Hà Nội xây dựng kịch bản ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 đến 3.000 ca/ngày
Sáng 14/12, trao đổi với báo chí, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, từ ngày 11/10 đến 18 giờ ngày 13/12, thành phố đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc Covid-19, trong đó, riêng ngày 12/12 lên tới gần 900 ca.
Hiện, thành phố còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh. Hà Nội đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh; thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; nên dù số ca bệnh bình quân gia tăng mạnh, nhưng thành phố vẫn kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, tâm lý chủ quan còn phổ biến. Tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện “5K” trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.
Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải vào cuộc đồng bộ để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 như chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Tiếp tục làm thật tốt yêu cầu phân cấp, giao quyền cho quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trong phòng, chống dịch bệnh; tập trung nâng cao năng lực y tế quận, huyện, thị xã và cơ sở; tiếp tục coi người dân là trung tâm, chủ thể”.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu 15 đoàn kiểm tra theo phân công, tiếp tục bám sát cơ sở để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy biểu dương, khen thưởng, những nơi làm tốt; phê bình, chấn chỉnh những biểu hiện thiếu trách nhiệm, thiếu quyết tâm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở. Tiếp tục tiêm vaccine mũi 1 phòng Covid-19 cho những người chưa được tiêm, nhất là người có bệnh nền và học sinh cấp trung học cơ sở; tiêm mũi 2 cho học sinh trung học phổ thông đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về mua sắm và tiếp nhận hỗ trợ về thiết bị để bố trí xét nghiệm theo khu vực, bảo đảm trả kết quả nhanh; rà soát và bàn giao các cơ sở thu dung F0 thành phố quản lý cho các quận, huyện chưa có hoặc chưa đủ cơ sở thu dung vận hành phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trực tiếp Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải lãnh đạo, chỉ đạo việc xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng; nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập mới các trạm y tế lưu động; tổ chức quán lý điều trị F0, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả các phường, xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra, giám sát từ cơ sở.
Lưu ý nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2022, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, các cấp, các ngành phải vận động tổ chức tôn giáo tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhưng vẫn phải bảo đảm trang trọng và hạn chế tập trung đông người; tuyên truyền sâu rộng để các vị chức sắc tôn giáo, bà con giáo dân và nhân dân cùng chia sẻ, chung tay với thành phố trong công tác phòng, chống dịch...
Ban Cán sự đảng UBND thành phố có phương án chỉ đạo chung để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trên toàn địa bàn thành phố, nhất là tại các điểm vui chơi, nơi thường tập trung đông người vào những ngày lễ lớn. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là công an có phương án bảo đảm an ninh trật tự, điều tiết phân luồng giao thông tránh tụ tập đông người trong dịp này.
(nhandan.vn)
Hà Nội chủ động, linh hoạt các phương án phòng, chống dịch
Những ngày gần đây, dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng dần, trong đó quận Ðống Ða đã chuyển cấp độ dịch sang cấp độ 3, trở thành vùng cam. Ðây là tình huống đã được dự báo trước và thành phố đã chủ động các phương án phòng, chống dịch theo đúng tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19".
Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 7.412 ca mắc tại cộng đồng (tăng 2.762 ca so với 14 ngày trước đó), tương ứng với tỷ lệ 44 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần. Như vậy, hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2; trong đó có 8 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1; 21 quận, huyện ở cấp độ 2 và duy nhất quận Ðống Ða ở cấp độ 3 (với 1.336 ca cộng đồng được ghi nhận trong 14 ngày qua, tương ứng với 177 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần).
Chủ động các phương án khi chuyển thành vùng cam
Trước khi chuyển sang cấp độ dịch cao hơn, quận Ðống Ða đã huy động tổng lực cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng, chống dịch. Các trạm y tế lưu động đã được kích hoạt sẵn sàng để hướng dẫn, chăm sóc F0 thể nhẹ điều trị tại nhà. Tại Trạm Y tế lưu động số 1 phường Trung Liệt có năm cán bộ, gồm một bác sĩ từ Trung tâm Y tế quận điều động về làm trạm trưởng và bốn nhân viên y tế quản lý và theo dõi danh sách F0, F1 hiện đang cách ly tại nhà và danh sách những người mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai trong khu vực phụ trách.
