Khỏi Covid-19, F0 vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến chủng mới
Các chuyên gia cho rằng với sự xuất hiện của biến chủng mới, F0 khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 nhưng diễn biến bệnh sẽ không nặng.
Theo thống kê của Bộ Y tế tính tới hết ngày 11/1, Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron. Các trường hợp này đều đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, việc các biến chủng mới xuất hiện vẫn mang tới lo ngại về khả năng tái nhiễm virus đối với những trường hợp từng mắc bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ này có thể xảy ra. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra tình huống này không cao. Thậm chí với những người đã tiêm chủng vaccine, diễn biến bệnh sau khi tái nhiễm SARS-CoV-2 cũng sẽ rất nhẹ.
Nguy cơ có thật
Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết các F0 sau khi khỏi bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2.
“Những người tái nhiễm biến chủng mới vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa tiêm vaccine. Diễn biến bệnh khi tái nhiễm cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ ác tính của biến chủng”, vị chuyên gia cho biết.
Bác sĩ này lấy ví dụ một trường hợp từng nhiễm biến chủng Alpha và khỏi bệnh, sau đó tiếp tục nhiễm biến chủng Delta. Do biến chủng Delta có mức độ độc tính cao hơn nên người tái nhiễm vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa đảm bảo đủ mũi vaccine.
Trong khi đó, các báo cáo hiện tại cho thấy biến chủng Omicron có mức độ độc tính thấp hơn. Người tái nhiễm SARS-CoV-2 với biến chủng này có thể diễn biến bệnh nhẹ hơn.
Ngược lại, những trường hợp đã tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh Covid-19, diễn biến bệnh khi tái nhiễm cũng tương tự những người bình thường khác.
Theo bác sĩ Phúc, những trường hợp có nguy cơ tái nhiễm virus cao vẫn là nhóm hệ miễn dịch kém, mắc bệnh nền, người cao tuổi.
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 với biến chủng Omicron của người từng nhiễm biến chủng Delta cao hơn nhóm từng nhiễm Alpha.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định hiện nay, những người từng nhiễm biến chủng Delta và tái nhiễm với Omicron có diễn biến bệnh rất nhẹ. Khả năng xảy ra tình huống này cũng rất thấp.
Bác sĩ Khanh lưu ý: “Một vấn đề quan trọng và cũng rất đáng lo ngại là nhiều trường hợp có thể có kết quả xét nghiệm sai ở lần nhiễm virus đầu tiên. Việc này khiến F0 dễ có tâm lý chủ quan, tưởng tái nhiễm nhưng thực tế là nhiễm lần đầu”.
Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân sau khi khỏi Covid-19 vẫn nên cố gắng tiêm đủ 3 mũi vaccine (liều cơ bản và nhắc lại), thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K.
Ngoài ra, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cũng khẳng định việc tiêm vaccine đầy đủ sẽ hạn chế được nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 từ những biến chủng mới. Theo ông, bản thân biến chủng Omicron cũng rất khó lây nhiễm ở những người đã tiêm 3 mũi vaccine.
Phân biệt rõ tái dương tính và tái nhiễm SARS-CoV-2
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa tiếp nhận trường hợp tái nhiễm nCoV nào. Trong quá khứ, Việt Nam cũng từng phát hiện nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp này đều chỉ là tái dương tính với virus.
Phân biệt 2 tình trạng này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc Covid-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn.
“Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi Covid-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm”, bác sĩ Cấp giải thích.
Để khẳng định bệnh nhân tái dương tính hay tái nhiễm, vị chuyên gia này cho biết có rất nhiều cách, trong đó nuôi cấy virus có giá trị khẳng định cao nhất. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện, tỷ lệ thành công thấp và cho kết quả muộn. Việt Nam hiện sử dụng phương pháp rRT-PCR để tìm chất liệu di truyền (ARN) của virus.
Theo tiêu chuẩn của WHO, ở ngưỡng phát hiện 100 bản sao trên mỗi phản ứng, xét nghiệm phải đạt độ nhạy 95%. Do đó, những bệnh nhân Covid-19 giai đoạn đầu hoặc đang hồi phục sẽ có nồng độ virus ở ranh giới giữa âm và dương tính. Ngoài ra, kết quả còn phụ thuộc mức độ tập trung của virus trong mẫu bệnh phẩm.
