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Những trẻ không có biểu hiện nặng như trên sẽ điều trị tại khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp. Đa phần trẻ đáp ứng tốt với điều trị.
Hơn 1 tuần trước, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) đã tiếp nhận nữ bệnh nhi N.T.K.B (7 tuổi trú tại Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng tổn thương tim trầm trọng và cần phải can thiệp ECMO ngay lập tức.
BSCK II Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay: "Đây là một trong các biểu hiện của hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương tim nặng".
Khi nào nên nghi ngờ trẻ mắc hội chứng MIS-C?
Từ thực tế thăm khám và tiếp nhận điều trị bệnh nhân thời gian qua, TS.BS Lê Quỳnh Chi cho hay trẻ mắc hội chứng MIS-C chủ yếu là trẻ lớn từ 6 -12 tuổi, trẻ dưới 3 tuổi ít gặp hơn với dấu hiệu chắc chắn là trẻ có sốt.
Ngoài ra, còn kèm theo một số biểu hiện toàn thân, đa cơ quan như phát ban da, nổi hạch, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa đau bụng nôn, đi ngoài phân lỏng. Một số trẻ ho, môi đỏ, lưỡi gai, phù nề mu bàn tay, chân. Nặng hơn trẻ có thể rất mệt, có biểu hiện suy tuần hoàn, đau đầu, co giật, suy tim, rối loạn nhịp tim…
Tuy nhiên, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng nhấn mạnh không phải trẻ nào mắc COVID-19 cũng bị hội chứng này, mà xuất hiện trên những trẻ có đáp ứng miễn dịch quá mức, cơ chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn không kiểm soát được cơn bão cytokine.
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng liệu một trẻ đang mắc COVID-19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, nguy cơ mắc MIS-C cao hơn so với trẻ đã được tiêm vaccine.
Tỷ lệ mắc MIS-C khá thấp. Ở Mỹ, cứ khoảng 3000-4000 trẻ nhiễm SARS-CoV-2 thì có 1 trẻ bị MIS-C sau đó. Số liệu chính xác về tỷ lệ mắc MIS-C ở trẻ em Việt nam cũng như ở các nước châu Á chưa rõ, tuy nhiên có thể thấp hơn ở các nước Âu- Mỹ.
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, các bậc phụ huynh nghĩ tới con mình bị MIS-C và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các biểu hiện sau:
Trẻ sốt cao liên tục > 38,5 độ C, kèm theo có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ, khô nứt, họng đỏ.
Trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như: thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.
Mặc dù MIS-C xảy ra sau mắc COVID-19, nhưng đa phần COVID-19 ở trẻ em thường không có triệu chứng hoặc nhẹ. Nên trong tình hình dịch bệnh xảy ra như hiện nay, cần nghĩ tới MIS-C khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ, kể cả khi không biết rõ trẻ đã bị mắc COVID-19 trước đó hay không.
Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc COVID-19. Cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch như 5K và cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch. Tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 giúp trẻ giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng/nguy kịch, đồng thời cũng giảm nguy cơ bị hội chứng MIS-C.
Với trẻ đang mắc hoặc sau mắc COVID-19, nếu xuất hiện các biểu hiện sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa cần phải nghĩ tới MIS-C và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.
(suckhoedoisong.vn)
Nguy cơ gián đoạn nguồn cung thuốc
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc điều trị bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 là vấn đề được các chuyên gia cảnh báo và cộng đồng doanh nghiệp dược dự đoán trước
Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn, nếu không có sự phối hợp đồng bộ, hành động quyết liệt nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục gia hạn hiệu lực số đăng ký của thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc.
Đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 22.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực. Trong đó, có 12.896 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hiệu lực trong giai đoạn từ cuối năm 2011 đến ngày 31/12/2022. Vì vậy, việc nhiều người lo lắng nguồn cung ứng thuốc phục vụ chống dịch Covid-19 nói riêng và thuốc chữa bệnh nói chung bị gián đoạn là có cơ sở, nếu số giấy đăng ký lưu hành bị hết hạn trong năm nay không được gia hạn kịp thời.
Thực ra những lo lắng này cũng đã được Chính phủ tính toán từ quý 3 năm 2021, khi dịch Covid-19 đang lên đỉnh; tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng đã tác động toàn diện lên mọi mặt đời sống xã hội, cản trở nhiều hoạt động bình thường của công tác điều hành bộ máy chống dịch.
Bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng
Với tinh thần “thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, cần phải có chính sách đặc biệt”, Quốc hội luôn thể hiện sự đồng hành với Chính phủ khi ban hành nghị quyết 12 ngày 30/12/2021 nhằm kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhất là khi chúng ta quyết tâm chuyển hướng phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa.
