*Sức khỏe của người bệnh là món quà quý
9h30 ngày 25-2, sau khi cùng ê kíp và gia đình vận chuyển một bệnh nhi tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chín trở về “nhà” - Phòng khám Bác sĩ gia đình, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (50C Hàng Bài). Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay là ngày chủ nhật, nhưng bác sĩ Nguyễn Ngọc Chín không dành cho bản thân một ngày để nghỉ ngơi. Mới sáng sớm, các thành viên trong gia đình đã thấy ông chuẩn bị túi đựng dụng cụ y tế, tất bật đi chăm sóc cho các ca F0 là người cao tuổi trên địa bàn. Bởi với ông, sức khỏe của người bệnh luôn là món quà quý...
Phục vụ người bệnh hết tâm sức
Sáng 25-2, dưới cửa Phòng khám Bác sĩ gia đình, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (50C Hàng Bài), ông Nguyễn Quang Lượng (ở 22 Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm) cũng vừa tới, nâng niu trên tay túi quà nhỏ. Sau những câu thăm hỏi, chúc mừng thân tình bác sĩ Chín cùng các y, bác sĩ như những người thân lâu ngày gặp lại, ông Lượng xúc động nhớ về quãng thời gian vợ ông được chăm sóc tận tình tại phòng khám này. Đã tròn 6 năm kể từ ngày bà ra đi vì bệnh phổi, năm nào cũng vậy, gần sát ngày tri ân các thầy thuốc, ông lại đến thăm hỏi những người mà ông luôn nói “mình mang ơn không bao giờ quên”...
Sau 25 năm làm việc tại Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, hiện giữ cương vị Trưởng phòng khám Bác sĩ gia đình, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chín (sinh năm 1970) luôn cùng tập thể y, bác sĩ phục vụ người bệnh hết tâm sức. “Mình phải thực sự trở thành thành viên của mỗi gia đình thì mới có được sự tin tưởng, yêu mến, từ đó có thể chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho mọi người theo đúng nghĩa của một bác sĩ gia đình”. Tâm niệm này của bản thân luôn được ông Chín chia sẻ cùng đồng nghiệp.
Hơn 2 năm qua, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, lượng bệnh nhân giảm mạnh, thay vì bố trí cho cán bộ, nhân viên nghỉ luân phiên, ông Chín đã động viên các y, bác sĩ và chính mình tình nguyện vào các ổ dịch trên địa bàn thành phố tại những thời điểm phức tạp nhất. Phòng khám cũng đã hỗ trợ tối đa lực lượng y tế các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai trong các đợt tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19. “Kết thúc công việc trong ngày, trở về nhà đã nửa đêm, tôi lặng lẽ về phòng riêng, ăn phần cơm vợ để dành, rồi tranh thủ chợp mắt để hôm sau lại lên đường từ sớm…”, ông Chín nhớ lại. Làm việc với cường độ cao và kéo dài trong nhiều ngày liên tục như vậy nhưng ông chưa khi nào thấy mệt mỏi hay đuối sức.
Giai đoạn hiện nay, khi số ca bệnh Covid-19 tại Hà Nội tăng mạnh, bác sĩ Chín là thành viên tích cực tham gia các nhóm tư vấn, điều trị trực tuyến cho các F0. Ông và đồng nghiệp thường xuyên gọi điện thoại qua video để nhìn sắc mặt bệnh nhân, hỏi thăm sức khỏe rồi tư vấn chế độ dinh dưỡng, thuốc điều trị...
Hỗ trợ tối đa cho cộng đồng
Không nề hà công việc, luôn sẵn lòng hỗ trợ tối đa cho cộng đồng, bác sĩ Chín cũng đã nhận được sự tin yêu của người dân trên địa bàn phường Trần Phú (quận Hoàng Mai), nơi ông đang cư trú. Chính quyền phường và người dân rất cảm động khi bác sĩ Chín đã hỗ trợ toàn bộ hóa chất, cho mượn trang thiết bị phục vụ việc phun khử khuẩn phòng dịch tại các trường học, địa điểm công cộng trên địa bàn phường Trần Phú. Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết hay dịch Covid-19 trong các giai đoạn đều nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ Chín. Từ người già đến trẻ nhỏ ốm sốt, dù đêm hôm gọi, ông cũng lập tức có mặt, tư vấn chăm sóc sức khỏe nhẹ nhàng, ân cần…
Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú Nghiêm Xuân Hùng nhớ lại thời điểm tháng 7-2021, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, nhiều ca mắc trên địa bàn, bác sĩ Chín đã nhiệt tình thăm khám sàng lọc, phân loại giữa bệnh nhân sốt xuất huyết và mắc Covid-19 để tư vấn phác đồ điều trị đúng.
Thêm những câu chuyện giản dị, cảm động trong những ngày chống dịch đang được chính bà con phường Trần Phú kể về bác sĩ Chín đầy mến yêu. Như việc biết tin nhà hàng xóm là F0, bác sĩ Chín buông bát cơm chiều đang ăn dở, đeo vội khẩu trang sang gõ cửa tư vấn. "Bác sĩ Chín không chỉ mang kiến thức mà còn truyền đến sự bình tĩnh, lạc quan và niềm tin cho người bệnh - điều mà cả cộng đồng đang hướng tới để từng bước chiến thắng đại dịch", ông Nghiêm Xuân Hùng cho hay.