Do xét nghiệm chỉ xác định được ARN (một mảnh trong cấu trúc) của virus, một số trường hợp khỏi bệnh, SARS-CoV-2 chết nhưng vẫn còn vài mảnh xác lưu lại trong mô. Lúc này, bệnh phẩm đưa vào xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính. Những trường hợp này được gọi là tái dương tính với virus.
Trong khi đó, cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là họ từng mắc Covid-19, đủ tiêu chuẩn khỏi bệnh và có thời gian dài sạch virus. Các trường hợp này mắc bệnh lần thứ 2, nuôi cấy virus có phát triển. Qua đó, chúng ta có thể kết luận bệnh nhân mang virus sống thay vì mảnh xác tồn lưu từ lần nhiễm trước.
Kết quả nghiên cứu mới đây của ICL dựa trên dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) và Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) về những người có kết quả xét nghiệm dương tính trong giai đoạn 29/11-11/12/2021 cho thấy Omicron có liên quan đến nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5,4 lần so với Delta.
Dữ liệu được ICL phân tích dựa trên 333.000 ca mắc Covid-19, bao gồm 122.062 ca nhiễm biến chủng Delta và 1.846 ca được xác nhận nhiễm Omicron thông qua giải trình tự gene.
Khả năng bảo vệ do đã mắc Covid-19 chống lại sự tái nhiễm với Omicron có thể thấp tới 19%, ICL cho biết trong một tuyên bố. Nghiên cứu vẫn chưa được bình duyệt.
Zingnews.vn
Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiêm vaccine, cả nước ghi nhận 35 ca nhiễm Omicron
Trong 24h qua, số ca dương tính SARS-CoV-2 ở các địa phương tiếp tục tăng, cả nước ghi nhận 35 người nhiễm biến thể Omicron.
Trước nguy cơ lây lan dịch trong dịp Tết Nguyên đán, tỷ lệ bệnh nặng, tử vong rơi vào nhóm chưa tiêm chủng đủ liều, chưa tiêm vaccine, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung quản lý, bảo vệ tối đa người có nguy cơ cao (người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn.
Hà Nội 2.900 ca
Hôm qua (12/1), Hà Nội ghi nhận 2.948 ca dương tính SARS-CoV-2 (670 F0 cộng đồng). Đây là ngày ghi nhận ca mắc mới cao nhất từ khi bùng dịch. Bệnh nhân phân bố tại 395 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Ba Đình (116), Hoài Đức (111), Bắc Từ Liêm (98), Long Biên (94), Hoàn Kiếm (93), Đống Đa (83). Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 79.615 ca.
Nam Định 227 ca
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, ngày 12/1, tỉnh ghi nhận 227 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 (hơn 100 ca cộng đồng).
Thái Bình 103 F0
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình ghi nhận 103 F0 mới tại 8 huyện, thành phố (28 ca cộng đồng, 75 trường hợp trong khu cách ly tập trung).
Thanh Hóa 377 F0
Thanh Hóa ghi nhận 377 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 (178 ca cộng đồng). Tỷ lệ bao phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 99,41%, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi đạt 96,52%, trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 99,0%, trẻ 12 đế 17 tuổi tiêm đủ mũi đạt tỷ lệ 46,9%, 28.891 người tiêm mũi bổ sung và 10.081 người tiêm mũi nhắc lại.
Nghệ An 146 F0
Tỉnh Nghệ An ghi nhận 146 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 (42 ca được phát hiện ngoài cộng đồng).
Trong ngày, địa phương thêm 94 bệnh nhân điều trị khỏi, không ghi nhận ca tử vong. Đến nay, tỉnh có 9.504 bệnh nhân COVID-19, 8.148 bệnh nhân đã ra viện, 36 trường hợp tử vong, hiện đang điều trị 1.320 bệnh nhân .
Quảng Bình 103 ca
Hôm qua, Quảng Bình ghi nhận 103 ca dương tính SARS-CoV-2 (81 ca cộng đồng). Trong ngày, thêm 43 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh. Đến nay, tỉnh ghi nhận 4.523 ca mắc COVID-19, 3.792 người khỏi bệnh, 637 người đang tiếp tục điều trị.
