Ứng phó với dịch COVID-19 lây lan mạnh
Trước tình hình số ca nhiễm sars-cov-2 tăng mạnh, các địa phương đang phải gồng mình ứng phó với dịch, nỗ lực đáp ứng quản lý điều trị f0, hướng tới giảm tử vong, tránh quá tải y tế.
Số ca mắc tăng “chóng mặt”
Thời gian gần đây, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng vọt tại các địa phương; bên cạnh chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, sự xuất hiện của chủng Omiron cùng với việc mở cửa các hoạt động đã khiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng cao “chóng mặt”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong tuần qua là 124.945 ca/ngày, đa số là ca mắc trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố đang có số ca mắc hàng ngày cao như: Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Sơn La…
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số mắc, đã lên tới trên 30.000 ca bệnh/ngày và chưa biết khi nào sẽ là đỉnh dịch. TP Hồ Chí Minh những tuần gần đây số ca mắc COVID-19 lại tiếp tục tăng, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.700 - 3.000 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng số ca tử vong do COVID-19 là 40.977 ca, chiếm tỷ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.
Theo Bộ Y tế, biến thể Omicron đang có xu hướng gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1). Tại TP Hồ Chí Minh, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Đánh giá về tình hình dịch hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Với số ca mắc tăng cao, dịch COVID-19 đang lây lan mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, đa số người dân đã được tiêm chủng đầy đủ, thậm chí tiêm 3 mũi vaccine, nên dù số mắc cao nhưng tỷ lệ tử vong theo công bố đang ở mức thấp, nhất là so với đợt dịch ở TP Hồ Chí Minh trước đây.
Hiện nay, điều đáng tâm nhất là tỷ lệ tử vong và mức chịu đựng của hệ thống y tế khi thực tế đa số các bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị tại nhà”. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cũng cho rằng: “Chúng ta đã tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao; số người nhiễm tăng nhưng đa số triệu chứng nhẹ. Đặc biệt, chủng Omicron đang tăng và thay thế chủng Delta, số mắc tăng cao nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng giảm. Tuy nhiên khi số ca bệnh trong cộng đồng quá nhiều, số bệnh nhân chuyển nặng cũng sẽ tăng lên ở những người có bệnh nền, người già yếu… gây áp lực lên hệ thống y tế”.
Thực tế, số lượng ca F0 tăng mạnh và việc triển khai quản lý điều trị cho F0 cũng đang là gánh nặng rất lớn của y tế, nhất là y tế cơ sở, người dân gặp nhiều vấn đề trong khai báo, liên hệ với cơ sở y tế, thậm chí nhiều trường hợp không khai báo. Chưa kể, khi y tế quá tải còn dẫn tới các hệ lụy như người dân tự mua thuốc điều trị khiến tình trạng loạn giá thuốc; sử dụng thuốc vô tội vạ ảnh hưởng tới sức khỏe; xảy ra tình trạng tích trữ, găm hàng thuốc, vật tư y tế…
Nhiều biện pháp được triển khai
Trước tình hình quá tải F0, các địa phương đã áp dụng các hình thức quản lý F0 tại địa bàn, huy động các lực lượng hỗ trợ, cùng với triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý F0 để giảm tải…
Đơn cử như tại Hà Nội, hiện các địa bàn đã quản lý F0 thông qua tổ COVID cộng đồng tại các tổ dân phố bằng việc lập nhóm Zalo để hỗ trợ tư vấn điều trị, xác nhận thủ tục cách ly và khỏi bệnh; người dân có thể tự test nhanh tại nhà và gửi hình ảnh hoặc video kết quả đến nhóm quản lý F0 để được xác nhận; hay F0 khai báo thông tin trực tuyến qua các hệ thống như: chamsocsuckhoe. hanoi.gov.vn hay trang chamsocsuckhoe.yte.360.com được quản lý điều trị. Về điều trị người bệnh COVID-19, Hà Nội cũng triển khai tổng đài điện thoại 1022, huy động lực lượng mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng tham gia để hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Chiến lược của Hà Nội là tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, giảm tỷ lệ tử vong. Để tránh quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được về nhà tự cách ly, điều trị, thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây. Hiện, thành phố đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện. Thành phố cũng làm việc với một số bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của trung ương, trực thuộc bộ, ngành để điều trị cho F0. Để giảm tải cho y tế cơ sở, thành phố đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với ngành Y tế huy động nhân lực hỗ trợ y tế cơ sở, từ lực lượng đoàn thanh niên, hội phụ nữ, y tế ngoài công lập, y, bác sĩ nghỉ hưu, lực lượng học sinh, sinh viên trường y…
TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều giải pháp khi số ca nhiễm mới tăng nhanh. “TP Hồ Chí Minh bố trí, sắp xếp lại đối với các cơ sở thu dung, điều trị ở tại các quận huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp, các bệnh viện, khi cần có thể kích hoạt và các đơn vị hoạt động trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao; chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” cập nhật người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện xét nghiệm tầm soát để kịp thời phát hiện F0, từ đó chủ động điều trị; đồng thời phát hiện những trường hợp chưa tiêm vaccine để vận động người dân tiếp tục tiêm. Để hạn chế nguy cơ lây lan từ trẻ mắc COVID-19 sang những người thuộc nhóm nguy cơ, Sở Y tế thành phố có hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà. Với những gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ, gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ sẽ cho trẻ nhập viện điều trị”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các biện pháp hiện nay tập trung vào việc tiếp tục ngăn chặn lây lan, kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế… Cụ thể, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức: “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp linh hoạt khác”.