Nghị quyết cho thấy quyết tâm của UBTV Quốc hội và Chính phủ nhằm bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân nói chung và phòng chống dịch nói riêng, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh hoạt động đúng pháp luật.
Khoản 5 điều 6 của nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 quy định:“Đối với giấy đăng kí lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31/12/2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022 để đảm bảo phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh”.
Qui định là vậy. Nhưng đã hơn 3 tháng, việc gia hạn đối với Giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực trên thực tế vẫn chưa được thực hiện. Ngành Hải quan và một số cơ quan chức năng khác cho rằng qui định “không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19” là chưa rõ ràng, dẫn đến có những cách hiểu khác nhau, nên yêu cầu phải có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về các mặt hàng thuốc được áp dụng điều khoản này mới cho thông quan; hoặc chỉ cho thông quan các loại thuốc điều trị Covid-19.
Trong khi đó, UBTV Quốc hội chỉ yêu cầu Chính phủ qui định chi tiết thi hành khoản 1 và khoản 2 mà không yêu cầu như vậy đối với khoản 5 của điều 6 nghị quyết này.
Tình trạng chưa có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý; sự lúng túng của Bộ Y tế trong việc triển khai thực hiện nghị quyết 12 của UBTV Quốc hội đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất dược phẩm; khiến nhiều loại thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc không được Hải quan chấp nhận cho nhập khẩu hay để sản xuất trong nước, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu thuốc chữa bệnh, doanh nghiệp sản xuất phải thu hẹp, người lao động có khả năng thiếu việc làm…
Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, hiện đã có hơn 500 giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực, gồm các nhóm thuốc phục vụ điều trị hậu Covid như kháng sinh, thuốc điều trị bệnh mãn tính và vắc xin phòng bệnh. Một số doanh nghiệp đang tồn đọng hàng trăm số đăng ký chưa được gia hạn, rất nhiều giấy đăng ký đã hết hiệu lực trong quý 1/2022.
Nếu gần 13.000 giấy đăng ký hết hạn lưu hành trong khoảng thời gian từ nay đến cuối tháng 12 không được gia hạn kịp thời, nguy cơ gián đoạn nguồn cung ứng thuốc sẽ là hiện hữu, hàng triệu bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng bởi khó tiếp cận với nguồn thuốc điều trị. Nhất là khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, số người nhiễm tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao (hơn 23.000 ca trong ngày 11/4) và 99% số ca mắc Covid-19 điều trị tại nhà.
Cần triển khai nhanh nghị quyết 12
Trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu đảm bảo nguồn cung thuốc (sản xuất trong nước và nhập khẩu) phục vụ khám chữa bệnh nói chung, thuốc điều trị Covid-19 nói riêng là cực kỳ quan trọng, cần sự nỗ lực rất lớn của các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong ngành dược.
Vì vậy, việc triển khai nhanh nghị quyết 12, trong đó có qui định riêng về tự động gia hạn cho tất cả những giấy đăng ký lưu hành đã hết hạn đến cuối tháng 12/2022, là điều kiện tiên quyết cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu hoạt động đúng pháp luật, không để đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hơn lúc nào hết, cần có sự chỉ đạo đạo quyết liệt giải quyết thách thức này dứt điểm từ Chính phủ để đảm bảo hiệu lực cũng như ý nghĩa tích cực của nghị quyết này là nhằm hỗ trợ hàng triệu bệnh nhân duy trì khả năng tiếp cận các loại thuốc đang sử dụng.
Với vai trò là Bộ chuyên ngành, cơ quan tham mưu chính trong việc triển khai thi hành nghị quyết 12/2021 của UBTV Quốc hội, Bộ Y tế cần đẩy nhanh hơn nữa việc công khai các thủ tục liên quan đến danh sách, hồ sơ chuyên môn số Giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc của các doanh nghiệp để có sự phối hợp tốt hơn với các ngành hữu quan trong việc giải quyết các thủ tục nhập khẩu thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc.
Trên thực tế, có nhiều loại thuốc đã lưu hành nhiều năm trên thế giới cũng như tại Việt Nam và chất lượng đã được khẳng định; đồng thời không vi phạm về chất lượng thì việc quy định phải gia hạn lưu hành là không cần thiết.
Thực tế này cũng đã được Bộ Y tế ghi nhận và xác định lộ trình thực hiện tại quyết định 1661/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế do Thủ tướng ban hành. Với tình hình khẩn cấp hiện tại, cần đẩy nhanh hơn nữa lộ trình thực hiện chủ trương này.