Cống hiến hết mình trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, bác sĩ Chín cùng các y, bác sĩ tại Phòng khám Bác sĩ gia đình nhiều năm qua đã duy trì môi trường làm việc ân cần, chu đáo và công khai, minh bạch, dẹp mọi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người bệnh. Nhờ vậy, nơi đây đã trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy của nhiều người dân Thủ đô, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
“Nếu làm việc bằng trọn tâm sức của mình thì ở bất cứ giai đoạn cam go nào, các y, bác sĩ cũng sẽ vượt qua những hy sinh, vất vả để hưởng niềm vui, hạnh phúc riêng có”, bác sĩ Chín chia sẻ.
(Báo Hà Nội Mới)
*Tái nhiễm Covid-19 trong trường hợp nào, nặng hay nhẹ hơn lần nhiễm đầu?
Theo chuyên gia Y tế, tái nhiễm Covid-19 trên cùng 1 biến chủng là cực hiếm, tái nhiễm với 2 biến chủng khác nhau khá phổ biến.
Tái nhiễm nặng hay nhẹ hơn nhiễm lần đầu?
Vừa khỏi Covid-19 trước Tết chừng chục ngày, cuối tháng 2/2022, chị Nguyễn Hồng Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) lại phát hiện tái nhiễm với kết quả PCR dương tính với virus SARS-CoV-2. Lần này, chị Hạnh cho biết, cơ thể mệt mỏi hơn, ngai ngái sốt, đau đầu và ngạt mũi.
Tương tự, anh Nguyễn Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mắc Covid-19 vào cuối tháng 11/2021 nhưng đã tái mắc với kết quả test dương tính ngày 24/2 vừa qua. Theo anh Thành, ở lần nhiễm đầu anh có triệu chứng sốt 37 độ, rát họng và ho theo cơn. Sau khi âm tính trở lại, di chứng kéo dài cả tháng là ho khan, hụt hơi và người nhanh mệt. Và ở lần này các dấu hiệu bệnh cũng tương tự.
Chị Hạnh, anh Thành là hai trong số nhiều ca tái mắc Covid-19 thời gian qua.
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, thời điểm này khi có sự xuất hiện biến chủng Omicron thì người từng nhiễm các biến chủng trước có khả năng tái nhiễm với biến chủng mới này.
Bộ Y tế hiện chưa có con số thống kê về tỷ lệ tái nhiễm nhưng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tái nhiễm trên cùng 1 biến chủng là cực hiếm, tái nhiễm với 2 biến chủng khác nhau khá phổ biến.
"Tuy nhiên cũng cần xác định rõ kết quả của lần nhiễm trước liệu đã chắc chắn đúng hay chưa để khẳng định liệu có tái nhiễm hay không", BS. Khanh cho hay.
Còn BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, một ngày ông tư vấn cho khoảng 100 F0 điều trị tại nhà, 5-10% trong số đó đã khỏi bệnh, nhưng lại có kết quả xét nghiệm dương tính sau 3-4 tuần. Có thể các bệnh nhân này tái nhiễm biến chủng mới.
Tuy cũng có giả thiết kết quả xét nghiệm âm tính đầu tiên chưa chính xác, do bệnh nhân lấy mẫu không chuẩn, hoặc có thể lúc lấy mẫu virus SARS-CoV-2 không còn trong dịch tỵ hầu nữa nhưng vẫn ở sâu trong phổi. Sau khi biết âm tính, bệnh nhân không chú trọng bảo vệ sức khỏe, cơ thể yếu đi khiến virus vẫn còn trong phổi hoạt động trở lại, làm xuất hiện các triệu chứng và xét nghiệm cho thấy tái dương tính.
Chính điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm trùng ban đầu. Muốn chắc chắn xác định là tái nhiễm, cần giải trình tự gen virus.
Có nên tiêm vaccine mũi 3 sau khi nhiễm Covid-19?
BS. Trương Hữu Khanh cho biết: Để trả lời câu hỏi có nên tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3 sau khi đã nhiễm Covid-19 hay không cần dựa các yếu tố như: Liệu có chắc chắn đã mắc Covid-19 hay không; đủ khỏe để tiêm phòng hay không; và nguyên tắc của tiêm là cần đủ khoảng cách miễn dịch mới hiệu quả (thông thường là tiêm mũi 3 cách mũi 2 từ 3-6 tháng)
"Nói chung cần tiêm phòng vaccine Covid-19 mũi cho đúng lịch, bởi khó trả lời việc khẳng định đã từng nhiễm là chắc chắn hay không, do xét nghiệm cũng có lúc sai, trong khi chích ngừa không có hại gì.
Dịch vẫn còn, thì cần tiêm phòng mũi 3 đúng lịch trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng sau tiêm mũi 2", ông Khanh nói.
(Báo Giao thông)
*Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi liều 0,2ml
Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine Pfizer phòng Covid-19 liều 0,2 ml chứa 10 mcg cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Ngày 1/3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký Quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Văn bản 2908 trước đó được ký ngày 12/6/2021.
Theo Quyết định 457 có hiệu lực từ hôm nay, vaccine được phê duyệt có tên Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine).
Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng
Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid).
Còn vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.
Về dạng bào chế:
Đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và Hỗn dịch tiêm;
Trong khi với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
Về quy cách đóng gói:
Đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên, vaccine được đóng gói gồm 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 25 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều.
Đối với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.
Vaccine này do công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ); BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất.
Quyết định 457 này có hiệu lực kể từ ngày hôm nay, 1/3, bãi bỏ Quyết định số 4035/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.