Cùng với việc thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine phòng COVID-19 trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng, chữa bệnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; chủ trì, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế, bảo đảm hiệu quả, không để quá tải hệ thống y tế, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.
“Mỗi người dân tuân thủ thực hiện tốt quy định phòng dịch, nhất là biện pháp 5K. Người dân cần tránh tâm lý lơ là, buông lỏng cho rằng “ai cũng mắc”; không nên “đánh cược” với sức khỏe, tính mạng của mình. Bởi không ai biết được cơ thể mình có bệnh nền gì, nếu bị mắc COVID-19 sẽ thế nào, có bị diễn biến nặng thậm chí tử vong hay không… Có thể người trẻ, khỏe mắc với triệu chứng nhẹ, nhưng khi lây sang người nhà, nhất là người có bệnh nền, người già sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy mỗi người cần có ý thức phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cho người thân cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.
(Báo Tin tức)
Tiêm gần 200 triệu liều vaccine phòng COVID-19, ca tử vong giảm sâu
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến chiều 12/3, Việt Nam đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 182.227.367 liều, trong đó mũi 1: 70.893.932 liều; mũi 2: 69.243.173 liều; mũi bổ sung: 14.413.543 liều; mũi 3: 27.676.719 liều. Đến nay 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; chỉ còn 1 địa phương có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Bộ Y tế cho biết, trung bình trong 7 ngày qua, tuy số ca mắc tăng cao (153.998 ca nhiễm COVID-19/ngày) nhưng tỷ lệ tử vong giảm, dưới 100 ca/ngày (trung bình trong tuần là 83 ca/ngày). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.228 ca, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số ca nhiễm, trong khi cao điểm nhất tỉ lệ này lên đến trên 2,2%.
Bộ Y tế cho biết, vaccine phòng COVID-19 vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong, giảm nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót người già, người có nguy cơ cao chưa tiêm vaccine.
(Báo Công an nhân dân)
Tuân thủ dự phòng trước biến chủng HIV mới
Biến chủng HIV mới (tên gọi VB) đã khiến người nhiễm chuyển từ giai đoạn HIV sang giai đoạn AIDS chỉ hai đến ba năm, nhanh hơn biến chủng cũ là sáu đến bảy năm. Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết, những đột biến của biến thể HIV khiến cho tác động của nó trở nên nghiêm trọng, dễ lây nhiễm hơn.
Biến chủng mới HIV được phát hiện do nhóm nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, mới được công bố vào tháng 2 năm nay. Theo nghiên cứu, khi đo lường tốc độ và mức độ suy giảm của hệ thống miễn dịch qua tế bào TCD4 (loại tế bào phối hợp phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lây nhiễm), nhóm nghiên cứu phát hiện người nhiễm VB có tải lượng vi-rút (lượng vi-rút trong máu) cao hơn 3,5 đến 5,5 lần so với phiên bản cũ của vi-rút HIV khiến các bệnh nhân có nguy cơ phát triển thành bệnh AIDS (giai đoạn cuối của HIV) nhanh hơn nhiều lần. Với biến chủng mới, ngoài tác động lớn lên hệ thống miễn dịch, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy khả năng lây truyền cao hơn.
Ban đầu nhóm nghiên cứu xác định được biến chủng VB ở 17 người bệnh dương tính, mở rộng phân tích thêm 6.700 trường hợp và xác định thêm 92 người bệnh khác. Dựa trên những phát hiện này, nhóm nghiên cứu đưa giả thuyết nếu không được điều trị sớm, những người mang dòng HIV VB có khả năng phát triển bệnh AIDS chỉ sau hai đến ba năm được chẩn đoán.
Con số phát triển bệnh nhanh hơn rất nhiều so với thời gian trung bình sáu đến bảy năm của những chủng HIV khác. Sự giống nhau về độ tuổi, giới tính, phương thức nghi nhiễm HIV và nơi sinh khiến các chuyên gia cho rằng, hàng trăm đột biến mới có thể là nguyên nhân làm tăng độc lực và khả năng lây truyền của chủng VB. Ngoài ra, các chuyên gia không thể xác định được đột biến di truyền nào trong biến chủng VB khiến nó có độc lực cao như vậy.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng Long, biến chủng HIV mới cũng không đáng lo ngại nếu người có hành vi nguy cơ cao cần phải dự phòng và đi xét nghiệm phát hiện HIV càng sớm càng tốt để được điều trị một cách sớm nhất. Nếu để muộn, số lượng tế bào TCD4 sẽ xuống thấp nghiêm trọng, từ đó dẫn đến hậu quả đáng tiếc trong điều trị bệnh. Hiện nay, thuốc kháng vi-rút (ARV) trong điều trị HIV/AIDS vẫn có tác động, hiệu quả nhất với biến thể mới.
Tuy nhiên, để phòng, chống HIV hay biến thể VB thì người có nguy cơ cao cần sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi, không tiêm chích ma túy. Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện các biện pháp an toàn. Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Nếu bị nhiễm HIV, cần phải điều trị ARV ngay lập tức để kiểm soát nhanh tải lượng vi-rút HIV trong máu.