Sáng 13/2: Số trường hợp mắc COVID-19 trung bình tuần qua là 22.366 ca/ngày
Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có hơn 2,2 triệu ca COVID-19 ở nước ta khỏi bệnh; Số trường hợp mắc COVID-19 trung bình tuần qua là 22.366 ca/ngày; F0 trong cộng đồng ở một số tỉnh miền Trung gia tăng...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.484.481 ca mắc COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.160 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.477.326 ca, trong đó có 2.216.122 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (515.669), Bình Dương (293.214), Hà Nội (165.574), Đồng Nai (100.042), Tây Ninh (88.730).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.218.939 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.649 ca, trong đó: Thở ôxy qua mặt nạ: 1.934 ca; Thở ôxy dòng cao HFNC: 298 ca; Thở máy không xâm lấn: 106 ca; Thở máy xâm lấn: 294 ca; ECMO: 17 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 86 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.862 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.657.971 mẫu tương đương 77.715.678 lượt người, tăng 66.635 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 185.254.387 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.203.047 liều, tiêm mũi 2 là 74.674.139 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 31.377.201 liều.
Trung bình số ca COVID-19 mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua: 22.366 ca/ngày
Ngày 12/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 27.311 trường hợp mới tại 60 tỉnh, thành phố, gồm 9 ca nhập cảnh và 27.302 bệnh nhân lây nhiễm trong nước (19.217 ca cộng đồng). So với hôm qua, tổng số mắc tăng 831 ca.
TP Hà Nội dẫn đầu về số ca mắc mới COVID-19 với 2.981 trường hợp, tăng 73 ca so với ngày 11/2. Nam Định đứng thứ hai với 1.842 bệnh nhân, tăng 555 ca so với ngày trước đó...
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch Covid-19
Sau khi số lượng người mắc Covid-19 giảm được ít ngày thì ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc mới lại đang tăng cao. Dự báo số ca mắc mới sẽ còn tăng, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương nâng mức cảnh giác lên cao nhất để có những biện pháp ứng phó phù hợp.
Ghi nhận trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 cho thấy, sau khi giảm về mức 8.500 đến 8.700 ca vào các ngày 2 và 3/2 (mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua), số ca mới đã lại tăng rất nhanh, lên đến hơn 27.300 ca vào ngày 12/2, nhiều nhất từ trước đến nay tại nước ta. Số ca mắc được ghi nhận gia tăng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 là Hà Nội, với số lượng luôn ở mức gần 3.000 ca/ngày, sau đó đến các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên... Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng, Ninh Bình.
Đáng chú ý, số ca mắc mới tăng cao nêu trên đều tập trung vào những ngày sau Tết và phần lớn đều trong cộng đồng. Bộ Y tế đánh giá số ca mắc mới còn gia tăng thời gian tới khi mức độ giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết nhiều sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh; bên cạnh đó, học sinh bắt đầu đi học trở lại... Điều đó đòi hỏi ngành y tế và các địa phương cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Trước tình hình số ca mắc gia tăng, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch Covid-19, trong đó đặc biệt chú ý tới biến thể Omicron. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 và hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc-xin; rà soát, tiêm vét cho đối tượng nguy cơ cao, không bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng. Các địa phương, nhất là các thành phố lớn cần rà soát và lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành phố hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng Covid-19. Chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ngành y tế trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc-xin trong quý I/2022, góp phần kiểm soát dịch bệnh. Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp, trường học, nhà văn hóa... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm; bố trí cơ sở, đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng... Sau khi Chính phủ đã đồng ý và triển khai mua vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị để việc tiêm theo khuyến cáo về mặt khoa học, bảo đảm hiệu quả, thực hiện thận trọng
từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu...
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới cũng như các chuyên gia, đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trước năm 2023. Vì vậy, với Việt Nam, công tác phòng, chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng. Toàn ngành y tế vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó tập trung những nội dung quan trọng là: tăng bao phủ vắc-xin, nhất là với mũi ba cho những đối tượng trên 18 tuổi; bảo đảm việc tiêm cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng như 5K, trong đó biện pháp đeo khẩu trang là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19... Mặt khác, tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là năng lực ứng phó với những ca bệnh diễn biến nhanh, tăng nặng... đáp ứng mọi tình huống về y tế trong mọi bối cảnh, hoàn cảnh.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly theo quy định. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành phố trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử trí theo quy định.
(Báo Nhân dân)
Bác sĩ khuyến cáo những điều trẻ 5-11 cần lưu ý để phòng bệnh khi được trở lại trường học?
TS.BS. Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngoài vấn đề dịch Covid-19, thời điểm đông xuân hiện nay khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh khác về hô hấp, tiêu hóa...
Sau một thời gian dài học online tại nhà, trẻ em 5 - 11 tuổi tại Hà Nội đã và chuẩn bị được quay trở lại trường học. Trong bối cảnh nhóm trẻ này chưa được tiêm vaccine Covid-19, việc bảo vệ sức khỏe rất quan trọng…
TS.BS. Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra một số khuyến cáo về việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ khi trở lại trường học, trong bối cảnh số mắc Covid-19 tại Hà Nội đang tăng cao ở những ngày đầu năm.
Theo TS Nguyễn Thành Nam, thời điểm hiện nay, ngoài vấn đề dịch bệnh, thời tiết mùa đông xuân tại phía bắc khiến trẻ em rất dễ mắc các vấn đề về đường hô hấp, tiêu hóa, nhất là sau khoảng thời gian dài các cháu sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên các kỹ năng phòng vệ cần phải được rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên.
Với bệnh Covid-19, đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ mắc ở trẻ em không có sự khác biệt với người lớn. Tại Việt Nam cũng có ghi nhận trường hợp trẻ em mắc bệnh, kể cả từ lứa tuổi sơ sinh.
Bác sĩ Nam cho biết, phần lớn trường hợp trẻ mắc Covid-19 biểu hiện các triệu chứng nhiễm virus như: sốt, ho, sổ mũi, mệt ... một số trường hợp có kèm theo vấn đề viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo.
Diễn biến nặng đa phần trên những trẻ có bệnh nền, mạn tính như: suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống...
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Nam khuyến cáo: các bậc phụ huynh có trẻ 5-11 tuổi hãy cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì; kiểm soát tốt các bệnh mạn tính; tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập…
Đặc biệt, hướng dẫn, tập luyện thường xuyên cho trẻ các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh bàn tay; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác; để rác thải đúng nơi quy định
Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ: Sốt, viêm long hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.
Cũng theo TS.BS. Nguyễn Thành Nam, nếu trẻ mắc Covid-19, các cha mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà là: trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh. Trẻ vẫn đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khi có những triệu chứng sau: Sốt cao trên 39 độ không kiểm soát được; thở nhanh; nhịp tim nhanh, SpO2 < 95%; đau ngực, dấu hiệu đau đầu, nôn nhiều; kích thích; mệt lả…