Long An 1 người nhiễm Omicron
Sở Y tế Long An ghi nhận 1 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên do Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gene. Bệnh nhân mang mã số 1750327 (SN 1965, quốc tịch Trung Quốc), là chuyên gia của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa, Long An.
Trước đó, Bộ Y tế ghi nhận 34 ca mắc đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3). Như vậy Long An là địa phương thứ 8 có ca nhiễm biến chủng này.
Tiền Giang cao nhất miền Tây
Cà Mau ghi nhận 535 ca dương tính SARS-CoV-2 (477 ca cộng đồng), nâng tổng số F0 đến nay là 45.145 ca. Trong ngày, tỉnh này điều trị khỏi 712 ca, thêm 4 trường hợp tử vong, nâng số tử vong lên 236 ca.
Bạc Liêu thêm 210 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc đến nay là 33.244 ca. Trong ngày, 441 ca điều trị khỏi, 4 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong là 285 ca. Tỉnh đang điều trị 3.018 ca (trong đó tại nhà 1.487 ca).
Cần Thơ phát hiện thêm 161 ca dương tính SARS-CoV-2, 142 người điều trị khỏi, 7 ca tử vong. F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 10.318 ca và tại cơ sở y tế là 1.211 ca.
Vĩnh Long ghi nhận thêm 347 ca mắc (254 F0 cộng đồng), điều trị khỏi 179 ca, 15 ca tử vong.
Đồng Tháp thêm 134 ca dương tính SARS-CoV-2 (58 ca trong cộng đồng), 113 ca điều trị khỏi, tử vong 14 ca.
Bến Tre thêm 507 ca dương tính SARS-CoV-2 (504 ca cộng đồng), nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh đến nay là hơn 30.431 ca. Trong ngày ghi nhận 949 F0 kết thúc điều trị và 6 ca tử vong.
Tiền Giang thêm 743 ca mắc (4 ca cộng đồng), điều trị khỏi 107 ca, tử vong 13 ca. Đến nay số người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi một đạt hơn 101%, tiêm đủ 2 mũi trên 97%. Còn số người từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi một trên 91% và mũi 2 trên 85%.
Trà Vinh phát hiện 399 ca dương tính SARS-CoV-2 (379 F0 cộng đồng), 620 ca khỏi bệnh, 2 trường hợp tử vong. Toàn tỉnh đang cách ly điều trị 8.890 ca. Đến nay, tỉnh ghi nhận 33.227 ca mắc COVID-19, 24.146 ca đã khỏi bệnh, 191 ca tử vong.
Hậu Giang thêm 488 ca mắc (485 F0 cộng đồng). Tính đến nay tỉnh này ghi nhận 21.700 ca mắc. Trong ngày 146 trường hợp được điều trị khỏi và 2 ca tử vong.
Vtc.vn
Bảo đảm nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị dịp Tết
Mỗi dịp Tết, tình trạng khan hiếm máu thường xảy ra do nhu cầu sử dụng trong cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước khá lớn. Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế đang tích cực triển khai các hoạt động hiến máu tình nguyện, với mục tiêu thêm một đơn vị máu an toàn, là thêm phao cứu sinh quý giá cho người bệnh trên cả nước.
Đánh giá về nhu cầu máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế), TS Bạch Quốc Khánh cho biết: Còn khoảng ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Tết càng đến gần thì ngành y tế và người bệnh càng canh cánh nỗi lo thiếu máu. Riêng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cần tối thiểu 50 nghìn đơn vị máu trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, với các lịch hiến máu đã có, viện vẫn còn thiếu 15 nghìn đơn vị máu và 2.000 đơn vị tiểu cầu, chưa kể tình trạng mất cân đối giữa các nhóm máu cũng có thể xảy ra (thiếu máu nhóm O, nhóm A). Nguyên nhân là do Tết Nguyên đán năm 2022, thời gian nghỉ kéo dài tới chín ngày. Trong khi vào dịp này tình trạng khan hiếm máu thường xuyên xảy ra do đây cũng là thời điểm số ca tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt... gia tăng; nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính mong muốn điều trị ổn định để được ra viện về với gia đình đón Tết…
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho biết: Các hoạt động hiến máu tình nguyện được tổ chức trong nhiều năm qua giúp các đơn vị chức năng có nhiều kinh nghiệm ứng phó tình trạng thiếu máu trong dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 hết sức phức tạp, cho nên cách đây vài tháng các đơn vị đã xây dựng kế hoạch để làm sao đáp ứng được nhu cầu máu trong dịp Tết này. Theo dự báo, trong tháng 1 và đầu tháng 2/2022, thiếu khoảng 15 nghìn đơn vị máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh. "Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút triển khai các biện pháp để tổ chức các chương trình, sự kiện như: Chủ nhật Ðỏ, Blouse trắng-Trái tim hồng của cán bộ y tế…, với mục tiêu phấn đấu đến trước thời gian nghỉ Tết sẽ tổ chức tại mỗi tỉnh, mỗi đơn vị lớn một ngày hiến máu, nhất là vận động người dân sinh sống chung quanh khu vực đến tham gia hiến máu.