Theo lãnh đạo quận Ðống Ða, đặc thù của địa bàn là khu đông dân cư, nhà ở của người dân thường chật hẹp, các trường hợp đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà không cao, chỉ chiếm 30%. Hiện quận đang có khoảng hơn 100 F0 được điều trị tại nhà. Trong khi đó, hiện lực lượng y tế quá mỏng. Cụ thể, mỗi trạm y tế phường chỉ có từ 6 đến 10 cán bộ y tế, những trạm y tế ở các phường có khoảng 40.000 dân cũng chỉ có 10 người. Lực lượng của trạm y tế cố định vốn đã rất mỏng và đang quá tải, nay lại phải "chia quân" cho trạm y tế lưu động, nên khối lượng công việc rất lớn. Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, bên cạnh công tác chuyên môn, toàn bộ cán bộ, công chức của phường cũng được huy động tham gia phòng, chống dịch để hỗ trợ lực lượng y tế và công an.
Ðại diện UBND quận Ðống Ða cho biết, từ 12 giờ ngày 13/12/2021, quận áp dụng các biện pháp hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung hơn 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày.
Ngoài ra, UBND quận cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú được phép hoạt động không quá 50% công suất. Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Chủ tịch UBND 21 phường chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND quận trong công tác thực hiện cách ly y tế, quản lý, theo dõi tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn quản lý. Bảo đảm toàn diện về công tác hậu cần, bố trí cơ sở vật chất cho trạm y tế lưu động, bảo đảm an ninh trật tự và các điều kiện khác đáp ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế. Tổ chức triển khai, giám sát, kiểm tra thực hiện cách ly người nhiễm Covid-19 trên địa bàn; không để dịch lây ra cộng đồng, xử lý nghiêm đối với các hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định pháp luật.
Triển khai điều trị F0 tại nhà
Ðể giảm bớt áp lực cho các bệnh viện, cơ sở thu dung và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai việc điều trị F0 tại nhà. Hiện có 438 trường hợp, trong tổng số hơn 9.000 trường hợp F0 ở Hà Nội được điều trị tại nhà.
Một gia đình ở ngõ 84 phố Hoàng Ðạo Thành, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có người dương tính với Covid-19, nhưng đáp ứng đủ các điều kiện nên đã được phép điều trị tại nhà. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Kim Giang đã bố trí hàng rào, biển thông báo "Khu vực cách ly tạm thời" trước cửa căn nhà để mọi người được biết, đồng thời, lắp đặt camera và thông báo cho người dân chung quanh, tổ Covid-19 cộng đồng biết để phối hợp giám sát. Thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được người thân của gia đình đem đến treo ở cửa. Hằng ngày, công nhân vệ sinh môi trường tới thu gom rác. Người bệnh cho biết, do triệu chứng nhẹ và vẫn được ở nhà, nên tâm lý khá thoải mái, không áp lực như đi điều trị tập trung.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Ðặng Khánh Hòa cho biết, sau quá trình rà soát, quận Thanh Xuân xác định hơn 50.000 hộ đủ điều kiện cách ly F1, F0 tại nhà khi cần thiết. Quận đã thành lập 33 "Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà" với 122 thành viên để hỗ trợ cho các trạm y tế, trạm y tế lưu động. Tổ hỗ trợ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ người nhiễm Covid-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà, thông báo ngay cho cán bộ y tế của trạm y tế phường, trạm y tế lưu động. Cùng với đó, phối hợp điều phối, vận chuyển người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng, vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi phát sinh...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Ðình Hưng cho biết, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, từ đầu tháng 12/2021, thành phố Hà Nội đã triển khai điều trị F0 tại nhà. Nhằm hỗ trợ theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội và các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai phần mềm kết nối điều trị F0 tại nhà tại nhánh 3, tổng đài 1022. Khi phát hiện là F0, người bệnh sẽ đăng nhập tài khoản, cập nhật đầy đủ thông tin người bệnh, lịch trình di chuyển; phần mềm sẽ sàng lọc bệnh nhân theo cập nhật tình hình sức khỏe người bệnh hằng ngày và sẽ có cảnh báo khi phát hiện bất thường về sức khỏe người bệnh. Trong phần mềm có phản hồi tin nhắn, tương tác hai chiều giữa người bệnh và thầy thuốc. Phần mềm cũng xác nhận người bệnh, sau khi kết thúc điều trị có tin nhắn thông báo cho người bệnh…