Ðáng chú ý, qua công tác tuyên truyền, vận động nhận thức, sự sẵn sàng của người dân tham gia hiến máu tình nguyện rất cao. Nhất là mỗi lần khi Ngân hàng dự trữ máu quốc gia thiếu máu và ra lời kêu gọi, chỉ trong khoảng thời gian ngắn thường có từ 10 nghìn đến 20 nghìn người tham gia hiến máu. Nhờ đó đã kịp thời khắc phục và xử lý tình trạng thiếu máu phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên cả nước. Từ kinh nghiệm của những năm trước đây, năm 2022, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, các đơn vị tổ chức hiến máu tình nguyện đã chia ra rất nhiều các điểm nhỏ, gần người dân và thông qua các phương tiện truyền thông, tin nhắn, mạng xã hội… kêu gọi, vận động người dân tích cực tham gia hiến máu. Những người tham gia hiến máu luôn thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế; tăng cường các biện pháp phòng dịch như đăng ký trực tuyến, người tham gia hiến máu tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, được xét nghiệm thường quy mới được tham gia hiến máu.
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Chương trình hiến máu Chủ nhật Ðỏ lần thứ 14, phát huy hiệu quả sau nhiều năm triển khai, để góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngày 16/1 tới, Chương trình hiến máu Chủ nhật Ðỏ lần thứ 14, với thông điệp "Hiến máu cứu người-Sinh mệnh của Bạn và Tôi" sẽ chính thức khai mạc. Chương trình do Báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố tổ chức. Chương trình hiến máu Chủ nhật Ðỏ năm 2022 đã nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, nhất là sự vào cuộc của hơn 40 tỉnh, thành phố và dự kiến tiếp nhận khoảng từ 45 nghìn đến 50 nghìn đơn vị máu. Mặc dù, chưa chính thức khai mạc nhưng từ tháng 11/2021 đến nay, các điểm hiến máu của Chủ nhật Ðỏ tại 15 địa phương đã tiếp nhận gần 6.000 đơn vị máu. Hy vọng, thông qua chương trình thêm một đơn vị máu, thêm một đơn vị tiểu cầu an toàn trong lúc Tết cận kề, là thêm phao cứu sinh quý giá cho người bệnh trên cả nước.
Nhandan.vn
Hà Nội thêm 2.948 bệnh nhân COVID-19, quận Ba Đình dẫn đầu số ca mắc mới
Tối 12/1, Sở Y tế Hà Nội công bố thêm 2.948 ca COVID-19, trong đó 670 ca tại cộng đồng.
Các ca mắc mới phân bố tại 395 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Ba Đình (116); Hoài Đức (111); Bắc Từ Liêm (98); Long Biên (94); Hoàn Kiếm (93); Đống Đa (83)…
Như vậy, số ca COVID-19 tính từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 24/7) đến nay là 75.598 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4/2021) là 79.615 ca.
Tính từ ngày 15/12/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 33.184 trường hợp dương tính được xác định bằng test nhanh kháng nguyên tại 30 quận, huyện. Toàn thành phố có hơn 50.000 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly.
Trong ngày 11/1, thành phố tiêm được 62.276 liều vaccine, nâng tổng số mũi tiêm đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 lên 13.350.081.
Kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đã đạt được tỷ lệ 99,3% mũi 1 và 98,9% mũi 2; tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,7% mũi 1 và 96,9% mũi 2; trẻ từ 12-14 tuổi đạt tỷ lệ 99,5% mũi 1, 90,8% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt tỷ lệ 99,4% mũi 1 và 94% mũi 2.