Ðồng thời, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ 6.000 túi thuốc điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 cho 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã để cấp cho người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà. Ngày 5/12, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến về việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện. Trả lời công văn này, Bộ Y tế hướng dẫn, với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày. Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
(nhandan.vn)
Việt Nam có trên 1,1 nghìn ca COVID-19 nặng phải thở máy
Theo Bộ Y tế, đến nay, hơn 1,05 triệu ca COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh, đang điều trị hiện có 7.730 ca nặng.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.423.004 ca, trong đó có 1.053.095 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.055.912 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.730 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.321 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.256 ca; Thở máy không xâm lấn: 317 ca; Thở máy xâm lấn: 817 ca; ECMO: 19 ca
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 228 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.081 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 27.996.114 mẫu cho 71.332.580 lượt người. Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 132.873.501 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.907.297 liều, tiêm mũi 2 là 57.966.204 liều.
Tại Cà Mau trong số 793 ca mắc COVID-19 ngày 13/12 có đến 616 ca cộng đồng. Tính đến ngày 13/12, Cà Mau đã có 17.187 ca mắc COVID-19; hiện đang điều trị 8.523 ca; trong ngày 2 ca tử vong, cộng dồn 72 ca. Sở Y tế Cà Mau vừa có công văn gửi đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước mong nhận được sự hỗ trợ thuốc kháng virus hoặc tạo điều kiện cho tỉnh được mua thuốc kháng vi rút để điều trị cho người bệnh COVID-19 trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Theo đó, địa phương này đang cần 30.000 liệu trình thuốc Molnupiravir và 10.000 liệu trình thuốc Favipiravir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Bến Tre ghi nhận thêm 745 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 743 ca cộng đồng. Trong ngày tử vong 3 ca, số ca tử vong cộng dồn 90.
Đồng Tháp có số ca mắc COVID-19 cao với 740 người, trong đó có 319 ca cộng đồng. Trong ngày thêm 10 ca tử vong nâng số ca tử vong lên 365. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, trong tuần từ ngày 6 đến 12-12, Đồng Tháp đã ghi nhận 5.086 ca mắc mới, nâng tổng số lên 31.046 ca COVID-19.
Trước tình hình này, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp đã quyết định nâng các huyện Tháp Mười, Lai Vung và TP Sa Đéc từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, riêng huyện Châu Thành đã thực hiện cấp độ 3 hơn 2 tuần qua. Có 7 huyện, thành phố có cấp độ 2 gồm: Lấp Vò, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng và TP Cao Lãnh. Hiện chỉ có TP Hồng Ngự thuộc cấp độ 1.
TP Cần Thơ có thêm 680 ca mắc mới và 13 ca tử vong. Tính từ ngày 8/7 đến nay, Cần Thơ đã ghi nhận 38.258 ca mắc COVID-19, trong đó có 21.043 ca khỏi bệnh và 325 ca tử vong.
Vĩnh Long ghi nhận 581 ca mắc COVID-19, trong đó 405 ca cộng đồng; trong ngày thêm 4 ca tử vong nâng số ca tử vong lên 161.
Trà Vinh ghi nhận 476 ca mắc mới COVID-19, trong ngày thêm 5 trường hợp tử vong, nâng số ca tử vong lên 75. Tổng ca mắc cộng dồn 12.463 đã điều trị khỏi 3.950 ca.
Sóc Trăng có thêm 352 ca mắc COVID-19, và có 7 ca tử vong. Đến nay tỉnh đã có 25.184 ca mắc, trong đó có 19.232 ca khỏi bệnh, 174 ca tử vong.
Bạc Liêu có 334 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó 132 ca cộng đồng. Số ca tử vong trong ngày 4, nâng số tử vong lên 169 trường hợp.
Chiều tối ngày 13/12, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành cập nhật, công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và áp dụng bổ sung Quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày. Thời gian áp dụng từ ngày 14/12/2021. Đối với cấp tỉnh là cấp 3 - nguy cơ cao (vùng cam).
Tiền Giang có 322 ca COVID-19, trong đó 57 ca cộng đồng, 265 ca trong khu cách ly, thêm 12 ca tử vong trong ngày, nâng số ca tử vong lên 684.
An Giang ghi nhận 300 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 224 ca cộng đồng. Trong ngày có 28 trường hợp tử vong, lũy kế bệnh nhân tử vong là 647 ca.
Kiên Giang thêm 296 ca COVID-19, trong đó 103 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 24.915, ca điều trị khỏi 21.495.
(phapluatplus.vn)
Vì sao cần tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em?
Theo các chuyên gia, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cho những người xung quanh trước dịch bệnh COVID-19. Với gần 6,9 triệu liều vaccine đã được tiêm cho trẻ em, tỷ lệ trẻ tử vong sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam là rất thấp so với thế giới.
Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi, sử dụng vaccine Pfizer. Dự kiến, có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết ngày 10/12, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được gần 6,9 triệu liều cho nhóm trẻ trên, trong đó có gần 5,69 triệu liều mũi 1 và hơn 1,2 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 62,3% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 13,2% dân số từ 12 -17 tuổi.
Tại cuộc họp ngày 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vaccine và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine để đạt mục tiêu đề ra; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vaccine, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố.
Thủ tướng cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu tới 31/1/2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Nhận định chung, các chuyên gia đều khẳng định, tiêm ngừa vaccine là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn cho cả cộng đồng.
Đối với trẻ em, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhận định, theo ghi nhận tới thời điểm này, phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 đều vượt qua rất nhẹ nhàng. Tại Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị COVID-19 ở trẻ em, Bộ Y tế đã thông tin, virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên COVID-19 trẻ em ít gặp hơn. Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.
Thế nhưng, vị chuyên gia khẳng định, vaccine vẫn phải coi là một giải pháp cần thiết bởi hai lẽ: một là trẻ mắc COVID-19 chính là nguồn lây cho cộng đồng; hai là, tiêm vaccine sẽ giúp các em hòa nhập được với cộng đồng.
Riêng với trẻ béo phì, có bệnh nền, đây là đối tượng càng cần phải tiêm sớm, tiêm trước trong bệnh viện vì trẻ có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc COVID-19.
“Trường hợp bé trai 9 tuổi nhập viện Nhi đồng 2 TP.HCM cấp cứu hồi cuối tháng 11 là một ví dụ. Bé bị thừa cân, lại bị “cơn bão cytokine” tấn công sau khi mắc COVID-19. Lúc nhập viện, da bé tím tái, độ bão hòa oxy thấp, huyết áp, mạch không ổn định. Cậu bé phải chạy ECMO nhiều ngày mới qua nguy kịch, dần hồi phục”, BS Trương Hữu Khanh lưu ý.
Về nguy cơ tai biến sau tiêm chủng, theo BS Khanh, cần phải nhìn nhận một cách khách quan và khoa học. Với tổng số gần 6,9 triệu liều vaccine đã được tiêm, tỷ lệ trẻ tử vong sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam là rất thấp so với thế giới.
Mặt khác, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, vaccine COVID-19 đang được giám sát về mức độ an toàn với chương trình giám sát an toàn toàn diện và nghiêm ngặt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. CDC giám sát mức độ an toàn của tất cả các loại vaccine COVID-19 sau khi vaccine được cấp phép hoặc phê duyệt sử dụng, bao gồm cả nguy cơ viêm cơ tim ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
"Phản ứng dị ứng nghiêm trọng, như sốc phản vệ, có thể xảy ra sau khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào, kể cả vaccine COVID-19, nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra", CDC Hoa Kỳ thông tin.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi để phát hiện kịp thời, xử lý sớm nhất những phản ứng phản vệ nặng.
"Đối với trẻ em sau tiêm ngừa, đặc biệt là trẻ trai, không vận động quá nặng trong vòng 72 giờ đầu và hạn chế vận động trong vòng 28 ngày. Khi trẻ thấy choáng váng, tức ngực, mạch nhanh thì phải đi viện ngay. Khi những triệu chứng như vậy được phát hiện sớm, đa phần không ảnh hưởng đến tính mạng", BS Trương Hữu Khanh lưu ý thêm.
Tiêm vaccine để tạo kháng thể bảo vệ lâu dài cho trẻ
Từ một góc độ khác, TS.BS Trương Tấn Minh, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng tỉnh Khánh Hòa khẳng định, tiêm chủng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa một số bệnh khi chưa thuốc điều trị và giúp cho trẻ an toàn hơn.
Khi tiêm chủng chắc chắn sẽ có phản ứng phụ - dù ở một tỷ lệ vô cùng thấp, song những phản ứng phụ này còn do cơ địa từng người.
"Muốn phòng ngừa bệnh và hạn chế tối đa những diễn biến nặng khi mắc bệnh thì phải tiêm vaccine và chấp nhận một sự thật khoa học là sẽ có những phản ứng phụ ở bất cứ loại vaccine nào. Nếu vì có tai biến trong tiêm vaccine mà quay lưng với vaccine, không tiêm chủng thì nguy cơ còn lớn hơn nhiều và điều này đã được chứng minh ở một số nước trên thế giới khi đối diện với đại dịch COVID-19.
Và dù khi trẻ mắc COVID-19, đa phần đều là diễn biến nhẹ và qua khỏi nhanh nhưng chúng ta không nên và không thể ỷ lại vào điều đó. Phải đảm bảo trẻ được chích vaccine để tạo kháng thể bảo vệ lâu dài”, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.
Vị chuyên gia khẳng định, với những trường hợp đã được chích vaccine COVID-19, nếu bị mắc bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ so với những người không tiêm vaccine. Tiêm vaccine vẫn là cách hình thành khả năng miễn dịch an toàn và hiệu quả hơn nhiều so với việc bị nhiễm virus và mắc bệnh COVID-19. Các công ty sản xuất vaccine cũng đã thực hiện nghiên cứu vaccine trên nhiều đối tượng, nhiều quốc gia, vì vậy, việc triển khai tiêm phòng vaccine cho trẻ là hoàn toàn có cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, quy trình xử lý sự cố trong quá trình tiêm chủng và theo dõi sau tiêm... Đội ngũ nhân viên y tế đã được đào tạo đầy đủ các quy trình này. Bởi vậy, phụ huynh có thể yên tâm khi cho trẻ tiêm chủng.
Ngày 8/12, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo thống kê chung của thế giới và Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do SASR-CoV-2 của Việt Nam vẫn thấp so với thế giới.
“Bộ Y tế cũng đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các sở y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong. Bước đầu chúng tôi nhận định, các ca bệnh COVID-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Để hạn chế tối đa người mắc COVID-19 tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19. Đó là, tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỉ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.
“Cùng với việc cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị, khi các loại thuốc điều trị COVID-19 được đưa về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thế giới và trong nước, sẽ góp phần rất tốt trong điều trị, giảm thiểu bệnh nhân tử vong”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.